Tiêm vaccine COVID-19: Những ai và khu vực nào được ưu tiên?
- Việt Nam sẽ có 90 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021
- Vaccine COVID-19 đã chính thức về Việt Nam
Theo ước tính của Bộ Y tế, năm 2021 chúng ta phải có 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mới đủ tiêm cho người dân, song chúng ta mới chỉ đàm phán được 60 triệu liều. Trước mắt, sẽ có hơn 5 triệu liều vaccine nhập về Việt Nam trong thời gian tới. Số lượng hạn hẹp, trong khi nhu cầu tiêm rất lớn, vậy chúng ta phải giải quyết ra sao và có nên xã hội hóa mua vaccine COVID-19 hay không?
Nhu cầu cao, nguồn cung ứng còn hạn chế
Cách đây hơn 1 tháng, anh Nguyễn Đình M. (TP Hồ Chí Minh) cho biết mình đã đăng ký tiêm vaccine COVID-19 online theo thông báo của VNVC (Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam) trên website. Công ty này mở hệ thống tiêm chủng ở hơn 50 trung tâm cho người dân đăng ký để đặt hàng tiêm vaccine phòng COVID-19. Anh M. cho biết, anh đã đăng ký đặt hàng tiêm cho cả nhà. “Dù hết vài chục triệu tôi cũng bỏ tiền ra, chỉ mong cả nhà an toàn”.
204.000 liều vaccine AstraZeneca đầu tiên đã có đối tượng tiêm. Ảnh minh họa |
Trước tết, thấy thông tin Việt Nam chuẩn bị nhập những liều vaccine COVID-19 đầu tiên do VNVC phân phối, chị Đ.H. (Hà Nội) đã nhanh tay đăng ký online. Nhưng theo chị H., mới đây chị vào website của đơn vị này thì đã thấy dừng nhận đăng ký do thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về thứ tự ưu tiên người được tiêm vaccine COVID-19.
Trên thế giới, hiện đã có nhiều quốc gia tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Theo ước tính có khoảng hơn 200 triệu người tại 95 quốc gia, vùng lãnh thổ tiêm vaccine COVID-19. Số ca mắc mới trên thế giới trong 2 tuần qua đã có xu hướng giảm. Hiện nay, có ít nhất 8 loại vaccine COVID-19 uy tín đã được các cơ quan chức năng trên thế giới, quốc gia phê duyệt. Nhiều quốc gia phát triển không chỉ mua vaccine tiêm phòng cho người dân mà còn đặt hàng để dự trữ. Cuộc đua vaccine COVID-19 không ngừng nóng trên thế giới nên việc đàm phán mua vaccine cũng vì thế không hề dễ dàng, đặc biệt với các nước tiềm lực còn hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện tại Bộ đã đàm phán với Liên minh toàn cầu về vaccine, chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine trong năm 2021, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca của Anh cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều vaccine COVID-19 cho chúng ta trong năm nay.
AstraZeneca là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Trong đó, 204.000 liều đầu tiên của AstraZeneca dự kiến có mặt tại Việt Nam vào ngày 28-2 tới. Cùng với lô vaccine đầu tiên này về Việt Nam vào ngày 28-2, sẽ có 4,88 triệu liều vaccine của COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, chúng ta có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna, Nga... để có thêm vaccine tiêm đủ cho người dân.
Đối tượng nào sẽ được tiêm?
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 60 triệu liều vaccine trong năm nay sẽ ưu tiên đối tượng tiêm là những người ở vùng dịch và khu vực có nguy cơ.
Những tình nguyện viên đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng của Việt Nam, chúng ta sẽ triển khai tiêm vaccine theo sự điều hành của Chính phủ, tiêm cho những đối tượng nguy cơ cao, ưu tiên người ở tuyến đầu như bác sĩ, nhân viên y tế, công an, quân đội; sau đó ưu tiên cho đối tượng có bệnh nền, người già, người suy giảm miễn dịch; tiếp đến là ưu tiên tiêm cho người trong vùng dịch, sau đó đến những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao. Khi chúng ta có đủ nguồn vaccine thì kết hợp tiêm chủng miễn phí và tiêm dịch vụ.
Đối với vaccine của chương trình COVAX facility, theo ông Phu, đây là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19. Trong cơ chế này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả. COVAX sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021. COVAX đứng ra mua vaccine từ một số công ty và cung cấp cho người dân 90 nước. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được cung cấp vaccine.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sau khi thế giới có vaccine, vấn đề bất bình đẳng vaccine nổi lên được tranh luận rất nhiều trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Theo số liệu của Oxfarm, nhóm các nước giàu, chiếm 13% dân số toàn cầu, đã đặt mua hơn 50% lượng vaccine phòng COVID-19 tiềm năng của thế giới. Có quốc gia còn mua đủ để tiêm 3 lần cho người dân nước họ, trong khi tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, WHO và các tổ chức như GAVI, UNICEF, CEPI, Liên Hiệp Quốc đều tạo sự công bằng cho người dân trên toàn cầu được tiêm vaccine COVID-19. Bởi suy cho cùng, phải phòng dịch ở tại cộng đồng, không phân biệt quốc gia đó giàu hay nghèo. Nếu vaccine COVID-19 chỉ quốc gia lớn được tiêm, các quốc gia nhỏ không tiếp cận được với vaccine thì dịch sẽ bùng phát ở các quốc gia nhỏ, khi đó không khống chế được lây ra toàn cầu. Đặc biệt, lại gặp virus biến thể ra nhiều chủng khác nữa, lúc đó virus sẽ chống lại vaccine và người đã được tiêm rồi không còn ý nghĩa nữa.
Chuẩn bị kế hoạch tiêm ra sao?
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo Luật Truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của WHO, 204.000 liều vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người lao động thiết yếu phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, dễ bị tổn thương, phải chăm sóc kéo dài ở các cơ sở y tế.
Việt Nam đẩy nhanh quá trình nghiên cứu thử nghiệm để sớm có vaccine vào cuối năm nay. |
Bên cạnh nhóm ưu tiên trên, khi nguồn cung vaccine tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vaccine một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quản lý, giám sát và điều phối hoạt động tiêm phòng COVID-19 để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng, hợp lý và hiệu quả với vaccine COVID-19.
Có nên xã hội hóa nhập khẩu vaccine?
Để có đủ vaccine tiêm rộng rãi cho người dân trong năm 2021 không chỉ là kỳ vọng và là mong mỏi của nhiều quốc gia. Bộ Y tế cho biết, với sự hỗ trợ của các cơ quan, đặc biệt là sứ quán Việt Nam tại các quốc gia sản xuất vaccine COVID, Bộ vẫn đang nỗ lực tối đa để có đủ vaccine cho toàn dân trong thời gian sớm nhất. Theo lý thuyết về dịch tễ học, tối thiểu cần trên 80% dân số được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng. Cơ chế này sẽ làm tác nhân gây bệnh không thể tìm thấy đủ số lượng cá thể để trú ẩn, nhân lên và lây nhiễm, qua đó có thể sớm đẩy lùi đại dịch.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch trình Chính phủ trích ngân sách để mua vaccine COVID-19 như Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó Hà Nội cho biết, sẽ mua vaccine tiêm cho toàn dân. Bên cạnh đó, Tập đoàn MED GROUP cũng cho biết, tập đoàn dùng nguồn kinh phí mua vaccine COVID-19 từ Chính phủ để tiêm cho 1.500 cán bộ nhân viên. Hay lãnh đạo Trường Đại học FPT cũng mới công bố kế hoạch mua 100.000 liều vaccine COVID-19, giá khoảng 3-4 triệu USD. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, các tỉnh muốn mua vaccine cũng phải thông qua Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt, từ đó điều tiết để đảm bảo công bằng. Để vaccine COVID-19 được triển khai công bằng và hiệu quả, doanh nghiệp nhập khẩu vaccine phải tuân theo kế hoạch của Bộ Y tế đã trình Chính phủ. Đồng thời Bộ Y tế cũng khuyến khích các đơn có nguồn vaccine COVID-10 trao đổi chặt chẽ với Bộ Y tế trong vấn đề nhập khẩu, đảm báo có vaccine cho người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp hiệu quả là cần xã hội hóa mua COVID-19 để sớm có vaccine cho người dân. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chúng ta nên tạo điều kiện để xã hội hóa nhập khẩu vaccine COVID-19, song Chính phủ phải điều hành và triển khai việc này, nếu không sẽ tạo phản ứng giữa người được tiêm và không được tiêm. Ông Phu cũng cho biết thêm, nếu tỉnh, thành nào có kinh phí mua vaccine thì vẫn phải trong kế hoạch điều hành của Chính phủ và thực hiện nghiêm ngặt về tính an toàn cũng như đảm bảo hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền, Cố vấn cao cấp chuyên ngành Dược cho biết, giá vaccine AstraZeneca cũng rẻ hơn các loại vaccine khác, bảo quản ở nhiệt độ 2,8 độ C, dễ hơn so với nhiều loại vaccine bảo quản ở nhiệt độ -8 độ C.
Việt Nam đang chạy đua với thời gian để sản xuất vaccine TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, ngày 26-2, mũi tiêm đầu tiên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vacine Nanocovax của NANOGEN bắt đầu thực hiện tại 2 địa điểm ở Học viện Quân y và huyện Bến Lức, tỉnh Long An với 560 tình nguyện viên. Việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, thay vì 6 tháng còn có 3 tháng. Nếu đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3-2021 sẽ tiêm mũi thử nghiệm thứ 2 và đến cuối tháng 4-2021 có kết quả nghiên cứu giai đoạn 2 để chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5-2021. Giai đoạn 3, vaccine Nanocovax của NANOGEN sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên 10.000 - 15.000 người, đối tượng tham gia được mở rộng để đảm bảo tính phổ rộng của vaccine. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ đã cố gắng tối đa rút ngắn quy trình nghiên cứu nhưng phải trên cơ sở đảm bảo tính an toàn, khoa học. Nếu quy trình diễn ra suôn sẻ và vaccine chứng minh được hiệu quả miễn dịch, cuối năm 2021 Việt Nam có vaccine phòng COVID-19 đầu tiên. |