Trang trại nông nghiệp dưới biển đầu tiên trên thế giới

Thứ Tư, 08/08/2018, 06:39
5 năm trước, ông Sergio Gamberini, một thợ lặn chuyên nghiệp kiêm thợ làm vườn nghiệp dư ở Liguria (vùng duyên hải phía Tây Bắc nước Ý), thông báo ý tưởng sẽ làm vườn dưới biển và bị hàng xóm cho là không tưởng…

Nhưng hôm nay, dự án "Vườn Nemo" của kỹ sư Gamberini đã bao gồm 6 nhà kính dưới biển, nuôi trồng ước độ 700 loài cây rau khác nhau. Hành trình biến ý tưởng lạ đời thành hiện thực quả không dễ chút nào.

5 năm trước, ông Sergio Gamberini, một thợ lặn chuyên nghiệp và kiêm thợ làm vườn nghiệp dư ở Liguria (vùng duyên hải phía Tây Bắc nước Ý), thường rong ruổi với cánh nông gia địa phương đã từng đặt câu hỏi rằng tại sao cây lương thực lại không thể trồng trong đại dương? Ông thường miên man suy nghĩ về khoảnh vườn rau đặt ngay bên trong một quả bóng chứa đầy không khí.

Tại Noli (miền Bắc nước Ý), một toán các thợ lặn đang trồng cây dưới độ sâu 6,7m ngoài biển.

Nghĩ là làm, 2 ngày sau đó, Gamberini đã đeo thiết bị lặn rồi lặn một hơi xuống độ sâu 6,7m dưới biển, ông đặt cố định một quả bóng bằng nhựa có chứa một cái nồi có đổ đất và rắc các hạt húng quế. Vài ngày sau, những  lá húng bé xíu đã ló ra.

Năm sau, ông Sergio Gamberini đã tự chi ra một khoản ngân sách của công ty gia đình và thành lập nên quỹ Ocean Reef nhằm làm trang trại dưới biển với khao khát xem trồng cây dưới biển có thể là một lựa chọn mới thay thế cho phương pháp hiện nay hay không. Gamberini cũng tràn trề hy vọng rằng, nếu trang trại hoạt động êm xui có khi ông sẽ nhận được bằng sáng chế công nghiệp.

Đến bây giờ dự án "Vườn Nemo" của kỹ sư Gamberini bao gồm 6 nhà kính dưới biển, nuôi trồng ước độ 700 loài cây rau khác nhau, bao gồm húng quế, cà chua, rau sống, dâu, lô hội (nha đam), bạc hà, kinh giới và cam thảo...

Ngày hôm nay, ông Sergio Gamberini đang sở hữu 6 nhà kính dưới biển, trồng 700 cây thực vật.

Ông Giani Fontanesi, quản lý viên của dự án Vườn Nemo, phát biểu: "Buổi đầu, chúng tôi đã thiết kế ra các bán cầu được làm từ Polyvinyl Chloride (PVC), một dạng nguyên liệu nhựa nhiệt dẻo rất phổ biến vì nó rất nhẹ và dễ tháo rời". Nhưng sau cơn bão mùa Đông đầu tiên, khi những con sóng cao từ 2,7m đến 3,9m đã ụp làm rách mái của 2 cấu trúc nhựa, thì nhóm làm việc của ông Fontanesi buộc phải thay đổi chiến lược.

Ông Fontanesi giải thích: "Bây giờ chúng tôi đang xài thủy tinh hữu cơ (Plexiglass) đi kèm với bộ khung kim loại bao phủ trong và ngoài bán cầu nhựa". Việc tìm kiếm thiết kế thích hợp để chống bão biển là thách thức lớn nhất cho đến nay. Các khối bán cầu rộng độ 1,8m và cao 0,9m chúng được gắn cố định xuống đáy biển bằng 28 cái ốc vít (có thể tháo rời). Theo ông Fontanesi, thiết kế mới giúp đảm bảo sự ổn định trong khi vẫn cho phép thiết bị dao động vừa phải để tránh bị hỏng do sóng đánh trúng.

Tiếp đó, nhóm dự án đã cất công tìm hiểu về khoa học làm nông nghiệp dưới nước. Ánh sáng chủ yếu là mặt trời. Trong suốt các tháng mùa Đông hay những ngày mây mù, ánh sáng nhân tạo từ các đèn LED đã được đặt bên trong các khối cầu nhằm cung cấp ánh sáng bổ sung thay ánh sáng tự nhiên. Điện thắp sáng chủ yếu từ các tấm quang điện và một trụ tuốc-bin gió trên bờ biển; nước tưới tiêu cho các nhà kính sẽ hoạt động thông qua một hệ thống các đường ống có hình dạng con ốc sên.

Giờ đây, dự án đang đòi hỏi dùng nước sạch từ đất liền. Nhưng phía ông Gamberini giải thích rằng mục tiêu dài hạn của Vườn Nemo sẽ là tận dụng nước ngọt lọc từ nước biển để tưới cây tại các nhà kính. Điều này rất có lợi vì các nhà kính không hoàn toàn kín. Đáy các bán cầu trồng cây có một khoảng hở để các thợ lặn tiếp cận cây trồng, và nước biển có thể chui từ đây vào trong.

Nhưng như vậy không có nghĩa là nhà kính sẽ ngập nước biển. Các nhà kính trông hệt như những cái chai nổi dưới nước, nước biển chỉ lấp một phần cấu trúc. Dưới áp suất không khí sẽ giúp cho phần trên của bán cầu hoàn toàn ráo nước. Khi nước biển tiếp xúc với không khí nóng của nhà kính nó sẽ bay hơi, mất dần thành phần muối.

Quá trình "lọc muối tự nhiên" này cuối cùng sẽ làm ngưng tụ các giọt nước ngọt bám trên bề mặt tường nhựa của nhà kính và sau khi nước được cho thêm các khoáng chất thì sẽ được dùng để tưới cây. Từ trụ sở của dự án ở Genoa (thành phố chính ở Liguria, Ý), 2 ông Gamberini và Fontanesi có thể giám sát nhiệt độ, thành phần không khí và sử dụng năng lượng tại các nhà kính dưới biển. Nhưng vẫn cần có con người lặn xuống dưới biển để trông coi. Cho đến nay, quản lý viên Fontanesi đã lặn gần 1.000 lần xuống các nhà kính.

Một số nhà hoạt động môi trường đang hết sức lo ngại rằng dự án Vườn Nemo sẽ làm gián đoạn hệ sinh thái đại dương. Nhưng hiện thời ông Fontanesi cho rằng không tìm thấy bằng chứng của tác động tiêu cực.

Năm 2017, một công ty dược phẩm Pháp đã thuê một trong các nhà kính của Vườn Nemo (tên công ty dược được giữ kín) và biến nó thành một phòng thí nghiệm để tạo ra các sản phẩm nguyên mẫu được làm từ dược thảo dưới biển. Mặt khác, mục tiêu sau rốt của dự án Vườn Nemo là biến canh tác dưới biển thành một sự lựa chọn khả thi, đặc biệt là tại những khu vực đang diễn ra tình trạng khan hiếm nước ngọt. 

Ông Fontanesi lạc quan nói: "Chúng tôi muốn sáng tạo ra một hệ thống nông nghiệp tiết kiệm chi phí và ít hao tổn năng lượng, một hướng thay thế cho canh tác nông nghiệp trên đất liền". Dự án cần mất thêm thời gian, nhưng nếu ông Fontanesi thành công thì đồ lặn và bể lặn có thể sẽ là tiêu chuẩn làm nông cho nông dân tương lai, thay thế cho máy kéo.

Hải Thanh (tổng hợp)
.
.