Tội phạm sa lưới vì công nghệ điện toán đám mây
Dấu chân kỹ thuật số
Khi chiếc máy tính bảng iPad của Randy Schaefer bị mất cắp, anh không bao giờ nghĩ có thể nhìn thấy nó lần nữa. Chiếc iPad cùng 5.000USD tiền mặt đã bị bọn trộm lấy đi sau khi chúng đột nhập vào xe tải mà Schaefer quên khóa khi để xe trên con phố trước nhà ở khu vực River Oaks, thành phố Houston, bang Texas (Mỹ).
Tuy đã báo với cảnh sát nhưng Schaefer xác định là không có cơ may tìm lại được. Bất ngờ, một ngày Schaefer phát hiện ra ảnh chụp tự sướng của hai người đàn ông đang cầm khoe một nắm tiền trên tài khoản dịch vụ đám mây iCloud của mình.
Schaefer thấy có khoảng 15 bức ảnh. Không chỉ chụp ảnh, hai tên trộm thậm chí còn dùng iPad quay hẳn một video để khoe chiến tích. Video cũng được đưa lên mạng YouTube và lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Một người đàn ông tự xưng là Dorian tay cầm cả xấp 100 USD nói: "Chào nước Mỹ. Đây là Dorian thuộc nhóm Tiền. Đây là anh trai tôi Dillan, cũng thuộc nhóm Tiền. Và đây là những gì chúng tôi vừa có được trong một chuyến đi đêm".
Có một điều mà hai người đàn ông không chú ý đến là khi họ chụp ảnh tự sướng và quay video, chiếc iPad đã tự động sao lưu dữ liệu vào tài khoản iCloud của Schaefer, chủ nhân chiếc iPad. Nhờ đó mà cảnh sát có thể tóm gọn hai tên trộm, còn chủ nhân chiếc iPad thì hoan hỉ nhận lại đồ vật tưởng như mất vĩnh viễn.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ mà tội phạm bị sa lưới pháp luật vì công nghệ điện toán đám mây. Trong một vụ điển hình khác, cảnh sát ở California cũng xác định được danh tính của một cặp đôi mà ảnh tự sướng của họ xuất hiện trên tài khoản iCloud của một thiết bị điện tử bị đánh cắp.
Vậy công nghệ điện toán đám mây là gì và những thông tin đó đi về đâu? Khi bạn chụp ảnh bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Bức ảnh không chỉ được lưu trong thiết bị của bạn, khi bạn thực hiện chế độ cài đặt, bức ảnh sẽ được lưu cả trên Internet tại một nơi mà bạn có thể truy cập vào từ bất kỳ thiết bị nào ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đó chính là "đám mây".
Đám mây không chỉ đơn giản là một chỗ để lưu trữ thông tin. Tại đây, có rất nhiều mạng lưới và máy chủ cá nhân tương kết với nhau. Đám mây không nằm ở trên trời mà nằm trong các trung tâm dữ liệu của các công ty viễn thông.
Nhân tố "thay đổi cuộc chơi"
Và thứ gọi là "đám mây" đang được cảnh sát coi là một nhân tố "thay đổi cuộc chơi". Họ đang dùng nó để giải quyết các vụ án trộm cắp với sự hỗ trợ của nạn nhân và nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Nếu chủ thiết bị chọn cách cài đặt phù hợp trên điện thoại, họ có khả năng hỗ trợ cảnh sát lần ra dấu vết tội phạm. Một khi tội phạm sử dụng thiết bị đánh cắp để lưu thông tin, cảnh sát có thể lần ra vị trí thực của chúng.
Như trong trường hợp chiếc iPad bị đánh cắp của Schaefer, sổ séc của Schaefer được tìm thấy trong con hẻm gần một quán cà phê Starbucks - nơi mà trước đây Schaefer từng dùng iPad để kết nối wifi.
Khi hai tên trộm đến quán cà phê này và mang theo chiếc iPad chụp ảnh tự sướng, nó tự động kết nối wifi và đồng bộ hóa, sao lưu dữ liệu trong đó có ảnh tự sướng của hai tên trộm lên tài khoản iCloud của Schaefer.
Hai tên trộm chụp ảnh tự sướng khoe chiến lợi phẩm. |
Với thông tin đó trên đám mây, nhóm Tiền (Money Team) tự xưng đã bị cảnh sát tóm gọn. Schaefer may mắn vì anh đã cài đặt đúng trên thiết bị để thiết bị sao lưu thông tin lên tài khoản iCloud.
Theo trung úy Spurger, cài đặt thiết bị đúng cách có thể giúp chủ nhân tìm lại được thiết bị nếu bị mất, còn nếu không, thiết bị sẽ một đi không trở lại. Ngoài ra, cần phải thông báo bị mất tài sản với cảnh sát càng sớm càng tốt. Càng thông báo sớm, chủ nhân càng có nhiều cơ hội tìm lại được tài sản.
Các vụ mất cắp thiết bị thông minh, đặc biệt là các loại điện thoại iPhone của Apple ngày càng tăng đã khiến cho hãng này bổ sung cho sản phẩm tính năng bảo mật mới hết sức hữu hiệu vào tháng 9/2013.
Đó là tính năng Activation Lock (Khóa kích hoạt), theo đó khi muốn xóa thông tin trong máy iPhone có hệ điều hành iOS7, tắt chế độ Find My iPhone (Tìm iPhone) hay kích hoạt lại máy, người dùng đều phải nhập đúng mật khẩu và tên sử dụng của tài khoản điện toán iCloud.
Nếu ai đó ăn cắp một chiếc iPhone và không biết mật khẩu iCloud, coi như chiếc điện thoại chỉ là vật chặn giấy vì không thể sử dụng được do vướng tính năng chết người này. Hệ điều hành Android 5.0 Lollipop cũng có tính năng tương tự gọi là Factory Reset Protection.
Trước đó, Thị trưởng London, Công tố viên bang ở San Francisco và Công tố viên liên bang ở New York đã kêu gọi Apple và các nhà sản xuất thiết bị thông minh thực hiện tính năng "kill switch" (cơ chế tắt điện thoại khẩn cấp khi bị đánh cắp) để hỗ trợ trấn áp tội phạm ăn cắp và sử dụng điện thoại ăn cắp.
Thậm chí, bang California còn vừa trở thành bang đầu tiên ở Mỹ ban hành bộ luật yêu cầu kích hoạt tính năng an ninh chống trộm mặc định cho mọi điện thoại thông minh bán ở bang này từ ngày 1/7/2015, nếu không cửa hàng bán lẻ sẽ bị phạt từ 500 tới 2.500 USD.
Sự ra đời của bộ luật cấp bang này ở California cho thấy họ đã đặt tội phạm ăn cắp điện thoại thông minh vào tầm ngắm. Tình trạng ăn cắp này trở nên nhức nhối đến mức người ta gọi nó là dịch bệnh. Ở Mỹ, cứ 10 người dùng điện thoại thông minh thì có một người bị mất.
Năm 2013, hơn 3 triệu người Mỹ bị ăn cắp điện thoại, gần gấp đôi con số năm trước đó. Cụ thể hơn, ở San Francisco, số vụ trộm thiết bị di động chiếm 65% vụ trộm cướp năm 2013. Ở Oakland, tỷ lệ này là 75%.