Vật liệu xây dựng và đóng gói làm từ lông gà

Thứ Năm, 02/11/2017, 19:03
Ryan Robinson, nhà sinh học Đại học Hoàng gia London, cùng với nữ chuyên gia thiết kế Elena Dieckmann đưa ra ý tưởng biến lông gà thành vật liệu cách nhiệt lý tưởng cho các tòa nhà hay có thể dùng để sản xuất loại nhựa tự hủy đóng gói thực phẩm hoặc dược phẩm.

Họ thành lập công ty khởi nghiệp gọi là Aeropowder để biến ý tưởng thành sản phẩm thương mại.

Robinson và Elena thu gom lông gà dùng để nghiên cứu từ các trang trại chăn nuôi gia cầm cũng như cơ sở chế biến thực phẩm ở khắp Anh. Robinson đánh giá: "Hiện nay, lông gà ở Anh được chế biến thành thức ăn gia súc kém chất lượng gọi là cám lông gà. Loại thức ăn này "nặng mùi khó chịu" nên có lẽ chẳng mấy hấp dẫn cho vật nuôi".

Trong khi đó, Robinson nhận ra rằng lông gà có thể trở thành vật liệu lý tưởng trong xây dựng nhờ có đặc tính cách nhiệt rất tốt do có cấu trúc sợi keratin rỗng. Nói cách khác, khi không khí được tăng cường trong cấu trúc sợi rỗng này cho phép giảm thiếu tính truyền nhiệt.

Lông gà được xay ra thành bột mịn.

Ban đầu, lông gà được xay thành bột mịn rồi nén lại để cho ra những viên gạch có độ dẻo và nhẹ. Loại vật liệu từ rác thải lông gà này có đặc điểm đáng chú ý là chống được lửa. Sau vụ hỏa hoạn khủng khiếp tại tòa nhà chung cư Grenfell Tower ở London làm chết ít nhất 80 người hồi tháng 6-2017, chính quyền Anh mới bắt thực sự đầu chú trọng đến loại vật liệu chống cháy trong xây dựng.

Robinson phân tích: "Thực ra, lông gà không dễ cháy như các sản phẩm làm từ vật liệu tổng hợp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu các khả năng giúp tăng cường thêm khả năng chịu nhiệt của lông gà. Do đó, sản phẩm gạch từ lông gà chỉ được đưa ra thị trường sau khi trải qua kiểm định khắt khe và thử nghiệm bởi các cơ quan độc lập. Vật liệu cách nhiệt chính là mục tiêu hàng đầu mà chúng tôi quan tâm nghiên cứu hiện nay. Loại gạch của chúng tôi sản xuất có thể được dùng để xây tường phủ bên ngoài và cả phần áp mái tòa nhà. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm nghiên cứu chất liệu cách nhiệt hiệu quả cho những sản phẩm tiêu dùng nhỏ gọn hơn như là bao bì thực phẩm hay dược phẩm".

Trên thực tế, Aeropowder không là nơi đầu tiên đầu tư nghiên cứu tái sử dụng rác thải lông gà. Giáo sư Menandro Acda Đại học Lâm nghiệp và Tài nguyên Philippines, cũng có công trình nghiên cứu và đánh giá cao loại vật liệu sản xuất từ lông gà trộn với xi măng để thay thế loại ván ép dễ cháy và bị côn trùng như là mối làm hư hỏng bởi vì mối không ăn lông gà.

Năm 2011, nhóm nhà nghiên cứu Đại học Lincoln bang Nebraska miền trung nước Mỹ, nhận định lông gà có thể dùng để sản xuất loại nhựa tự hủy thân thiện với môi trường. Do gà được nuôi phổ biến trên toàn cầu cho nên vật liệu sản xuất từ lông của chúng hứa hẹn tạo ra một thị trường đầy tiềm năng. Vấn đề đặt ra là xây dựng cơ sở xử lý lông gà gần các trang trại chăn nuôi để tiết kiệm chi phí vận chuyển.

An An (tổng hợp)
.
.