Thử nghiệm thuốc điều trị Ebola ở Tây Phi

Thứ Hai, 24/11/2014, 21:30

Theo kế hoạch, những cuộc thử nghiệm lâm sàng trong nỗ lực tìm kiếm cách điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân Ebola bắt đầu được triển khai tại khu vực Tây Phi vào tháng 12 tới. Tổ chức y tế nhân đạo Các Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết, sẽ có 3 dự án nghiên cứu riêng biệt được thực hiện tại 3 trung tâm điều trị thử nghiệm khác nhau.

Mặc dù đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp áp đặt đối với Liberia trong thời gian qua, song nữ Tổng thống Johnson Sirleaf vẫn tiếp tục cảnh báo với người dân rằng, quyết định này được ban bố “không do cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola đã kết thúc” mà đó là dấu hiệu cho thấy sự tiến triển khả quan khi mỗi tuần số ca nhiễm bệnh mới có chiều hướng giảm mạnh.

Bà Sirleaf cũng thông báo, Liberia cũng sẽ từng bước dỡ bỏ dần lệnh giới nghiêm về ban đêm, những cuộc họp chợ hàng tuần sẽ được phục hồi và nhiều trường học chuẩn bị mở cửa trở lại. Cùng với tín hiệu lạc quan từ Liberia, giới khoa học cũng bắt đầu đưa vào thử nghiệm 3 liệu pháp riêng biệt điều trị Ebola được đánh giá ban đầu là có hiệu quả.

Thuốc thử nghiệm Brincidofovir và Favipiravir.

Theo người phát ngôn MSF Annick Antirens, những cuộc thử nghiệm đầu tiên được bắt đầu vào tháng 12 tới và các kết quả ban đầu có thể được công bố vào tháng 2/2015. Thứ nhất, tại trung tâm y tế Donka Ebola ở thủ đô Conakry của Guinea, Viện Y tế Nhiệt đới Antwerp (ITM) của Bỉ sẽ thử nghiệm liệu pháp sử dụng máu và huyết tương của bệnh nhân Ebola đã khỏi bệnh có chứa các kháng thể chống virus hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch của những người nhiễm bệnh. Loại huyết tương này được chứng minh có hiệu quả đối với một số bệnh nhân phương Tây, như nhân viên cứu trợ nhân đạo người Mỹ Rick Sacra.

Thứ hai, tại một địa điểm khác chưa được chính thức thông báo, nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Oxford với sự tài trợ của Quỹ Y tế nhân đạo toàn cầu Anh - Wellcome Trust - sẽ thử nghiệm lâm sàng loại thuốc kháng virus gọi là Brincidofovir vốn ban đầu được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa. Brincidofovir – do Công ty dược Chimerix Inc. ở Durham bang Bắc Carolina (Mỹ) sản xuất - có hoạt tính ngăn cản sự phát triển của virus Ebola.

Brincidofovir được chứng minh có hiệu quả trong phòng thí nghiệm nhưng chưa được thử nghiệm trên động vật. Khoảng 140 bệnh nhân tình nguyện sẽ được dùng thuốc 2 lần/tuần trong thời gian 2 tuần để xác định tỷ lệ khỏi bệnh.

Peter Horby (giữa), giáo sư Đại học Oxford.

Thứ ba, tại thị trấn Gueckedou ở miền Nam Guinea (gần biên giới với Sierra Leone và Liberia), Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp (Inserm) sẽ lãnh đạo cuộc nghiên cứu thử nghiệm thuốc kháng virus Favipiravir do Công ty Toyama Chemical của Nhật Bản phát triển. Các kết quả tích cực chống Ebola của Favipiravir trên động vật đã được công bố hồi tháng 2/2014. Thuốc hiện được chính quyền Nhật Bản cho phép sử dụng điều trị bệnh cúm và được bán trên thị trường với nhãn hiệu Avigan.

Trước đó, Favipiravir được chỉ định cho nữ y tá người Tây Ban Nha Teresa Romero Ramos và người này may mắn đã khỏi bệnh Ebola.

Ngoài ra, 2 cuộc thử nghiệm vaccine do Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và Cơ quan Y tế Công cộng Canada sản xuất cũng được tiến hành tại những địa điểm an toàn. Vaccine của GSK được thử  nghiệm tại Mali, Anh và Mỹ; còn vaccine Canada thử nghiệm tại Mỹ. Khoảng 400 người tham gia những cuộc thử nghiệm đầu tiên và hai loại vaccine này sẽ được mở rộng đến các trung tâm y tế khác nếu kết quả ban đầu được đánh giá có hứa hẹn.

Peter Horby, giáo sư Đại học Oxford, cho biết những cuộc thử  nghiệm được tiến hành do 2 nhu cầu cấp thiết là nhân đạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn bùng phát và có nguy cơ lan rộng của dịch bệnh Ebola. Trước đây, khi dịch bệnh Ebola bùng phát, máu của bệnh nhân khỏi bệnh có thể cứu sống những người khác nhưng chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng cho nên đây là lần đầu tiên nó được thử nghiệm chính thức nơi người.

Johan van Griensven, nhà nghiên cứu ở ITM, giải thích: “Có 3 yếu tố quan trọng trong chương trình nghiên cứu máu bệnh nhân Ebola khỏi bệnh. Thứ nhất, xác định những bệnh nhân Ebola sống sót sẵn sàng hiến tặng máu của họ. Thứ hai, kế hoạch thu thập máu. Và, thứ 3 là chỉ định sử dụng máu này cho bệnh nhân Ebola đang được điều trị”. Tuy nhiên, công tác tổ chức hiến tặng máu an toàn tại các quốc gia mà hệ thống y tế cực kỳ thiếu thốn là nhiệm vụ hết sức gian nan. Cho và hiến tặng máu cũng là vấn đề nhạy cảm trong văn hóa các quốc gia đang bị dịch bệnh Ebola tấn công!

Nữ bác sĩ Annick Antirens ở MSF cho rằng, sự cam kết hợp tác của cộng đồng là yếu tố hết sức quan trọng giúp các cuộc thử nghiệm thành công. Annick Antirens cho biết: “Mỗi bệnh nhân đồng ý tham gia thử nghiệm liệu pháp mới đều được giải thích rõ ràng về những nguy cơ tiềm ẩn”.

MSF tuyên bố những dự án thử nghiệm là “biện pháp đặc biệt trong những trường hợp đặc biệt” nằm trong nỗ lực đưa dịch bệnh Ebola vào vòng kiểm soát, với hy vọng tỷ lệ nhiễm bệnh giảm 70% ở Tây Phi.

Ngày 12/11 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã có 5.160 người chết vì Ebola tại 8 quốc gia trong số 14.098 ca bị nhiễm và cho rằng tỷ lệ tử vong có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.

Cũng theo số liệu của WHO, 564 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm virus Ebola và 320 người đã chết

Duy Minh (tổng hợp)
.
.