Trong thế giới của các thám tử hạt nhân

Chủ Nhật, 29/12/2019, 14:53
Tình báo hạt nhân không chỉ dành cho các cơ quan chính phủ. Một đội ngũ của các cơ quan tư nhân giám sát bên ngoài đã tìm ra những cách sáng tạo để ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của vũ khí hạt nhân.


Thế giới thám tử hạt nhân và cuộc chạy đua phóng vệ tinh nhân tạo

Theo dõi các mối đe dọa hạt nhân từng là trách nhiệm “độc quyền” của các điệp viên và đội ngũ chuyên gia phân tích tại các cơ quan tình báo chính phủ có quyền lực cao. Nhưng ngày nay, thế giới của các thám tử hạt nhân “tự bổ nhiệm” đã bước ra khỏi bóng tối để dò xét các hoạt động hạt nhân tiềm ẩn và các nhà sản xuất hạt nhân bị nghi ngờ khác. 

Thế giới của “thám tử hạt nhân tự bổ nhiệm” khá rộng lớn – bao gồm các nhà báo, những người có sở thích săn lùng bí mật, giáo sư, sinh viên, các nhóm đối lập chính trị, các tổ chức phi lợi nhuận (hoặc vì lợi nhuận), các cựu thanh sát viên vũ khí quốc tế, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng như cựu lãnh đạo tình báo. Trong đó có một số là nghiệp dư có chuyên môn sâu rộng. Một số được thúc đẩy bởi lợi nhuận, hoặc nguyên nhân chính trị.

Gần như tất cả đều có một mối quan tâm ám ảnh về bí mật hạt nhân và tìm ra những cách sáng tạo để phát hiện chúng. Cùng với nhau, những cơ quan giám sát tự bổ nhiệm này đang làm thay đổi những nỗ lực không phổ biến hạt nhân của nhân loại. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những thách thức mới cho chính phủ Mỹ, nơi gần như độc quyền về hình ảnh giám sát chi tiết về các quốc gia thù địch với tham vọng hạt nhân.

Các cơ quan tình báo Mỹ hiện phải hoạt động trong một thế giới mà thông tin thường bị rò rỉ cho bất cứ ai muốn nhìn thấy và sử dụng. David Schmerler - thành viên một nhóm tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến hạt nhân James Martin (CNS) - có biệt danh là “Geolocation Jesus” (tạm dịch: “Chúa tể Định vị địa lý”) - nhờ kỹ năng riêng để xác định các địa điểm nghi là nghiên cứu hoặc thử nghiệm hạt nhân.

David Schmerler (giữa) - thành viên một nhóm tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến hạt nhân James Martin (CNS) có biệt danh là “Geolocation Jesus” (tạm dịch: “Chúa tể Định vị địa lý”)

Frank Pabian - người làm việc chặt chẽ trong nhóm nghiên cứu Đại học Stanford do cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL) Siegfried Hecker dẫn đầu - là một trong những nhà phân tích hình ảnh hàng đầu thế giới và là cựu thanh tra vũ khí người Mỹ. 

Tiếp đến là Jacob Jacoble, người có sở thích lập bản đồ vào ban đêm từ nhà của anh ta ở Murfreesboro thuộc bang Tennessee miền đông nước Mỹ. Đại khái có khoảng 17 nhóm lớn hoặc cá nhân tích cực theo dõi các hoạt động hạt nhân trên khắp thế giới. Không phải tất cả các công việc được tạo ra bởi hệ sinh thái rộng lớn này là chính xác, nhưng phần lớn trong số đó mang tính đột phá. Và tất cả đều chưa được giải mật.

Trong nhiều thập niên, chính phủ các cường quốc và đặc biệt là Mỹ đã dồn sức vào thị trường vệ tinh, vì lý do: vận hành mọi thứ trong không gian đều đòi hỏi kỹ thuật cao và cực kỳ tốn kém. Vệ tinh do thám CORONA - một dự án của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Không quân Mỹ - là hai tổ chức đầu tiên chụp ảnh hành tinh vào năm 1960. 

Thế nhưng, thử thách kỹ thuật đã khiến cho 13 nhiệm vụ đầu tiên của CORONA gặp thất bại. Nhưng trong lần thử thứ 14, vệ tinh đã thành công khi chụp ảnh nhiều vùng lãnh thổ của Liên Xô - hơn tất cả các chuyến bay máy bay do thám U-2 trước đó cộng lại.

Albert Wheelon, phó giám đốc khoa học và công nghệ đầu tiên của CIA, đánh giá thành công như một ngọn đèn pha khổng lồ được bật trong một nhà kho tối tăm. Chẳng bao lâu sau, Liên Xô phóng vệ tinh quang điện tử của riêng họ gọi là Zenit-2 vào năm 1962. Nó cũng vậy, rất tốn kém và thất bại nhiều lần trước khi cuối cùng ghi được những hình ảnh có thể sử dụng được. Tuy nhiên, kể từ đầu thập niên 2000, các vệ tinh thương mại đã trở nên phổ biến.

Theo đánh giá mối đe dọa năm 2019 do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) Mỹ ban hành, số lần phóng vệ tinh hàng năm đã tăng gấp 4 lần trong 5 năm qua. 

Trong một lần phóng duy nhất vào năm 2018, công ty tư nhân SpaceX đã gửi 64 vệ tinh nhỏ - từ 17 quốc gia và một trường trung học ở Florida - vào vũ trụ. Thông tin báo cáo lưu ý rằng chỉ riêng trong năm 2018, 322 vệ tinh nhỏ có kích thước của một hộp đựng giày đã được đưa vào quỹ đạo và một số nhà phân tích ước tính rằng hơn 8.000 vệ tinh nhỏ sẽ được phóng trong thập niên tới.

Các vệ tinh gián điệp vẫn cung cấp độ phân giải và khả năng tốt hơn. Nhưng các vệ tinh thương mại ngày nay đang thu hẹp khoảng cách, đưa ra độ phân giải hình ảnh tốt hơn khoảng 900% so với cách đây 15 năm trước, đủ sắc bén để phân biệt các loại ôtô khác nhau chạy dọc đường và chụp một số chỉ số thiết bị được sử dụng trong vũ khí hạt nhân các chương trình. 

Hơn nữa, các chòm sao vệ tinh nhỏ có thể bay trên cùng một vị trí nhiều lần trong ngày, xác định những thay đổi trên mặt đất trong thời gian thực. Đã vậy, một start-up ở San Francisco có tên Planet sở hữu hơn 150 vệ tinh trên quỹ đạo. BlackSky - có trụ sở tại Seattle và đi vào hoạt động năm 2013 - có 60 vệ tinh và cho biết chúng bay qua các thành phố lớn 40 đến 70 lần một ngày.

Thông tin giả được phát hiện và những lỗi nặng

Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới sử dụng Internet và vào năm 2020, nhiều người sẽ có smartphone hơn. Kết nối di động đang giúp cho tất cả mọi người trở thành… một sĩ quan tình báo tiềm năng. Mọi người có thể xem lại những bức ảnh được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, ghi lại các hoạt động địa chấn trên smartphone của họ đồng thời sử dụng các ứng dụng mô hình 3 chiều để đánh giá liệu một cơ sở khả nghi có thực sự cung cấp loại thiết bị được sử dụng trong phát triển vũ khí hạt nhân hay không.

St. Louiss Gateway Arch hoàn toàn không xuất hiện giống như hình vòm.

Trong những năm gần đây, các nhóm chuyên gia trong hệ sinh thái này - các đội của Hecker tại Stanford, Jeffrey Lewis thuộc CNS  và David Albright tại Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS - tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ để thông báo cho công chúng về “các vấn đề khoa học và chính sách ảnh hưởng đến an ninh quốc tế”) - đã tạo ra một số bước đột phá.

Khi một nhóm đối lập Iran gọi là Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran (NCRI - tổ chức chính trị của Iran có trụ sở tại Pháp) cố gắng phá hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 bằng cách tuyên bố một công ty có tên Maritan đang bí mật đặt một cơ sở hạt nhân dưới tầng hầm của văn phòng công ty ở Tehran, nhóm của Jeffrey Lewis đã cho thấy trong vòng một tuần thông tin là giả. Maritan là một công ty thực sự nhưng hoàn toàn không liên quan gì đến làm hoạt động làm giàu hạt nhân. 

Công ty chỉ chuyên làm các tài liệu an toàn như “ID card” (thẻ căn cước quốc gia). Khi phân tích hình ảnh vệ tinh, nhóm của Lewis không tìm thấy hoạt động xây dựng nào tại địa điểm văn phòng Maritan trong khung thời gian xây dựng cơ sở hạt nhân hoặc dấu hiệu rõ ràng của các hoạt động làm giàu hạt nhân được tìm thấy tại các địa điểm khác của Iran - như hệ thống thông gió hoặc trạm điện để cung cấp năng lượng hạt nhân máy ly tâm. 

Sử dụng mô hình 3 chiều cho thấy công ty bị cáo buộc trên thực tế quá nhỏ để phù hợp với máy móc và cơ sở hạ tầng hạt nhân cần thiết. Và Lewis phát hiện ra rằng bức ảnh một cánh cửa chì - được cho là đã chứng minh rằng phải có chất phóng xạ bên trong - thực ra chỉ là bản sao từ một trang web thương mại của Iran.

Nhóm của Lewis cũng phát hiện không có địa điểm nào ở Iran được biết đến từng sử dụng các cửa chì vì rò rỉ phóng xạ chưa bao giờ là vấn đề đáng lo ngại. Nhóm đã sử dụng dịch vụ đám đông, phương tiện truyền thông xã hội và ứng dụng định vị GPS để tìm người thực sự làm việc tại Maritan. Từ anh ta, nhóm biết rằng Maritan thường xuyên tiếp các nhà thầu nước ngoài đến văn phòng, khiến cho công ty rất khó có thể đặt một cơ sở hạt nhân bí mật dưới tầng hầm.

Những ví dụ này cho thấy, các thám tử hạt nhân phi chính phủ cung cấp nhiều thông tin quý giá hơn cho các cơ quan tình báo để xác nhận hoặc bác bỏ một hoạt động phát triển hạt nhân. Và bởi vì các tổ chức và cá nhân phi chính phủ hoạt động trong thế giới chưa được giải mật cho nên phát hiện của họ có thể chỉ được chia sẻ trong các chính phủ và giữa họ. 

Ngoài ra, tình báo nguồn mở có thể giúp nhập liệu và phân tích từ một loạt các chuyên gia hơn là thông tin được thu thập bởi các cơ quan tình báo truyền thống. Đặc biệt vì các mối đe dọa hạt nhân rất nguy hiểm, thông tin tình báo về chúng hầu như luôn được xếp loại bảo mật cao.

Mặc dù thông tin này có lợi ích, nhưng nó cũng đi kèm với những hạn chế nghiêm trọng. Chắc chắn, các thám tử hạt nhân nguồn mở làm tăng nguy cơ phạm lỗi vô tình giúp cho các đối thủ thấy rằng cần che giấu các hoạt động hạt nhân của mình tốt hơn. Thám tử nghiệp dư cũng có giới hạn của nó, đặc biệt là khi phân tích hình ảnh từ không gian. 

Ngay cả một quang cảnh dường như không thể nhầm lẫn cũng có thể khó phân biệt. Ví dụ từ trên cao, St. Louiss Gateway Arch (Cổng vòm St. Louis - Tượng đài nhân tạo hình vòm cao nhất nước Mỹ là biểu tượng của thành phố Saint Louis) cao 192 mét hoàn toàn không xuất hiện giống như hình vòm.

Xác định các chỉ số thông báo về sự phổ biến vũ khí là nghệ thuật rất tinh tế - các nhà phân tích hình ảnh cần phải hiểu chu trình nhiên liệu hạt nhân để biết được những manh mối trực quan nào cần tìm kiếm. 

Đối với những vật thể nhìn bằng mắt từ những góc độ xa lạ - một con đường có thể trông giống như đường ray, một dòng suối khô có thể trông giống như một đường hầm, một thang máy lớn có thể trông giống như một bệ phóng tên lửa, một bãi nhốt gia súc có thể giống như địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ, một cấu trúc hình trụ cho một khách sạn có thể trông giống như sự khởi đầu xây dựng một cơ sở hạt nhân bí mật. Các thám tử hạt nhân nghiệp dư thường mắc phải những lỗi này.

Vấn đề tính chính xác của thông tin hạt nhân

Năm 2011, một nhóm giáo sư và sinh viên Georgetown thậm chí đã khởi động một loạt phiên điều trần quốc hội và chuỗi hoạt động bên trong Lầu Năm Góc khi phân tích của thám tử nghiệp dư cho rằng Trung Quốc đang giấu hàng ngàn vũ khí hạt nhân trong các đường hầm dưới lòng đất – nhiều hơn khi so với ước tính của các quan chức tình báo Mỹ. Nhưng phân tích của thám tử hạt nhân hóa ra là không chính xác, và tạo áp lực cho các quan chức… lãng phí thời gian kiểm tra 2 lần. Và đó là những sai lầm trầm trọng.

Các thám tử bất chính có thể đưa ra những sự lừa dối có chủ ý, làm tăng nguy cơ sự giả dối sẽ được tin tưởng và sự thật sẽ bị nghi ngờ, các cơ quan tình báo sẽ bị bắt buộc xác định thông tin thay vì ưu tiên thu thập và phân tích thông tin tình báo riêng của họ. Ngoài ra, hoạt động điều tra hạt nhân của thám tử tư cũng có thể có lợi cho kẻ thù - cảnh báo họ về những điểm yếu trong kỹ thuật ngụy trang, che giấu và lừa dối mà họ không biết đã tồn tại và từ đó khiến họ phải thực hiện những biện pháp an ninh mới khiến mọi người khó theo dõi hơn.

Một số bằng chứng cho thấy chi tiết hình ảnh có sẵn trên Google Earth đã thúc đẩy những nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm che giấu các cơ sở quân sự trước mối đe dọa chụp ảnh từ vệ tinh. Lịch sử cho thấy rằng việc che giấu và tìm kiếm song hành với nhau - bất cứ khi nào các khả năng giám sát mới được tiết lộ cho một kẻ thù, các biện pháp đối phó có thể sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro này, việc dân chủ hóa hoạt động tình báo tư nhân về mối đe dọa hạt nhân có thể sẽ là một lợi ích giúp ngăn chặn sự phổ biến hạt nhân. Các quốc gia khao khát hạt nhân luôn cố gắng hết sức để che giấu tham vọng và hoạt động nguyên tử của họ. Nhờ các thám tử hạt nhân “tự bổ nhiệm” mà sự đánh giá các mối đe dọa hạt nhân không chỉ dành cho các chính phủ nữa. Đồng thời, việc che giấu hoạt động hạt nhân sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Diên San (tổng hợp)
.
.