Triều Tiên và "giấc mơ" tên lửa đạn đạo

Thứ Năm, 08/09/2016, 15:35
Lễ mừng này diễn ra trong bối cảnh chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên chịu sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Một số chuyên gia vũ khí cũng nhận định với Reuters rằng, Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công nghệ hạt nhân và tên lửa trong thời gian gần đây.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 4-9 dẫn nguồn tin tờ nhật báo Rodong Sinmun cho biết, để chào mừng thành công vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hồi hạ tuần tháng 8 vừa qua, Triều Tiên đã huy động khoảng 100.000 người tham gia lễ mừng.

Tiến triển về công nghệ tên lửa

Các chuyên gia tình báo Mỹ cho rằng, trong năm 2016 Triều Tiên đã đạt những tiến triển đáng kể về công nghệ vũ khí, trong đó có việc lần đầu tiên thử thành công loại tên lửa được cho là phóng từ tàu ngầm (thực ra là từ một phương tiện chìm dưới mặt biển, chưa xác định rõ có phải tàu ngầm hay không), song hiện chưa rõ liệu nước này đã phát triển được đầu đạn hạt nhân hay chưa. B.Alex - một chuyên gia nghiên cứu vũ khí của NASA nhận định, việc phóng được tên lửa thì đã rõ, nhưng vẫn còn những nghi ngờ về phương tiện phóng tên lửa đạn đạo.

Tên lửa Musudan được trình diễn tại lễ duyệt binh gần đây ở Triều Tiên. Ảnh: AP.

Giải thích rõ hơn về điều này, chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, trụ sở tại California (Mỹ), nói rằng Triều Tiên đã tăng tốc đáng kể tiến độ các vụ thử tên lửa.

Triều Tiên cũng đã đầu tư mạnh tay và chi "đậm" cho quá trình hiện đại hóa các nhà máy sản xuất tên lửa. Hình ảnh vệ tinh có thể chứng minh điều này. "Sự đầu tư này đã mang lại kết quả với vụ thử tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn gần đây, song Triều Tiên vẫn chưa hoàn tất việc phát triển một tàu ngầm có thể mang tên lửa này", chuyên gia Jeffrey Lewis nói.

Hai chuyên gia trên cũng chỉ rõ, thông qua phân tích các bức ảnh chụp từ vệ tinh của Planet, có thể thấy rõ ba nhà máy lớn chuyên phục vụ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện đã được hiện đại hóa và mở rộng. Điều này càng thể hiện sự quyết tâm của Triều Tiên trong việc hiện thực hóa tuyên bố dùng mọi nguồn lực, dù là khan hiếm, để đầu tư phát triển vũ khí.

Chuyên gia Lewis cho biết trong bức ảnh chụp ngày 22-8, ông thấy tại một nhà máy cũ ở vùng nông thôn cách thủ đô Bình Nhưỡng 60km, người ta đang xây dựng một số cơ sở hạ tầng mới, gia cố lại các tòa nhà cũ và đào lối vào nơi nhiều khả năng là một cơ sở dưới lòng đất. Theo các chuyên gia, nhà máy này vốn được Triều Tiên sử dụng để sản xuất động cơ xe tăng, chế tạo các bộ phận tên lửa và nhiều khí tài quân sự khác. Trong khi đó, cũng qua các bức ảnh chụp vệ tinh, chuyên gia Lewis cho biết nhà máy Kanggye được giới chuyên gia vũ khí cho là nơi lắp ráp và chế tạo đạn dược, cũng đã được nâng cấp từ năm ngoái.

Nguồn thông tin từ một công nhân người Triều Tiên đào tẩu cung cấp cho Nhật báo Chosun của Hàn Quốc cũng khẳng định, đây là "căn cứ sản xuất vũ khí chính" của Triều Tiên.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. Chính vì vậy chuyên gia Lewis sau khi phân tích các thông tin tình báo liên quan tới vấn đề này đã khẳng định rằng, Bình Nhưỡng đang dành ưu tiên cao trong việc xây dựng hạm đội tàu ngầm hiện đại, có thể tàng hình và phóng tên lửa hiện đại.

Chuyên gia Lewis chỉ ra rằng, trong các bức ảnh được chụp từ vệ tinh mới được thu thập, người ta đã thấy một khu công trường mới đang dần hình thành tại căn cứ tàu ngầm Sinpo của Triều Tiên. Một bức ảnh chụp từ ngày 10-8 cho thấy người ta đang xây dựng một cơ sở mới cạnh bến cảng bên trong khu căn cứ. Hiện vẫn chưa rõ có phải khu công trường này được sử dụng để đóng một tàu ngầm mới hay không.

Liên quan tới việc phát triển tên lửa của Triều Tiên, tháng 4 vừa qua, một quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới mức cần thiết để gắn vào tên lửa. Tuy chưa có bằng chứng xác thực, song theo nhà nghiên cứu kỳ cựu Yang Uk tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, Triều Tiên đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Nhà nghiên cứu Yang Uk nhận định, dù cho Triều Tiên chưa chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân đủ tiêu chuẩn để lắp vào tên lửa, nhưng Triều Tiên đã có đủ cơ sở ban đầu và hiện nước này vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu và rút kinh nghiệm từ các vụ thử để chế tạo một đầu đạn đủ tiêu chuẩn.

"Giấc mơ" tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Giới chuyên gia cho rằng, với tốc độ nghiên cứu như hiện nay, trong thời gian không xa, Triều Tiên rất có thể sẽ chế tạo được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đủ sức mang theo đầu đạn hạt nhân. Theo các nhà phân tích của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù một số tuyên bố bị xem là chỉ mang tính "khoe khoang", song trên thực tế, các chuyên gia quốc tế đều nhận định các tên lửa của Triều Tiên đã có sự cải thiện rõ rệt về tầm cao, tầm xa và tốc độ so với trước đây, và điều này có thể là dấu hiệu cho thấy những bước tiến đáng kể trong chương trình tên lửa bị cấm của quốc gia này.

Tháng 6 vừa qua, sau hàng loạt thất bại liên tiếp, Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa tầm trung, với hành trình có thể lên tới 3.500km. Việc hoàn thiện công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và có được hạm đội tàu ngầm đủ sức triển khai loại vũ khí này sẽ giúp Triều Tiên gia tăng mối đe dọa đối với nhiều nước tại khu vực Thái Bình Dương, bởi tàu ngầm thường là loại vũ khí dễ tránh được các cuộc tấn công từ đất liền và có khả năng "vượt qua" nhiều loại lá chắn tên lửa tân tiến.

Triều Tiên đã thử thành công các tên lửa tầm ngắn Scud và tầm trung Rodong. Tên lửa Rodong, với tầm bắn được thiết kế khoảng 1.300 km, có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và hầu hết Nhật Bản. Song tên lửa sử dụng bệ phóng di động Musudan là tên lửa tầm trung duy nhất của Triều Tiên có tầm bắn được thiết kế đủ xa để vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam, bàn đạp chính cho quân tiếp viện Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng làm chủ cái gọi là "công nghệ re-entry" (tên lửa đưa đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu rồi quay trở lại) để có thể sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Loại tên lửa được phóng thử ngày 22-6 vừa qua, còn được gọi là Hwasong-10, đã đạt được độ cao lý tưởng (cao hơn tất cả các tên lửa Triều Tiên phóng thử từ trước đến nay) và gần đạt được độ cao của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Nhà phân tích Jeffrey Lewis cho rằng, vụ thử xem ra đã thành công và nếu Triều Tiên phóng tên lửa ở góc nghiêng bình thường thì tên lửa đó đã bay được hết tầm bắn là khoảng 4.000km. Theo chuyên gia này, tiến bộ của loại tên lửa Musudan là đặc biệt "đáng ngại" bởi nó còn góp phần củng cố chương trình KN-08 của Triều Tiên nhằm phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên có tầm bắn đủ xa để vươn tới Mỹ.

Nhà phân tích Kim Dong-yup thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul thì cho rằng Triều Tiên có những ý đồ sâu xa khi nhiều lần thất bại vẫn thử đi thử lại loại tên lửa Musudan. Ông nói: "Trên thực tế họ đang cố tìm cách dùng Musudan để thử 'công nghệ re-entry' và hệ thống phát nổ cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa".

Ông Lee Choon-geun, chuyên gia về tên lửa của Triều Tiên thuộc Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cũng cho rằng nếu Triều Tiên phóng tên lửa Musudan ở góc bình thường thì tên lửa này có thể bay xa hơn 400 km. Thay vào đó, Triều Tiên đã phóng tên lửa đó ở góc rộng hơn (có lẽ là cố tình để tên lửa rơi xuống khu vực gần) để có thể dễ dàng thu thập được dữ liệu trong vụ thử. Việc chế tạo tên lửa của Triều Tiên hiếm khi thành công ngay từ lần thử đầu tiên, nhưng chuỗi 5 lần liên tiếp thất bại của tên lửa Musudan là điều hiếm thấy ở quốc gia này. Giới phân tích nhận định, Triều Tiên kiên trì thử tới 6 lần một loại tên lửa cũng cho thấy quốc gia này quyết tâm phát triển bằng được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Kết quả thử tên lửa thành công tạo thêm động lực cho chính sách "Tiên quân" - Chính sách coi trọng vũ khí hạt nhân ngang với sự phát triển kinh tế. Các chuyên gia nhận định, mặc dù Triều Tiên không dễ gì đạt được các mục tiêu đề ra, song những chính sách của Mỹ nhằm cản trở hay đảo ngược tham vọng của nước này đã chứng tỏ là không có hiệu quả. Trong khi đó, ở trong nước, phía Triều Tiên nói rằng, chính sách này đang giành được thắng lợi.

Trước sự thành công của Triều Tiên, mạng tin của Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor có bài phân tích cho rằng, đã đến lúc Washington cần phải xem xét lại chiến lược đối phó với một Triều Tiên có vũ khí hiện đại. Theo Stratfor, trong thời gian qua, Triều Tiên đã đẩy nhanh vòng quay thử tên lửa, đặc biệt chú trọng vào các hệ thống tên lửa cơ động và tầm xa hơn như là tên lửa Musudan/Hwasong-10 và các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm.

Mặc dù Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng như trong phạm vi lãnh thổ của mình, song hệ thống phòng thủ này chưa hoàn thiện. Washington sẽ phải điều chỉnh những tính toán thiệt hơn của việc tấn công hay gây bất ổn định Triều Tiên. Câu hỏi đặt ra không phải là làm cách nào để ngăn chặn Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, mà là làm thế nào để xử lý các mối quan hệ khu vực một khi Bình Nhưỡng đạt được khả năng này.

Hơn 2 thập niên qua, Washington luôn tìm cách chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trừng phạt, cô lập, đe dọa, đàm phán và nhượng bộ đều thất bại. Thất bại này bắt nguồn từ hai nguyên nhân: Một là, hai bên thiếu sự hiểu biết lẫn nhau về những quan ngại an ninh cơ bản; hai là, Mỹ đặt ưu tiên cho việc giải giáp hạt nhân của Triều Tiên thấp hơn so với những vấn đề cấp bách khác.

Trong khi đó, phía bên kia, các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã khiến nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng Bình Nhưỡng vẫn nói rằng hành động của họ là hoàn toàn chính đáng. Những tranh cãi sẽ không bao giờ chấm dứt khi hai bên không có tiếng nói chung. Các cuộc thử vũ khí vẫn diễn ra và các lệnh trừng phạt hiện không thể ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí.

Nguyễn Hòa
.
.