Vì sao Tây Ban Nha vô địch về hiến tạng?

Thứ Tư, 10/05/2017, 11:19
Trong suốt 25 năm qua, Tây Ban Nha luôn nắm giữ kỷ lục về số người hiến tạng. Vậy đâu là bí quyết để họ có được thành công mà nhiều nước châu Âu bắt đầu học hỏi theo?

Juan Benito Druet, một tài xế 63 tuổi, vừa biết ông sẽ được cứu sống nhờ một quả thận hiến tặng theo cơ chế hiến tạng ra đời từ 25 năm trước. "Tôi không biết điều gì sẽ xảy đến nhưng cần phải thử" - Juan Benito Druet là bệnh nhân đang chờ thay thận ở bệnh viện La Paz, Madrid, chia sẻ.

Các bác sĩ an ủi ông rằng việc thay thận diễn ra hàng ngày ở các bệnh viện Tây Ban Nha. Theo Tổ chức ghép tạng Tây Ban Nha (ONT), năm 2016, có 4.818 ca ghép tạng được thực hiện trên khắp Tây Ban Nha, trong đó có 2.994 ca ghép thận.

Ca ghép thận cho bệnh nhân Juan Benito Druet, ngày 28-2-2017 tại bệnh viện La Paz, Madrid.

Bên cạnh chồng trước thực hiện ca phẫu thuật, cùng với hai người con đã 32 và 37 tuổi, bà Jeronima nói: "Việc chồng tôi có được tạng để thay còn hơn là chuyện gia đình tôi trúng xổ số!".  Sau ca mổ này, bà Jeronima đã có thể mơ tới một chuyến du lịch cùng chồng, điều mà bà chưa từng nghĩ nó sẽ trở thành hiện thực vì chồng bà trước phẫu thuật luôn phải mang bên mình một chiếc máy lọc máu nặng tới 15kg.

Sau ca mổ, các bệnh nhân "bắt đầu tăng cân và đi lại bình thường. Giống như là người ta vừa truyền cho họ một cuộc sống mới" - Rafael Matesanz, người sáng lập ONT, cho biết.

Trong suốt 25 năm qua, Tây Ban Nha luôn nắm giữ kỷ lục về số người hiến tạng. Năm 2016, có 43,4 ca hiến tạng tại Tây Ban Nha, tính trên một triệu dân. Năm 2015, con số này là 40,2, trong khi tại Mỹ là 28,8, Pháp 28,1 và 10,9 tại Đức, theo số liệu của Hội đồng châu Âu. Tây Ban Nha có được kỷ lục đó là nhờ ONT. 

Theo Rafael Matesanz, hệ thống này hoạt động tập trung và rất hiệu quả. Mỗi bệnh viện trên khắp Tây Ban Nha đều có một người điều phối ghép tạng. Người này có thể là bác sĩ hoặc y sĩ, thường là chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tăng cường. Người này rất giỏi trong việc chẩn đoán những bệnh nhân chết não, tim và hô hấp ngừng hoạt động. Đây là hai trường hợp có thể hiến tạng hoàn hảo. Khi những người bệnh này qua đời, các nội tạng như thận, gan, phổi, tụy và tim vẫn hoạt động và có thể cấy ghép sang cơ thể người khác.

Ngay khi xác định được trường hợp của bệnh nhân, ONT sẽ liên lạc với người nhà bệnh nhân để đề nghị hiến tạng và ONT sẽ lập tức tìm kiếm người nhận tạng phù hợp trong danh sách chờ. Nếu bệnh nhân ở xa, tạng ghép sẽ được đông lạnh và vận chuyển bằng đường hàng không. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 1989, ONT đã đào tạo hơn 18.000 điều phối viên, những người phụ trách công việc trao đổi với gia đình người bệnh về hiến tặng nội tạng.

Điều đặc biệt là các ca ghép tạng ở Tây Ban Nha hoàn toàn miễn phí nhằm tránh nạn buôn bán tạng người.

Một bí quyết thành công khác là theo luật pháp Tây Ban Nha, nếu một người chết lâm sàng mà không có di chúc cấm lấy tạng trước đó thì mặc nhiên người đó là đối tượng cho tạng.

Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân cũng sẽ được tham khảo ý kiến, nghe giải thích từ phía ONT về hành động cho tạng. Điều này ONT đòi hỏi các điều phối viên phải có sự chuyên nghiệp và nhạy cảm cao. "Nhiều gia đình cho tạng nghĩ rằng con em của họ trước khi chết vẫn có thể cứu được người khác. Với một bộ phận cơ thể vẫn còn sống trong cơ thể người khác, họ vẫn nghĩ con em mình còn sống" - Damiana Gurria, người có 10 năm làm điều phối viên của ONT tại bệnh viện La Paz, cho biết. Bà nói thêm rằng ngày càng có nhiều người Tây Ban Nha thấu hiểu được việc cho tạng là điều đáng làm.

Bà Marie-Charlotte Bouesseau, nhân viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trên thế giới chỉ có khoảng 10% bệnh nhân cần ghép nội tạng thực sự nhận được tạng hiến tặng, trong khi 90% còn lại sẽ không thể đợi được người hiến tặng.

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, nhờ vào một hệ thống điều hành chuyên nghiệp, số người qua đời vì không được ghép tạng đã giảm còn khoảng 4-6% trong năm 2016. Nhiều nước tại châu Âu đang học tập và áp dụng theo mô hình thành công của Tây Ban Nha. Từ tháng 1-2017, Pháp cũng bắt đầu áp dụng điều luật về bệnh nhân chết lâm sàng sẽ mặc nhiên là người cho tạng nếu không có di chúc đặc biệt như ở Tây Ban Nha.

Ở Việt Nam, tính đến nay số người bị suy tạng trên cả nước có nhu cầu ghép cao, nhưng số người hiến tặng còn rất hạn chế. Vì thiếu tạng nên rất có thể sẽ nảy sinh những cuộc buôn bán tạng bất hợp pháp với chi phí rất cao. Việc buôn bán tạng cũng làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của người hiến tạng.

Từ năm 2006, Việt Nam đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Cũng giống như tổ chức ONT của Tây Ban Nha, ở Việt Nam, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có nhiệm vụ chính trong việc điều phối việc lấy, ghép mô, tạng để cứu chữa người bệnh theo đúng quy định của pháp luật và đạo đức.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.