Vì sao bệnh tay chân miệng làm chết nhiều người?
- Trẻ mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết ở Đồng Tháp tăng cao
- Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng đột biến
- Nguy cơ cao bùng phát dịch tay chân miệng
Chủng vi rút gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Ngày 18 - 3, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay TP đã có 176 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) rải rác tại 19 quận, huyện, thị xã, không có tử vong, số ca bệnh giảm 41% so với cùng kỳ năm 2015... Nhưng từ cuối tháng 2 đến nay số người mắc bệnh lại tăng, đặc biệt có 2 trường hợp dương tính với Enterovirus 71 (EV71) là chủng virus có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hình ảnh của bệnh chân tay miệng. |
TCM là bệnh lây theo đường tiêu hoá mà mầm bệnh ở trong nước bọt, nốt tổn thương trên da và phân của trẻ bệnh, vì thế trẻ ở nhà trẻ, mẫu giáo dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 3 tuổi có nguy cơ lây truyền rất cao, nhất là khi bùng phát dịch. Hầu hết các loại dịch bệnh xảy ra vào những mùa nhất định nhưng bệnh TCM rải rác quanh năm, nghĩa là không có chu kỳ nhất định. Ở các tỉnh phía Nam nước ta, bệnh có xu hướng tăng cao từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm.
Có nhiều type virus gây bệnh nhưng hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh này được phát hiện năm 1957 ở Toronto, Canada và phân lập được virus gây bệnh là Coxsackie type A16. Tương tự năm 1959, trong vụ dịch ở Birmingham, Anh cũng phân lập được virus này. Nhưng đến năm 1969, vụ dịch ở New Yok, Mỹ lại phân lập được Enterovirus type 71 (EV71) cũng gây bệnh này.
Ở Trung Quốc, năm 1981, TP Thượng Hải là nơi đầu tiên phát hiện bệnh này rồi lan sang Bắc Kinh, Quảng Đông. Năm 1995 và 1998 Trung Quốc cũng phân lập được EV71. Từ đó đến nay đã có nhiều dịch TCM ở nhiều nơi trên thế giới:
- Năm 1997, 31 trẻ chết vì TCM ở Sarawak, Malaysia, phân lập được mầm bệnh là EV71.
- Năm 1998, dịch ở Đài Loan với 1.500.000 trẻ mắc bệnh, có 405 ca biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não nước trong, phù phổi, chảy máu phổi, liệt chi và viêm cơ tim, 78 trẻ tử vong; phân lập được mầm bệnh là EV71.
- Năm 2006, 7 trẻ chết do bệnh này cũng ở Sarawak, Malaysia. Dịch cũng bùng phát ở Chikungunya thuộc miền Nam và nhiều tỉnh miền Tây Ấn Độ.
- Năm 2007, tỉnh Giang Đông, Trung Quốc có 39.606 ca bệnh, 6 trường hợp tử vong, phát hiện căn nguyên gây bệnh là EV71. Dịch cũng xảy ra ở Tây Bengal, phía đông Ấn Độ.
- Năm 2008, dịch phát ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc: 25.000 trẻ mắc bệnh, 42 trẻ tử vong; ở Singapore: 2.600 ca; Việt Nam: 2.300 ca, 11 ca tử vong; Mông Cổ: 1.600; Brunei: 1053 ca.
- Năm 2009, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có 17 trẻ chết; tỉnh Hà Nam lân cận có 18 trẻ chết. Trung Quốc báo từ tháng 1 đến tháng 4 có 115.000 ca bệnh, 773 ca nặng và 50 trẻ tử vong. Indonesia cũng thông báo dịch.
- Năm 2010, các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông có 70.756 trẻ mắc bệnh, 40 trẻ tử vong.
- Năm 2012, dịch ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, với khoảng 35.000 ca bệnh, 7 ca tử vong.
Ở nước ta bệnh TCM xuất hiện ở các tỉnh phía Nam từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, những năm gần đây đã lan ra phía bắc, số mắc bệnh tăng cao từ năm 2011. Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2014 cả nước ghi nhận 80.685 trường hợp mắc tay chân miệng, 8 trường hợp tử vong. Tính đến đầu tháng 10-2015 đã có trên 70 ca tử vong và đến tháng 11-2015 đã có trên 44.000 ca bệnh. Năm 2011, có 71.472 ca bệnh, tử vong 130 trẻ... Tỉ lệ mắc bệnh trung bình ở Việt Nam trong 5 năm từ 2010 đến 2014 khoảng 28,1/100.000.
Đáng lo ngại là trong khoảng gần 20 năm trở lại đây, dịch TCM ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chủ yếu do EV71, bằng chứng là hai vụ dịch ở Malaysia năm 1997, Đài Loan năm 1998 và nhiều vụ dịch ở Trung Quốc nói trên. Chủng virus này rất nguy hiểm vì thường gây các biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não nước trong (dịch não tủy không đục như viêm màng não mủ do vi khuẩn, thấy khi chọc dò tủy sống), phù phổi, chảy máu phổi, liệt (các chi, giống bại liệt - paralysis), viêm cơ tim và viêm phổi, trong khi virus Coxsackie không gây những biến chứng này.
Ở nước ta, trước đây EV71 chỉ xuất hiện ở phía Nam thì nay đã xuất hiện ở phía Bắc, từ năm 2011, một bé ba tuổi tử vong ở Hà Nội cho xét nghiệm dương tính với EV71. Một mặt, bệnh TCM ở một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong những năm gần đây có xu hướng tăng cao. WHO thông báo năm 2014, Trung Quốc với gần 700.000 ca bệnh, tăng 1,9 lần; Singapore gần 7.000 ca tăng 1,03 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Cách nhận biết và phòng tránh
Để đối phó với bệnh TCM, trước hết cần giữ cho trẻ ăn, ở sạch; giữ bàn tay sạch và đồ chơi sạch mà việc rửa tay bằng xà phòng và tẩy rửa đồ chơi bằng các dung dịch sát trùng rất có hiệu quả. Thứ đến vệ sinh môi trường như sàn nhà, tay vịn cầu thang, đồ dùng..., phun thuốc diệt mầm bệnh... Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh phải đi khám và thông báo với y tế địa phương. Phải cho trẻ mắc bệnh nghỉ học để tránh lây lan.
Người dân không thể biết chủng virus nào gây bệnh, nhưng để chủ động phòng biến chứng nên biết phân độ lâm sàng bệnh TCM của Bộ Y tế năm 2011:
Độ 1: Chỉ loét miệng và có các nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông; mệt mỏi, khó chịu; đau họng, đau lan ra hai lỗ tai; trẻ sơ sinh đến mới biết đi quấy khóc, bỏ bú, biếng ăn; đôi khi tiêu chảy.
Độ 2: Biến chứng thần kinh hoặc tim mạch mức độ trung bình: Có biểu hiện rung giật cơ từng cơn ngắn 1 - 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, trong cơn giật cơ trẻ vẫn tỉnh táo (trẻ nhỏ giống như giật mình, phải nghi ngờ nếu trong vòng 30 phút trẻ “giật mình” hai lần trở lên). Có thể kèm theo một trong các dấu hiệu đi loạng choạng hoặc chới với; ngủ gà; bứt rứt; run chi, rõ hơn là chi yếu hoặc liệt; mắt nhìn ngược. Mạch nhanh trên 150 lần/phút (khi trẻ nằm yên và ngoài cơn sốt). Sốt cao 39,50C (nhiệt độ hậu môn - nhiệt độ nách thấp hơn nhiệt độ dưới lưỡi hay nhiệt độ hậu môn 0,50C). Liệt các dây thần kinh sọ não (phụ trách giác quan: nhìn; nghe; ngửi; vị giác; vận động lưỡi, hầu, họng...).
Độ 3: Biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, tim mạch: Biểu hiện co giật, hôn mê; khó thở: thở nhanh, rút lõm các khe liên sườn. Mạch nhanh trên 170 lần/phút; tăng huyết áp.
Độ 4: Biến chứng rất nặng, khó hồi phục: Phù phổi cấp; sốc, trụỵ mạch hoặc có cơn ngừng thở.
Cũng giống như sốt xuất huyết, khi mới xuất hiện bệnh TCM không làm chết người, nhưng từ khi EV71 “tham gia” gây bệnh thì ngày càng có nhiều trường hợp tử vong. Do không có thuốc đặc trị, chưa có vaccine và tình trạng gây bệnh tăng diện rộng của chủng EV71 nên bệnh TCM ngày càng trở lên nguy hiểm.
Năm 2013, một bài viết trên tạp chí y học The Lancet nói rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Beijing Vigoo có thể phòng bệnh do EV71 hiệu quả tới 90% và có 10.245 trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 35 tháng được thử nghiệm loại vaccine này. Tuy nhiên, đến nay vaccine này vẫn chưa được đưa ra sử dụng trên thị trường liệu rằng thông tin trên có xác thực?