Tự sinh con tại nhà: Rất nguy hiểm và phản khoa học

Thứ Hai, 19/03/2018, 11:25
Thông tin về vụ tử vong cả mẹ và con do tự sinh con tại nhà ở TP Hồ Chí Minh cho dù đến lúc này chưa được xác thực vẫn khiến dư luận đặc biệt quan tâm và các chuyên gia y tế thật sự bị "sốc".

Dư luận đặc biệt quan tâm là bởi gần đây xuất hiện trào lưu "thuận tự nhiên" do một người mang tên P.H.N.L. mở lớp đào tạo với chi phí 15 triệu đồng/khóa. 

Thậm chí, có một fanpage mang tên "Thuận tự nhiên" với khoảng chục nghìn thành viên "sinh hoạt" rất rôm rả, chia sẻ thông tin về việc sinh con tại nhà, tẩy chay sữa công thức cho trẻ đến 4-5 tuổi. Tuy nhiên đến sáng 15-3, sau khi Bộ Y tế vào cuộc xác minh thông tin vụ 2 mẹ con sản phụ ở TP Hồ Chí Minh tử vong do "thuận tự nhiên" thì đã không còn thấy trang này xuất hiện nữa.

"Thuận tự nhiên" hay thiếu hiểu biết?

Đáng lưu ý khi đã có bà mẹ làm theo việc sinh đẻ "thuận tự nhiên" dưới sự dẫn dắt của người tên P.H.N.L với những "giáo lý" cực kỳ phản khoa học, như tẩy chay sữa công thức mà cho con bú mẹ đến 4-5 tuổi vì "cho trẻ con ăn sữa công thức sẽ phát triển chiều cao sớm sẽ là lệch chuẩn".

Người này cũng hướng dẫn một phụ nữ cách chữa đau mắt cho đứa con 3 tuổi bằng cách nhỏ sữa mẹ vào mắt 6-7 lần/ngày, chứ không nên dùng kháng sinh. Đặc biệt, người phụ nữ tên P.H.N.L. còn cho biết, ngón tay trẻ có thể tự mọc lại sau phẫu thuật, tai nạn(?!).

Cũng trong trào lưu này, cách đây hơn chục ngày, một phụ nữ ở Hưng Yên thậm chí còn giới thiệu cách tự đỡ đẻ tại nhà và không cho bé sơ sinh cắt rốn và tiêm phòng, khiến các chuyên gia sản phụ khoa "tá hỏa". Ngay lập tức, ngày 6-3, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo việc sinh con tại nhà mà không có nhân viên y tế là rất nguy hiểm và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng khẳng định Tổ chức Y tế thế giới không hề có khái niệm sinh đẻ thuận tự nhiên.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn tôn trọng việc sinh nở "thuận tự nhiên", tức không can thiệp y khoa và có nhân viên y tế hỗ trợ.

Thế nhưng đáng tiếc, chỉ ngay sau khuyến cáo này vài ngày đã xảy ra vụ sinh con tại nhà với hậu quả đau lòng: Một thai phụ ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đẻ tại nhà đã phải nhập viện cấp cứu vì đẻ khó, bà mẹ chồng dùng dao rạch tầng sinh môn của sản phụ để giúp cháu bé nhanh chào đời, không ngờ dao rạch trúng đầu em bé.

Dư luận ngạc nhiên trước trào lưu nhiều phụ nữ - trong đó rất nhiều người có hiểu biết, ở đô thị - muốn sinh con tại nhà và tự đỡ đẻ một cách phản khoa học - điều không tưởng ở thế kỷ này. Bởi việc tử vong mẹ và con do sinh tại nhà ở nước ta vốn cao, tới 233/100.000 trẻ đẻ sống, mà theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do phụ nữ không đi khám thai và đẻ tại nhà nhưng không có nhân viên y tế đỡ. Lý do của việc phụ nữ không đi khám thai và sinh con tại nhà là vì nghèo đói, giao thông khó khăn, hoặc tập quán sinh đẻ của người dân tộc thiểu số chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ khiến phụ nữ không đến sinh con tại cơ sở y tế.

Vì thế, không chỉ ngành y tế mà một số tổ chức quốc tế cũng đã chung tay đưa ra nhiều biện pháp để giảm tỉ lệ này, trong đó, vận động các thai phụ khám thai và đẻ ở cơ sở y tế, hoặc đẻ ở nhà thì phải có cán bộ y tế hỗ trợ là biện pháp quan trọng. Với gần 3.000 cô đỡ thôn bản hoạt động ở các tỉnh miền núi trong 25 năm qua, tỉ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em mới giảm được 4 lần, nhưng vẫn còn cao ở các tỉnh miền núi.

Trong khi ai nấy tưởng chỉ những vùng kinh tế khó khăn, dân trí thấp mới diễn ra cảnh sinh con tại nhà bất chấp các điều kiện y tế tối thiểu không đảm bảo, thì giờ đây trào lưu "thuận tự nhiên" xuất hiện và nhanh chóng phổ biến trên mạng, với nhiều người hiểu biết và có điều kiện kinh tế (nên mới đủ chi phí 15 triệu cho một khóa học) quả thật đáng ngại. Những người này biện minh rằng, ở nước ngoài nhiều người sinh con ở nhà theo cách "thuận tự nhiên" mà vẫn an toàn, nên họ làm theo là bình thường.

Hiểu sai về "thuận tự nhiên"

TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định: "Tổ chức Y tế thế giới không hề có khái niệm sinh đẻ thuận tự nhiên. Chúng tôi khẳng định các bà mẹ không nên sinh con tại nhà mà không có sự trợ giúp của cán bộ y tế. Bởi trong quá trình sinh nở, có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho cả mẹ và trẻ sơ sinh như nhiễm trùng ở mẹ, xuất huyết sau sinh, trẻ sơ sinh bị ngạt thở. Chúng tôi xin khuyến cáo các bà mẹ cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc trước sinh cũng như đảm bảo quá trình sinh nở được an toàn, được cung cấp dịch vụ chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm. Đây là sáng kiến mới của Tổ chức Y tế thế giới với điểm cốt lõi là thực hiện da kề da giữa mẹ và trẻ, chăm sóc rốn hợp lý, giúp tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ sớm nhằm tạo sự khởi đầu khỏe mạnh, an toàn cho trẻ".

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết có sự hiểu sai về phương pháp "thuận tự nhiên". Bởi "thuận tự nhiên" là trong những điều kiện thuận lợi thì để sản phụ sinh con theo con đường tự nhiên, chỉ can thiệp bằng thủ thuật hay mổ lấy thai khi không sinh được bằng con đường tự nhiên. Do đó, nên tôn trọng qui luật tự nhiên, nhưng phải có sự hướng dẫn chuyên môn phù hợp, kịp thời, đúng kỹ thuật mới giảm thiểu tỉ lệ tử vong mẹ và con. 

Thực tế, hậu quả của những trường hợp sinh con tại nhà mới nhất xảy ra, có thể nhận thấy trào lưu "thuận tự nhiên" ở nước ta là rất nguy hiểm vì phản khoa học, do cách hiểu biết sai, kiểu "Đau bụng uống nhân sâm…".

Một thống kê cho thấy, số phụ nữ chọn cách tự sinh con ở nhà rất thấp, chỉ gần 2% sản phụ trên toàn thế giới, nhưng không hoàn toàn được ủng hộ bởi việc sinh con tự nhiên vẫn đòi hỏi phải có sự hiểu biết về y tế, chứ không phải là mặc kệ đến bất chấp.

Vì thế, việc sinh con tại nhà ở các nước chỉ được cho phép khi quy trình sinh nở đảm bảo chặt chẽ từ người hộ sinh, đến có các bệnh viện ở gần sẵn sàng hỗ trợ 24/7, còn chính sản phụ cũng đã được chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, kiến thức, các điều kiện cần thiết cho việc sinh nở của mình. Song, việc sinh nở tự nhiên cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn cũng như lựa chọn cá nhân của người mẹ, bởi có nhiều trường hợp được các bác sỹ khuyến cáo không nên theo phương pháp này.

Là người từng đi công tác ở nhiều nước, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) có nhiều kinh nghiệm thực tế để so sánh và cho rằng việc sinh con tại nhà trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam là không phù hợp.

Chứng minh cho quan điểm này, bác sĩ Phúc cho biết, trên thế giới, việc sinh con ở nhà đã giảm đi nhanh chóng. Cho dù hệ thống y tế và pháp luật ở các nước Âu - Mỹ vẫn chấp nhận việc sinh tại nhà, nhưng phải kèm những tiêu chuẩn và khuyến cáo rất khắt khe. Nước Anh năm 1959 có 34% phụ nữ đẻ con tại nhà, đến năm 2010 đã rút xuống còn 2,7%; Scotland chiếm tỉ lệ 2% và Bắc Ireland là 0,4%.

Bác sĩ Trần Văn Phúc cũng cho biết công bố của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) rất đáng lưu tâm về việc sinh con tại nhà: Tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong khi sinh tại nhà cao gấp 3,5 lần so với đẻ tại bệnh viện. Thông kê tại tiểu bang Oregon năm 2012 cho thấy tỉ lệ tử vong sinh tại nhà tăng đột biến, gấp 8 lần. Nghiên cứu được Tạp chí Sản Phụ khoa Hoa Kỳ công bố vào năm 2014 cũng chỉ ra trẻ sinh tại nhà có tỉ lệ tử vong gấp 4 lần sinh ở bệnh viện.

Còn tỉ lệ trẻ sinh ở nhà chết nhiều gấp 5,5 lần so với số trẻ sơ sinh chết tại bệnh viện là kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Phụ nữ Tự do của Bắc Mỹ thực hiện. Chưa kể những biến chứng khác với trẻ sinh tại nhà mà các nghiên cứu đã chỉ ra như thiếu oxy gây thiếu máu não cục bộ tăng gấp 17 lần, mắc chứng động kinh tăng gấp 3 lần và số trẻ bị ngạt trong 5 phút đầu sau sinh cao gấp 5 lần so với đẻ ở bệnh viện.

Là một trong những chuyên gia sản phụ khoa hàng đầu của Việt Nam, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho hay: Trào lưu sinh đẻ tại nhà xuất phát từ Úc, Anh từ năm 70, dành cho những người bị hội chứng sợ bệnh viện, nhưng bị thế giới phản đối vì nguy hiểm. Ở một số nước có việc sản phụ sinh đẻ ở dưới nước, nhưng là dưới nước trong bệnh viện và có bác sĩ bên cạnh, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con trong cuộc sinh nở. Với thực tế ở Việt Nam thì chưa thể du nhập vào nước ta.

Vì thế PGS.TS Vũ Bá Quyết nhấn mạnh: Sinh đẻ tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con, do các bệnh lý tiềm ẩn của sản phụ như tiền sản giật, nhau cài răng lược, hoặc thai ở ngôi ngược... nên các cụ mới có câu "người chửa cửa mả".

Ở nhà điều kiện vệ sinh không thể vô khuẩn như ở cơ sở y tế, không có nhân viên y tế hỗ trợ nên nếu sản phụ chuyển dạ lâu, trẻ dễ bị ngạt, hay tai biến ngôi ngược, sinh con ra thì đã chết; hoặc đẻ rơi mà không được chăm sóc đúng cách, dễ nhiễm khuẩn; trẻ sinh ra không được tiêm phòng ngay cũng dễ bị viêm gan, uốn ván.

Nếu không có nhân viên y tế và các phương tiện y khoa hỗ trợ, những trường hợp sản phụ bị chảy máu nhiều ngay trước khi sinh, băng huyết sau sinh và biến chứng băng huyết có thể tử vong vì không được cấp cứu kịp thời, chưa kể có thể bị hậu sản, nhiễm trùng máu, sang chấn đường sinh dục, rò trực tràng...

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đặc biệt lưu ý: Việc sinh con phản khoa học từ sự cả tin của các bà mẹ là không thể chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh các nước đều tìm mọi biện pháp để đảm bảo sinh đẻ an toàn như sàng lọc tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, quản lý thai kỳ cho mẹ, sinh con tại cơ sở y tế, tiêm vaccine ngừa bệnh tật cho trẻ.

Hiện nay, hầu hết các cuộc sinh nở vẫn diễn ra tự nhiên, vì các bác sĩ đặc biệt tôn trọng đẻ thường, chờ chuyển dạ chứ không can thiệp y khoa; áp dụng các phương pháp tiên tiến như "da kề da" sau khi sinh xong, nuôi con bằng sữa mẹ vv.. và chỉ chủ động can thiệp cho bệnh nhân, giúp giảm tai biến tử vong cho mẹ và con trong các trường hợp khó đẻ phải mổ, hoặc bà mẹ khung chậu hẹp, từng bị vỡ xương chậu, ngôi bất thường, thai to vv… 

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - một người luôn ủng hộ việc "thuận tự nhiên" đã chỉ ra cách hiểu sai lầm của trào lưu "thuận tự nhiên" đang diễn ra trên mạng: "Nước ngoài họ sinh tại nhà, trong hồ nước, nhưng là có bác sĩ sản khoa bên cạnh. Thế là ở đây lại "cắt" phần có bác sĩ đi, nói rằng ở nước ngoài 2 vợ chồng tự đẻ "thuận tự nhiên" tại nhà(?). Y học hiện đại giờ sinh ra xong là "da kề da" từ gần chục năm nay rồi, các chị làm như là mới mẻ lắm, tôn sùng nó lên. Vậy mà "thuận tự nhiên" kiểu sinh ra xong để nó tự tìm núm vú như Kangaroo vậy. Có bao nhiêu con chết mới có 1 con trưởng thành? Giờ các chị lại "thuận tự nhiên" để lỡ hạ đường huyết nó hôn mê sâu thì ở đó mà gánh".

"Chúng ta tôn trọng tự nhiên nhưng không phải chấp nhận mọi việc đều tự nhiên vì cuộc vượt cạn nào cũng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro nên không phải cuộc đẻ nào cũng thuận theo tự nhiên. Khi chuyển dạ không thuận theo tự nhiên, nếu không có kiến thức về sản khoa, không có y học hiện đại thì sẽ không thể xử trí được những bất ngờ có thể xảy ra. Y học sản khoa hiện đại theo dõi một thai sản tự nhiên để biết khi cuộc đẻ không thuận tự nhiên nữa. Khi thấy những bất thường như rối loạn nhịp tim thai, vỡ ối suy tim thai, rối loạn quá trình chuyển dạ, hoặc có cuộc chuyển dạ tiến triển quá nhanh, đứa trẻ ra khỏi cơ thể mẹ như "xé rào" có thể làm vỡ tầng sinh môn, trực tràng… thì bác sĩ sẽ tư vấn và xử trí sản khoa phù hợp để hạn chế tối thiểu nguy cơ về sức khỏe cho cả mẹ và con, giúp cuộc vượt cạn an toàn". Đây là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trước trào lưu sinh con nguy hiểm trên.

Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Sinh con thuận tự nhiên tại nhà không có sự theo dõi và hỗ trợ y tế là là thực hành sản khoa nguy hiểm có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ và bé.

2. Hiện nay, các chuyên gia sản khoa trong và ngoài nước đều khẳng định: sinh con thuận tự nhiên là phương pháp phản khoa học, có thể dẫn đến tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong trẻ.

3. Sản phụ nên đăng ký để được quản lý thai, sinh con tại các cơ sở y tế để được chăm sóc, tư vấn sau sinh cho sức khỏe bà mẹ và bé.

4. Người dân khi tham gia các trang mạng xã hội cần có sự lựa chọn thông minh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và với chính bản thân, sử dụng các thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn.

Thanh Hằng
.
.