Thông tin qua Google: Miếng mồi ngon của các cơ quan đặc biệt?
Cựu Giám đốc CIA và NSA, Michael Hayden, đã nửa đùa nửa thật khi phát biểu rằng: “Nó bao gồm các tin nhắn văn bản, lịch sử duyệt web, các hoạt động tìm kiếm, hay thậm chí thu thập thông tin ngay mỗi lần truy cập! Đoán xem là chuyện gì? Đó là Google, chớ không phải NSA làm”. Nhưng làm thế nào mà Google lại có thể so sánh với một cơ quan tình báo như NSA? Làm thế nào nó có thể lấy được thông tin đáng tin cậy và vượt khỏi Tình báo nguồn mở (OSINT)?
Nguồn thu thập dữ liệu cá nhân khổng lồ?
Là một webmail khổng lồ (425 triệu người dùng Gmail trong năm 2012 – Nguồn: Google I/O 2012) và là nhà cung cấp tin nhắn tức thì với Hangouts, Google đã tiếp cận vào các hoạt động liên lạc thường nhật của hàng triệu cá nhân, công ty và tổ chức. Đặc quyền tiếp cận viễn thông liên lạc trên toàn thế giới đã giúp cho Google cơ hội để trở thành một cơ quan tình báo liên lạc (COMINT) mà quyền lực không hề kém cạnh so với NSA hay GCHQ.
Việc lưu trữ thông tin người dùng e-mail và phát các tin nhắn tức thì của họ bằng âm thanh và video khiến cho Google có được kiến thức sâu về thói quen, ý định và dự án của người dùng cả cho vấn đề cá nhân, chuyên môn hoặc thương mại. Những dạng thông tin liên lạc dạng này đã được lưu trên máy chủ của Google, và nó có thể được dùng như một kho dữ liệu tình báo mạnh mẽ. NSA chỉ lưu trữ các dữ liệu có giá trị tình báo nước ngoài, còn những dữ liệu khác thường bị tự động xóa sau 5 năm.
Rủi ro như thế nào nếu nhân viên của Google vi phạm riêng tư và chính sách nội bộ? Google có nhiều thông tin về thường dân trong kho dữ liệu và điều này hấp dẫn các nhân viên của hãng muốn khám phá, ngược lại thông tin mà NSA thu thập chỉ thuần về quân sự và khủng bố nên ít hấp dẫn hơn. Và Google cũng muốn bảo vệ những thông tin này chống lại các cơ quan tình báo. Điều này cũng áp dụng đối với các dạng gửi hay nhận tin nhắn SMS và MMS của người dùng, khi người sử dụng Android đã gửi 20 tỷ tin nhắn mỗi ngày. Kho dữ liệu dùng cho tin nhắn SMS của NSA thông qua hệ thống Dishfire chỉ gửi khoảng 200 triệu tin nhắn/ngày.
Google đang mở rộng các dịch vụ gọi thoại của mình, như các cuộc gọi tới số cố định và số di động được thực hiện từ Hangouts bởi bất kỳ người dùng nào khi xài Gmail, Google+ và Chrome, ngay cả khi họ không dùng thiết bị Android. Thậm chí Google còn muốn tung ra truy cập Internet tới những vùng sâu xa ở Phi Châu thông qua khinh khí cầu chạy điện mặt trời, và nó cũng tạo điều kiện cho NSA khi khai thác liên lạc ở những vùng xảy ra xung đột bạo lực ở lục địa đen.
Với dịch vụ Gmail, Google có quyền truy cập vào hàng loạt thông tin nhạy cảm của các cá nhân như tên, số điện thoại, địa chỉ hay thậm chí cả số an ninh xã hội. Tất cả các hoạt động từ thói quen mua hàng, thói quen đọc sách, hoặc đăng ký (kênh yêu thích) cho đến thông tin bí mật đều có thể được trích xuất từ email bằng cách dùng phần mềm có sẵn, và dễ bị khai thác bởi các chuyên gia tình báo.
Ngoài ra, danh sách liên hệ từ các dịch vụ như Gmail, Hangouts, Google+ và từ các hệ điều hành như Android và Chrome OS sẽ là nguồn giá trị cho các nhà phân tích tình báo khi họ cho phép nhận dạng những mối liên hệ giữa các cá nhân và phân tích mạng xã hội. Những thông tin quan trọng có thể được truy xuất trong email chẳng hạn như chi tiết về các dự án công nghiệp, những đề nghị kinh doanh và những thông tin liên lạc hàng ngày trong các công ty. Nhiều công ty sử dụng tệp đính kèm Gmail để gửi và nhận các tài liệu công ty, hoặc sử dụng Google Drive để lưu thông tin.
Gần đây, Google loan báo rằng 58% các công ty được niêm yết trên Fortune 500 đã sử dụng các dịch vụ của hãng, và 66% trong số “50 công ty khởi nghiệp hàng đầu”, cũng như trong số 100 trường đại học tốt nhất thì có 72 trường dùng Google. Google Search, dịch vụ đầu tiên được cung cấp bởi Google kể từ năm 1998, đang nhận khoảng 100 tỷ lượt tìm kiếm mỗi tháng và nó là công cụ tuyệt vời cho các chuyên gia tình báo làm việc hàng ngày. Trình thu thập thông tin tìm kiếm của Google sẽ quét vào các trang web để tìm ra các URL, chúng có thể ghi, thu thập và lưu vào bộ nhớ bất kỳ loại nội dung văn bản nào, hình ảnh, video và tệp âm thanh, và phần lớn các định dạng tài liệu như Word và PDF.
Bằng cách sử dụng các toán tử nâng cao, Google có thể được dùng để lần ra những thông tin bị thất lạc cùng những lỗ hổng bảo mật khác. Nếu có một ứng dụng có thể đọc nỗi sợ hãi, suy nghĩ sâu kín nhất hoặc tham vọng của ai đó như Edward Snowden từng cảnh báo về khả năng của NSA, thì không gì khác chính là Google Search.
Dự án Tango của Google với mục đích phát triển các cảm biến mới dùng cho những thiết bị di động nhằm lập bản đồ xung quanh dưới dạng 3D. Ảnh nguồn: Trusted Reviews. |
Nhận dạng cá nhân và các mục tiêu
Google Search cũng khai thác những thống kê nâng cao, phân tích hành vi của người dùng, nhận dạng người dùng đơn lẻ cùng định vị họ. Bằng cách sử dụng cookies và dữ liệu liên lạc được ghi lại bởi Google cho mỗi đợt tìm kiếm như địa chỉ IP, tác nhân người dùng và các cụm từ tìm kiếm, người dùng Google có thể bị nhận dạng và định vị ở một mức độ xác định.
Việc ghi lại chính xác các cụm từ tìm kiếm từ một người dùng được xác định, công ty hay tổ chức, có thể giúp cho chuyên gia tình báo tạo ra những bộ lựa chọn mới mẻ, hiệu quả hơn cho thu thập tình báo và đánh chặn thông tin liên lạc dựa trên sự quan tâm của người dùng và những tìm kiếm duy nhất.
Ví dụ, nhiều công ty vẫn sẽ dùng Google để tìm kiếm các triển vọng kinh doanh mới, đối tác hay nhà cung cấp. Cánh nhà báo kiểm tra nguồn tin bằng cách dùng Google. Giới học giả và khoa học gia thực hiện các nghiên cứu bằng tìm kiếm Google, hé lộ thông tin chính xác về thứ họ đang tìm kiếm và những gì họ đang làm.
Dù vướng vào các lệnh trừng phạt từ Châu Âu, nhưng Ban công tác 29 (G29) của Google vẫn khăng khăng cho rằng địa chỉ IP không can thiệp vào dữ liệu cá nhân, không liên quan với dữ liệu từ cookies, vì lẽ đó không nên đối xử như liên quan đến các vấn đề về quyền riêng tư. Một lần nữa điều này nói lên những quan điểm khác nhau về quyền riêng tư ở Châu Âu và Mỹ.
Google không khuyến khích cá nhân dùng tên giả mà thay vào đó yêu cầu người dùng đăng ký tên thật của họ nếu không tài khoản có nguy cơ bị treo. Khi người sử dụng dùng dịch vụ của Google sau khi đã đăng nhập hoặc kích hoạt Cookies của Google, thì tất cả hoạt động mạng của họ chuyển tiếp trên mạng Google đều có thể truy nguyên ra họ.
E-mail, tin nhắn tức thì, các tài liệu cá nhân, video và hình ảnh, tất cả đều do Google lưu trữ và có thể được dùng để tạo ra hồ sơ chính xác và hoàn chỉnh của một cá nhân.
Dịch vụ Google+ Photos của Google còn có khả năng nhận diện tự động và gắn khuôn mặt người dùng trong các bức ảnh khi người dùng tải lên. Gần đây Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) hoặc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp (DGSE) đã mua phần mềm thương mại của Google để thu thập video và ảnh đăng trên mạng dùng cho các mục đích tình báo.
Năm 2010, Google đã đầu tư 100 triệu USD vào Recorded Future (một công ty chuyên về khai thác dữ liệu, thống kê tiên tiến, giám sát lưu lượng mạng và tình báo quốc phòng), công ty này cũng được thành lập bởi In-Q-Tel, một hãng đầu tư công nghệ của CIA. Bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập thông qua Google Voice Search và Google Now, các kỹ thuật viên tình báo có thể xây dựng nên kho dữ liệu âm vị lớn để nâng cao những thuật toán nhận dạng, hoặc xác định âm đơn lẻ của người dùng từ giọng nói của họ.
Thông tin từ hoạt động do thám người dùng thông qua Google bị nghi ngờ sử dụng bất hợp pháp. Ảnh nguồn: Bloomberg. |
Lập bản đồ và định vị mọi nơi
Vào năm 2004, Google đã mua lại Keyhole, công ty được trao ngân sách hoạt động bởi CIA và NGA, đã phát triển ra công nghệ tạo nên Google Earth – một sản phẩm của Google giúp cung cấp cho người dùng những dạng bản đồ và hình ảnh vệ tinh thương mại trên khắp thế giới. Các sáng kiến lập bản đồ khác của Google có thể kể đến là Google Maps và Street View.
Google Earth được sử dụng bởi nhiều chuyên gia tình báo cho dù họ làm việc trong các cơ quan chính phủ hay nhà thầu tư nhân, và thường được vào danh sách như là một thứ công cụ phổ biến trong nghề tình báo. Gần đây Google đã mua lại công ty hình ảnh Skybox nhằm tận dụng lợi thế của chòm sao vệ tinh đang phát triển của hãng này. Google cũng thu thập thông tin mặt đất và cải thiện khả năng lập bản đồ nhờ Street View.
Với Street View, Google có thể lấy được thông tin chi tiết và tươi mới về các tòa nhà, những cơ sở lắp đặt và công trình xây dựng, ngoài ra có thể chụp ảnh ở những nơi hẻo lánh hoặc khu vực bị hạn chế như các căn cứ quân sự hoặc những cơ sở tình báo (như cơ sở MI-5 ở Anh, trạm DGSE ở Pháp).
Quyền truy cập vào các bức ảnh và thông tin không gian địa lý đã được Google thu thập thông qua Google Maps, Street View, Google Earth và Panoramio, cũng như người dùng tải nội dung lên đám mây và chúng được săn đón bởi các kỹ thuật viên tình báo. Google cũng kiên nhẫn sử dụng kho dữ liệu của các điểm truy cập Wi-Fi, các điểm phát sóng và tháp di động có chứa những địa chỉ MAC, BSSID và Cell ID. Dữ liệu này được thu thập bởi xe hơi, các nhà thầu có xài Street View.
Kho dữ liệu tạo nguồn từ đám đông trên toàn cầu này cực kỳ chi tiết, chính xác và thường xuyên được cập nhật. Việc truy cập các thông tin này sẽ giúp cho các kỹ thuật viên tình báo dùng chúng để phân tích hành vi, giám sát từ xa, phân tích pháp y và mạng xã hội. Những hoạt động này rất có giá trị cho những cơ quan tình báo như NSA, vì một số tài liệu của Edward Snowden đã cho thấy rằng họ đã nỗ lực rất nhiều vào việc lập bản đồ như các mạng liên lạc “từ bên ngoài”.
Tổng hành dinh Google tại Sanra Clara (California, Mỹ). Ảnh nguồn: ZDNet. |
Thế lực tình báo mạnh?
Theo báo cáo minh bạch của Google thì trong năm 2013, hãng này đã tuân thủ hàng ngàn yêu cầu dữ liệu người dùng từ chính phủ các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Đức, Anh, Brazil hoặc Italy. Trong các chương trình thu thập tình báo gần đây của NSA và FBI, dữ liệu người dùng đều được yêu cầu tính pháp lý, như không cho phép Google thông báo yêu cầu của người dùng.
Thêm nữa, những nỗ lực trao cho NSA truy cập vào dữ liệu của Google đã không cần yêu cầu pháp lý. Có một sự thật rằng Google là một tổ chức tình báo núp bóng một công ty thương mại để dễ bề hoạt động. Trong những năm gần đây, Google tự hành động, tự quét các email và nội dung có dấu hiệu đáng ngờ trên quy mô lớn.
Từ quan điểm tình báo, cách tiếp cận “biết tất cả” của Google đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực khai thác dữ liệu từ các cơ quan tình báo khi họ theo đuổi một chương trình được gọi là “Nhận thức thông tin toàn diện” cũng như tiến hành các hoạt động đánh chặn trên quy mô lớn. Dĩ nhiên vấn đề này không chỉ mình Google làm mà còn lan tới các hãng khác như Amazon, Apple hay Facebook... Nhưng, Google lại chiếm một chỗ đứng đặc biệt trong thế giới kỹ thuật số của dữ liệu người dùng, vì nó tập trung nhiều thông tin người dùng, vận hành điện thoại và email, phát triển hệ điều hành và lưu trữ các tệp tin trong đám mây.