Việt Nam chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển

Thứ Tư, 28/11/2018, 20:16
Việc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố nghiên cứu và chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ đã mở ra lối thoát cho ngành thủy sản của Việt Nam khi vấn đề bảo quản sau thu hoạch là nút thắt lớn nhất nhiều năm qua.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổn thất sau khai thác thủy sản chiếm tới 20-30% sản lượng khai thác, tức là mỗi năm có khoảng 700.000 tấn hải sản bị hư hỏng, gây thiệt hại tới 14.000 tỉ đồng.

“Cứu” 14 nghìn tỷ/năm cho ngành thủy sản

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển sau nhiều năm vấn đề này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt ra nhưng chưa giải quyết được. Lần này, thành công của các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản.

Sự ra đời của chiếc máy này không chỉ ghi một dấu ấn của các nhà khoa học Việt Nam về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, mà còn giúp nâng cao chất lượng sơ chế và bảo quản hải sản trên tàu cá, góp phần phát triển ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thao, Tổng Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ cao (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) - cơ quan trực tiếp thực hiện công trình trên, chia sẻ lý do khiến các nhà khoa học của Trung tâm tiến hành nghiên cứu đề tài này: Những năm qua, sản lượng thủy sản của nước ta tới gần 7 triệu tấn, trong đó khai thác 3,03 triệu tấn, thủy sản nuôi trồng 3,53 triệu tấn.

Tuy sản lượng cao, nhưng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lại rất lớn, đặc biệt là trong khai thác thủy sản. Vì thế, giải pháp nào để giảm tổn thất sau khai thác thủy sản được xác định là ưu tiên hàng đầu của ngành thủy sản. Bài toán khó này đã được đặt ra nhiều năm nhưng vẫn còn bế tắc.

Theo ông Thao, nguyên nhân chính của tình trạng tổn thất sau thu hoạch cao là do phần lớn tàu khai thác thủy sản có công suất nhỏ, thiếu trang thiết bị bảo quản sản phẩm. Sản phẩm khai thác chủ yếu được bảo quản bằng đá xay nước ngọt. Công nghệ bảo quản hải sản khai thác xa bờ còn sơ khai. Những thách thức trong quá trình toàn cầu hóa, đổi mới công nghệ bảo quản hải sản trong quá trình đánh bắt hải sản ở Việt Nam đòi hỏi phải có hướng giải quyết phù hợp.

Máy làm đá tuyết từ nước biển vừa được chế tạo.

Đã nhiều cuộc họp bàn hướng giải quyết cho vấn đề bảo quản hải sản và nhiều vấn đề được đưa ra như chế phẩm sinh học hay máy làm đá tuyết. Thực tế, nhiều nước trong khu vực đã áp dụng máy làm đá tuyết nhưng là cho tàu thuyền lớn, còn ở Việt Nam có đặc thù là thuyền nhỏ nên đưa máy lên rất khó.

Vấn đề đá tuyết đã được Bộ NN&PTNT đặt ra từ lâu, đã nghiên cứu tính khả thi các mô hình của nước ngoài để đưa vào Việt Nam nhưng vẫn không áp dụng được. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu thiết kế và chế tạo sản phẩm phù hợp với mô hình của người dân Việt Nam. Một trong các hướng đã được đề xuất là ứng dụng công nghệ đá tuyết, trong đó nghiên cứu làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo máy tạo đá tuyết, nhằm tạo tiền đề để ứng dụng công nghệ đá tuyết vào công tác bảo quản hải sản trong đánh bắt cá xa bờ tại Việt Nam.

Bài toán này được ngành nông nghiệp rất quan tâm nhưng nhiều năm qua chưa làm được. Mãi tới 3 năm trước, Trung tâm Phát triển công nghệ cao quyết định nhận trọng trách này và người được tin cậy thực hiện  là Ths. Lê Văn Luân, một nhà khoa học trẻ và nhiều đam mê.

Khoa học vị thực tiễn

Ths. Lê Văn Luân cho biết, trước khi bắt tay vào nghiên cứu, anh phải dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân hải sản bị hư hỏng trong quá trình đánh bắt. Vì thế, nhiều tháng trời anh phải rong ruổi trên tàu với ngư dân để tìm hiểu họ thực sự cần gì từ việc khai thác và bảo quản hải sản. Gắn bó với ngư dân đến nỗi, anh nắm bắt được quy luật ra khơi của nhiều con tàu cũng như những ngày nào thường nằm cảng. Nhìn anh phơi mình trong nắng gió mặn mòi của biển, không ai có thể nghĩ rằng đó là một nhà khoa học, lại là người Hà Nội “xịn”.

Chủ nhân của công trình nghiên cứu máy làm đá tuyết chia sẻ về những khó khăn, vất vả trong quá trình nghiên cứu, chế tạo chiếc máy, khiến tôi ngỡ ngàng vì không nghĩ công việc của người làm khoa học lại gian truân đến thế. Sau gần 3 năm lăn lộn với công trình nghiên cứu này, anh như trở thành một ngư dân thực thụ với làn da mang màu nắng gió của những tháng ngày dài lênh đênh trên biển.

“Rất nhiều vấn đề đặt ra cho chúng tôi phải giải quyết khi nghiên cứu, thiết kế để chế tạo máy. Lâu nay phương pháp bảo quản hải sản trong quá trình đánh bắt còn thủ công, khiến cho việc bảo quản sau khai thác cá hiệu quả không cao. Bà con ngư dân mang theo đá nước ngọt làm sẵn từ đất liền, để ủ cá trong khoang lạnh. Đá được xay nhỏ hoặc để nguyên cây. Tuy nhiên, nhiệt độ làm lạnh bằng đá nước ngọt theo phương pháp truyền thống thường cao và không đồng đều trong một khoang lạnh, tốc độ làm lạnh chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản.

Dĩ nhiên, phương pháp thủ công này cũng không cho phép điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn. Đặc biệt, tinh thể đá xay có cạnh rất sắc nên thường làm hải sản bị trầy xước, biến dạng do bị cọ xát, chèn ép làm giảm chất lượng của sản phẩm. Một vấn đề nữa của phương pháp thủ công này là nguồn nước làm đá thường gần cảng biển, không được kiểm soát chất lượng, hay bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm phèn, ảnh hưởng đến chất lượng của thủy sản đánh bắt.

Phương pháp thủ công cũng là một bài toán kinh tế khi làm tăng chi phí xăng dầu và vận hành, khi tàu cá phải mang theo một lượng lớn đá để sử dụng trong hành trình hàng tháng trời trên biển” - nhà khoa học trẻ cho biết.

Hàng loạt yêu cầu đặt ra cho Ths. Luân và cộng sự phải giải quyết. Đó là phải làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất, máy móc đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện tàu cá ở Việt Nam, đồng thời phải có hiệu suất và độ bền cao, dễ sửa chữa và bảo dưỡng, giá thành cạnh tranh.

Quá trình nghiên cứu, chế tạo, các nhà khoa học đã gặp nhiều khó khăn, vì chiếc máy làm đá tuyết phải sử dụng trong môi trường hết sức khắc nghiệt. Do ngư dân đi biển hàng tháng nên yêu cầu đầu tiên của sản phẩm là phải hoạt động cực kỳ ổn định. Bởi chỉ cần một sự cố nhỏ là cả chuyến đi biển trị giá hàng tỉ đồng sẽ bị mất trắng nên vấn đề thử nghiệm được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.

Ths. Lê Văn Luân công bố kết quả nghiên cứu thành công máy làm đá tuyết.

Ths. Lê Văn Luân chia sẻ: Về mặt công nghệ, chúng tôi có thể vượt qua dễ dàng nhưng việc thử nghiệm thì rất khó khăn, đòi hỏi kiên nhẫn và bền bỉ. Mất gần một năm thử nghiệm trong xưởng, rồi gần 20 tháng ròng rã thử nghiệm liên tục ngoài cảng biển. Nhiều tháng liền chúng tôi phải lênh đênh trên những con thuyền nhỏ trên biển, từ đó phát hiện ra những vấn đề cần phải hiệu chỉnh, bổ sung rồi đưa về xưởng xử lý. Khi đã cơ bản ổn định rồi chúng tôi mới đưa lên tàu cá để kiểm tra tính năng, quy trình bảo quản hải sản.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng được đặt ra với các nhà khoa học là khi máy hoạt động trên biển phải không được có sự cố làm ảnh hưởng đến việc bảo quản và khai thác hải sản của ngư dân. “Nếu có sự cố gì trong lúc tàu đi trên biển, không có nhân viên kỹ thuật, làm sao ngư dân có thể xử lý được là bài toán mà chúng tôi phải đặc biệt quan tâm nên ngay từ khi thiết kế. Do đó chúng tôi thiết kế theo mô-đun để nếu chẳng may có sự cố gì, ngư dân có thể rút ra rồi cắm vào thay thế luôn mà không cần xử lý gì. Đặc biệt, trong phần mềm của máy có bộ phận cảnh báo lỗi cho người dân biết lỗi do đâu để xử lý được ngay” - Ths. Luân cho biết.

Tự hào sáng chế “Made in VietNam”

Sau gần 3 năm, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chế tạo buồng tạo đá tuyết với các tính năng phù hợp với điều kiện thực tế của tàu cá Việt Nam. Đây là sản phẩm đầu tiên được sản xuất trong nước từ khâu nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thực tế trên tàu cá.

Chiếc máy đáp ứng được các yêu cầu mà ngư dân mong muốn khi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với phương pháp cũ: Nhờ nhiệt độ bảo quản thấp hơn đá nước ngọt, tốc độ làm lạnh hải sản nhanh hơn nên đã làm lạnh cá xuống dưới 0 độ C ngay sau khi hải sản được đưa lên tàu, cũng như đá tuyết không có cạnh sắc làm trầy xước hải sản, đã nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản cá trên tàu.

Việc sử dụng đá tuyết để bảo quản làm tăng chất lượng của hải sản, giảm thiểu lượng hải sản bị hư hỏng phải hủy bỏ, góp phần bảo vệ môi trường. Giảm thiểu nhân công xử lý trong quá trình ướp cá vì sau khi thu gom cá có thể được ngâm ngay trong bể đá, việc phân phối và cấp đá tới các khoang bảo quản được đơn giản hơn nhờ sử dụng máy bơm trực tiếp, đồng thời, tiết kiệm chi phí do hao hụt đá, chi phí vận chuyển đá từ đất liền trên suốt chuyến đi.

Để chủ tàu có thể kiểm tra và theo dõi một cách dễ dàng, các nhà khoa học đã thiết kế chức năng ghi và hiển thị thời gian máy chạy, sản lượng đá, lượng tiêu thụ nhiên liệu của máy trong mỗi chuyến đi biển, đồng thời, hiển thị thông báo thời điểm cần bảo dưỡng máy, giúp tăng độ bền, đảm bảo tính ổn định trong mỗi chuyến đi biển.

Máy sản xuất đá tuyết được tích hợp bộ điều khiển trung tâm với các chức năng bảo vệ và giám sát hoạt động của hệ thống nhằm tăng tính ổn và kéo dài tuổi thọ của thiết bị, bao gồm: Bảo vệ quá dòng (quá tải), bảo vệ áp suất cao, áp suất thấp, phát hiện mức nước. Người sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết trong dải từ 25% tới 95% hoặc theo nhiệt độ xác định, cho phù hợp với việc bảo quản từng loại cá. Khi khởi động hệ thống, các thiết bị, động cơ được bật tắt theo khoảng thời gian khác nhau để giảm dòng khởi động của hệ thống.

Để phục vụ ngư dân tiết kiệm chi phí, các nhà khoa học còn thiết kế những máy không có màn hình hiển thị thông tin nhưng người sử dụng có thể dùng điện thoại thông minh kết nối không dây để đọc các thông tin của máy như: Sản lượng đá, lượng dầu tiêu hao, thời gian máy chạy, thông tin về bảo dưỡng... khi tàu cập cảng sau mỗi chuyến đi biển.

Anh Luân còn cho biết chiếc máy sản xuất đá tuyết được chế tạo từ các nguyên vật liệu có khả năng chịu ăn mòn của nước biển như: inox 316, nhựa PVC. Máy nén, bộ phận tách dầu, giàn ngưng, các thiết bị khác đều sử dụng loại chuyên dùng cho tàu biển, đảm bảo độ bền và độ tin cậy. Do chủ động về mặt công nghệ, quy trình sản xuất, nên giá thành của sản phẩm này thấp hơn nhiều so với các sản phẩm nhập ngoại trên thị trường.

Việc sử dụng nước biển để sản xuất đá tuyết còn giúp việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước biển có sẵn. Nó cũng làm giảm chi phí nhiên liệu cần để vận chuyển đá từ đất liền, đồng nghĩa với việc giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Máy sản xuất đá tuyết được lắp đặt có quy trình vận hành đơn giản, tự động hóa trong việc điều chỉnh thời gian, nhiệt độ bảo quản phù hợp với quy trình bảo quản hải sản đã được một số đơn vị nghiên cứu và phổ biến trong ngành thủy sản.

Chất lượng hải sản ngày càng đòi hỏi khắt khe bởi các thị trường khó tính đặc biệt là các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, EU, vì vậy nhu cầu ứng dụng máy sản xuất đá tuyết để bảo quản hải sản đang mở ra nhiều triển vọng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị này.

Chưa dừng lại ở thành công này, ông Nguyễn Văn Thao cho biết thêm: Máy sản xuất đá tuyết hiện có năng suất 1.250kg/24h nhưng do nhu cầu thực tế trên các tàu cá, mỗi chuyến đi biển cần một lượng đá bảo quản lên tới 50-60 tấn. Do đó, phải có những máy công suất lớn hơn, tương ứng khoảng 5 tấn/24h.

Chính vì vậy các nhà khoa học tại Trung tâm Phát triển công nghệ cao đang tiếp tục nghiên cứu và sản xuất máy làm đá tuyết với công suất lên đến 10 tấn/24h, cùng với việc phân tích và xây dựng một quy trình sơ chế và bảo quản cá ngừ đại dương chất lượng cao bằng đá tuyết, nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU...

Thanh Hằng
.
.