"Làng Sao Hỏa" và giấc mơ không gian

Chủ Nhật, 12/07/2020, 11:44
Các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc được kỳ vọng là sẽ sớm thực hành các chuyến đi bộ trên Sao Hỏa vào năm 2030 sau quá trình đào tạo tại căn cứ tại Thanh Hải.


Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc thông báo chương trình vũ trụ mà nước này dự định tiến hành tại Sao Hỏa vẫn sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch, bất chấp ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2), với các hoạt động chuẩn bị diễn ra suôn sẻ để tiến đến hiện thực hóa vụ phóng đầu tiên, nhiều khả năng sẽ diễn ra tại tỉnh Hải Nam, phía Nam Trung Quốc trong tháng 7 này hoặc tháng 8 tới, khi Trái Đất và Sao Hỏa ở gần nhau nhất.

Mùa Hè không gian

Theo lịch trình, tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 (Tianwen 1) - gồm thiết bị tự hành cùng tàu đổ bộ và thiết bị ngoại vi - sẽ được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5 (Long March-5), và dự kiến sẽ đến Sao Hỏa vào tháng 2/2021 sau hành trình dài 150 triệu km. Tên lửa đẩy Trường Chinh 5, được cho là có tải trọng lớn nhất trong "đại gia đình" Trường Chinh, cũng từng thực hiện nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ có khả năng chở người và hàng hóa, đồng thời có thể tái sử dụng, hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Thiết bị tự hành mà Trung Quốc đưa lên Sao Hỏa có tên Xích Thố (Chitu) sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới đổ bộ Sao Hỏa sau Mỹ và Liên Xô trước đây. Không giống các chương trình chia theo giai đoạn giống hai "đàn anh đi trước", thường sẽ đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo của Sao Hỏa trước khi tách tàu thăm dò hoặc đưa thiết bị tự hành xuống bề mặt hành tinh này trong các nhiệm vụ tiếp theo, Trung Quốc muốn thực hiện ngay từ lần đầu tiên.

Công nghệ viễn thám, điều khiển tự động, hệ thống kiểm soát và điều hướng chính xác cũng như thông tin liên lạc không gian là những công nghệ then chốt để đảm bảo thành công cho nhiệm vụ. Thách thức đầu tiên trong sứ mệnh sắp tới của Trung Quốc là đảm bảo tàu vũ trụ thích ứng được với trọng lực của Sao Hỏa, để Thiên Vấn 1 có thể giảm tốc độ và di chuyển vào trường trọng lực mà không đâm thẳng xuống bề mặt hành tinh này.

Trung Quốc có kế hoạch đáp xuống Utopia Planitia, vùng lòng chảo được công nhận lớn nhất trong hệ Mặt Trời nằm ở Sao Hỏa. Trung Quốc đã mất 4 năm để chuẩn bị cho kế hoạch lần này. Nỗ lực đặt chân lên Sao Hỏa năm 2012 của Trung Quốc đã thất bại do tàu vũ trụ không vượt khỏi quỹ đạo Trái Đất và bị nổ tung trên bầu trời Thái Bình Dương. 

Nhiệm vụ thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của nước này do Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Vũ trụ Trung Quốc (CASTC) đảm nhận, cơ quan chịu trách nhiệm về các sáng kiến khám phá không gian khác như chương trình tàu vũ trụ Thiên Vấn. Tàu Thiên Vấn 1 trong nhiệm vụ sắp tới sẽ chở 13 thiết bị gồm 7 tàu đổ bộ và 6 thiết bị tự hành để tìm kiếm dấu vết của nguồn nước và có thể là cả sự sống.

Khu vực có địa hình được cho là giống với Sao Hỏa nhất.

Chưa rõ chi phí Trung Quốc bỏ ra cho tham vọng không gian của mình lớn tới đâu, song một bài đăng của CASTC qua tài khoản mạng xã hội WeChat hồi cuối năm ngoái cho biết con số không "quá lớn", ước tính khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,4 tỷ USD).

Ngoài những tham vọng phát triển về kinh tế biển, về vị thế chính trị và trong khoa học công nghệ, Trung Quốc đang tích cực phát triển lĩnh vực nghiên cứu không gian, với những bước tiến và thành quả nhất định.

Trung Quốc đã đưa tàu thăm dò và các thiết bị tự hành lên Mặt Trăng, hiện một số thiết bị này vẫn đang hoạt động, trong đó có một nhiệm vụ tại phần tối của hành tinh này, sau sứ mệnh gần đây nhất vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã đưa phi hành gia thực hiện thành công các nhiệm vụ bên ngoài tàu vũ trụ, đi bộ trong không gian cho đến triển khai các phòng thí nghiệm ngoài không gian.

Tất cả những nhiệm vụ trên đều được xem là tiền đề để Trung Quốc thúc đẩy nhiệm vụ thám hiểm Sao Hỏa sắp tới. Trong số đó, không thể không nhắc đến việc nước này hiện đã thành lập một cơ sở đào tạo phi hành gia tại Thanh Hải, cực Tây Trung Quốc, nơi địa hình và bối cảnh được cho là khá tương đồng với bề mặt Sao Hỏa. Đất đỏ cằn cỗi, và khí hậu khô khiến khu vực này được cho là rất lý tưởng để huấn luyện các phi hành gia thực hiện những nhiệm vụ trong tương lai.

"Làng Sao Hỏa"

Căn cứ mô phỏng Sao Hỏa của Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2019. Nằm tại vùng bồn địa Sài Đạt Mộc, vùng lõm chiếm phần lớn diện tích Châu tự trị dân tộc Mông Cổ và dân tộc Tạng Hải Tây, tỉnh Thanh Hải, Tây Bắc Trung Quốc. Căn cứ này trải dài trên diện tích hơn 53 km², gồm những hạ tầng có thể chứa khoảng 60 người trong các "tổ kén" và 100 người khác trong các ngôi lều chuyên dụng. Dự án được gọi là "làng Sao Hỏa" với mục đích kết hợp du lịch và khoa học.

Phiên bản nguyên mẫu xe tự hành sao Hỏa của Trung Quốc. Ảnh:  Reuters.

Nằm ở phía Bắc cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, khu vực là nơi có địa hình trầm tích gió - hình thành do tác động của gió lên các hạt có kích thước nhỏ như cát; do đó chúng thường chỉ theo hướng thịnh hành là gió thổi khi chúng được hình thành - rộng lớn nhất tại Trung Quốc, với các rặng núi nhỏ và đá tảng. Ở vị trí cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, căn cứ này được bao bọc bởi một vùng địa hình trũng, khô và lạnh giá, nơi ánh mặt trời chiếu gần như thường xuyên vào ban ngày.

Thời gian Mặt trời chiếu tại khu vực này lên tới 72% vào tháng 7 và 85% vào tháng 10 hàng năm. Nhiệt độ trung bình trong năm là 2,82°C, nhiệt độ trong 24 giờ có sự chênh lệch khá lớn, tháng 1 nhiệt độ có thể xuống tới -12,5°C và duy trì ở mức hơn 17.1°C trong tháng 7.

Đất đai khô cằn, gồm những vùng đất như sa mạc, xen lẫn những dãy núi, đồng cỏ, sông ngòi và hồ nước, những đặc trưng địa chất này đã biến nơi đây thành địa điểm hấp dẫn có ý nghĩa về mặt khoa học. Khoảng 95.000km2 diện tích tỉnh Thanh Hải chịu ảnh hưởng của hiện tượng sa mạc hóa. Tuy nhiên, điều kiện cằn cỗi, thiếu cây cối lại khiến cảnh vật trở nên lý tưởng để mô phỏng cuộc sống tại Hành tinh Đỏ. Khu vực có đặc điểm địa chất, địa hình, và khí hậu được cho là khá tương đồng với bề mặt Sao Hỏa, nơi có sự bao phủ của đất đá và cát bụi.

"Làng Sao Hỏa" được xây dựng để phục vụ các hoạt động như giáo dục, du lịch, nghiên cứu khoa học và huấn luyện giả định. Vùng lòng chảo này được mệnh danh là Wadi Rum của Trung Quốc, một thung lũng và là một Di sản Thế giới Tự nhiên được Liên Hợp Quốc công nhận, nằm ở phía Nam Jordan, nơi bộ phim viễn tưởng The Martian (Người về từ Sao Hỏa) được ghi hình.

Căn cứ này gồm một hạ tầng mô phỏng hoạt động "hạ cánh xuống Sao Hỏa" và "trại Sao Hỏa" đặc biệt gồm các tổ kén và lều trại mô phỏng môi trường sống của con người sau khi tới Hành tinh Đỏ. Một số "tòa nhà trụ sở" cùng các "tổ kén Sao Hỏa" được xây dựng để tạo trải nghiệm chân thực nhất cho du khách. Để thu hút các chuyên gia khoa học, tại căn cứ này còn có hai tòa tháp đôi để phục vụ việc quan sát thiên văn.

Việc xây dựng được bắt đầu tháng 6-2018 với mức đầu tư vào khoảng 150 triệu Nhân dân tệ (tương đương 22,4 triệu USD).

Theo nhiều quan chức, môi trường của căn cứ này phù hợp để thử nghiệm các thiết bị thăm dò không gian, như những xe tự hành mà Trung Quốc triển khai tại Mặt Trăng và dự định phóng lên sao Hỏa thời gian tới. 

Các nhà khoa học thường sẽ sinh hoạt trong các khu lều và thực hiện thí nghiệm ngoài trời, vì vậy căn cứ được trang bị các hạ tầng phù hợp sẽ tạo điều kiện tối ưu cho giới nghiên cứu. Một quan chức khẳng định trên tờ Asia Times: "Đây là khu vực lý tưởng để các nhà khoa học nước ngoài tới nghiên cứu về địa hình bí ẩn và đặc biệt của vùng lãnh thổ phía Tây Trung Quốc".

Các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc được kỳ vọng là sẽ sớm thực hành các chuyến đi bộ trên Sao Hỏa vào năm 2030 sau quá trình đào tạo tại căn cứ tại Thanh Hải.

Nhiều quốc gia khác cũng đã xây dựng những căn cứ tương tự mô phỏng hành trình tới Hành tinh Đỏ và cuộc sống tại đây.

Năm 2015, một công trình nghiên cứu được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) tài trợ đã cho phép 6 nhà nghiên cứu được trải nghiệm cuộc sống như ở Sao Hỏa tại Hawaii trong suốt một năm. Năm 2010-2011, một nhóm tình nguyện viên, trong đó có một người Trung Quốc, cũng đã trải nghiệm 250 ngày trong phi thuyền tại Moskva - thời gian ước tính cho hành trình từ Trái Đất đến Sao Hỏa.

Tiềm năng phát triển

Dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào song Thanh Hải vẫn là khu vực kém phát triển so với các tỉnh duyên hải của Trung Quốc. Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của tỉnh này đứng gần cuối danh sách các tỉnh của Trung Quốc. Nhiều người kỳ vọng sự hiện diện của "làng Sao Hỏa" sẽ góp phần đẩy mạnh cả du lịch và nền kinh tế địa phương.

Trung Quốc đang tích cực đầu tư cho giấc mơ không gian của mình.

Kính thiên văn vô tuyến khẩu độ 500m (FAST) ở tỉnh Quý Châu, được mệnh danh là kính viễn vọng lớn nhất trên thế giới, đã được mở cửa đón người tham quan từ tháng 9 năm ngoái. Với FAST, người ta không chỉ có thể quan sát các sao xung (sao neutron xoay rất nhanh), vật chất tối, lỗ đen và thậm chí các nền văn minh ngoài trái đất (nếu có), mà còn nhận được tín hiệu vũ trụ cách xa 13,7 tỷ năm ánh sáng.

Nó cung cấp cho những người đam mê thiên văn học cơ hội tìm hiểu thêm kiến thức thiên văn và khám phá những bí ẩn ngoài vũ trụ.

Số liệu cho thấy trong nửa đầu năm 2017, quận Bình Đường, nơi đặt FAST đã ghi nhận 5.1363 triệu lượt khách du lịch, tăng 40,1% so với một năm trước đó, với doanh thu du lịch tăng 43,07% lên 4,62 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 689 triệu USD).

Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền khu Nội Mông cũng là địa điểm hấp dẫn đối với du khách. Nghiên cứu về ngành du lịch tại Trung Quốc dự đoán thị trường này sẽ tăng trưởng tới 100 tỷ Nhân dân tệ (tương đương gần 15 tỷ USD) trong vòng từ 3 đến 5 năm.

Thái Hân (tổng hợp)
.
.