Ứng dụng chống quấy rối phụ nữ và tìm trẻ mất tích, bị bắt cóc

Thứ Sáu, 26/05/2017, 16:20
Cảnh sát tỉnh Fukuoka - Nhật Bản vừa đưa vào sử dụng loại ứng dụng điện thoại thông minh có tính năng cảnh báo người dùng khi họ sắp đi vào nơi từng xảy ra các vụ tấn công tình dục trong vòng 12 tháng trước đó. Trang NK mới đây cho hay.

Ứng dụng hoàn toàn miễn phí có tên Mimamotchi này được trình làng mới đây nhằm bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước những tên yêu râu xanh ngoài đường phố. Sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), ứng dụng hiển thị vị trí hiện tại của người dùng trên bản đồ và biểu thị màu đỏ đối với những vị trí từng xảy ra hành vi quấy rối, sờ soạng hoặc các tội ác tình dục khác.

Ứng dụng có tên Mimamotchi bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước những tên yêu râu xanh.

Nó cho phép người sử dụng chọn cài đặt, chẳng hạn phạm vi bán kính (từ 100 m đến 5 km) và khoảng thời gian của các vụ tấn công tình dục gần nhất để tránh những điểm nóng nguy hiểm tiềm tàng. Khi gặp tình huống khẩn cấp, người dùng có thể sử dụng tính năng báo động bằng cách chạm vào màn hình để điện thoại phát ra tiếng cảnh báo và gọi cảnh sát.

Ngoài ra, nạn nhân cũng có thể hiển thị thông điệp "Tôi đang bị quấy rối" trên màn hình khi đang ở những nơi không tiện lên tiếng, như phương tiện giao thông công cộng, theo báo The Asahi Shimbun. Ứng dụng trên hiện có phiên bản dành cho thiết bị chạy nền tảng iOS (của hãng Apple) và Android. Các nhà phát triển đã tham khảo ý kiến nhiều học sinh, sinh viên và bổ sung một số tính năng theo gợi ý của họ.

Quấy rối tình dục nữ sinh là hiện tượng xảy ra thường xuyên trên các phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản, nhưng chỉ đến gần đây các cô gái mới bắt đầu lên tiếng về vấn nạn này.

Việc coi nữ sinh là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu tình dục còn được mở rộng ra tận các quán bar trong những khu đèn đỏ tới những quán cà phê JK (viết tắt của Joshi Kosei - nữ sinh trung học), nơi những người đàn ông đến trả tiền để được trò chuyện với các thiếu nữ, coi bói hay là để được ngoáy tai. Truyện manga khiêu dâm vẽ hình nữ sinh cũng rất phổ biến và dễ tìm. Chỉ đến năm 2014 thì Nhật Bản mới hình sự hóa việc tàng trữ tư liệu ấu dâm.

Cũng tại Nhật Bản, một sở cảnh sát tại tỉnh Saitama đã đưa ra ý tưởng về một miếng dán điện thoại di động đánh dấu được kẻ xấu trong đám đông, chống nạn sàm sỡ phụ nữ nơi công cộng. Miếng dán này mang tên anit-chikan sticker.

Một ứng dụng di động được cho là đã giúp các nhà chức trách Trung Quốc tìm thấy hàng trăm trẻ em mất tích mới đây. Theo Tân Hoa Xã, ứng dụng này có tên Tuanyuan ("Đoàn viên") do Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba phát triển. Ứng dụng ra đời cuối năm 2016, lấy cảm hứng từ hệ thống AMBER Alert báo động các vụ bắt cóc trẻ em nghiêm trọng ở Mỹ. AMBER Alert được triển khai vào năm 1996 sau vụ bắt cóc và giết bé gái Amber Hagerman 9 tuổi tại bang Texas.

Miếng dán chống quấy rối tình dục trên smartphone.

Ứng dụng "Đoàn viên" được cài đặt cho hơn 5.000 cảnh sát khắp cả nước, giúp họ chia sẻ thông tin và phối hợp với nhau. Khi một đứa trẻ bị thông báo mất tích, người dùng sống gần địa điểm đó sẽ nhận được hình ảnh nhận diện và mô tả về đứa trẻ (giới tính, tuổi...), nơi được nhìn thấy cuối cùng... Nếu đứa trẻ vẫn bặt vô âm tín, thông báo được mở rộng đến người dùng ở những địa điểm xa hơn.

Theo Reuters, phiên bản nâng cấp mới đây liên kết với các ứng dụng phổ biến khác như website mua sắm trên mạng Taobao, công cụ tìm kiếm trực tuyến Baidu, phần mềm nhắn tin QQ của Công ty Tencent, dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng của Công ty Didi Chuxing… để tăng cường phạm vi tìm kiếm.

Theo Thời báo Hoàn cầu, chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, "Đoàn viên" định vị được 260 trẻ em mất tích, trong đó có 18 trẻ bị bắt cóc, 152 bỏ nhà ra đi và 52 tử vong khi được tìm thấy.

Văn Nguyễn-L.T. (tổng hợp)
.
.