Tranh cãi quanh công nghệ "bẻ khóa sinh học"
"Bẻ khóa sinh học" là gì?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về bẻ khóa sinh học. Theo Dave Asprey, một người bẻ khóa sinh học và là sáng lập viên công ty thực phẩm chức năng Bulletproof cho rằng bẻ khóa sinh học là nghệ thuật và khoa học thay đổi môi trường xung quanh mình và bên trong mình để có thể kiểm soát hoàn toàn cơ chế sinh học của bản thân.
Một số kỹ thuật mà những người bẻ khóa sinh học sử dụng để đạt được điều đó là những thứ mà con người đã thực hiện nhiều thế kỷ, ví dụ như thiền Vipassana và nhịn ăn gián đoạn. Asprey thực hiện cả hai điều trên hàng ngày. Ông cố gắng thiền hai tiếng mỗi ngày và chỉ ăn một bữa vào ngày thường, ngày cuối tuần không ăn gì cả.
Một số người bẻ khóa sinh học quan tâm tới định lượng mọi thứ của bản thân, ví dụ như theo dõi đặc điểm giấc ngủ bằng các thiết bị. Càng có nhiều dữ liệu về chức năng của cơ thể, người ta càng dễ tối ưu hóa cơ thể mình.
Có những người dùng những biện pháp bẻ khóa cực đoan hơn: hàn liệu pháp (cố tình làm bản thân lạnh), phản hồi thần kinh (làm cho bản thân điều khiển được sóng não), tắm hơi phụ cận hồng ngoại (giúp bản thân thoát khỏi căng thẳng bằng cách truyền điện từ)… Nhiều người chi hàng trăm nghìn USD cho các biện pháp điều trị này.
Một nhóm nhỏ người bẻ khóa sinh học còn can thiệp sâu hơn khi cấy thiết bị vào cơ thể, ví dụ như cấy chip máy tính. Những thiết bị cấy này cho phép họ làm mọi thứ từ mở cửa không cần chìa khóa cho tới theo dõi lượng glucose dưới da.
Một trong số đó là Zoltan Istvan, người đang tranh cử chức chủ tịch đảng Siêu việt nhân bản (Transhumanist Party). Ông thấy thoải mái khi ra ngoài mà không cần mang theo chìa khóa nhà vì đã cấy chip vào tay. Istvan cũng lưu ý rằng với những người tay không còn hoạt động được, cấy chip vào bàn chân là cách đơn giản nhất để mở cửa hoặc sử dụng một số vật dụng trong nhà có tích hợp máy đọc chip.
Một trong những loại bẻ khóa sinh học tham vọng nhất là kéo dài cuộc sống. Một số người bẻ khóa sinh học cho rằng nhờ công nghệ tân tiến, họ có thể sống lâu hơn nhưng trẻ hơn. Nhà lão khoa Aubrey de Grey còn tuyên bố con người sẽ sống tới 1.000 tuổi.
De Grey tập trung phát triển chiến lược để sửa các loại hư tổn tế bào và phân tử liên quan tới sự già hóa. Quỹ phi lợi nhuận của ông đã thu hút các khoản đầu tư lớn.
Tại sao lại muốn bẻ khóa sinh học?
Ở mức cơ bản nhất, bẻ khóa sinh học liên quan tới điều mà chúng ta đều muốn: mong ước cảm thấy tốt hơn và xem cơ thể con người có giới hạn tới đâu. Mong ước đó rất đa dạng. Có người đơn giản chỉ là không muốn ốm nữa. Có người muốn bản thân càng thông minh và khỏe mạnh càng tốt. Có người muốn thông minh và khỏe mạnh càng lâu càng tốt. Nói cách khác, họ muốn kéo dài cuộc sống một cách cực đoan.
Những mục đích này ngày càng có xu hướng tăng dần. Một khi có biện pháp "bẻ khóa" mà tự mình có thể làm được ngay lập tức để biến sức khỏe từ ốm yếu thành mạnh khỏe hoặc từ mạnh khỏe sang khỏe hơn, con người ta bắt đầu nghĩ tại sao lại phải dừng lại đó, tại sao không làm cho sức khỏe đạt đỉnh cao nhất, tại sao không thử trường sinh.
Ví dụ như trường hợp của Asprey. Ông bắt đầu bẻ khóa sinh học vì cảm thấy không khỏe từ năm 30 tuổi và nay đã hơn 40 tuổi. Lúc đó, ông bị chẩn đoán có nguy cơ cao bị đột quỵ và đau tim, bị bất thường trong nhận thức và nặng tới 136kg. Ông nói: "Tôi chỉ muốn kiểm soát nhịp độ sinh học của cơ thể vì tôi mệt mỏi khi bị đau đớn và thay đổi tâm trạng liên tục".
Giờ ông thấy khỏe hơn và muốn làm chậm quá trình lão hóa thông thường, muốn tối ưu hóa mọi chức năng sinh học. Ông nói: "Tôi không muốn mỗi việc khỏe mạnh. Đó là điều bình thường. Tôi muốn ở trên mức bình thường".
Một người bẻ khóa sinh học khác tên là Josiah Zayner, cựu nhân viên Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, đã từng tiêm ADN CRISPR. Người này gặp vấn đề sức khỏe nhiều năm trời và muốn bẻ khóa sinh học để chữa bệnh cho bản thân. Tuy nhiên, ông cũng muốn làm nhiều hơn thế vì tức giận với giới chức chính phủ khi quá trì trệ trong cấp phép cho các biện pháp điều trị bệnh. Ở Mỹ, có thể mất 10 năm để phát triển thuốc mới và để thuốc được cấp phép. Với những người bị bệnh nặng, thời gian chờ đợi như dài vô tận. Zayner cho biết đó là một phần lý do tại sao ông muốn dân chủ hóa khoa học và trao quyền cho người dân thử nghiệm trên chính bản thân.
Cộng đồng bẻ khóa sinh học đã trao cho nhiều người cơ hội khám phá các ý tưởng phi truyền thống trong bối cảnh tự do. Người bẻ khóa sinh học tập trung bàn luận trên các mạng lưới trực tuyến, các nhóm mạng xã hội… Còn khi ở một mình, họ thực hiện các thí nghiệm.
Khác nhau giữa bẻ khóa sinh học và y học truyền thống
Một số loại bẻ khóa sinh học vượt xa y học truyền thống, một số lại tương tự. Nhiều kỹ thuật lâu đời như thiền hay nhịn ăn có thể được coi là loại cơ bản của bẻ khóa sinh học.
Điều khiến bẻ khóa sinh học khác biệt không phải do nó là một loại hoạt động khác biệt, mà nó là các hoạt động được thực hiện với những quan niệm khác lạ. Triết lý của bẻ khóa sinh học là không cần chấp nhận khiếm khuyết của cơ thể mà có thể tìm cách vượt qua bằng một loạt giải pháp công nghệ thấp hoặc cao. Người bẻ khóa sinh học không muốn chờ quy trình dài dằng dặc trong y học, họ muốn cải biến cuộc sống của họ ngay lập tức.
Nhiều người cấy chip vào tay. |
Ví dụ như tỷ phú công nghệ Serge Faguet ở Thung lũng Silicon, ông muốn sống mãi. Ông từng nói: "Mọi người ở Thung lũng Silicon đều có quan niệm mang tính kỹ thuật, vì thế họ tư duy mọi thứ như một vấn đề kỹ thuật mà nhiều người không có đầu óc kỹ thuật sẽ không nghĩ như vậy. Kiểu như 'Mọi người ai cũng chết cả, nhưng tôi cho rằng người ta sẽ có nhận thức nhiều hơn về bẻ khóa sinh học một khi có kết quả khả quan'".
Ông Rob Carlson, một chuyên gia về sinh học tổng hợp và là người ủng hộ bẻ khóa sinh học từ đầu những năm 2000, cho biết ông quan niệm rằng toàn bộ nền y học hiện đại đều là bẻ khóa, nhưng một số người gọi người khác là người bẻ khóa vì không muốn công nhận tính hợp pháp trong hành vi của họ.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Ai được phép làm bất kỳ điều gì? Tại sao một số người lại không được phép khám phá những điều mới và nói về điều đó công khai?
Bẻ khóa sinh học có dựa trên nghiên cứu khoa học?
Một số hoạt động bẻ khóa sinh học có bằng chứng khoa học mạnh mẽ và có thể có lợi cho cộng đồng. Thông thường, đây là những hoạt động được thử nghiệm và được chứng minh là đúng sau nhiều thế kỷ thử nghiệm. Ví dụ, thử nghiệm lâm sàng cho thấy thiền chánh niệm có thể giảm lo âu và đau mãn tính.
Tuy vậy, một số hoạt động bẻ khóa khác lại dựa trên bằng chứng không đầy đủ và có thể không hiệu quả, thậm chí còn gây hại cho cơ thể.
Sau khi Tổng giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey ủng hộ một liệu pháp tắm hơi cận hồng ngoại có thể tăng cường tái tạo tế bào và chống lão hóa bằng cách thải độc cơ thể do công ty SaunaSpace bán, nhu cầu với liệu pháp này tăng đột biến.
Tuy nhiên, theo tờ New York Times, mặc dù nghiên cứu trên đàn ông Phần Lan trung niên và lớn tuổi cho thấy tắm hơi có lợi cho sức khỏe, nhưng không có nghiên cứu chính nào được thực hiện với loại hình tắm hơi này - chiếu ánh sáng cường độ mạnh vào cơ thể. Vì thế không ai dám nói mua sản phẩm đắt tiền này là tốt cho sức khỏe.
Tương tự, phương pháp nhịn ăn gián đoạn mà ông Dorsey ủng hộ có thể có lợi cho sức khỏe với một số người, nhưng các nhà khoa học vẫn hoài nghi. Mặc dù có nghiên cứu về hiệu quả sức khỏe lâu dài của việc nhịn ăn ở động vật, nhưng cơ sở nghiên cứu ở người thì lại yếu hơn nhiều. Với những người bị rối loại ăn uống, nhịn ăn có thể nguy hiểm.
Những loại bẻ khóa sinh học nguy hiểm nhất
Một số hoạt động bẻ khóa sinh học rủi ro cao nhất đang được một số người thực hiện trong tình trạng tuyệt vọng. Ở một mức độ nào đó, điều này có thể hiểu được. Nếu họ ốm và liên tục đau đớn, nếu họ già và sợ chết còn y học truyền thống không giúp gì để giảm cơn đau đớn của họ, ai có thể đổ lỗi cho họ nếu họ muốn tìm một giải pháp ngoài y học?
Tuy nhiên, một số giải pháp đang được thử nghiệm ngày nay quá nguy hiểm và không đáng mạo hiểm.
Hiện nay, một số người già trả tiền cho người trẻ để họ cho máu và truyền máu đó vào cơ thể mình với hy vọng cơ thể sẽ chống chọi tuổi già. Biện pháp này nghe có vẻ "ma cà rồng" nhưng rất phổ biến ở khu vực Thung lũng Silicon. Người ta trả tới 8.000 USD để tham gia thử nghiệm. Nhà đầu tư công nghệ tỷ phú Peter Thiel đã tỏ ra quan tâm tới biện pháp này.
Mặc dù một số nghiên cứu hạn chế cho rằng việc truyền máu này có thể chống các bệnh như Alzheimer, Parkinson, bệnh tim…, nhưng những tuyên bố này chưa được chứng minh. Hồi tháng 2, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ra tuyên bố cảnh báo người dân tránh xa các biện pháp truyền máu này.
Một hoạt động bẻ khóa khác cũng bị cảnh báo là không thử tại nhà: cấy phân, truyền phân từ người hiến khỏe mạnh vào đường ruột của người nhận ốm yếu. Năm 2016, phát ốm vì bị đau bụng nghiêm trọng, Zayner quyết định cấy phân trong một phòng khách sạn. Ông này đã lấy phân của một người bạn và định cấy truyền cho mình để sử dụng các lợi khuẩn trong đó. Ông ta thậm chí còn mời một nhà báo tới để ghi lại quy trình. Sau đó, Zayner tuyên bố thí nghiệm đã khiến mình khỏe hơn.
Tuy nhiên, cấy phân vẫn đang được thử nghiệm và chưa được FDA chấp nhận. FDA gần đây cho biết có hai người đã bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng vì cấy phân chứa vi khuẩn kháng thuốc. Một người đã tử vong. Hai người nói trên bị nhiễm khuẩn khi được cấy phân trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng. Do đó, nếu tự làm, rủi ro sẽ còn cao hơn nhiều. FDA hiện cấm thử nghiệm lâm sàng loại cấy ghép này.
Zayner còn phổ biến ý tưởng rằng bạn có thể chỉnh sửa ADN của chính mình bằng CRISPR. Năm 2017, ông đã tiêm ADN CRISPR cho mình tại một hội nghị công nghệ sinh học và truyền phát trực tiếp thí nghiệm này. Về sau, ông cho biết hối hận vì làm như vậy do có nhiều người có thể bắt chước ông và bị thương. Dù vậy, ông cho biết sẽ vẫn bán bộ dụng cụ CRISPR cho ai muốn mua.
Bà Ellen Jorgensen, một nhà sinh học phân tử đồng sáng lập Genspace và Biotech Without Borders (Công nghệ sinh học không biên giới) - hai phòng thí nghiệm ở Brookylyn, nhận định những trò như của Zayner là đáng lo ngại. Bà khuyên mọi người không mua bộ dụng cụ của Zayner, không chỉ bởi vì nó không có tác dụng mà còn vì CRISPR là một công nghệ mới tới mức các nhà khoa học còn chưa biết chắc mọi rủi ro liên quan khi sử dụng.
Khi sửa đổi gen của chính mình, người ta có thể vô tình gây ra biến đổi gien tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Đó là một hành vi nguy hiểm không được khuyến khích tự làm. Bà cho rằng những hành vi bẻ khóa sinh học kiểu trên khiến những người bẻ khóa sinh học như bà bị tiếng xấu. Bà nói: "Điều đó không tốt cho cộng đồng bẻ khóa sinh học vì nó làm cho mọi người có cảm giác rằng chúng tôi vô trách nhiệm".
Những băn khoăn
Khi nghe chuyện ai đó tự chỉnh sửa gen chính mình hoặc truyền máu của người trẻ hơn để trường sinh bất tử, chúng ta có cảm giác lo lắng không hiểu con người sẽ trở thành giống loại gì. Trong thực tế, những hành vi đó là thay đổi bản chất con người ngay từ đầu.
Cách đây 40 năm, những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm dường như đi ngược quy luật tự nhiên, nhưng giờ đây, thụ tinh trong ống nghiệm đã được chấp nhận là biện pháp chính thống. Liệu bẻ khóa sinh học có trải qua quá trình tương tự hay liệu nó có thực sự làm thay đổi bản chất con người một cách cơ bản khiến chúng ta lo ngại? Câu trả lời đó vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Dù vậy, người bẻ khóa sinh học vẫn đang nói về việc tạo ra những thay đổi lớn đến nỗi rủi ro kèm theo cũng lớn không kém.
Một trong số đó là rủi ro về mặt xã hội: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người bẻ khóa sinh học nâng cấp cho bản thân chứ không phải cho cả nhân loại? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chỉ có người giàu mới có thể bẻ khóa sinh học làm mình sống lâu? Chuyện gì sẽ xảy ra khi người giàu sống lâu hơn còn người nghèo chết sớm?
Khi sống trong xã hội bẻ khóa sinh học, con người có thể cảm thấy áp lực phải thay đổi sinh học bản thân cho dù không muốn. Từ chối có nghĩa là sẽ bất lợi cho bản thân hoặc bị chỉ trích đạo đức.
Nhà sinh học phân tử Jorgensen kết luận: "Đây là một bộ công nghệ mạnh mẽ có thể được sử dụng theo nhiều cách. Chúng ta tốt hơn hết là cần suy nghĩ và sử dụng thông minh".