Trẻ sơ sinh tử vong vì bệnh viện không chẩn đoán ra?

Thứ Sáu, 09/01/2015, 20:35
Sáng ngày 2/12/2014, chị Từ Thị Thúy Nga, cư trú tại quận 7, TP HCM đã đến Văn phòng phía Nam Chuyên đề ANTG - Báo CAND để trình bày về một vấn đề mà theo chị, do sự tắc trách của bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn (BVPSQTSG), đã khiến con chị tử vong sau khi ra đời được 26 ngày…

1. Theo tường trình của chị Nga, ngay từ khi mang thai, chị đã chọn BVPSQTSG làm nơi chăm sóc thai định kỳ và cũng là nơi chào đời cho con mình. Chị nói: "Ngày 29/5/2014, khi thai được 21,5 tuần tuổi, đúng lịch hẹn tái khám, tôi được bác sĩ (BS) Phạm Bích Sơn chỉ định làm kiểm tra siêu âm 4D tại BVPSQTSG".

Bản kết quả do BS Phùng Ngọc Thư ký tên cho thấy "tim thai nhi nằm bên trái, động mạch chủ cũng nằm bên trái, hình thái học chưa thấy bất thường". Trước khi ra về, BS Phạm Bích Sơn còn yêu cầu chị siêu âm tim mẹ và tim thai ở Phòng khám Tim mạch Hồng Tâm, số 101/2 đường Thành Thái, quận 10, TP HCM. Tuy nhiên, do nhà chị ở gần BV tim Tâm Đức nên chị đến BV Tâm Đức.

Tại đây, kết quả siêu âm do BS Lại Thị Quế Châu thực hiện đã nhận định: "Không thấy bất thường đáng kể về cấu trúc và chức năng của tim thai", kèm theo đề nghị: "Cần siêu âm kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu tim mạch bất thường sau khi sinh bởi vì siêu âm tim thai không cho phép chẩn đoán tất cả các bất thường (ở) tim thai vì tim thai tiếp tục phát triển trong quá trình mang thai".

Ngày 4/7/2014, khi thai nhi đã 27 tuần tuổi, theo định kỳ, chị Nga đến BVPSQTSG và lại được BS Phạm Bích Sơn chỉ định siêu âm 4D. Kết quả vẫn là "hình thái học chưa thấy bất thường". Tuy nhiên theo lời chị thì: "Trước khi sinh 2 tuần, cứ mỗi 3 ngày tôi lại đến BVPSQTSG để tái khám và lần nào cũng được cho kiểm tra tim thai. Tất cả các lần ấy đều ghi nhận nhịp tim không tốt lắm, nhiều nhịp giảm, biểu đồ nhịp tim thể hiện không đều…".

Đặc biệt là lần nào đo tim thai, chị Nga cũng được BS yêu cầu đo lại, có hôm phải đo 2 lần và kết quả thì  "tạm chấp nhận được chứ thật sự cũng không tốt lắm". Khi nêu ra thắc mắc vì sao không tốt, chị Nga luôn được BS trả lời rằng do thai ngủ, hoặc do mẹ đói bụng, hoặc do mệt và yêu cầu chị Nga về nhà phải chú ý cử động thai.

9h30 ngày 2/10/2014, chị Nga vào BVPSQTSG vì có dấu hiệu chuyển dạ. 10h42 cùng ngày, chị Nga hạ sinh một bé trai nặng 3,8kg bằng phương pháp sinh thường. Quá trình chuyển dạ đến lúc sinh rất nhanh, không khó khăn: "Tôi nhớ rõ là trong lúc sinh, tôi luôn nghe BS Phạm Bích Sơn - người trực tiếp đỡ cho tôi - qua theo dõi tim thai trên monitor - hối thúc tôi cố gắng rặn nhanh vì em bé mệt rồi".

Chị Nga nói: "Khi cháu lọt lòng, tôi thấy cháu khóc rất yếu, không to như những đứa bé sơ sinh khác mà tôi từng chứng kiến". 3 tiếng sau đó, chị cùng con được chuyển về phòng riêng rồi lúc cho con bú, chị thấy người nó hơi xanh tím, hai mu bàn tay, bàn chân bị phù nhẹ, móng tay, móng chân hơi tím, mũi, môi trán, hai đùi cũng tím. Hôm sau, lúc 3h chiều, có một bác sĩ vào khám rồi khi nghe chị Nga hỏi, vị bác sĩ này nói "để theo dõi thêm".
Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn.

Hai ngày sau khi sinh, BVPSQTSG thông báo cho chị Nga xuất viện. Trước khi xuất viện, chị được chỉ định đưa con đi khám tổng quát với BS Nguyễn Thị Nhàn. Lúc người nhà chị đặt câu hỏi, rằng tại sao cháu bé lại phù và tím, thì BS Nhàn giải thích: "Do thai lớn, lại sinh thường nên phù và tím là sinh lý nhưng vài ngày sau sẽ hết. Nếu bé vẫn bú bình thường và tỉnh táo, linh hoạt thì không sao, về nhà theo dõi thêm".

Trong sổ sức khỏe của con chị, kết quả khám trước khi ra viện do BS Nhàn thực hiện cho thấy ở mục "hệ tim mạch" được đánh dấu là "bình thường", còn phần mô tả bất thường thì không ghi gì hết nhưng ngoài rìa của mục này, có 2 chữ viết tay "SA tim". Riêng phần khám khi ra viện, cũng có dòng chữ viết tay "SA tim, bụng, khớp háng, nếu vàng da đến đùi thì đưa vào tái khám".

Chị Nga bức xúc: "Nếu đã nghi vấn con tôi có dị tật về tim mạch thì tại sao lại đánh dấu bình thường và tại sao BVPSQTSG không chỉ định siêu âm kiểm tra tim cho con tôi ngay khi cháu còn trong BV mà lại cho xuất viện? Đã vậy, ghi là "SA tim, bụng, khớp háng" nhưng BS Nhàn lại không hề có bất kỳ sự giải thích nào với gia đình là tại sao phải siêu âm tim và khi nào thì siêu âm...".

2. Về nhà, chị tiếp tục theo dõi hiện tượng tím và phù của con. Đến ngày thứ 6 sau xuất viện, con chị có hiện tượng sặc sữa, thở nhanh và nặng. Chị Nga kể: "Tôi thuê một hộ lý ở BVPSQTSG hằng ngày đến nhà giúp chăm sóc cháu bé. Rất nhiều lần, cô hộ lý này đề nghị tôi đưa con đi siêu âm gấp nhưng cô không nói lý do.

Sau này, lúc con tôi mất, cô ấy mới cho biết là khi khám cho bé, BS Nhàn nghi ngờ bé "có cái gì là lạ" nên đã nhờ cô hộ lý này nhắc tôi đưa bé đi siêu âm. Điều khó hiểu nhất là tại sao BS Nhàn đã biết con tôi "có cái gì là lạ" mà không cho tôi biết và không kiểm tra ngay, lại cho về khi tôi mới sinh 2 ngày, lúc bé vẫn còn phù, tím tái…".

Ngày 12/10, chị Nga đưa con đến Phòng khám Hồng Tâm để siêu âm tim vì bé ngày càng tím đen, sặc sữa nhiều hơn, thở rất nhanh và nặng. Kết quả con chị đã mắc phải dị tật "chuyển vị đại động mạch", và BS Phòng khám Hồng Tâm yêu cầu chị phải đưa con vào BV Nhi Đồng gấp.

Ở đây, thiết tưởng cũng nên nhắc qua về căn bệnh nguy hiểm này. Trong cơ thể người, tim có 4 buồng chính gồm 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất. Một chu kỳ tuần hoàn của tim bao gồm các giai đoạn: Máu sau khi đi nuôi các cơ quan, bị lấy mất ôxy, trở thành máu đen rồi trở về tâm nhĩ phải, xuống tâm thất phải và được bơm lên động mạch phổi để đến phổi. Tại đây máu lấy ôxy, biến thành máu đỏ, về nhĩ trái, xuống thất trái rồi lại được bơm vào động mạch chủ đến các cơ quan.

Một bác sĩ ở Khoa Tim mạch can thiệp, BV Chợ Rẫy, giải thích: "Chuyển vị đại động mạch là một bệnh lý tim bẩm sinh. Do bất thường trong quá trình tạo hình trái tim lúc phôi thai dẫn đến việc động mạch phổi và động mạch chủ đổi chỗ cho nhau. Động mạch phổi thay vì cắm vào thất phải thì lại cắm vào thất trái, còn động mạch chủ lẽ ra cắm vào thất trái, lại cắm vào thất phải. Hậu quả là máu đen ít ôxy trong thất phải thay vì được bơm lên phổi để lấy ôxy thì lại được bơm ra động mạch chủ đi nuôi các cơ quan, còn máu đỏ nhiều ôxy từ thất trái thì bơm ra động mạch phổi, dẫn đến cơ thể bị thiếu ôxy triền miên, nặng nề.

Vẫn theo vị bác sĩ này, do áp lực bơm máu của thất trái lớn hơn thất phải, và do lượng máu lên phổi nhiều hơn bình thường nên các mạch máu phổi luôn phải gánh chịu một áp suất lớn, lâu ngày dày lên, co thắt và xơ hóa, dẫn đến tăng kháng lực mạch máu phổi (từ chuyên môn gọi là tăng áp động mạch phổi). Khi có tăng áp phổi thì việc bơm máu lên phổi rất khó khăn, dẫn đến lượng máu lên phổi giảm dần khiến ôxy cung cấp cho cơ thể cũng giảm theo, bệnh nhi sẽ bị suy hô hấp và suy tim phải nặng nề.

Một BS ở BV Nhi Đồng 1 cho biết: "Khi thai nhi được 6 tuần tuổi thì tim thai đã hình thành hoàn toàn, và nếu tim thai bị dị tật chuyển vị đại động mạch thì cũng đã bị rồi. Siêu âm kiểm tra cho thai nhi khi đã phát triển hoàn chỉnh có thể phát hiện được dị tật này nếu là thai ngôi đầu. Ngôi mông thì khó thấy, ngôi ngang khó thấy hơn. Tuy nhiên, vẫn có thể chẩn đoán dị tật qua các dấu hiệu lâm sàng trên cơ thể bé, xuất hiện ngay sau khi sinh. Trước kia chưa có phương pháp phẫu thuật chuyển động mạch, dị tật có thể khiến trẻ tử vong khoảng 1 tuần sau sinh vì thế, phẫu thuật cần được tiến hành sớm".

3. Nghe theo khuyến cáo của BS ở Phòng khám Hồng Tâm, ngay trong ngày 12/10, chị Nga  đã  đưa con vào Khoa Cấp cứu BV Tâm Đức. Xem xong kết quả siêu âm của Phòng khám Hồng Tâm, BV Tâm Đức quyết định chuyển con chị qua BV Nhi Đồng 1.

Sáng 13/10, chị Nga được BV Nhi Đồng 1 mời lên ký giấy cam kết phẫu thuật. Để cứu con chị, các bác sĩ đặt bóng thông tim nhằm duy trì sự sống tạm thời. Ngày 20/10, con chị Nga được xếp lịch mổ nhưng đến cuối ngày phải hoãn lại vì máu cháu bé thuộc nhóm máu hiếm (Rh-) nên cần có thời gian để tìm máu phù hợp.

Mãi đến ngày 22/10, mới tìm được người có cùng nhóm máu, đồng ý cho máu nên sáng thứ năm, ngày 23/10, cháu bé lên bàn mổ. Tuy nhiên, kíp mổ chưa kịp làm thủ thuật thì bé tụt huyết áp, ngưng tim, ngừng thở khiến kíp mổ phải tiến hành hồi sức tích cực.

Theo chị Nga thì lúc mổ xong, BS Thơi - là người mổ cho bé đã thông báo kết quả mới chỉ tạm chấp nhận được thôi, cần tiếp tục theo dõi vì bé còn phải trải qua một lần phẫu thuật chính nữa nếu ca mổ tạm thời này thành công và sức khỏe bé tiến triển tốt.

Thế nhưng 5 ngày sau - ngày 28/10, con chị tử vong do quá yếu. Lo liệu xong việc mai táng, chị Nga đến BVPSQTSG. Nơi này giải thích với chị rằng "dị tật chuyển vị đại động mạch chưa thể hiện rõ ràng, thời gian nằm viện ngắn nên chưa phát hiện" trong lúc việc cho mẹ con chị Nga xuất viện là quyết định của BVPSQTSG chứ chị không tự xin về.

Chị Nga nói: "Phải chăng họ biết con tôi bị dị tật ở tim nhưng họ vẫn giấu vì nếu nói ra thì rõ ràng kết quả siêu âm và những lần thăm khám của BVPSQTSG là không chính xác. Vì vậy, họ cho về thay vì chuyển con tôi qua BV chuyên khoa để mổ?".

Ngày 4/12/2014, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với BVPSQTSG. Sau khi nghe và ghi chép những khiếu nại của chị Từ Thị Bích Nga, ông Hoàng Bá Thư, Phó giám đốc Hành chính của BV nói: "Đây là vấn đề thuộc về chuyên môn nên tôi sẽ sắp xếp để nhà báo gặp gỡ những BS đã trực tiếp theo dõi cho chị Nga và nghe những BS này trả lời".

Trưa ngày 8/12, ông Thư gọi tôi, hẹn 10h sáng ngày 9/12 làm việc nhưng 3 tiếng sau đó, ông gọi lại, cho biết "các bác sĩ bận hội nghị, bận mổ nên khi nào họ rảnh, tôi sẽ báo sau".

Tuy nhiên, đến trưa thứ Sáu ngày 19/12, chúng tôi vẫn không hề nhận được bất kỳ một phản hồi nào của BVPSQTSG. Chị Nga cho biết BVPSQTSG đã chủ động mời chị đến gặp đồng thời đề nghị với chị: "Vụ việc chỉ nên giải quyết giữa hai bên, không nên để "người thứ ba" xen vào (?!)".

Chị nói: "Mặc dù tôi biết dị tật của con tôi nghiêm trọng, khả năng sau mổ có sống hay không cũng không bác sĩ nào dám khẳng định, nhưng thà rằng BVPSQTSG cho tôi biết sự thật và làm hết sức mình để cứu con tôi thì nếu bé có mất, tôi cũng không thắc mắc hay khiếu nại gì. Đằng này, họ cố tình giấu nên qua vụ việc này, tôi chỉ muốn họ xem lại cách làm việc của họ".

Bên cạnh việc gửi đơn khiếu nại đến Chuyên đề ANTG - Báo CAND, chị Nga cũng đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Y tế TP HCM, đề nghị làm rõ việc BVPSQTSG có chẩn đoán sai hay không, dẫn đến cái chết của con chị.

Xuân Hòa
.
.