UAE tham vọng đua tranh vũ trụ

Chủ Nhật, 01/03/2020, 09:38
Tháng 7 tới đây, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ chính thức phóng tàu vũ trụ đầu tiên mang tên Hope (Hy vọng) với hành trình hơn 500 triệu km đến sao Hỏa.

Hiện tại, tàu vũ trụ Hope đang trong giai đoạn thử nghiệm mô phỏng hành trình bay tại Phòng thí nghiệm vật lý khí quyển và không gian (LASP) của Đại học Colorado, Mỹ. Các kỹ sư hàng không vũ trụ của UAE được đào tạo tại Hàn Quốc và Mỹ đang rất háo hức làm việc ngày đêm, mong đến ngày con tàu được phóng lên vũ trụ.

Chuyến du hành trên tàu vũ trụ Nga

UAE là một “tân binh” trong cuộc chơi đầy tham vọng trên không gian. Vì thế quốc gia Trung Đông này đã chọn một cách tiếp cận cuộc chơi hoàn toàn mới. Thay vì tự mình xây dựng mọi thứ, tự phát triển lực lượng chuyên gia “cây nhà lá vườn” như Ấn Độ từng làm hoặc bỏ tiền ra mua công nghệ, thiết kế tàu vũ trụ của nước khác, UAE chọn phương án tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này để hợp tác, học tập kinh nghiệm. Cách này có thể giúp tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc, đồng thời tránh được những rủi ro, trục trặc do lần đầu thử nghiệm không thành công.

Bằng cách làm đó, năm 2019 UAE đã mua một suất trên tàu vũ trụ Soyuz (Liên hiệp) của Nga. Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của UAE đi trên con tàu lịch sử đó là Hazzaa al-Mansoori đã lưu lại trên Trạm không gian quốc tế (ISS) trong 8 ngày. Cuộc chơi của UAE chính thức bắt đầu. Bây giờ, UAE muốn đưa tàu Hope lên không gian và người Nhật sẽ đảm nhận công đoạn cuối cùng quan trọng này.

Hope là một trong hàng loạt tàu vũ trụ của nhiều nước trên thế giới (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU) đang chuẩn bị được phóng vào không gian trong năm nay để đón đầu sự kiện không gian 26 tháng xảy ra một lần, khi đó sao Hỏa nằm gần Trái đất nhất, nhờ thế chuyến hành trình sẽ được rút ngắn đáng kể so với đi vào thời điểm khác.

So với các “lão làng” kể trên, tàu Hope của UAE quá nhỏ bé, cả về kích cỡ lẫn chi phí và quy mô khoa học. Trong khi tàu của các cường quốc không gian nhắm đến mục tiêu thả một thiết bị thám hiểm lên bề mặt hành tinh đỏ, thì tàu Hope chỉ dừng lại quan sát từ trên quỹ đạo. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã là một thắng lợi về mặt kỹ thuật của UAE.

Hãy làm một so sánh. Tháng 9-2014, Ấn Độ đã phấn khởi ăn mừng sau khi phóng thành công tàu vũ trụ lên quỹ đạo quanh sao Hỏa và thông báo chi phí chỉ bằng một phần không đáng kể so với tàu Maven của NASA (Mỹ), cũng đến quỹ đạo sao Hỏa trước đó 2 ngày. Đến nay cả 2 tàu còn đang hoạt động.

Sự khác nhau lớn nhất là tàu của Ấn Độ không được trang bị công cụ khoa học tinh nhạy như tàu Maven của NASA. Trong khi tàu Maven có thể khám phá ngay bầu khí quyển sao Hỏa bị bào mòn với tốc độ 2kg/giây bởi gió Mặt trời thì tàu của Ấn Độ không làm được.

Tàu Hope của UAE còn có tham vọng cao hơn, muốn tìm hiểu nguyên lý động lực ở gần bề mặt sao Hỏa có ảnh hưởng đến tốc độ rò rỉ khí quyển. Khi một cơn bão bụi quét qua khắp hành tinh sao Hỏa vào mùa hè năm 2018, Maven đã quan sát thấy rằng lượng hydrogen ở tầng trên của khí quyển tăng lên. 3 thiết bị khảo sát của Hope gồm máy quang phổ hồng ngoại, máy quang phổ cực tím và camera sẽ thu thập, cung cấp dữ liệu để giải thích cơ chế bụi đẩy khí hydrogen lên cao. Bên cạnh đó, ở vị trí quan sát từ quỹ đạo cách bề mặt sao Hỏa 20.000km đến 44.000km, Hope vẫn có thể cung cấp hình ảnh về thời tiết, khí hậu và những điều kiện khác của sao Hỏa.

Hazzaa al-Mansoori, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của UAE sau chuyến bay lên ISS tháng 10-2019.

Chuẩn bị cho tương lai

Vấn đề còn lại là liệu cuộc phiêu lưu sắp tới của UAE có thành công hay không. Cho đến nay mới chỉ có Liên Xô (nay là Nga), Mỹ, EU và Ấn Độ đã thành công trong việc đưa tàu thám hiểm lên sao Hỏa.

Nhưng UAE không thiếu tham vọng. Chương trình chinh phục sao Hỏa của UAE bắt nguồn từ tham vọng xây dựng các vệ tinh giám sát địa cầu vào những năm đầu thế kỷ XXI. Sản phẩm đầu tiên là vệ tinh DubaiSat-1 do Hàn Quốc thiết kế và các kỹ sư UAE tham gia xây dựng tại Hàn Quốc. Vệ tinh được pjhóng lên quỹ đạo Trái đất bằng tên lửa của Nga vào năm 2009.

Vệ tinh thứ hai là DubaiSat-2 được phối hợp thiết kế giữa các kỹ sư UAE và Hàn Quốc, có gắn camera tinh nhạy hơn và hệ thống liên lạc nhanh hơn. Vệ tinh thứ ba là KhalifaSat, vệ tinh đầu tiên hoàn toàn do kỹ sư người UAE chế tạo.

Việc phóng tàu vũ trụ lên không gian là ước mơ và khát vọng của Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum, tiểu vương Dubai. Sheikh Mohammed đặt mục tiêu phải đưa tàu vũ trụ Hope đến sao Hỏa trước ngày 2-12-2021, ngày Quốc khánh UAE.

Khát vọng của Sheikh Mohammed không chỉ gói gọn trong hành trình sao Hỏa. Ông đã truyền cảm hứng cho thanh niên UAE và cả khối Arab để tạo niềm say mê nghiên cứu khoa học về không gian. Gới chức UAE cũng bắt đầu vươn ra khắp thế giới, tìm kiếm sự hợp tác với các phòng thí nghiệm không gian, trong đó có LASP.

Mùa xuân 2014, các quan chức UAE đã đặt chân đến LASP, trao đổi, tham vấn cùng các nhà khoa học tại đây về lĩnh vực khoa học nào có giá trị khi phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa. Đáp lại, các nhà khoa học LASP đưa ra một đề xuất rất hữu ích, đồng thời lôi kéo thêm Đại học bang Arizona và Đại học California - Berkeley cùng tham gia giúp UAE xây dựng tàu vũ trụ Hope.

Cơ quan không gian UAE được thành lập ngay trong năm 2014 để phụ trách chương trình nghiên cứu không gian của đất nước. Các kỹ sư UAE từng tham gia xây dựng các vệ tinh ở Hàn Quốc đã được tập hợp lại. Hầu hết họ đều còn rất trẻ, dưới 35 tuổi, trong đó có 1/3 là phụ nữ.

Đây là điều chưa từng có trong các quốc gia Arab ở Trung Đông. Họ được cử đến Đại học Colorado để nghiên cứu sơ bộ về sao Hỏa nhằm phục vụ sứ mệnh phóng tàu Hope. Và câu chuyện thần kỳ về ngành khoa học vũ trụ của UAE sẽ bắt đầu sang chương mới từ tháng 7-2020.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.