Vì sao vũ khí mạng của Mỹ "vô hại" với IS?

Thứ Ba, 04/07/2017, 14:42
Từ trước đến giờ, các vũ khí công nghệ mạng của Mỹ luôn rất lợi hại và từng tấn công hiệu quả các lò phản ứng hạt nhân của Iran và CHDCND Triều tiên. Thế nhưng, trong cuộc chiến chống IS, loại vũ khí lợi hại này bỗng trở nên "vô hại" một cách lạ thường, mang lại những kết quả đáng thất vọng.

Đó cũng là lý do vì sao Mỹ và phương Tây đã không ngăn chặn được IS tuyển mộ chiến binh qua mạng Internet.

Đã hơn một năm kể từ khi Lầu Năm Góc tuyên bố mở một chiến tuyến mới chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến tranh mạng (thành lập được hơn 6 năm) tiến hành các cuộc tấn công mạng máy tính. Nhiệm vụ của đơn vị này là kiềm chế IS trong việc phát tán các thông tin, thu hút chiến binh mới, trả lương cho chiến binh và lan truyền mệnh lệnh khủng bố từ các chỉ huy.

Hơn một năm sau tuyên bố đó, IS vẫn tiếp tục thực hiện được những cuộc tấn công bằng mệnh lệnh điều khiển từ xa. Những vụ tấn công mới nhất ở Anh và Iran do IS tự nhận trách nhiệm tiến hành đã cho người ta thấy một thực tế rằng các nỗ lực chiêu mộ chiến binh và các đầu mối thông tin tái xuất hiện cũng mau chóng như lúc chúng bị dẹp.

Thất bại trong cuộc chiến chống IS trên Internet là nguyên nhân chính khiến Giám đốc NSA Michael Rogers bị Tổng thống Obama sa thải.

Điều này buộc các quan chức tình báo Mỹ tính toán lại rằng các kỹ thuật chiến tranh mạng, vốn được thiết kế để chống lại các mục tiêu cố định như các lò hạt nhân của Iran, phải được thiết kế lại phù hợp với cuộc chiến chống các nhóm khủng bố tinh ranh, sành sỏi trong việc sử dụng mạng Internet làm vũ khí chiến tranh.

Chiến thuật và lịch trình hoạt động của IS đã gây nhiều khó khăn cho công tác chiến tranh mạng của Mỹ. Các chiến binh IS đã sử dụng máy tính và mạng xã hội không phải để phát triển hay triển khai các hệ thống vũ khí mà để chiêu mộ, huy động tài chính và điều phối các vụ tấn công trong tương lai. Những hoạt động như thế không bó buộc ở một nơi cố định như các cơ sở hạt nhân của Iran mà phân bố khắp nơi trên thế giới. Các chiến binh IS còn có khả năng lợi dụng các công nghệ mã hóa khá tiên tiến, chi phí thấp để phục vụ cho hoạt động khủng bố.

Chẳng hạn, giới chức tình báo cho rằng các chiến binh IS đã biết cách lợi dụng hệ thống tin nhắn Telegram do người Đức sáng chế như một phương tiện an toàn để nhắn tin cho nhau.

Chiến dịch tấn công mạng chống IS phức tạp nhất của Mỹ nhằm phá hoại các video và thông tin tuyên truyền trực tuyến của IS đã được triển khai từ tháng 11-2016. Chiến dịch mang tên Glowing Symphony (Bản giao hưởng rực lửa), trong đó NSA và Bộ Chỉ huy chiến tranh mạng (USCC) đã thu thập được mật khẩu của một số tài khoản quản trị của IS và sử dụng chúng để chặn các chiến binh và xóa các nội dung tuyên truyền trên mạng. Lúc đầu, hoạt động này tỏ ra thành công vì đã làm biến mất các video của IS quay lại cảnh chiến trường.

Bên trong Bộ Chỉ huy chiến tranh mạng chống IS của Mỹ.

Nhưng các kết quả chỉ mang tính tạm thời. Theo tờ báo Washington Post, giới chức an ninh mạng Mỹ sau đó phát hiện rằng các dữ liệu bị xóa không những đã được phục hồi mà còn được di chuyển sang các máy chủ mới.

Vụ đó không có gì lạ đối với các chuyên gia chiến tranh mạng kỳ cựu, vì họ biết rõ rằng các vũ khí chiến tranh mạng có thể phát huy hiệu quả nhanh chóng, nhưng không phải là giải pháp lâu bền. Chiến dịch mang tên Thế vận hội (Olympic Games) tấn công vào cơ sở hạt nhân Natanz của Iran diễn ra thời Tổng thống George W. Bush, phá hủy khoảng 1.000 thiết bị ly tâm và làm cho chương trình nghiên cứu hạt nhân của Iran bị chậm lại khoảng một năm.

Nhưng vụ tấn công đó cũng đồng thời tạo ra "khoảng trống" cho đàm phán ngoại giao dẫn đến thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran. Còn các cuộc tấn công vào chương trình nghiên cứu chế tạo tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cũng bắt đầu dưới thời Tổng thống W. Bush, được Tổng thống Barack Obama tăng tốc vào năm 2014 dẫn đến một loạt vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên. Nhưng gần đây, người ta phát hiện ra CHDCND Triều Tiên đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Những hạn chế của chiến dịch Glowing Symphony đồng thời cũng là thách thức lớn đối với chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh mạng chống IS. Cuộc tấn công Glowing Symphony đã buộc các chiến binh IS phải chuyển sang sử dụng các hình thức thông itn kém an toàn hơn, khiến chúng càng dễ bị tấn công hơn.

Nhưng, bởi vì các chiến binh IS rất cơ động, và các thiết bị của chúng cũng không quá phức tạp, nên việc xây dựng lại kênh thông tin liên lạc mới và đổ dữ liệu lên các máy chủ mới không quá khó đối với chúng. Một số dữ liệu còn được mã hóa và lưu trữ trên công nghệ đám mây và có thể tải xuống ở một nơi khác.

Những kết quả kém cỏi trong cuộc chiến chống IS trên mạng Internet là một yếu tố quan trọng khiến Tổng thống Obama quyết định sa thải Giám đốc NSA Michael Rogers và Chỉ huy trưởng USCC. Chính phủ Mỹ đánh giá nhược điểm lớn nhất của NSA và USCC chính là quá chú trọng vào tình báo truyền thống và các hoạt động phức tạp sử dụng mạng Internet để phá hoại cơ sở vật chất của Iran và CHDCND Triều Tiên mà bỏ quên một chiến tuyến mới chống kẻ thù nguy hiểm thường trực là IS.

Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Ashton Carter đã vài lần thân chinh đến tổng hành dinh NSA ở Fort Meade, bang Maryland, để bày tỏ sự không hài lòng với hiệu quả kém cỏi của các chiến dịch chống IS trên không gian ảo.

Một năm sau khi chính quyền Mỹ xây dựng lực lượng phối hợp giữa chuyên gia mạng Internet và các đơn vị quân đội truyền thống để chống IS, hoạt động tuyên truyền của IS trên mạng Internet vẫn còn nguyên, thậm chí mở rộng hơn, ra khắp thế giới, mà Đông Nam Á đang là điểm nóng. Đó là vì vấn đề cơ bản nhất của cuộc chiến chống IS vẫn còn, chừng nào chính quyền Mỹ và các nước chưa tiêu diệt được các ổ nhóm cơ động của IS.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.