Truyền thông và mạng xã hội bắt tay chống tin giả

Thứ Ba, 18/02/2020, 21:47
Reuters và Facebook tuyên bố hôm 12/2/2020 sẽ tham gia thực hiện sáng kiến kiểm tra sự thật mới để phát hiện tin giả trong truyền thông và mạng xã hội. Sáng kiến này cho phép một đơn vị mới ở Reuters kiểm tra nội dung thông tin trên Facebook và Instagram và đánh dấu bằng cờ các video giả hay nội dung xấu.

Video giả mạo đang trở nên một vấn nạn ngày càng nguy hiểm trên internet. Chẳng hạn, chương trình Kiểm tra Sự thật của Reuters gần đây đã vạch trần một video quay vụ rơi máy bay trực thăng của Kobe Bryant ở California vừa mới xảy ra hôm 26/1/2020.

Không lâu sau vụ này, một video kịch tính nhưng chất lượng thấp bắt đầu lưu truyền cho thấy một máy bay trực thăng bay xoắn ốc lao vào một ngọn đồi nhìn giống như ở California và bốc cháy. Đó thực ra là một phiên bản bị cắt xén của một vụ rơi máy bay trực thăng khác ở UAE (Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất) vào tháng 12 năm 2018.

Reuters đánh dấu một video giả về vụ rơi máy bay trực thăng của Kobe Bryant.

Sự lan truyền của thông tin không chính xác và sai lạc tăng đáng kể và là vấn đề toàn cầu. Nó là thách thức chính cho các nhà báo và là một nguồn cần báo động cho các chính quyền, các viện khoa học và các cá nhân trên khắp thế giới.

Với các cuộc bầu cử quốc hội Châu Âu sắp tới, Brussels lo lắng về sự đe dọa có can thiệp từ nước ngoài trong các cuộc vận động bầu cử. Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Ukraine đều sẽ phải tổ chức bầu cử quốc gia trong năm tới, và tin giả, tin thất thiệt là một trong những lo ngại đáng kể mà các đơn vị tổ chức bầu cử phải đối mặt.

Ủy viên Hội đồng Kỹ thuật số châu Âu, bà Mariya Gabriel nói rằng Facebook, Google, Twitter, Mozilla, và các tập đoàn quảng cáo - bà không nói tên - đã có vài biện pháp đáp trả vấn nạn này. Bà Gabriel nói: "Công nghệ đang hành động ở phạm vi rộng, từ minh bạch trong quảng cáo chính trị tới việc phong tỏa những tài khoản giả… chúng tôi đón nhận điều này".

Các biện pháp có thể bao gồm việc từ chối trả tiền đối với các địa chỉ mạng lan truyền tin giả, giúp người dùng hiểu tại sao họ bị các quảng cáo nhằm vào, và phân biệt các quảng cáo từ nội dung đã được biên tập với quảng cáo chưa được kiểm soát.

Reuters được biết đến như một đơn vị có năng lực trong việc xác minh thông tin. Trong hợp tác với mạng xã hội Facebook, họ sẽ phân tích video chuyển qua hay được đánh dấu bởi công chúng. Sau đó thông báo ở blog Reuters Fact Check xem đó là đồ giả, đồ giả từng phần, hay đồ thật và dùng những kết luận đó để dán nhãn thông tin giả và xếp chúng bằng thuật toán để giới hạn việc lan truyền của chúng.

Jess April, giám đốc Cộng tác Toàn cầu của Reuters nói: "Chúng tôi nhận biết rõ độ nguy hiểm của thông tin giả xảy ra khắp thế giới. Đó là một vấn đề càng ngày càng lan rộng, ảnh hưởng tới xã hội hàng ngày và các cơ quan, tổ chức nền tảng về việc này phải có trách nhiệm ngăn tin giả."

Reuters đang tỏ ra đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong nghiên cứu và nhận ra các dạng khác nhau của truyền thông. Từ 2018, Reuters đã cố gắng trong việc phát hiện hình ảnh và video bị bóp méo, xuyên tạc và cách làm thế nào để nhận ra chúng. 

Gần đây nhất, Reuters hợp tác với Facebook Journalism Project (Dự án Báo chí Facebook) về một khóa e-learning trực tuyến để giúp các phòng tin tức khắp thế giới nhận ra và loại bỏ video, hình ảnh và âm thanh xuyên tạc.

Nguyễn Ngọc Hiếu
.
.