Tiết canh, món ăn nguy hiểm chết người
Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, cả 5 bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi nặng nề. Hai trường hợp đã tử vong do bệnh diễn biến nặng, hôn mê sâu, suy đa phủ tạng, bệnh nhân lại có tiền sử nghiện rượu mãn tính, tiên lượng ít cơ hội sống. Một người là bệnh nhân nam 55 tuổi ở Hòa Bình đã uống rượu, ăn tiết canh làm từ lợn nhà nuôi 3 ngày trước khi phát bệnh.
Chỉ sau khi xuất hiện sốt một ngày, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, xuất hiện nhiều vết hoại tử ở mặt, tay, chân... Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam 40 tuổi, ở Ninh Bình cũng có tiền sử nghiện rượu và đã ăn lòng lợn tiết canh. Ba bệnh nhân còn lại đã được cấp cứu thoát giai đoạn sốc, một người vẫn hôn mê. Hai người đã được điều trị thoát sốc nhưng thời gian điều trị còn kéo dài và rất tốn kém.
Đêm 3/6 một bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn nên thường xuyên ăn tiết canh vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng, trên da xuất hiện nhiều mảng xuất huyết, hoại tử, suy đa phủ tạng. Trước đó, người nhà đã đưa vào Bệnh viện huyện Mỹ Đức, Hà Nội, được chẩn đoán sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu lợn.
Tại bệnh viện, bệnh nhân phải hồi sức tích cực, lọc máu, thở máy, tiên lượng bệnh nhân vẫn rất nặng. Trong khi đó, một bệnh nhân nam khác, 52 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nhiễm liên cầu khuẩn lợn cũng đang được cấp cứu tại đây. Dù đã được điều trị tích cực từ hơn nửa tháng trước, nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hôn mê, phải thở máy.
Bệnh nhân này cũng nghiện rượu và thường xuyên ăn lòng lợn, tiết canh. Trong tháng 5 vừa qua, viện cũng đã tiếp nhận 4 trường hợp khác bị viêm màng não mủ do liên cầu khuẩn lợn. Trung bình một tháng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận rải rác khoảng 4 - 5 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Có thể do thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gia tăng bệnh liên cầu lợn. Theo các bác sĩ thì máu là môi trường lý tưởng vì đầy đủ chất dinh dưỡng để vi khuẩn sinh sản theo cấp số nhân: Vì thế nếu vi khuẩn lọt được vào máu (vốn là môi trường vô khuẩn) - gọi là nhiễm trùng máu thì tính mạng cực kỳ nguy hiểm.
Trước đây do hoàn cảnh khó khăn chỉ có hai loại kháng sinh phổ biến là Penicilin và Streptomycin thì tỉ lệ tử vong gần như 100%. Nay tuy có nhiều loại kháng sinh cực mạnh truyền tĩnh mạnh nhưng tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn máu vẫn rất cao. Tiết canh là môi trường lý tưởng cho sự sinh sản của vi khuẩn cộng thêm nắng nóng lại càng thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày.
Thường sốt cao 40º – 41ºC, xuất hiện các mảng xuất huyết, hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở. Người bị bệnh có nhiều triệu chứng nhưng hay gặp nhất là hai thể nhiễm trùng huyết gây sốc nhiễm khuẩn và viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Bệnh có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể tử vong do độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Thời gian sốc nhiễm khuẩn có thể sau ba ngày, có khi đến 10 ngày kể từ khi nhiễm khuẩn. Nếu qua khỏi được thường có nhiều biến chứng nặng với 60% bị ù tai, giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại do không có miễn dịch bền vững.
Vi khuẩn cư trú ở họng lợn, vì thế ở nước mọi người đều có thể nhiễm bệnh do ăn tiết canh và thói quen ăn uống không vệ sinh như trường hợp một bệnh nhân nam ở Cà Mau tử vong do ăn thịt lợn ốm, dù đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM; một bệnh nhân nữ ở Long An ăn thịt lợn mua ngoài chợ nhưng không chế biến kỹ; một bệnh nhân nam ở Nam Định làm nghề mổ thịt lợn phải nằm viện mất cả tết chỉ vì ăn tiết canh.
Đã có nhiều khuyến cáo về bệnh liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh nhưng nhiều người vẫn chủ quan. Một phần họ cho rằng cha ông ăn suốt bao đời nay có sao đâu. Lại không ít người nghĩ ăn tiết canh, uống rượu thì rượu sẽ diệt hết vi khuẩn! Thông thường, một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng.
Ngành y tế khuyến cáo người dân: Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận trần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…). Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng, bởi liên cầu khuẩn lợn có thể vào cơ thể qua vết thương. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.