Thủ thuật của Hãng Volkswagen: “Bộ não” đối phó kiểm tra ô nhiễm

Thứ Tư, 30/09/2015, 06:00
Scandal của Hãng Volkswagen mang tầm vóc chưa từng có xảy ra vào hôm 22/9 khi hãng này thừa nhận rằng, có 11 triệu chiếc xe chạy diesel của hãng trên khắp thế giới được trang bị một phần mềm giúp "qua mặt" biện pháp kiểm tra chống ô nhiễm. Sở Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho biết, trọng tâm của scandal này là một "thủ thuật tinh xảo": Hãng xe hơi Đức thêm vào một phần mềm để chỉ khởi động các thiết bị chống ô nhiễm khi bị kiểm tra.

Thiết bị đánh lừa nằm trong máy tính của động cơ, tức một loại vi tính vận hành các động cơ hiện đại. Chính bộ não này quản lý lượng nhiên liệu, chẳng hạn như để giúp khởi động xe vào buổi sáng hay tăng tốc khi người ta nhấn ga. Với sự hoàn thiện những loại xe mới, máy vi tính  còn được trang bị thêm các khả năng mới để thích nghi với sự vận hành của động cơ tùy theo cách sử dụng, sao cho tài xế luôn lái xe một cách thoải mái. Chẳng hạn như khi xe chở nặng hoặc leo dốc, động cơ sẽ tăng nhẹ công suất. Ngược lại, lúc xuống dốc với vận tốc vừa phải, động cơ sẽ chọn chế độ tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm.

Động cơ diezel của Volkswagen trưng bày tại Mỹ, năm 2008.

Một kỹ sư về xe hơi cho phóng viên tờ Les Echos biết: "Phần mềm bên trong máy vi tính đó quản lý sự vận hành của động cơ, đó chính là bộ não làm nên thành tích của xe". Cũng vì thế nên đôi khi có sự khác biệt rất lớn về sức mạnh của 2 chiếc xe có cùng động cơ diesel 2lít. Và trong khi máy vi tính của đồng hồ lái bắt đầu được quản lý bởi những ông lớn như Google và Apple, máy tính động cơ vẫn là một bí mật được giữ kín bởi nhà sản xuất. Gần 20 triệu dòng mã tin học làm hoạt động chiếc hộp đen đó và tất cả đều là vấn đề thuật toán.

EPA tố cáo Wolkswagen đã lợi dụng sự kín kẽ của hoạt động máy vi tính động cơ để đẩy xa hơn thuật toán gian dối các kiểm tra về ô nhiễm. Sở này cho rằng Volkswagen đã tác động lên hàng trăm ngàn chiếc xe chạy bằng diesel được tung ra thị trường từ năm 2009 đến 2015 - chủ yếu là các dòng xe Golf, Jette, Beetle, Passat và Audi A3, che giấu mức độ gây ô nhiễm thực sự. 

Nhưng làm thế nào? Rất đơn giản. Trong hộp đen, chỉ cần cài thông số cho thuật toán để xe nhận ra những lúc bị kiểm tra và kích hoạt 100% thiết bị chống ô nhiễm. Sự chuyển đổi sang "chế độ kiểm tra" được tiến hành từ việc phân tích vị trí bánh xe, vôlăng (có bị khóa hay không), capô (đóng hay mở) hay vận tốc và áp suất không khí. Kết quả theo EPA: "Các xe hơi được trang bị phần mềm khóa thiết bị kiểm soát ô nhiễm khi chạy bình thường và kích hoạt nó khi bị kiểm tra". Một nhà công nghiệp xe hơi giải thích: "Về mặt kỹ thuật mọi việc không quá phức tạp, tuy rằng biện pháp này không trung thực".

Nhưng Volkswagen gian lận hệ thống chống ô nhiễm để làm gì? Hãng này chưa có lời giải thích nhưng người ta có thể suy đoán rằng hãng muốn cung cấp các khả năng tốt nhất cho người lái xe đồng thời vẫn tuân theo tiêu chuẩn chống ô nhiễm chặt chẽ của chính quyền Mỹ. Để tung ra thị trường Mỹ một chiếc xe, nhà sản xuất phải trải qua một loạt các kiểm tra để xác định mức khí thải, thấp hơn ở Pháp cho động cơ diesel. Trong trường hợp xe Volkswagen, những xe vi phạm tỏa ra mức oxyd nitơ gấp 10 đến 40 lần quy định cho phép của Mỹ.

Để tuân theo những quy chuẩn mới nhất, các nhà sản xuất đã lắp trong động cơ diesel một hệ thống xử lý khí thải nhằm hạn chế mức oxyd nitơ vốn gây ra các chứng bệnh đường hô hấp và nguy cơ tai biến tim mạch. Trên những sản phẩm của hãng, Volkswagen đã chọn 3 kỹ thuật :

- Một bộ xúc tác để giảm lượng hydrocarbure thải ra.

- Một bộ lọc hạt khí.

- Một cái "bẫy oxyd nitơ". Thiết bị này được đặt bên dưới xe có thể thu bắt oxyd nitơ bằng hóa học để giảm thiểu từ 30 đến 60% (thậm chí đến 90% trong những điều kiện thuận lợi).

Nhưng hệ thống chống ô nhiễm này có 2 mặt hạn chế khiến Volkswagen phải giảm bớt sự sử dụng:

1. Tuổi thọ của bẫy oxyd nitơ thấp: Các chất oxyd và bồ hóng do sự đốt cháy nhiên liệu sinh ra sẽ làm tổn hại hiệu quả của hệ thống. Có lẽ Volkswagen đã chọn cách hạn chế sử dụng hệ thống để cải thiện tuổi thọ của nó.

2. Bẫy oxyd nitơ làm giảm khả năng của xe: Kỹ thuật này đòi hỏi cứ 2 hoặc 3 phút phải phun từng cụm nhiên liệu trong vài giây, khiến cho xe sẽ tốn nhiên liệu thêm từ 2 - 5% so với xe không được trang bị bẫy. Đây là một trở ngại trong thời kỳ tiết kiệm nhiên liệu hiện nay. Volkswagen có thể đã quyết định gian dối việc kiểm tra của Mỹ để nhận được giấy phép thương mại hóa, đồng thời vẫn cung cấp cho người tiêu dùng những chiếc xe tốt nhất. Một người am hiểu về xe hơi cho biết: "Tất cả mọi kỹ sư xe hơi đều biết rõ những điểm phải kiểm tra để được chứng nhận. Thông thường là người ta tìm cách thích nghi, nhưng sẽ là bất hợp pháp nếu né tránh hoàn toàn".

Theo một nguồn tin, việc quyết định lắp đặt hệ thống "ăn gian" đó được đưa ra từ trụ sở chính tại Đức chứ không phải từ các chi nhánh địa phương. Hãng Volkswagen có thể bị phạt 18 tỉ USD, tức mỗi xe vi phạm bị phạt 37.500 USD. Đây là mức chế tài cao nhất do EPA đưa ra nhưng không phải là lần đầu tiên. Tháng 11 năm ngoái, EPA đã phạt 2 hãng Hyundai và Kia của Hàn Quốc 100 triệu USD vì đã giảm thấp mức tiêu hao nhiên liệu trên các sản phẩm. Những năm 90 thế kỷ XX, có 7 hãng sản xất xe hơi diesel cũng bị phạt 1 tỉ USD vì đã sử dụng các thiết bị gian dối sự kiểm tra ô nhiễm.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.