Trung Quốc công bố thị trường khí thải lớn nhất thế giới

Thứ Hai, 08/01/2018, 15:30
Ngày 19-12-2017, chính quyền Trung Quốc đã công bố kế hoạch triển khai thị trường mua bán tín dụng khí thải, gọi tắt là thị trường khí thải, với quy mô lớn chưa từng có. Thị trường này là nơi các tổ chức, công ty mua bán quyền phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên.

Theo kế hoạch, bước đầu thị trường được triển khai trong khu vực các công ty phát điện thuộc sở hữu nhà nước. Đây là những đơn vị phát ra một nửa lượng khí thải cả nước do sử dụng nhiên liệu than để vận hành hệ thống máy phát điện. Theo dự kiến, giai đoạn đầu thị trường khí thải quốc gia Trung Quốc có khối lượng giao dịch khoảng 26.000 tấn khí thải một năm - tương đương 10.000 tấn than đốt mỗi năm.

Nếu hoạt động trơn tru như dự định, thị trường khí thải sẽ tạo động lực, khích lệ các công ty điện lực Trung Quốc thay đổi cách làm, sản xuất theo hướng sạch hơn. Bởi, quy tắc hoạt động của thị trường là các công ty phải trả một khoản tiền để mua quyền phát thải khí gây ô nhiễm vượt mức giới hạn được chính phủ quy định.

Ô nhiễm không khí đang trở thành vấn nạn ở Trung Quốc.

Những công ty nào đã cắt giảm lượng khí thải hiệu quả, đạt dưới mức giới hạn của chính phủ thì có thể bán giấy phép (quyền) phát thải khí ô nhiễm cho công ty khác, có thể bán với giá cao hơn giá mua vào, từ đó sinh lời. Như vậy, công ty có thể mua bán giấy phép phát thải để thu lợi nhuận bù đắp vào khoản kinh phí đầu tư cho việc sản xuất sạch hơn. Cái lợi này rõ ràng là khá hấp dẫn đối với giới doanh nghiệp.

Zou Ji - một trong những nhà tư vấn về thị trường khí thải cho Chính phủ Trung Quốc- nói rằng, Bắc Kinh có thể sẽ phát hành nhiều giấy phép phát thải trên thị trường vào đầu năm 2018 để nhanh chóng kích hoạt thị trường. Đây được xem là một hành động khẩn trương của Chính phủ Trung Quốc, bởi vấn đề khí thải gây ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn nạn quốc gia.

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện hiện tượng khói mù (smog) rất độc hại, là nguyên nhây làm gia tăng bệnh về đường hô hấp cho người dân Trung Quốc.

Zou cho biết thêm, giới chức Trung Quốc đang dự định sau một thời gian vận hành thử nghiệm, thị trường sẽ tiếp tục được triển khai đại trà tại 5 thành phố và hai tỉnh. Chương trình thực hiện tại các địa phương này bao gồm nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như phát điện, luyện thép, các nhà máy xi măng, các khu phức hợp hóa chất và các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng khác.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch ban đầu có vẻ không cao lắm, chỉ khoảng 400 triệu USD giá trị giấy phép phát thải được mua bán trên toàn thị trường. Một lý do của việc này là vì bên cạnh việc phát hành giấy phép mua bán trên thị trường, chính quyền các địa phương Trung Quốc còn phát hành rất nhiều "tín dụng khí thải" ưu đãi cho các công ty gây ô nhiễm ở các địa phương. Từ đó khiến cho các công ty không có động lực mua giấy phép trên thị trường, hoặc cắt giảm khí thải để bán giấy phép đi.

Việc Trung Quốc công bố thị trường khí thải được đón nhận với thái độ khác nhau. Theo tính toán của chuyên gia khí hậu toàn cầu Nathaniel Keohane, Phó chủ tịch Tổ chức Environmental Defense Fund, thị trường khí thải chỉ riêng ngành phát điện Trung Quốc có tổng khối lượng giao dịch trên khoảng 3,3 tỉ tấn khí cacbon dioxit (CO2), cao hơn nhiều so với khối lượng giao dịch khoảng 2 tỉ tấn của EU.

Với các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, thì đây là một tin vui, là một tín hiệu tốt đẹp phát ra từ quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Người ta cho rằng việc triển khai thị trường khí thải của Trung Quốc tuy có chậm nhưng vẫn rất cần thiết, góp phần tạo thêm xung lực cho các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Hành động của Trung Quốc càng có ý nghĩa hơn khi nước Mỹ, quốc gia phát thải ô nhiễm chỉ sau Trung Quốc, lại đang rút lại những cam kết bảo vệ môi trường và đang có ý định rút khỏi Hiệp ước khí hậu Paris.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, với quan điểm "Nước Mỹ trên hết", cho rằng hành động bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính phải được thực hiện bởi tất cả mọi quốc gia, nhất là các quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, chứ không chỉ có nước Mỹ. Ông Trump vin vào việc Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới nhưng lâu nay né tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường để bảo vệ quyền lợi ngành sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề của nước Mỹ.

Cũng có không ít người chưa hài lòng khi Trung Quốc chỉ thông báo triển khai thị trường toàn quốc ở ngành công nghiệp phát điện, trong khi hoạt động thải khí ô nhiễm của xe ôtô tham gia giao thông cũng đóng góp không nhỏ vào vấn nạn ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các "ông lớn" gây ô nhiễm gồm các khu phức hợp hóa chất, các nhà máy xi măng, các nhà máy luyện thép chưa cần tham gia thị trường cũng làm cho các nhà hoạt động bảo vệ môi trường không yên tâm.

Trung Quốc hiện đang được thế giới xem là quốc gia gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Quốc gia này đốt một lượng than nhiều bằng cả thế giới cộng lại, thải ra ¼ lượng khí nhà kính toàn thế giới, bằng Mỹ và EU cộng lại.

Mức phát thải khí gây ô nhiễm của nước này do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí thiên nhiên đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2000. Khối lượng phát thải lớn, nhưng do dân số quá đông nên lượng khí thải trên đầu người của Trung Quốc vẫn thấp hơn EU và Mỹ.

Gần đây, xuất phát từ thực tế vấn nạn ô nhiễm không khí trầm trọng, chính phủ Trung Quốc đã có những quy định siết chặt kiểm soát hoạt động phát thải khí gây ô nhiễm trong ngành điện lực. Hoạt động của thị trường khí thải sẽ tạo cơ sở thực tế để chính quyền trung ương Trung Quốc đưa ra những quy định quản lý chặt chẽ hơn ở các ngành khác.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.