Trung Quốc hoàn thành hệ thống định vị đầy tham vọng

Thứ Bảy, 04/07/2020, 15:09
Với 30 vệ tinh định vị hiện hoạt động liên tục trên quỹ đạo Trái đất, hệ thống định vị Bắc Đẩu-3 của Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với các hệ thống định vị trước đó như GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của liên minh châu Âu (EU).

Sáng 23-6 được xem là một dấu mốc quan trọng của ngành khoa học-công nghệ Trung Quốc khi nước này đã phóng thành công vệ tinh cuối cùng, vệ tinh thứ 30 của hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu-3. Theo hãng tin SCMP, hệ thống định vị Bắc Đẩu-3 có khả năng cung cấp dịch vụ định vị dân sự chuẩn xác trong phạm vi 10 cm ở Trung Quốc và khu châu Á-Thái Bình Dương, so với sai số tối đa 30 cm của GPS.

Để đạt được độ chuẩn xác như vậy, ngoài việc sử dụng các vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo Trái đất tầm trung (MEO) như các hệ thống vệ tinh định vị khác, Bắc Đẩu còn sử dụng 3 vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh (GEO) và 3 vệ tinh ở quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO) giúp tăng khả năng "nhìn thấy" các thiết bị. Đây cũng là thế hệ vệ tinh định vị dẫn đường thứ ba mà Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển trong chương trình xây dựng Bắc Đẩu, trước đó là hệ thống Bắc Đẩu-1 (gồm 4 vệ tinh thử nghiệm và dừng hoạt động từ năm 2012) và hệ thống Bắc Đẩu-2 có 14 vệ tinh vẫn đang hoạt động.

Ngoài chức năng định vị và dẫn đường, hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu-3 của Trung Quốc còn được dùng trong nhiều lĩnh vực như logistics, canh tác chính xác, giám sát biển, an ninh đô thị cũng như phục vụ cứu hộ, cứu nạn.

Mô phỏng hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ảnh: ITN.

Ý tưởng tạo ra hệ thống Bắc Đẩu được Trung Quốc lên kế hoạch từ những năm 1990 nhằm giảm sự phụ thuộc vào GPS của Mỹ. Tuy nhiên, giới hạn hiện không nằm ở đó nữa. Với mức đầu tư vượt 10 tỷ USD, Bắc Đẩu đã biến Trung Quốc thành thế lực có thể thách thức Mỹ ở thị trường cung cấp dịch vụ định vị với doanh thu tỷ USD mỗi năm.

Andrew Dempster, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật vũ trụ Australia cho rằng việc xây dựng hệ thống định vị chậm hơn Mỹ và Nga giúp Trung Quốc nắm lợi thế về kinh nghiệm cũng như tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong những năm gần đây. Theo Dempster, những lợi thế của Bắc Đẩu so với các đối thủ GPS (phóng vệ tinh đầu tiên năm 1978, vận hành từ 1995), GLONASS (phóng vệ tinh đầu tiên từ năm 1982, vận hành từ 1995) và Gelileo (phóng vệ tinh từ năm 2011) nằm ở băng thông cao, độ chính xác và khả năng bảo trì dễ dàng.

Với mô tả hệ thống định vị Bắc Đẩu-3 là "tài sản của toàn thế giới và nhân loại", báo chí Trung Quốc cho biết dịch vụ của Bắc Đẩu hiện đã được sử dụng ở 120 quốc gia, trong đó có nhiều nước tham gia sáng kiến "Vành đai, con đường" do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013 nhằm tạo ra phiên bản "con đường tơ lụa" thời hiện đại. Tại Trung Quốc, hơn 70% điện thoại di động kích hoạt Bắc Đẩu tính tới năm 2019. Hàng triệu taxi, xe bus, xe tải cũng nhận tín hiệu Bắc Đẩu.

Trong khi đó, Thái Lan và Pakistan là hai quốc gia nước ngoài đầu tiên ký kết sử dụng hệ thống từ năm 2013. "Việc vận hành đầy đủ Bắc Đẩu-3 là một sự kiện lớn. Đây rõ ràng là dự án đầu tư lớn của Trung Quốc giúp nước này độc lập khỏi các hệ thống của Mỹ và châu Âu", nhà thiên văn học Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) bình luận, theo Tân Hoa xã.

Cũng cần khẳng định, việc Bắc Đẩu-3 đi vào hoạt động đầy đủ rõ ràng sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo an toàn hoạt động liên lạc quân sự và cải thiện mức độ chính xác các loại vũ khí của nước này, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với Mỹ ngày càng diễn ra khốc liệt ở nhiều lĩnh vực.

Tờ SCMP từng mô tả việc xây dựng Bắc Đẩu đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một sự cố "đáng quên" vào năm 1996, khi quân đội Trung Quốc mất dấu 2 quả tên lửa trong một cuộc tập trận vì sự gián đoạn của GPS mà đến nay vẫn chưa rõ do sự cố kỹ thuật hay do yếu tố con người, bởi GPS được kiểm soát bởi Chính phủ Mỹ và họ có thể ngắt dịch vụ trong các trường hợp khẩn cấp. Lầu Năm Góc cũng không hề giấu giếm họ đã hạ cấp độ chính xác của GPS để sử dụng cho các mục đích dân sự, khiến các thiết bị nước ngoài khó đạt được độ chính xác cần thiết.

Mô phỏng hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ảnh: ITN.

Theo tờ CNBC của Mỹ, sự xuất hiện của Bắc Đẩu-3 sẽ giúp Trung Quốc tự tin hơn trong trường hợp bùng phát căng thẳng với Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. "Ảnh hưởng đáng kể nhất mà nó mang lại là sự độc lập. Trung Quốc đã có hệ thống vệ tinh vững chắc và sẵn sàng hoạt động khi có xung đột xảy ra", giáo sư Christopher Newman của Đại học Northumbria (Anh) nhận định.

Hệ thống định vị hiện đại cũng được cho là một công cụ để Trung Quốc gia tăng khả năng trinh sát. Tờ SCMP tuần trước dẫn tiết lộ của một tướng không quân Mỹ xác nhận các máy bay do thám U-2 tối tân của nước này có hệ thống dẫn đường sử dụng dữ liệu từ cả hệ thống GPS, GLONASS của Nga và Bắc Đẩu của Trung Quốc trong trường hợp cần thiết.

Không bên nào xác nhận liệu hệ thống Bắc Đẩu có thể tìm ra vị trí của những chiếc U-2 khi nó nhận tín hiệu hay không, song các chuyên gia cho rằng khả năng này không nên được loại trừ.

Thái Hà
.
.