Vén màn bí mật trong rừng Taiga Tunguska

Thứ Sáu, 29/06/2018, 12:37
Cách đây đúng 110 năm, một vật thể lạ đã lao xuống từ vũ trụ và phát nổ trong vùng kề con sông Podkamennaya Tunguska thuộc Siberia ở Liên bang Nga.

Vụ nổ bí ẩn luôn day dứt các nhà khoa học hơn một thế kỷ nay, thể hiện qua những cuộc nghiên cứu xen lẫn các giả thuyết nhằm xác định tác nhân gây nổ là thiên thạch, tiểu hành tinh, hay một mảnh của sao chổi?

Tunguska là tên gọi chung cho lưu vực quy tụ 3 nhánh hợp thành con sông Yenisei, thuộc vùng Krasnoyarsk Krai, phía tây Siberia. Vào khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 30-6-1908, người dân làng Vanavar giữa rừng taiga nhìn thấy một quả cầu lửa khổng lồ hình ống, đang bay trên lưu vực sông Yenisei theo hướng từ phía đông nam lên phía tây bắc. Kế đến là tiếng nổ khủng khiếp như muốn "xé toạc màng nhĩ" trên độ cao từ 7-10km. Sức mạnh của vụ nổ được các đài quan sát trên khắp thế giới ghi nhận.

Vị trí vụ nổ trên bản đồ với cây cối ngả rạp xung quanh (ảnh nhỏ).

Cú nổ cũng được mục kích trực tiếp trên một phạm vi rộng lớn, từ quả cầu lửa biến thành một cột lửa khổng lồ cao khoảng 20km. Cửa kính các tòa nhà vỡ vụn và cây cối ngả rạp trong khu vực rộng 2.000km2 xung quanh vụ nổ, còn khu vực mặt đất bao trùm hàng trăm cây số ngay bên dưới vụ nổ hoàn toàn trơ trụi trong khoảnh khắc.

Suốt 2 thập niên kế tiếp không ai dám đặt chân đến vùng đất chết chóc ấy, cho đến khi có đoàn thám hiểm đầu tiên do Leonid A. Kulik (1883-1942), Giám đốc Viện bảo tàng Khoáng vật ở Moscow dẫn đầu trong năm 1927.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ hai viện sĩ nổi tiếng là Vladimir I. Vernadsky (1863-1945) và Alexander Y. Fersman (1883-1945), L. Kulik cùng các cộng sự đã thu thập được tới 230 mảnh vỡ có tổng trọng lượng hơn 200kg. Nhưng tiếc thay đó chỉ là các mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống rừng taiga trước đây… Đồng thời các nhà thám hiểm cũng phát hiện ra các khoáng vật có hàm lượng cao chứng tỏ nguồn gốc vũ trụ đích thực, nhưng không thể tìm thấy bằng chứng về sự liên quan giữa chúng với cú nổ khủng khiếp trên trời cao…

Vật thể lạ dạng hình ống đang lao xuống mặt đất.

Hiện song song tồn tại tới 120 giả thuyết khác nhau nhằm lý giải bản chất hiện tượng Tunguska. Một trong những giả thuyết phổ biến nhất là sự rơi của thiên thạch hay "cơn mưa thiên thạch" băng ngang, nhưng ở trường hợp này lại không tìm thấy mảnh vỡ thiên thạch tương ứng.

Một giả thuyết táo bạo khác là vụ thử "vũ khí chống lại loài người", kết quả từ sự phóng chùm điện tích siêu mạnh từ phòng thí nghiệm của Mỹ của nhà phát minh lỗi lạc Nikola Tesla (1856-1943), một người Mỹ gốc Serbia từng được tôn vinh là "cha đẻ" của dòng điện xoay chiều và truyền thông không dây… Rồi cả những giả thuyết nghi ngờ về tính xác thực của lý thuyết thiên thạch rơi nữa.

Trong năm 1994, nhà khoa học Hy Lạp Valery Romejko là người đầu tiên đã thiết lập được ảnh vệ tinh của vùng Podkamennaya Tunguska. Hình ảnh rõ nét cho thấy hình dạng của một con hồ bí ẩn, tọa lạc cách trung tâm vụ nổ chừng vài chục cây số về phía nam.

Hồ có hình tròn cùng diện tích khoảng 50.000m², cây cối bao phủ xung quanh xen lẫn những "vệt trắng" dấu tích của vụ nổ đầu thế kỷ trước. Do địa hình hiểm trở nên chưa có ai thâm nhập vào khu vực này, còn theo nhận định của V. Romejko thì đây chính là "cái hố đầy nước do thiên thạch va chạm với mặt đất để lại".

Một dấu tích từ thiên thạch khác được đoàn thám hiểm của Trường đại học Tổng hợp Bologna (Italia), do Giáo sư Luca Gasperini dày dạn kinh nghiệm dẫn đầu. Đoàn đã đặc biệt chú ý tới con hồ Cheko trong vùng Tunguska cách tâm điểm vụ nổ 8km, do vị trí của hồ trùng với đường bay của vật thể khổng lồ (mà không hiểu sao người ta cứ gọi theo một cách áp đặt là "thiên thạch Tunguska").

Con hồ bất thường này chưa từng hiện diện trong bất cứ tấm bản đồ địa lý nào ấn hành trước năm 1929, còn các già làng tộc người Evenks ở địa phương khẳng định rằng trước vụ nổ giữa năm 1908, hồ Cheko chưa tồn tại.

Trong khuôn khổ dự án khoa học mang tên "Tunguska - 1929", Giáo sư L. Gasperini cùng các đồng nghiệp đã đi sâu nghiên cứu chi tiết hồ Cheko. Điều gây ấn tượng nhất là tuy mặt hồ có hình bán nguyệt, nhưng phần đáy sâu dưới 50m nước lại có hình chóp nón - bằng chứng của vết tích va chạm khi thiên thạch rơi.

Giáo sư L. Gasperini đưa ra kết luận, rằng hồ Cheko chính là điểm va chạm giữa vật thể lạ sau khi phát nổ đã cắm xuống đất - với vận tốc khổng lồ gần 54.000km/giờ. Sóng radar thăm dò địa hình đã quét thấy một khối vật chất lớn nằm ở độ sâu 50m dưới đáy hồ, nhưng chưa thể tiến hành thăm dò trục vớt được.

Tuy nhiên giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết! Cho đến thời điểm này sau hơn một thế kỷ vẫn chưa tìm ra được bất cứ mảnh vỡ có nguồn gốc thiên thạch nào, hòng củng cố giả thuyết về thiên thạch phát nổ do cọ sát với sức nóng của bầu khí quyển, trước khi va đập với mặt đất trong vùng Podkamennaya Tunguska.

Trần Hồng (theo New Scientist)
.
.