Đột phá cấy ghép đầu người: Viễn tưởng sẽ thành hiện thực

Thứ Hai, 09/03/2015, 19:15
Ý tưởng cấy ghép đầu người với một cơ thể khác được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013 bởi Sergio Canavero, nhà phẫu thuật thần kinh và Giám đốc Trung tâm Điều biến thần kinh cao cấp Turin ở thành phố Turin (Italia).

Canavero muốn sử dụng phẫu thuật để kéo dài cuộc sống của những người mà cơ bắp và các dây thần kinh đã thoái hóa hay nội tạng của họ đã bị phá hủy bởi bệnh ung thư. Nhà khoa học tuyên bố hiện nay một số rào cản lớn - như là chất kết nối tủy sống và làm cách nào để ngăn chặn hệ miễn dịch cơ thể loại bỏ đầu ghép - đã vượt qua được cho nên ca phẫu thuật cấy ghép đầu người mang tính đột phá có thể được thực hiện sớm nhất vào năm 2017.

Nhà khoa học Sergio Canavero dự định thông báo dự án của ông tại hội nghị y khoa thường niên của Viện Bác sĩ Thần kinh và Phẫu thuật chỉnh hình Mỹ (AANOS) ở Annapolis, bang Mayland (Mỹ), sẽ diễn ra vào tháng 6 tới đây tại một địa điểm chưa được công bố song nhiều khả năng đó là thủ đô London nước Anh. Ca phẫu thuật cấy ghép đầu thành công đầu tiên diễn ra vào năm 1970.

Một nhóm chuyên gia dưới sự lãnh đạo của giáo sư Robert White ở Trường Y - Đại học Case Western Reserve, Cleveland bang Ohio (Mỹ), cấy ghép đầu của một con khỉ lên thân của một con khỉ khác. Nhưng, do không nối tủy sống của 2 phần cơ thể cho nên con khỉ không thể cử động cơ thể và không thể hô hấp nhân tạo được. Kết quả, con khỉ chỉ sống được 9 ngày cho đến khi hệ miễn dịch đào thải cái đầu.

Vừa qua, Canavero đã có bài viết trên tạp chí Khoa học Phẫu thuật thần kinh Quốc tế tóm tắt kỹ thuật mà ông tin tưởng sẽ cho phép các bác sĩ cấy ghép một đầu lên một cơ thể mới - đó là làm lạnh đầu người nhận và cơ thể người cho để mở rộng thời gian cho phép các tế bào có thể sống được mà không cần oxygen.

Giáo sư Sergio Canavero và ý tưởng cấy ghép đầu người.

Sau đó, tủy sống của phần đầu và phần thân sẽ được nối với nhau bằng hóa chất mà Canavero gọi là polyethyllene glycol kích thích mỡ các màng tế bào nối khớp với nhau.

Trong giai đoạn kế tiếp, các bó cơ và nguồn cung cấp máu sẽ được khâu lại với nhau và người nhận được giữ hôn mê trong 3 hay 4 tuần. Các điện cực được cấy sẽ kích thích điện đều đặn cho tủy sống nhằm củng cố những kết nối thần kinh mới.

Khi bệnh nhân tỉnh dậy, Canavero dự đoán người này sẽ có thể cử động, cảm thấy gương mặt của mình và nói chuyện được với chính giọng nói của mình! Canavero tuyên bố một liệu pháp vật lý sẽ giúp bệnh nhân bước đi được trong vòng một năm. Ông còn cho biết hiện đã có vài người tình nguyện sở hữu cơ thể mới.

Sergio Canavero có ý định sử dụng cơ thể người hiến tặng đã chết não để thử nghiệm kỹ thuật mới, song nhiều người hoài nghi phương pháp này. Richard Borgens, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bại liệt Đại học Purdue ở West Lafayette bang, Indiana (Mỹ), phát biểu: "Chưa có bằng chứng nào cho thấy khả năng kết nối tủy sống và não có thể phục hồi được chức năng vận động hay tri giác sau ca phẫu thuật cấy ghép đầu".

Và, nếu như hóa chất polyethylene glycol không hoạt động thì Canavero sẽ không có lựa chọn nào khác nữa. Kỹ thuật tiêm tế bào gốc hay tế bào khứu giác - OEC, loại tế bào tự tái sinh có thể kết nối niêm mạc mũi đến não - vào tủy sống, hay kỹ thuật dùng màng dạ dày để tạo cầu nối giữa tủy sống hứa hẹn sẽ giúp bệnh nhân bị thương tổn tủy sống có cơ hội bước đi trở lại được. Sergio Canavero cho rằng phương pháp như thế sẽ đơn giản, dễ dàng và ít gây tổn thương hơn nhiều.

Sergio Canavero không phải là nhà khoa học duy nhất nghiên cứu kỹ thuật ghép đầu. Mới đây, giáo sư Xiao-Ping Ren, Đại học Y Harbin, Trung Quốc cũng cố gắng chứng minh khả năng ghép đầu trên loài chuột và khỉ và có bài viết đăng trên tạp chí CNS Neuroscience & Therapeutics.

Canavero muốn thử nghiệm kỹ thuật của mình ở Mỹ nhưng ông cho rằng sẽ dễ dàng hơn nếu tìm kiếm sự chấp thuận tại một quốc gia khác ở châu Âu.

Canavero cũng phải thừa nhận: "Rào cản thực tế chính là vấn đề đạo đức. Liệu kỹ thuật phẫu thuật này có thể áp dụng cho mọi người hay không. Rõ ràng có nhiều người không đồng tình".

Bà Patricia Scripko, chuyên gia thần kinh và nhà đạo đức sinh học Bệnh viện Salinas Valley Memorial ở California (Mỹ) cho rằng: "Nếu thay đổi vỏ não, chúng ta sẽ có con người khác và vấn đề là việc này có đạo đức hay không. Trong trường hợp này, đúng là chúng ta sẽ thay đổi vỏ não".

Trang web của AANOS.

Bà nói thêm rằng nhiều nền văn hóa sẽ không chấp nhận kỹ thuật ghép đầu bởi vì họ tin rằng linh hồn con người không bị giam cầm trong não. Ngoài ra, kỹ thuật có thể khiến người ta nảy sinh ý đồ thay đổi cơ thể vì lý do thẩm mỹ. Harry Goldsmith, giáo sư phẫu thuật thần kinh Đại học California, bình luận: "Đây quả là dự án vĩ đại song khả năng xảy ra là không thể". Tuy nhiên, vẫn có một số nhà khoa học từ chối bình luận vấn đề này.

Trong khi đó, Nick Rebel - Giám đốc điều hành phân nhánh Mỹ của tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Hội Bác sĩ phẫu thuật quốc tế (ICS) - cho biết mặc dù tổ chức của ông phối hợp với AANOS để tạo diễn đàn cho Sergio Canavero song ông không tài trợ cho ý tưởng của nhà khoa học này.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.