Ứng dụng công nghệ chống nạn khai thác hải sản trái phép
- Ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép ở cảng biển Chân Mây
- Ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài
- Khai thác hải sản gắn với chủ quyền an ninh biển đảo
Khai thác hải sản được đánh giá là ngành công nghiệp trị giá đến 23 tỷ USD/năm và từ đó dẫn đến nạn đánh bắt lan tràn, gồm cả hợp pháp và trái phép. Theo số liệu điều tra của Tổ chức Nông LƯƠNG của Liên hiệp quốc (FAO), khoảng một phần ba ngư trường trên thế giới rơi vào tình trạng bị khai thác quá mức và hơn một nửa bị cạn kiệt nguồn cá. Tình trạng này đe dọa đến hoạt động khai thác hải sản cũng như an ninh lương thực của hàng triệu người khắp thế giới.
Tấm bản đồ tương tác cho phép mọi quốc gia theo dõi hoạt động các tàu đánh cá dân sự trên các vùng biển khắp thế giới. |
Ngành công nghiệp đánh cá đang diễn ra trên 55% vùng đại dương - một khu vực rộng lớn gấp 4 lần đất dành cho trồng trọt. Trong khi đa số tàu đánh cá tuân thủ mọi quy định của ngành đánh bắt hải sản, cũng có rất nhiều tàu hoạt động lén lút dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như là khiến cho số lượng hải sản bị sụt giảm. Hoạt động khai thác hải sản trái phép còn xảy ra trên những vùng biển được bảo tồn, ở vùng biển thuộc quyền quản lý của quốc gia khác, hay tại vùng biển chung.
Trong khi đó, nhiều quốc gia không có đủ khả năng để thi hành luật quản lý điều hành nghề đánh bắt cá. Vấn đề nằm ở chỗ hầu hết các hoạt động trái phép thường xảy ra giữa biển khơi khiến cơ quan hữu trách rất khó phát hiện để xử lý. Đó là nguyên do thúc đẩy ứng dụng công nghệ để phát hiện sớm những gì đang xảy ra trên mặt biển.
Năm 2016, các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế bảo tồn đại dương và môi trường gồm Oceana, Global Fishing Watch (Hệ thống Theo dõi Đánh bắt Toàn cầu - GFW), SkyTruth và công ty công nghệ Google cùng hợp tác xây dựng và vận hành nền tảng bản đồ - cũng gọi là GFW - đánh dấu chuyển động toàn cầu của tàu bè. Tấm bản đồ tương tác cho phép mọi quốc gia theo dõi hoạt động các tàu đánh cá dân sự trên các vùng biển khắp thế giới.
Toàn bộ dữ liệu hình ảnh diễn ra trong thời gian thực và hoàn toàn miễn phí. Oceana cũng như các tổ chức khác sử dụng dữ liệu này để khoanh vùng các hoạt động có dấu hiệu không minh bạch trên biển. Hầu hết các tàu lớn sử dụng thiết bị gọi là AIS (Hệ thống Nhận diện Tự động) để phát sóng vị trí của chúng qua vệ tinh cho phép các tàu khác theo dõi vị trí nhằm phòng tránh nguy cơ tai nạn va chạm trên mặt biển. Đó chính là hệ thống dữ liệu được khai thác để "nhìn thấy" hành trình trên biển của hơn 70.000 tàu cá.
Hành vi tắt AIS sẽ bị tiến hành điều tra. |
Sau đó, dữ liệu được xử lý bằng thuật toán của GFW kết hợp công nghệ máy học (machine learning) và điện toán đám mây để xác định chính xác thời gian đánh bắt của tàu cá cũng như hoạt động đang diễn ra ở nơi nào thông qua "Bản đồ nhiệt" được thành lập.
Từ ngày 1-1-2015, chính quyền Kiribati bắt đầu có quy định nghiêm cấm hoạt động khai thác hải sản trong vùng biển bảo tồn thuộc quyền quản lý của đảo quốc nằm ở Tây Thái Bình Dương này. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, GFW giúp phát hiện có hoạt động đánh bắt trái phép diễn ra ngay trên vùng biển cấm!
Ứng dụng công nghệ GFW cho phép những quốc gia nhỏ bé như Kiribati thu được 2 triệu USD tiền đóng phạt từ hoạt động đánh bắt cá trái phép trên biển. Con số 2 triệu USD được coi là rất lớn đối với Kiribati do nó chiếm khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này.
Câu hỏi đặt ra trước nguy cơ đóng tiền phạt nặng như thế, tại sao những tàu cá trái phép không tắt hệ thống theo dõi AIS để bảo đảm an toàn? Bởi vì hệ thống AIS nếu bị tắt sẽ gây nguy hiểm cho chiếc tàu và thủy thủ đoàn, dễ dẫn đến mối nguy hiểm chết người là bị va chạm với các tàu khác, đặc biệt là vào ban đêm.
Ngoài ra, hành vi tự tắt AIS có thể cho thấy chiếc tàu cố ý tránh bị theo dõi nhằm che giấu hành vi đánh cá trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia khác hay trong vùng biển bảo tồn, vận chuyển cá đánh bắt trái phép lên tàu khác, xâm nhập trái phép vùng biển của quốc gia khác. Tất nhiên, hành vi tắt AIS sẽ bị tiến hành điều tra.
Đôi khi tình trạng như thế được phát hiện như trường hợp ở đảo Galapagos - dấu vết một chiếc tàu bỗng nhiên biến mất đến 15 ngày trước khi xuất hiện trở lại để trở về cảng. Trong trường hợp này, con tàu có vẻ như đã biến mất trong phần nào đó ở Khu Bảo tồn Đại dương Galapagos, nơi cấm hoạt động khai thác hải sản mang tính thương mại.
Chính quyền các quốc gia có thể đóng một vai trò trong việc minh bạch hóa đại dương thông qua việc đăng tải hệ thống dữ liệu theo dõi tàu riêng của quốc gia mình (gọi là hệ thống dữ liệu giám sát tàu) để cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về hoạt động đánh bắt trên biển.
Indonesia là quốc gia được ghi nhận có bước tiến quan trọng trong việc minh bạch khi chính phủ đăng tải hệ thống theo dõi tàu của họ lên Hệ thống GFW giúp bổ sung thêm rất nhiều các thông tin về hoạt động đánh bắt hải sản trong khu vực. Hiện tại, chính quyền Peru đang có hành động tương tự như Indonesia. Với nhiều dữ liệu hơn, các quốc gia sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về hoạt động đánh bắt toàn cầu.