Tương lai phát triển nông trại trên sa mạc

Thứ Ba, 12/03/2019, 16:23
Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) dự đoán đến năm 2050 sản xuất lương thực cần phải tăng 50% mới theo kịp tỷ lệ gia tăng dân số trên thế giới. Mà điều đó thực không hề dễ dàng. Trong khi đó, một dự án đầy tham vọng - gọi là Dự án Rừng Sahara - được triển khai thử nghiệm với kế hoạch sử dụng nước biển và năng lượng mặt trời để phát triển nông nghiệp.


Nông trại nằm giữa sa mạc Jordan

Bên trong nhà kính là dãy những chiếc lá nhỏ xíu của rau tàu bay, xà lách và cải thìa nhô lên khỏi lớp đất cát - mỗi chiếc lá nhỏ như đầu ngón tay. Chưa hết: một loạt chậu đất trồng hoa loa kèn, quả thanh long, rau thì là biển và cúc đồng tiền. Những quả dâu tươi điểm xuyết lá xanh. Rồi đến từng dãy dây leo phủ lên hàng rào kẽm gai với những chiếc lá to như chiếc đĩa ăn cơm - đó là dây leo dưa chuột, rau húng quế và 9 giống cà chua khác nhau.

Blaise Jowett, người đứng đầu nhóm trồng trọt, nói với vẻ khiêm tốn: "Rau húng quế của tôi mọc có lan tràn một chút được trồng để dùng làm sốt pesto". Bên ngoài nhà kính, một con lạc đà đang gặm cỏ. Cát màu hồng nhạt trải dài đến dải núi đá ở phía đằng xa. Chỉ có những cây cỏ dày dạn lắm mới mọc được trên mặt đất. Không có nước.

Dự án giải quyết đồng thời các thách thức về sản xuất lương thực, tình trạng khan hiếm nước và năng lượng tái tạo.

Cũng chẳng có cây cối gì cả. Địa điểm này - nằm giữa sa mạc Jordan, chỉ cách biên giới Israel có 1 km và cách Biển Đỏ 15km - có lẽ là một trong những nơi không ngờ nhất trên Trái Đất được sử dụng để xây dựng nông trại. Nhưng đó cũng là nơi phát triển nông trại một cách hoàn toàn hợp lý.

Nước ngọt - đó là tài nguyên mà Jordan cần nhiều hơn tất cả. Jordan - quốc gia khan hiếm nước ngọt thuộc hàng thứ 2 thế giới - có chưa tới 150 mét khối nước trên đầu người mỗi năm (trong khi nước Mỹ có hơn 9.000). Một phần vấn đề là quốc gia này có ba phần tư diện tích là sa mạc.

Thứ mà Jordan có là nắng - thậm chí hết sức phong phú. Trung bình, Jordan có khoảng 330 ngày nắng mỗi năm với trung bình một giờ trên một mét vuông nhận được trong khoảng từ 5 cho đến 7kW năng lượng. Lượng năng lượng đó đủ để thắp sáng 14 bóng đèn truyền thống liên tục trong 8 giờ, 14 máy giặt với mỗi máy xử lý một mẻ giặt, hay 1 máy điều hòa hoạt động trong 4 giờ - thứ có lẽ là cần thiết nhất cho Jordan. Đó là một lý do khiến Cơ quan Thương mại Quốc tế (ITA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ nhận định năng lượng tái tạo là một trong những ngành công nghiệp có triển vọng nhất của Jordan.

Nước biển cũng là nguồn dồi dào ở Jordan. Mặc dù gần như không có biển, với lối ra Địa Trung Hải bị ngăn cách bởi Israel và Liban, song Jordan có 26km đường bờ biển giáp Biển Đỏ. Đường bờ biển có lẽ không được dài cho lắm - nhưng với phương pháp mà Dự án Rừng Sahara đang thực hiện - có lẽ đó là tất cả những gì họ cần. Ý tưởng của dự án này được đánh giá ở chỗ sự đơn giản của nó.

Năng lượng mặt trời của Jordan giúp tách muối ra khỏi nước biển để từ đó có được nước ngọt dùng để tưới mùa màng. Thêm vào đó, nước chảy ra sẽ làm mát nhà kính và mùa màng giúp đẩy khí carbon trong khí quyển vào lại đất đai. Nói tóm lại, cả 3 thách thức trụ cột (sản xuất lương thực, tình trạng khan hiếm nước và năng lượng tái tạo) đều được giải quyết cùng một lúc.

Thế nhưng, dự án chỉ mới được thực hiện có 1 năm và cũng chỉ mới được khởi động vào tháng 9-2017. Đây chỉ mới là giai đoạn thử nghiệm. Nhưng một khi ý tưởng được chứng minh có hiệu quả, nhóm phát triển sẽ mở rộng mô hình lên 10 hecta vào năm 2020, sau đó tăng lên 20 hecta. Mặc dù vậy, chắc chắn sẽ có nhiều thách thức không nhỏ ở phía trước.

Hứa hẹn Dự án Rừng Sahara

Frank Utsola cho biết cách thức vận hành của hệ thống "rất dễ giải thích". Nước mặn được bơm vào một đường ống chạy dọc theo phía trên của bức tường hướng ra gió. Bức tường được bao phủ một lớp giống như tấm "chăn" để hút nước xuống; khi gió thổi qua, nước bay hơi, làm mát không khí (nguyên tắc hoạt động của nó cũng giống như treo một chiếc khăn ẩm trong nhà vào ngày nóng). Đồng thời, muối nặng hơn sẽ bị chặn lại. Thay vì bật những chiếc quạt chạy bằng năng lượng mặt trời, thông thường người ta lợi dụng nguồn gió thổi qua thung lũng từ phía bắc - một hướng gió mà phòng làm mát được thiết kế để tận dụng tối đa.

Các tấm pin năng lượng mặt trời nếu đặt ở Jordan sẽ có thể nạp năng lượng được trong suốt 330 ngày mỗi năm.

Vào ban đêm, nhiệt độ có thể xuống đến 7 độ C. Vào lúc đó, lượng nước trong các đường ống trên trần nhà vốn được ánh nắng mặt trời làm ấm vào ban ngày sẽ được tận dụng để giúp giữ ấm cây trồng vào ban đêm. Blaise Jowett sử dụng lượng nước này để thử nghiệm trên những loài cây bên ngoài trên những khoảng đất được xử lý với các độ mặn khác nhau nhằm mục đích đánh giá xem độ mặn bao nhiêu là chấp nhận được.

Trong tổng số 864 loài cây bên ngoài nhà kính, 49 cá thể đã chết. Một số loại cây được Jowett trồng chỉ để cung cấp dưỡng chất cho đất. Ngay cả khi nhóm nghiên cứu nắm được làm cách nào trồng trọt trên sa mạc, vẫn còn một trở ngại mà họ vẫn chưa vượt qua được: làm sao vận chuyển nước biển từ Biển Đỏ cách đó 15km một cách hiệu quả nhất. Hiện tại, nước được xe tải chuyển đến cứ mỗi 2 ngày nhưng đó không phải là cách làm bền vững nếu dự án mở rộng.

Bất chấp mọi khó khăn phía trước, cả nhóm vẫn lạc quan. Họ đang chuẩn bị một số nghiên cứu để chứng minh đường ống dẫn có thể tạo ra giá trị không chỉ cho Dự án Rừng Sahara ở quy mô thương mại mà còn cho phần còn lại của cộng đồng.

An An (tổng hợp)
.
.