Viêm não do virus – Xin chớ xem thường!
Trong số những chứng bệnh "cơ hội" ấy, đáng ngại nhất vẫn là bệnh viêm não do virus xảy ra ở trẻ em vì nếu chữa lành, nó vẫn có thể để lại những di chứng đau lòng cho các bậc cha mẹ.
1. Theo ghi nhận của chúng tôi, liên tiếp những ngày qua, tại các bệnh viện (BV) Nhi ở TP HCM như BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, số trẻ nhập viện do mắc phải bệnh viêm não virus liên tục gia tăng. Tại BV Nhi Đồng 1, chỉ trong hai tuần trở lại đây, ngày nào cũng có khoảng 12 trẻ em nhập viện điều trị vì chứng bệnh này trong khi 3 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày BV chỉ tiếp nhận khoảng 5 trẻ viêm não do virus.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 thì số trẻ bị biến chứng nặng khá cao. Trong số 12 trẻ đang nằm điều trị tại BV Nhi Đồng 1, đã có gần 50% trẻ phải thở máy.
Nỗi ân hận của người mẹ khi lầm tưởng con mình chỉ cảm sốt bình thường. |
Tại BV Nhi Đồng 2, trong tháng 5 có hơn chục trẻ nhập viện, còn nếu tính từ đầu tháng 4 thì số trẻ nhập viện vì viêm não do virus tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 191 trường hợp mắc bệnh viêm não virus, trong đó 3 ca tử vong. Phần lớn những trẻ có biến chứng đều do gia đình đưa đến muộn vì họ nhầm lẫn bệnh viêm não virus với một số bệnh cảm sốt thông thường nên sinh ra chủ quan.
Chị Nguyệt, ở quận 12 sụt sùi: "Lúc đầu tui cứ tưởng con tui chỉ bị nóng do chơi đùa nhiều nên ở nhà cho cháu uống thuốc hạ sốt. Thấy con ngủ li bì, gia đình vẫn nghĩ là cháu mệt. Tới hồi con nôn ói và kêu đau đầu, vợ chồng tui đưa con vào bệnh viện thì mới hay con bị viêm não. Con tôi nằm điều trị nửa tháng rồi, chưa biết chừng nào bệnh viện mới cho về". Theo các bác sĩ, con chị Nguyệt bị viêm não do virus Nhật Bản, có biến chứng nên thời gian phục hồi chưa thể xác định được.
Một trong những nguyên nhân chính tác động đến việc gia tăng bệnh viêm não virus là thời tiết. Các khảo sát dịch tễ cho thấy thời tiết đang từ nắng nóng đột ngột chuyển sang mưa khiến sức đề kháng của trẻ suy giảm, dễ bị virus tấn công. Điều nguy hiểm nhất là khi trẻ chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác thì cha mẹ không phát hiện được. Nhiều người cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc hạ sốt, thậm chí có người còn cho uống kháng sinh nên lúc nhập viện, bệnh đã nặng và đã có biến chứng như yếu chi, liệt nửa người, thậm chí sống đời sống thực vật hoặc tử vong.
2. Bệnh viêm não do nhiều loại virus gây ra như Arbovirus, các virus đường ruột, virus thủy đậu, quai bị… nhưng trong mùa hè chủ yếu vẫn là Arbovirus. Nó gây ra các bệnh viêm não St. Louis, viêm não Nhật Bản B và các bệnh sốt Dengue, sốt vàng, sốt xuất huyết.
Di chứng bại liệt do viêm não virus là nỗi đau của gia đình và xã hội. |
Nguồn lây bệnh là một số loài động vật có vú như bò, lợn và một số loài chim, ngựa... Mùa hè vốn đã nóng, lại thêm những cơn mưa chuyển mùa làm độ ẩm không khí tăng cao khiến muỗi phát triển nhiều. Muỗi hút máu những con vật mang mầm bệnh rồi hút máu người, truyền virus vào người. Do nóng bức, trẻ em thường chỉ mặc quần đùi, áo ngắn tay hoặc cởi trần, ngủ lại không chịu mắc mùng nên càng dễ bị muỗi đốt, dẫn đến nguy cơ bị viêm não càng cao.
Ngoài Arbovirus, viêm não còn do virus đường ruột (Enterovirus) xâm nhập vào não từ đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn, đồ uống có chứa virus gây bệnh. Triệu chứng thường gặp là sốt cao, đau đầu, nôn, co giật, hôn mê, tiêu chảy, xuất hiện các nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân và miệng. Bên cạnh đó, virus Herpes cũng là một trong nhiều tác nhân gây viêm não khá phổ biến. Nó xâm nhập cơ thể con người qua đường niêm mạc mũi, miệng khi hô hấp. Bệnh xảy ra rải rác, không thành dịch nhưng diễn tiến nặng, gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng như chậm phát triển, động kinh, yếu tay chân khiến trẻ khó thích nghi với cuộc sống sau này.
Trong các bệnh viêm não, mức độ nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề thì không thể không nhắc đến viêm não Nhật Bản. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi, thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày.
Khoảng từ 1 đến 6 ngày đầu tiên sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhi sốt cao kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Giai đoạn viêm não cấp tính biểu hiện bằng sốt cao liên tục 38-40oC, đau đầu, cứng gáy, bệnh nhi xuất hiện những dấu hiệu tổn thương thần kinh trung ương như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt, lú lẫn, mất định hướng, rối loạn nghe và nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê và có thể có những biến chứng rất nặng như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản phổi...
Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, các triệu chứng trên thường không điển hình và khó phát hiện nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là nôn mửa, thóp (hay còn gọi là "mỏ ác") phồng lên - nếu trẻ vẫn còn thóp, khóc không thể dỗ nín hoặc khóc nhiều hơn khi trẻ được ẵm, bế hoặc thay đổi tư thế nằm. Viêm não cấp tính thường diễn biến từ 1 - 3 tuần và nếu may mắn hồi phục cũng rất chậm, phải từ vài tuần đến vài tháng. Nếu viêm não tổn thương nặng đến thân não, nơi có trung tâm hô hấp, tuần hoàn, điều hòa thân nhiệt... thì tỉ lệ tử vong khá cao.
Bác sĩ Huy ở BV Nhi Đồng 1 cho biết: "Vì thế, các bậc cha mẹ cần chú ý 3 triệu chứng là sốt, ói và nhức đầu. Mặc dù 3 triệu chứng nêu trên có thể trùng với triệu chứng của một số bệnh khác nhưng ở bệnh viêm não do virus, trẻ thường sốt cao đột ngột, còn nếu trẻ bị viêm màng não thì có thêm triệu chứng ho, sổ mũi, trong lúc nếu bị viêm não do virus thì không có những triệu chứng này".
Cho đến nay, Y học vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não do virus. Và mặc dù có thuốc kháng virus nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải với tất cả. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhi nhằm ngăn ngừa các biến chứng nếu bệnh nhi được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Trước tình hình thời tiết đang chuyển mùa, nắng nóng và mưa bất thường khiến các bệnh do virus dễ lây lan, nhất là viêm não virus, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tiêm phòng vắcxin viêm não Nhật Bản, vắcxin ngừa sởi, quai bị, thủy đậu cho trẻ, ngủ phải mắc màn, dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, không để hình thành những vũng nước đọng làm nơi cho muỗi đẻ trứng. Tránh cho trẻ em chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.
Với những gia đình có sử dụng máy điều hòa, không nên để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ bên ngoài. Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ, ói, nhức đầu liên tục, lừ đừ, không tỉnh táo, bỏ ăn, bỏ bú, nên đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm vì với bệnh viêm não do virus, chỉ có xét nghiệm và theo dõi mới có chẩn đoán chính xác.