Thời đại phụ nữ Ấn Độ bay vào không gian

Thứ Ba, 08/05/2018, 22:45
Ngày 24-9-2014, các nhà khoa học Ấn Độ đã đưa thành công một vệ tinh tên gọi Mangalyaan vào quỹ đạo quanh sao Hỏa và sau đó một bức ảnh nhanh chóng lan truyền cho thấy nhóm phụ nữ mặc sari truyền thống có mặt trong trụ sở Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) ở thành phố Bangalore thuộc bang Karnataka miền nam nước này.

Họ chính là những nhà khoa học giỏi hoạt động trong lĩnh vực không gian vốn trước đây chỉ dành cho nam giới. Về sau, ISRO chính thức tuyên bố bức ảnh chụp nhóm nhà khoa học nữ làm việc cho sứ mạng sao Hỏa và họ đang ở trong phòng kiểm soát vào thời điểm phóng vệ tinh. Vệ tinh Mangalyaan được phóng ngày 5-11-2013 từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawam ở Sriharikota nằm trên bờ biển Vịnh Bengal.

Những “phụ nữ không gian” nổi tiếng Ấn Độ (từ trái qua): Ritu Karidhal, Anuradha TK và Nandini Harinath.

Khi còn là cô bé ở thành phố Lucknow miền bắc Ấn Độ, Ritu Karidhal thường quan sát bầu trời và khao khát một ngày nào đó sẽ tìm hiểu về nó. Karidhal “muốn biết về kích thước của Mặt Trăng, tại sao nó hay thay đổi kích thước” và cũng muốn biết “những gì nằm đàng sau không gian tối đen”.

Lớn lên, Karidhal trở thành sinh viên ngành khoa học, yêu thích môn vật lý và toán học. Karidhal lùng sục những bài viết về những dự án của NASA (Cơ quan hàng không và Vũ trụ Mỹ) và ISRO trên mọi tờ báo, cắt chúng ra để đóng thành bộ sưu tập, đọc ngấu nghiến từng chi tiết nhỏ nhất về bất cứ thông tin gì liên quan đến khoa học không gian. Sau khi tốt nghiệp đại học, Ritu Karidhal quyết định “xin việc ở ISRO do đó mới chính là con đường đúng giúp cho tôi trở thành nhà khoa học không gian”.

Nay, đã 19 năm trôi qua, Karidhal tham gia vào vài dự án tại ISRO bao gồm sứ mạng chinh phục sao Hỏa (bắt đầu được triển khai vào tháng 4-2012) – cơ hội cho bà và các đồng nghiệp nổi tiếng trên thế giới.

Karidhal nhớ lại: “Thách thức lớn là chúng tôi không kế thừa được bất cứ sứ mạng liên hành tinh nào, trong khi chúng tôi phải làm rất nhiều việc trong giai đoạn ngắn. Cánh phụ nữ chúng tôi thường ngồi bàn luận với các kỹ sư, mỗi người đều cố gắng động não, không ai còn nghĩ đến thời gian. Chúng tôi vẫn làm việc vào những ngày cuối tuần”.

Người mẹ của 2 đứa con, Ritu Karidhal cho biết: “Tôi có được sự ủng hộ đáng kể từ gia đình tôi, chồng tôi và anh chị em. Lúc thực hiện dự án sao Hỏa, con trai tôi 11 tuổi và con gái chỉ mới lên 5. Nhưng mặc dù công việc có bộn bề, tôi vẫn về nhà coi sóc con cái, vui đùa với chúng”. Người ta thường mô tả đàn ông đến từ sao Hỏa (hành tinh biểu tượng cho sức mạnh), còn phụ nữ đến từ sao Kim (biểu tượng của tình yêu); nhưng sau sự thành công của dự án sao Hỏa, nhiều người gọi các nhà khoa học nữ Ấn Độ là “những phụ nữ đến từ sao Hỏa”.

Karidhal nói: “Tôi là một phụ nữ Ấn Độ có được cơ hội đáng kinh ngạc. Sứ mạng sao Hỏa là thành tích, nhưng chúng tôi cần phải làm việc nhiều hơn nữa. Đất nước cần nhiều hơn từ chúng tôi”. Ai giỏi hơn các nhà khoa học nữ để làm điều đó?

Bộ phim Star Trek trên tivi là động cơ đầu tiên thúc đẩy Nandini Harinath đến với khoa học không gian. Harinath kể: “Mẹ tôi là giáo viên môn toán còn cha là kỹ sư nhưng lại thích môn vật lý. Gia đình chúng tôi rất mê bộ phim Star Trek và khoa học viễn tưởng. Chúng tôi thường cùng ngồi xem Star Trek trên tivi”.

Dĩ nhiên, vào lúc đó, Harinath chưa hề nghĩ đến chuyện bản thân sẽ trở thành nhà khoa học không gian vào một ngày nào đó. Sứ mạng sao Hỏa chính là đỉnh cao sự nghiệp cuộc đời Harinath. Bà tâm sự: “Sứ mạng không chỉ là nhiệm vụ của ISRO mà còn là kế hoạch cực kỳ quan trọng của đất nước cũng như mở ra cơ hội hợp tác với các quốc gia nước ngoài.

Với sứ mạng sao Hỏa, lần đầu tiên ISRO cho phép công chúng quan sát những gì đang diễn ra bên trong tổ chức. Chúng tôi có mặt trên mạng xã hội, sở hữu trang Facebook riêng. Tôi cảm thấy hãnh diện vì thành tích của chúng tôi. Đôi khi tôi cảm thấy mình được tôn trọng, mà có lúc cũng cảm thấy bối rối.

Hiện nay, mọi người nhìn chúng tôi với cặp mắt rất khác. Mọi người công nhận bạn là nhà khoa học. Điều đó khiến cho tôi vui lòng”. Nhưng, những ngày làm việc rất dài và khổ nhọc. Thời gian đầu, các nhà khoa học làm việc khoảng 10 giờ/ngày, nhưng khi ngày phóng vệ tinh đến gần, họ làm việc đến 12 hay 14 giờ/ngày.

Harinath cho biết: “Trong thời gian phóng vệ tinh, chúng tôi chỉ ghé tạt về nhà vào buổi trưa để ăn vội và ngủ vội rồi trở lại cơ quan ngay lập tức. Nhiều người trong nhóm chúng tôi không ngủ đêm. Điều rắc rối hơn nữa lại xảy đến ngay giữa lúc sứ mạng sao Hỏa bước vào cao điểm: con gái của Harinath bắt đầu bước vào thời gian thi cử.

“Nó giống như cuộc chạy đua với thời gian. Tôi phải thức dậy lúc 4 giờ sáng cùng với con gái. Hiện nay, con gái tôi học trường Y. Tôi nghĩ đó là phần thưởng xứng đáng cho mọi nỗ lực. Sứ mạng sao Hỏa là thành tích khổng lồ nhưng nó đã thuộc về quá khứ. Chúng tôi cần phải nhìn về tương lai. Còn quá nhiều hành tinh để khám phá”.

Nandini Harinath, phó giám đốc chiến dịch ở ISRO, chuyên trách công việc gửi vệ tinh liên lạc vào không gian cách trung tâm Trái Đất ít nhất 36.000km. Harinath, nhà khoa học nữ đã trải qua 34 năm làm việc cho ISRO, lần đầu tiên suy nghĩ đến không gian là lúc lên 9 tuổi.

“Đó là thời gian phóng phi thuyền Apollo và Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng. Lúc đó, nhà chúng tôi không có tivi cho nên tôi chỉ nghe thông tin từ cha mẹ và giáo viên. Cuộc chinh phục chấp cánh cho trí tưởng tượng của tôi. Tôi đã viết một bài thơ về người đàn ông bước trên Mặt Trăng bằng tiếng Kannada quê hương của tôi”.

Được coi là hình mẫu ở ISRO, Anuradha TK công nhận rằng giữa phụ nữ và khoa học không hề có chất keo liên kết nhưng “tôi không tin là những cô gái Ấn Độ coi khoa học không có ý nghĩa gì đối với họ”.

Khi Anuradha TK làm việc cho ISRO năm 1982, tổ chức chỉ có vài gương mặt phụ nữ: “Trong lứa tuổi của tôi, chỉ có 5 hay 6 kỹ sư nữ gia nhập ISRO. Ngày nay, phụ nữ chiếm hơn 20% trong lực lượng 16.000 người của ISRO”.

Nuradha TK cho biết tại ISRO, giới tính không là vấn đề và chính sách tuyển mộ cũng như thăng chức hoàn toàn tùy thuộc vào việc “chúng tôi hiểu biết những gì và có những đóng góp như thế nào. Đôi khi, tôi cũng quên bẵng mình là phụ nữ ở ISRO. Bạn sẽ không bị phân biệt đối xử bởi vì là phụ nữ. Tất cả đều bình đẳng ở ISRO”.

Nuradha TK cho rằng việc ngày càng có thêm nhiều gương mặt nữ ở ISRO có thể khuyến khích những phụ nữ khác mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực khoa học.

Diên San (tổng hợp)
.
.