Trung Quốc: Nỗ lực bảo tồn lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Chủ Nhật, 23/02/2020, 13:15
Ngày 20 tháng 10 năm 2010, cục bảo tồn di sản Lâm Đồng thành phố Tây An nhận được tin báo ngôi mộ số 1 trong khu Tần Đông Lăng bị đào trộm. Vụ việc này lập tức được cục công an, chính quyền thành phố Tây An hết sức quan tâm. Tổ chuyên án gồm hơn 50 cảnh sát có kinh nghiệm đã được thành lập để nhanh chóng phá vụ án này.


Khu mộ của tổ tiên Tần Thủy Hoàng

Khu mộ Tần Đông Lăng được phát hiện năm 1986 khi nhân dân địa phương sửa chữa mương tưới nước. Tần Đông Lăng nằm ở phía tây khu Lâm Đồng thành phố Tây An và ở phía tây lăng của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Bởi vì khu lăng mộ này nằm ở phía đông của thành Hàm Dương thủ đô của nhà Tần nên lịch sử gọi là Tần Đông Lăng, là di tích văn hóa trọng điểm của Trung Quốc.

Trong nhiều năm nơi đây đã khai quật được rất nhiều văn vật đồ đồng, đồ sứ, đồ sắt và đồ gỗ. Theo lịch sử ghi chép thì ở Tần Đông Lăng gồm có mộ của thái tử Tần Chiêu Vương, mộ Đế Thái Hậu mẹ của Tần Thủy Hoàng, mộ Trang Tương Vương là bố Tần Thủy Hoàng, mộ Hiếu Văn Vương là ông nội của Tần Thủy Hoàng, mộ Chiêu Tương Vương là cụ nội Tần Thủy Hoàng và mộ Tuyên Thái Hậu là mẹ cụ nội Chiêu Tương Vương.

Theo Cục di sản Tây An, khu Tần Đông Lăng gồm 4 khu lăng mộ có diện tích hơn 24 km², trong đó có 3 ngôi mộ lớn hình chữ Á, 2 ngôi mộ lớn hình chữ Trung và có rất nhiều ngôi mộ hình chữ Giáp.

Sự sắp xếp hình thái khác nhau trong mộ táng cổ đại Trung Quốc thể hiện sự cao thấp của địa vị. Ngôi mộ hình chữ Á được xây dựng có 4 đường vào mộ thuộc đẳng cấp cao nhất của các đế vương. Ngôi mộ hình chữ Trung xây dựng có 2 đường  vào mộ, ngôi mộ hình chữ Giáp xây dựng có 1 đường vào mộ thuộc về hoàng tử và quý tộc. Trong khu Tần Đông Lăng có 3 ngôi mộ hình chữ Á có thể hiện đẳng cấp rất cao.

Khu di tích Tần Đông Lăng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

Trước mắt đã biết khu lăng mộ số 1 có hai ngôi mộ lớn hình chữ Á, khu lăng mộ số 4 cũng đã phát hiện một ngôi mộ lớn hình chữ Á, thông qua khoan thăm dò khảo cổ thấy trong hầm mộ có một số xe ngựa cùng đồ vật trang trí và cảnh tượng rất hoành tráng. Những báu vật dưới đất của khu mộ Tần Đông Lăng luôn là sự kích thích thần kinh với bọn mộ tặc.           

Tin tức về khu lăng mộ Tần Đông Lăng bị mộ tặc đã gây nên mối lo ngại rộng rãi trong xã hội vì trong năm 2010 khu Tần Đông Lăng được chọn là “10 sự kiện văn hóa hàng đầu trong cả nước Trung Hoa”, nên vụ án mộ tặc này trở thành sự quan tâm chú ý của cả nước.

Công cụ gây án chứa đầy 6 bao tải

Ông Cao Hải Phong nhân viên quản lý khu di tích Tần Đông Lăng nhớ lại: Ngày 18 tháng 10 năm ngoái, ông và một nhân viên đi kiểm tra ngôi mộ số 1 thì phát hiện một lưỡi cưa sắt gãy, ông nghi ngờ có người đã đến đây nhưng lúc đó chưa thấy động tĩnh gì của bon mộ tặc nên ông cắm lưỡi cưa xuống đất. 

Đến ngày 19 tháng 10 khi đi kiểm tra thì không thấy lưỡi cưa đâu nữa và có đất mới vương vãi khắp nơi nhưng lúc đó đang là mùa màng nên đất đai có thể bị biến động nhiều nên vẫn không thể xác định được khu mộ bị mộ tặc và ông lại in một dấu chân để làm dấu. Ngày 20 tháng 10, ông Cao Hải Phong trở lại và không thấy dấu chân của mình nữa, kiểm tra xung quanh ông phát hiện một máy bộ đàm và lúc này thì ông không thể thờ ơ được nữa vội báo cho cảnh sát.

Ngày 21 tháng 10, cảnh sát và nhân viên bảo tồn di sản đến hiện trường khi bới chỗ đất mới ở trên đỉnh ngôi mộ số 1 thì phát hiện đây là cửa đường hầm bọn mộ tặc đào vào trong ngôi mộ. Cảnh sát và nhân viên bảo tồn di sản lập tức tăng cường bảo vệ hiện trường cả ngày lẫn đêm và báo cáo với công an thành phố Tây An.

Sau khi nhận được báo cáo, cảnh sát Tây An lập tức đến hiện trường cùng với nhân viêc Cục bảo vệ di sản tiến hành điều tra tại chỗ thấy rằng cửa đường hầm được bọn mộ tặc ngụy trang rất khéo khi mở cửa hầm ra có một bao tải đựng đầy những công cụ mà bọn mộ tặc cất giấu để chúng tiếp tục hành động.

Đường hầm bọn mộ tặc đào rộng 1m2 sâu khoảng 30m đi dọc theo tường ngôi mộ xuống bên dưới, ở hành lang trong ngôi mộ có mấy cái mặt nạ phòng độc và cả đèn pin. Cảnh sát thu thập những dụng cụ của bọn mộ tặc cất giấu bên ngoài và bên trong ngôi mộ chứa đầy 6 bao tải.

Tính chuyên nghiệp và lão luyện của bọn mộ tặc thật đáng kinh ngạc. Bọn mộ tặc đã dùng kỹ thuật công nghệ hiện đại. Cảnh sát xác nhận rằng đường hầm rộng như vậy không phải được đào bằng xẻng mà bọn mộ tặc đã dùng kỹ thuật "ép nổ" nên đường hầm được hình thành trong thời gian rất nhanh.    

Khi xuống đường hầm kiểm tra, cảnh sát cho biết rằng bọn mộ tặc chỉ mới lấy được một số văn vật ở hành lang ngôi mộ, bọn chúng chưa vào được bên trong mộ.

Từ vật chứng bắt được 7 tên tội phạm

Sau nhiều lần kiểm tra các dụng cụ của bọn mộ tặc để tìm manh mối, cuối cùng cảnh sát chú ý đến một cái túi nilon, khi giở cái túi ra thì nó là cái túi đựng bệnh án của bệnh viện Tây An có ghi tên người phụ nữ là Lưu Lệ. Thông qua điều tra, cảnh sát biết được người phụ nữ này ở khu Nhạn Tháp. 

Xét xử vụ án Tần Đông Lăng.

Khi cảnh sát thẩm vấn, Lưu Lệ khai rằng người yêu của cô là Tề Phong đưa cô đi bệnh viện khám bệnh rồi anh ta giữ luôn cả bệnh án. Lưu Lệ còn khai rằng Tề Phong hiện đang ở ngoại ô phía bắc Tây An.

Từ 3 giờ sáng ngày 5 tháng 11 cảnh sát đã đến nơi ở và bắt được Tề Phong, khám xét nơi ở của anh ta thu được mặt nạ phòng độc, bình ôxy, kíp nổ điện và nhiều dụng cụ để đào trộm mộ. Tề Phong khai nhận mình cùng đồng bọn đã đào trộm mộ ở Tần Đông Lăng. Căn cứ vào lời khai của Tề Phong, cảnh sát bắt được đồng phạm là Vũ Chính, Trương Quân và Tiêu Phi ở Tây An, đồng thời sáng sớm ngày 6 tháng 11, cảnh sát đến Từ Châu, Giang Tô bắt Từ Lâm, Lý Dân và Dương Hà, còn tên tội phạm Trương Phong đã bỏ trốn đến năm 2018 thì bị bắt.

Theo điều tra, khoảng giữa tháng 7 năm 2010, Tề Phong làm quen với Tiêu Phi, một người giỏi về nghề điện, hai tên đã nhiều lần đến Tần Đông Lăng để tiến hành thăm dò, xem xét. Sau khi lên kế hoạch đào trộm, bọn chúng gọi thêm 3 tên nữa tham gia. 

Khoảng giữa tháng 8 và tháng 9, bọn chúng được Vũ Chính hỗ trợ tiền mua máy thông gió, máy phát điện và nhiều dụng cụ. Tính đến tháng 10, bọn chúng đã hai lần tiến vào khu mộ lấy được 11 văn vật và ngay trong đêm đó đem đi Từ Châu, Giang Tô chôn giấu trong nhà Từ Lâm, bọn chúng định để đến khi nào yên ổn sẽ đem bán nhưng không ngờ lại bị bắt nhanh đến thế.

Khay gỗ sơn mài chân cao.

Trong nhà họ Từ, cảnh sát đã thu được một khay gỗ sơn mài cao chân, ba đế khay gỗ và 7 thẻ gỗ sơn mài mà bọn chúng lấy được từ trong mộ. Đến lúc này thì toàn bộ 11 văn vật mà bọn mộ tặc lấy được trong ngôi mộ số 1 đều đã thu hồi được.

Thông qua việc giám định, ủy ban bảo tồn di sản Thiểm Tây xác định khay gỗ sơn mài chân cao là văn vật quý hiếm cấp 1, có khắc hơn 20 chữ, đế khay chân cao, các mảnh gỗ sơn mài thuộc loại văn vật quý hiếm cấp 3.

Các chuyên gia khảo cổ cho rằng các văn vật từ trong ngôi mộ số 1 có giá trị khoa học, lịch sử và nghệ thuật vô cùng quan trọng, trong đó khay gỗ sơn mài chân cao có các chữ khắc trở thành vật chứng quan trọng để xác định chủ nhân của ngôi mộ.

Nhiều lần Tần Đông Lăng bị mộ tặc “hỏi thăm”

“Năm nào Tần Đông Lăng cũng bị mộ tặc nhưng lần này thì nghiêm trọng hơn nhiều”, rất nhiều người dân địa phương phản ánh với phóng viên. “Ban ngày có người đi tuần ở xung quanh khu lăng mộ nhưng ban đêm thì không có ai canh giữ cả”.

Theo bộ môn bảo quản di sản thì “Những ngôi mộ lớn trong Tần Đông Lăng đều có những đường hầm đi vào bên trong chứng tỏ rằng những ngôi mộ đó đã bị mộ tặc”.

Trong những năm gần đây an toàn của những di sản ở nơi rừng núi hoang vu và ở nơi đồng ruộng đã phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng, và hầu như mộ cổ ở các địa phương trong toàn quốc đều bị mộ tặc hoành hành.

Tháng 12 năm ngoái, Cục quản lý di sản văn hóa Nhà nước đã đưa ra một thông báo rằng mấy năm nay, Triệu Vương Lăng ở Hàm Đan tỉnh Hà Bắc, Giang Vương Lăng ở Quế Lâm Quảng Tây, quần thể mộ Hán ở huyện Thương Châu, Hà Bắc, quần thể mộ nước nóng ở Đô Lan, Thanh Hải, khu Đường Kiến Lăng ở Hàm Dương, Thiểm Tây, quần thể mộ cổ ở Tùy Châu, Hồ Bắc, quần thể lăng mộ Hán Sở Vương ở Từ Châu, Giang Tô, khu lăng mộ nhà Tần ở Tây An, Thiểm Tây, quần thể mộ cổ ở Thiệu Hưng, Chiết Giang… là những di chỉ văn hóa trọng điểm cấp quốc gia đều phát hiện nhiều cổ vật bị mộ tặc lấy cắp.

Khu vực Tần Đông Lăng.

Nhà nghiên cứu khảo cổ Tiêu Nam Phong ở Viện khảo cổ Thiểm Tây nói với phóng viên: “Bình thường khu Tần Đông Lăng được cục quản lý di sản quản lý nhưng vì toàn thể khu vực có diện tích rất lớn và địa hình rất phức tạp, khu lăng mộ có nhiều cây cối rậm rạp, nhiều nơi xe không thể vào được nên khó khăn cho việc giám sát quản lý. Hiện nay cả khu Tần Đông Lăng chỉ có 4 nhân viên gồm 10 khu lăng mộ trong diện tích  hơn 24 km².”

Nhà nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện khảo cổ Trung Quốc Từ Quang Ký nói: “Các tổ chức tội phạm mộ tặc rất xảo quyệt, hiện nay bọn mộ tặc đã sử dụng phương pháp đào mộ tiên tiến nên chúng hành động trong thời gian ngắn, điều này càng gây thêm sự khó khăn cho công tác bảo vệ”.       

Tình hình trên cho thấy các tổ chức tội phạm gần đây có xu thế chuyên nghiệp hóa hình thành nên mối quan hệ rất mật thiết giữa mộ tặc, tiêu thụ và buôn lậu. Những thiết bị thăm dò hồng ngoại, thiết bị dò kim loại và kỹ thuật cao được bọn chúng sử dụng nhiều.

Theo các cán bộ bảo tồn di sản tỉnh Thiểm Tây thì Cục quản lý di sản Tần Đông Lăng đã đề nghị được lắp thiết bị cảnh báo bằng sóng mặt đất trong khu vực lăng và lắp đặt camera giám sát tại các ngôi mộ để bảo vệ sự an toàn cho di sản văn hóa trọng điểm của nhà nước.    

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)
.
.