Trung Quốc chống tội phạm bằng trí tuệ nhân tạo

Thứ Sáu, 14/06/2019, 12:42
Bắc Kinh đang đẩy mạnh công nghệ nhận diện khuôn mặt vào nhiều lĩnh vực cuộc sống của người dân từ phát hiện người qua đường không đúng luật đến việc tiết kiệm giấy vệ sinh và dịch vụ cho phép thanh toán không cần mật khẩu. Trung Quốc đã lập kế hoạch cho sự thống trị của trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030.

Hiện nay, Trung Quốc đang hoàn thiện mạng lưới camera giám sát mà họ cho rằng lớn nhất thế giới. Khắp cả nước, 170 triệu camera đã được lắp đặt và khoảng 400 triệu thiết bị mới sẽ được bổ sung trong vài năm tới. Rất nhiều camera trong số này tích hợp trí thông minh nhân tạo, bao gồm cả khả năng nhận diện khuôn mặt người.

Súng và tội phạm sử dụng súng

Tại Trung Quốc, cá nhân các công dân không được phép sở hữu súng, và chính phủ có chiến dịch nghiêm khắc nhằm tịch thu vũ khí. Tiến sĩ Xu Jianhua, chuyên gia tội phạm học Đại học Macau, bình luận: "Nói về tội phạm có sử dụng súng thì Trung Quốc có thể là một trong các nước có tỷ lệ thấp nhất, bởi chính phủ có những hạn chế rất nghiêm ngặt đối với súng".

Hệ thống camera theo dõi công nghệ nhận dạng khuôn mặt người ở Trung Quốc.

Có những lý do khiến tỷ lệ phạm tội liên quan tới súng ở Trung Quốc thấp, ngay cả khi bản thân các số liệu đó cũng là không đáng tin cậy. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố từ năm 2012 - 2017, tỷ lệ phạm tội liên quan tới súng giảm 81,3%, từ 311 vụ xuống 58 vụ. Và, tội phạm liên quan tới súng đã giảm 27,6% trong năm 2018. Các số liệu này liên quan tới toàn bộ các vụ phạm tội có mang theo hoặc có sử dụng súng - theo Tiến sĩ Xu Jianhua.

Số liệu về tội phạm liên quan tới súng ở châu Âu và Mỹ là những tư liệu có thể dễ dàng tiếp cận hơn nhiều so với số liệu từ Trung Quốc.

Tại Mỹ, trong năm 2017, có 314.931 vụ được ghi nhận gồm các tội ngộ sát, cướp, hành hung có liên quan tới súng - theo số liệu từ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). 

Trong cùng năm, tại Anh và Đức, nếu tính cả các vụ dùng súng để đe dọa thì có 6.375 vụ và 8.935 vụ được cảnh sát ghi nhận tại hai nước này. Các số liệu trên không thể đem so sánh trực tiếp với số liệu mà Trung Quốc đưa ra, nhưng có thể nhìn thấy sự nguy hiểm tại các thành phố nước Mỹ.

Việc tổng hợp và báo cáo về các số liệu thống kê tội phạm là chủ đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia. Những số liệu khác nhau phụ thuộc vào việc công chúng sẵn lòng tới đâu trong việc trình báo với giới chức về các vụ tội phạm, cũng như vào việc định nghĩa về các hành vi tội phạm được thay đổi ra sao.

Hầu như ngày nào trong tuần, báo chí ở Trung Quốc cũng đều đưa tin về các vụ đâm dao, bắn súng và các vụ tấn công tình dục xảy ra tại các nước phương Tây. Họ đặc biệt bị ám ảnh về tội phạm liên quan tới súng ở Mỹ.

Thông điệp mà họ muốn đưa ra: Thế giới phương Tây không hề an toàn. Hồi tháng 7-2018, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cảnh báo du khách Trung Quốc tới Mỹ hãy "tránh đi ra ngoài một mình vào ban đêm".

Từ năm 2015, giới chức Bắc Kinh công bố rằng mọi ngóc ngách trong thành phố ở Trung Quốc đều bị theo dõi chặt chẽ bởi hệ thống camera an ninh của cảnh sát. Và tới 2020, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, nước này sẽ hoàn thành việc triển khai hệ thống camera theo dõi trên toàn quốc, với công nghệ nhận dạng khuôn mặt người.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường nói đến các vụ mà hệ thống theo dõi, được gọi là "Shar Eyes", được áp dụng để ngăn chặn kịp thời các vụ phạm tội.

Ví dụ vào tháng 6-2018, báo chí đăng chuyện có một cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra giữa hai người trong một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, liên quan tới tiền bạc. "Ngay khi một phụ nữ trẻ định rút dao ra thì cảnh sát đã tới nơi, ngăn chặn được một vụ lẽ ra đã thành một vụ tắm máu" - một bài báo khi đó viết.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Cloudwalk được sử dụng tại hơn 60 sân bay trên khắp Trung Quốc.

Cũng không ngạc nhiên gì khi một số công dân Trung Quốc chia sẻ với nhau trên mạng xã hội rằng họ thích đi nghỉ ở bên trong Trung Quốc hơn, bởi đó là "nơi an toàn". Tại Trung Quốc, cảnh sát báo về tình trạng phạm tội đầu tiên là ở mức thành phố cho tới mức tỉnh thành, rồi sau lên cấp quốc gia.

Tiến sỹ Xu cho biết: "Số liệu thống kê về tội phạm là rất quan trọng trong việc xác định thành tích hoạt động của cảnh sát và chính quyền địa phương". Nếu được coi là hoạt động tốt thì các viên chức địa phương sẽ có cơ hội được tăng lương, thăng chức nhiều hơn. Số liệu thống kê về tình trạng tội phạm trên toàn quốc được tổng hợp từ các báo cáo của cảnh sát địa phương, và một số loại tội phạm chỉ được báo cáo nếu các vụ xảy ra ở mức độ nghiêm trọng.

Cũng có những khác biệt giữa số các cuộc điện thoại gọi tới đường dây khẩn cấp với số liệu tội phạm được công bố chính thức - theo nghiên cứu của Tiến sỹ Xu.

Ông nói: "Nếu bạn so sánh các vụ tội phạm được báo qua đường dây nóng, tất nhiên không phải là vụ nào cũng là tội phạm thật, nhưng bạn sẽ thấy trên 90% các cuộc điện thoại đó không được trình báo". Việc đưa tin về số liệu tội phạm của Trung Quốc có thể là điều khiến người ta đặt câu hỏi, nhưng nhìn chung các thành phố của nước này được đánh giá là khá an toàn, ít xảy ra tình trạng tội phạm mang tính bạo lực.

Nỗ lực triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo

Hiện nay, nhờ vào một loạt các công ty trí tuệ nhân tạo sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt mà các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc có thể dễ dàng truy lùng một tội phạm chạy trốn trong một quốc gia có 1,4 tỷ người. Và một trong số đó là Cloudwalk - công ty khởi nghiệp đặt trụ sở tại Quảng Châu.

Công nghệ nhận dạng dáng đi của Watrix đang hoạt động.

Ban đầu Cloudwalk chỉ tập trung vào môi trường tài chính với công nghệ nhận dạng khuôn mặt bằng AI (trí tuệ nhân tạo) được triển khai trong hệ thống máy ATM của các ngân hàng lớn khắp Trung Quốc. Hiện nay, công nghệ nhận dạng khuôn mặt Cloudwalk được nhà nước hậu thuẫn đã hỗ trợ cảnh sát Trung Quốc thực hiện hơn 10.000 vụ bắt giữ trong 4 năm qua.

Trong một tuyên bố, giới chức công ty cho biết công nghệ đã được triển khai tại hơn 29 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc. AI thực hiện hơn 1 tỷ so sánh các khuôn mặt so với cơ sở dữ liệu của nó mỗi ngày và tích lũy được hơn 100 tỷ điểm dữ liệu.

Công ty cũng đã thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu phân tích video chung thuộc Bộ Công an Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác về các sản phẩm công nghệ hỗ trợ lực lượng cảnh sát. Cloudwalk - cùng với các đối thủ khởi nghiệp AI như SenseTime Group và Megvii - cũng đang giúp cung cấp thiết bị an ninh cho mạng lưới giám sát khổng lồ của Trung Quốc.

Theo các nhà chức trách, có hơn 20 triệu camera được lắp đặt tại các không gian công cộng và tư nhân ở các thành phố Trung Quốc so với chỉ 50 triệu camera ở Mỹ - theo đánh giá từ công ty nghiên cứu IHS Markit. Công ty nghiên cứu dự kiến khoảng 450 triệu camera mới sẽ được chuyển đến thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2020.

Sinh ra như một dự án ươm tạo của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Cloudwalk được thành lập vào năm 2015 bởi nhà khoa học thị giác máy tính Zhou Xi, người đã rời công việc tại viện cùng với một số nhà nghiên cứu từ nhóm nhận dạng khuôn mặt để bắt đầu liên doanh mới.

Ban đầu chỉ tập trung vào tài chính, Cloudwalk hiện nay đã phát triển thành nhà cung cấp AI lớn nhất cho các ngân hàng Trung Quốc. Hơn 400 ngân hàng bao gồm Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc trên khắp Trung Quốc đã triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt Cloudwalk trong mạng ATM của họ, xử lý khoảng 216 triệu giao dịch mỗi ngày.

Công nghệ AI cũng đang hoạt động tại hơn 60 sân bay trên khắp Trung Quốc. Cloudwalk được tài trợ từ chính quyền địa phương và trung ương ngay từ buổi đầu khởi nghiệp. Đồng thời, Cloudwalk cũng được nhiều quỹ đầu tư chính phủ hậu thuẫn.

Hiện Cloudwalk có giá trị khoảng 3 tỉ USD và tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài, theo báo cáo của Credit Suisse. Doanh nghiệp cho hay vừa ký thỏa thuận với chính phủ Zimbabwe để xây dựng mạng lưới tài chính thông minh cho ngân hàng và thiết lập mạng lưới giám sát tại khu vực công cộng. Cloudwalk cũng sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở dữ liệu khuôn mặt tại Zimbabwe.

Ngoài ra, Watrix là công ty cung cấp công nghệ nhận dạng dáng đi. Công ty cho biết phần mềm của họ có thể nhận dạng một người đứng cách xa 50 mét, ngay cả khi họ che mặt hoặc quay lưng lại với máy quay. Phần mềm AI có khả năng nhận dạng nhờ phân tích và xây dựng cơ sở dữ liệu từ hàng ngàn dữ liệu về dáng một người đi bộ, từ đường nét cơ thể, góc độ cánh tay khi di chuyển cho đến dáng đi hướng ngón chân ra ngoài hay vào trong.

Huang Yongzhen, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc Watrix, cho biết: "Với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, người ta cần nhìn vào camera. Song với công nghệ của chúng tôi thì người ta chẳng cần hợp tác để giúp chúng tôi nhận ra họ".

Tính năng nhận dạng dáng đi giúp Watrix có lợi thế trong việc bắt tội phạm lẩn trốn, những kẻ có xu hướng tránh sự giám sát. Cảnh sát trên đường phố Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh đã thử nghiệm công nghệ nhận dạng dáng đi.

Huang cho biết: "Hiện chúng tôi đang cộng tác với cảnh sát trong các cuộc điều tra tội phạm, chẳng hạn như theo dõi nghi phạm của một vụ cướp. Trung Quốc có khoảng 300.000 tội phạm truy nã. Cơ sở dữ liệu phần mềm của chúng tôi bao gồm cả hồ sơ dáng đi trước đây của tội phạm".

Huang tuyên bố tội phạm khó lòng "đánh lừa" công nghệ bằng cách ngụy trang hoặc giả đi khập khiễng: "Tỷ lệ chính xác của chúng tôi vượt mức 96%. Watrix có hơn 50 bằng sáng chế ở cả Mỹ và Trung Quốc. Che đậy đôi chân của bạn có thể làm giảm điểm số nhận dạng song chúng tôi phân tích toàn bộ cơ thể con người".

Ngoài nhận dạng dáng đi, Watrix cũng cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt, và kết hợp hai công nghệ này với nhau để kết quả chung được cải thiện. Watrix là một trong nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc như SenseTime và Megvii nỗ lực tung ứng dụng sáng tạo cho AI.

An An
.
.