Vì sao bệnh sốt xuất huyết ngày nay làm chết người?

Thứ Ba, 22/09/2015, 15:25
Sáng 11/9 vừa qua, Bộ Y tế thông báo cả nước có trên 32.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở 48 tỉnh, thành phố, 18 người tử vong, đặc biệt tỉ lệ người lớn mắc bệnh tăng cao trên 43%. Theo Y văn thế giới thì trước đây bệnh này chủ yếu ở trẻ em và không làm chết người. Liệu có phải bây giờ tác nhân gây bệnh "độc" hơn?

Theo báo cáo, tháng 8-2015, TP HCM có 307 ca SXH phải nhập viện, cao hơn 34% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tháng 7 có 6.033 ca, tăng 47% so cùng kỳ năm 2014. Mùa dịch năm nay ở TP HCM đến sớm hơn 2 tháng so với các năm trước. Đồng Nai ghi nhận trên 3.700 ca, tăng 140% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi 7 tháng đầu năm, Hà Nội có khoảng hơn 1.500 ca.

Nếu theo quy luật 4 - 5 năm thì năm nay có thể bùng phát dịch lớn? Từ nhiều năm nay, các tỉnh, thành phía Nam luôn là "ổ" dịch SXH do thời tiết thuận lợi cho muỗi gây bệnh sinh sôi. SXH thể nhẹ gọi là sốt dengue (lấy tên của virus gây bệnh SXH), thông thường sau 3 - 6 ngày ủ bệnh (có thể đến 15 ngày) đột ngột sốt cao, người mệt mỏi rã rời, đau nhức toàn thân (nhức đầu; đau hố mắt; đau nhức xương khớp, cơ bắp, thắt lưng); thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường nổi trội. Trung bình 5 ngày (trong khoảng 3-8 ngày) xuất hiện các ban xuất huyết dạng chấm dưới da ở thân rồi lan theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, sốt giảm, có thể kèm theo chảy máu mũi; ban xuất huyết có thể gây ngứa...

Nếu là thể nặng, gọi là sốt xuất huyết dengue (nặng nhất là hội chứng sốc dengue - dengue shock syndrome, DSS), sau 2 đến 5 ngày có triệu chứng giảm số lượng tiểu cầu xuống dưới 100.000/mm³ (bình thường 150.000 - 400.000/mm³ máu) và cô đặc máu do huyết tương thoát mạch. Giảm tiểu cầu gây xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích; chảy máu chân răng; chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa. Nếu gan to và đau thì càng nặng. Cá biệt, có thể tràn dịch màng phổi, giảm protein máu...

Hiện nay những ca bệnh SXH nặng ngày một tăng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đã thống kê nhiều ca với nhiều triệu chứng nặng như: Bé trai 55 ngày tuổi ở quận 8, TP HCM, sốt cao 3 ngày liền, ngày thứ tư thì ói, bụng chướng, xuất huyết dưới da. Nhập viện trong tình trạng sốc nặng; xét nghiệm thấy cô đặc máu. Phải thở máy liên tục, chống sốc bằng dung dịch cao phân tử, nhưng vẫn tiếp tục nôn ói, chướng bụng, hạ đường huyết rồi suy gan, suy hô hấp…

Bé gái 9 tuổi ở Bình Minh, Vĩnh Long, ban đầu ngoài sốt cao không có gì nghiêm trọng, sau xuất hiện suy hô hấp; rối loạn đông máu; tràn máu màng phổi; xuất huyết đường tiêu hóa rồi suy gan, men gan cao; suy thận; hôn mê sâu, được chẩn đoán "Sốc đa cơ quan trên nền SXH trong tình trạng nguy kịch"…

Một bệnh nhân nữ 18 tuổi ở Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu hôn mê đã 3 ngày. Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, xuất huyết dưới da và xuất huyết nội tạng ồ ạt; tím tái toàn thân, không thể tự thở, dấu hiệu sinh tồn gần như bằng không. Phải mở khí quản để thở máy; lọc máu và truyền máu (19 đơn vị hồng cầu lắng, 18 đơn vị tiểu cầu, 7 đơn vị huyết tương đông lạnh, 5 đơn vị kết tủa - gồm Fibeinogen và hai yếu tố đông máu VIII, Von Willebrand - tương đương 10 lít máu tươi). Sau 48 giờ nhập viện mới khống chế được xuất huyết nội tạng nhưng vẫn hôn mê, sự sống mong manh… Sau 5 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục chức năng gan, thận và hô hấp. Sau 7 ngày lọc máu bệnh nhân tỉnh dần. Tiếp tục điều trị suy gan, suy thận đến ngày thứ 14 thì các chức năng gan thận hồi phục tốt. Đây là ca bệnh tưởng đã tử vong được cứu sống…

Bệnh nhân nữ khác 22 tuổi, chuyển đến từ Bệnh viện Lê Lợi, Bà Rịa - Vũng Tàu trong tình trạng sốc nặng, rối loạn tri giác, mê man, xuất huyết ồ ạt, cũng suy chức năng tạng… may mắn bình phục sau hơn 10 ngày thở máy, lọc máu, truyền máu... Đặc biệt hiếm gặp là một bệnh nhân 17 tuổi ở Đắk Lắk, chỉ còn khoảng 12% số lượng hồng cầu, toàn thân xanh như tàu lá; phải truyền máu liên tục trong nhiều ngày…

Virus SXH có 4 typ khác nhau, người đã mắc bệnh với typ nào thì chỉ có miễn dịch bền vững với typ đó, không có miễn dịch chéo. Vì thế, một người có thể bị SXH hơn một lần trong đời. Tuy nhiên, có nghịch lý hiếm có: Sốt dengue cổ điển (thể nhẹ) xảy ra ở người chưa có miễn dịch (lần đầu mắc bệnh), nhưng thể nặng là SXH dengue thường xảy ra ở lần mắc sau. Ghi nhận lâm sàng thế giới cho thấy SXH thể nặng chủ yếu mắc ở những người đã ít nhất một lần bị bệnh trước đó và thường thấy ở cư dân vùng có dịch lưu hành (Thế giới có khoảng 2,5 tỉ người sống trong vùng có dịch, trong đó châu Á - Thái Bình Dương là 1,8 tỉ).

Muỗi vằn cái (Aedes aegypti) là vật chủ trung gian truyền virus Dengue.

Nghiên cứu huyết thanh máu bệnh nhân cho thấy phản ứng giữa kháng nguyên (typ virus nhiễm lần sau) với kháng thể (có do miễn dịch typ virus nhiễm lần trước) trong máu làm giải phóng các chất hoạt mạch, gây tăng tính thấm mao mạch làm huyết tương thoát mạch, chảy máu hay ngược lại làm đông máu nội mạch lan tỏa. Nếu giả thiết "miễn dịch tăng bệnh" - một nghịch lý - đúng thì việc phát tán muỗi truyền bệnh trong điều kiện hội nhập toàn cầu sẽ ngày càng gây nên tình trạng bệnh nặng nề hơn trong tương lai!? Ngoài yếu tố này thì trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ và người da trắng là những "cơ địa" xấu dễ mắc bệnh.

Do giai đoạn khởi bệnh, các triệu chứng giống như viêm đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, hắt hơi dễ nhầm lẫn với cúm, sốt phát ban, bệnh tay chân miệng hay sốt do nhiễm virus nói chung…; tiêu chảy, nôn ói dễ nhầm với bệnh lý đường ruột ở trẻ em; người lớn lại thường chủ quan cho rằng đó chỉ là những triệu chứng cảm sốt thông thường… vì thế, nếu sốt cao nên đi khám ngay. Không tự điều trị SXH ở nhà, đặc biệt có dấu hiệu nặng như bứt rứt, lăn lộn, chảy máu mũi, chân răng, tay chân lạnh, ói ra máu… thì phải nhập viện ngay. Nếu để chậm có thể sốc, dẫn đến tử vong.

Trẻ càng nhỏ càng cần đề phòng co giật do sốt cao. Phải tránh những sai lầm như cạo gió, cắt lể để lấy bớt máu độc vì cho rằng trúng gió, dẫn đến chảy máu không cầm; tự ý dùng thuốc hạ sốt, đã có gia đình dùng thuốc hạ sốt  4-5 lần/ngày cho trẻ, làm tổn thương gan và xuất huyết tiêu hóa...; thấy trẻ rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục đã không cho ăn, uống dẫn đến hạ đường huyết, thiếu hụt điện giải và dinh dưỡng làm giảm thiểu sức đề kháng, trong khi bệnh này tiêu diệt mạnh nhất sức đề kháng của cơ thể, bằng chứng là xét nghiệm máu thấy giảm mạnh số lượng bạch cầu và sau khi khỏi bệnh cơ thể rất mệt mỏi nhiều ngày…; khi thấy trẻ hết sốt thì mất cảnh giác nhưng trẻ có thể sốt lại và diễn biến xấu. Nếu trẻ hết sốt nhưng tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói thì phải nhập viện...

Hiện chưa có vắcxin kháng được cả 4 typ virus gây bệnh. Gần đây, Đại học Mahidol, Thái Lan cộng tác với WHO, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 loại vắcxin chống cả 4 typ Dengue virus. Vì thế, phòng bệnh vẫn là yếu tố quyết định, hiệu quả tốt. Vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn cái (Aedes aegypti - nguồn gốc từ châu Phi) hoạt động ban ngày, đôi khi ban đêm nếu có ánh sáng điện.

Muỗi truyền bệnh có 3 loại: ở đô thị, nông thôn và vùng hoang dã, có thể truyền virus qua trứng muỗi hoặc không. Người là "ổ" chứa virus chính, và mới phát hiện ở Malaysia có loài khỉ mang virus Dengue. Virus tồn tại trong cơ thể muỗi khoảng 8 - 11 ngày, trong thời gian này nếu muỗi mang mầm bệnh đốt người lành sẽ gây bệnh. Virus tuần hoàn trong cơ thể người 2 - 7 ngày trước khi gây ra các triệu chứng bệnh, thời gian này nếu muỗi lành đốt người mang virus rồi đốt người lành sẽ gây bệnh…

Tuy nhiên, rất nhiều người được hỏi không ngủ màn ban ngày! Việc xóa nguồn nước (Aedes aegypti chỉ đẻ trứng ở nước trong) tù đọng, nơi nở và trưởng thành của bọ gậy, tuy rất đơn giản nhưng cũng ít người làm. Việc phun thuốc trừ muỗi ngoài độc hại còn tạo ra những loài muỗi vằn "độc", kháng mạnh chất diệt muỗi Deltamethrin như đã phát hiện ở miền Trung, Nam Bộ và Tây Nguyên...

Hiện tại, diệt vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi được xem như cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Từ năm 1950 -1960, Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ đã thành công trong việc diệt Aedes aegypti ở nhiều vùng Trung và Nam Mỹ. Giai đoạn này không có các đợt dịch SXH ở những vùng này. Nhưng khi chương trình ngừng lại thì Aedes aegypti xuất hiện và bệnh trở lại.

Từ kết quả nghiên cứu, một loại muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia không gây bệnh cho người, nhưng có khả năng ức chế virus Dengue, qua lây lan vi khuẩn làm giảm thiểu số lượng muỗi có khả năng truyền bệnh nên từ năm 2011, Australia đã thả loại muỗi này ở khu dân cư để vô hiệu hóa mầm bệnh theo phương pháp sinh học. Viện Vệ sinh dịch tễ Việt Nam đã thả khoảng 200.000 con bọ gậy thuộc loại muỗi chứa Wolbachia vào nước trên đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa để thử nghiệm… Nếu thành công, phương pháp xanh này hứa hẹn cho việc khống chế SXH.

Từ những năm 1778 - 1780 ở châu Phi, Bắc Mỹ và châu Á,  đã xuất hiện những vụ dịch SXH đầu tiên nhưng khởi thủy sốt Dengue chỉ được xem là bệnh nhẹ vì không làm chết người. Ở Đông Nam Á, sốt Dengue lần đầu tiên được phát hiện ở Philippines vào năm 1950. Cũng từ Đông Nam Á, một đại dịch Dengue xuất hiện và lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên, từ năm 1970 đã xuất hiện trẻ em tử vong do bệnh ở khu vực này.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nước ta lác đác có một số ca tử vong do SXH. Hiện bệnh đã thành dịch tản phát (không tập trung ở một khu vực, có mùa chính nhưng vẫn xảy ra quanh năm, số người mắc không cao lắm) tại hơn 100 quốc gia châu Phi, châu Mỹ, phía đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương nặng nề nhất.

Trước năm 1970, 9 quốc gia có dịch lưu hành, năm 1995 là 36 nước. Theo WHO, mỗi năm có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc bệnh; khoảng 500.000 ca phải nhập viện, phần lớn trong số đó là trẻ em, khoảng 20.000 người tử vong/năm. Tỉ lệ tử vong trung bình khoảng 2,5%. Nếu không được điều trị, tỉ lệ tử vong của sốt xuất huyết dengue có thể vượt quá 20%; điều trị tích cực hiện đại, tỉ lệ tử vong có thể dưới 1%.

BS Trần Kiên
.
.