Việt Nam lần đầu tiên công bố phác đồ điều trị ma túy tổng hợp

Thứ Hai, 18/03/2019, 19:43
Thống kê cho hay cả nước hiện có trên 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Còn theo ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thì trong số người nghiện, tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp dạng amphetamine (ATS) chiếm khoảng 60-70%.

Con số này cùng với hàng loạt vụ trọng án xảy ra gần đây do sử dụng ma túy tổng hợp đã cho thấy vấn đề điều trị cho những người dùng ATS là vô cùng cấp thiết. Vì thế, việc Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp đặc biệt có ý nghĩa, bởi ngay cả trên thế giới cũng chưa có nước nào công bố phác đồ này.

Thực trạng đau lòng

Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3-2019, đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng do tội phạm là kẻ ngáo đá gây ra. Vụ án nghiêm trọng và gần nhất là vào ngày 12-3, Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) đã ra tay giết 4 người, gồm bố mẹ đẻ, bà nội và một người thân của người yêu. Nguyên nhân là Nam bị ảo giác do sử dụng ma túy đá, nên nghĩ gia đình hai bên ngăn cấm mình yêu và muốn giết hết cho bõ tức. Nam còn định giết chị gái mình nhưng không thành vì đã bị cảnh sát bắt giữ.

Cách đây ít ngày, vụ ca sĩ Châu Việt Cường (40 tuổi, Thanh Hóa) bị xét xử do gây ra cái chết của cô T.T.H (20 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội). Nguyên nhân cũng do Châu Việt Cường sử dụng ma túy dẫn đến bị ảo giác, cứ nghĩ H. bị ma nhập nên ghì cổ, nhét hơn 30 nhánh tỏi vào miệng cô gái, dẫn tới nạn nhân bị tắc phế quản, tắc đường hô hấp và tử vong.

Ma túy tổng hợp.

Năm trước, tại phường Phương Nam, TP Uông Bí, Quảng Ninh cũng xảy ra vụ án mạng khủng khiếp. Hung thủ Doãn Trung Dũng đã giết 4 bà cháu chỉ vì những ảo giác sau khi dùng ma túy. Hay vụ Nguyễn Quốc Huy (SN 1986, Q.10, TP.HCM) đến nhà bà nội Nguyễn Thị Tuyết. Khi bà Tuyết đi ngủ, 2 em họ của Huy còn nhỏ, ngồi xem tivi đã bất ngờ bị Huy lấy cây gỗ chặn cửa dài gần 1m đập liên tiếp vào đầu bà nội và 2 cháu nhỏ. Bà Tuyết đã qua đời vì vết thương quá nặng. Sau đó Huy khai vừa sử dụng ma túy đá xong thì đến nhà bà nội chơi, nhìn thấy rất nhiều "quỷ" vây quanh nên lấy gậy đập loạn xạ.

Cả Doãn Trung Dũng và Nguyễn Quốc Huy đều bị kết án tử hình, nhưng những vết thương từ hậu quả do sử dụng ma túy đá mà chúng gây ra không bao giờ liền sẹo với gia đình các nạn nhân. 

Đó chỉ là một vài vụ điển hình gần nhất về những trường hợp sử dụng ma túy đá dẫn đến vi phạm pháp luật. Còn thực tế có vô vàn vụ án đau lòng xảy ra do kẻ sử dụng ma túy dẫn tới bị ảo giác... Không ít vụ kẻ tội đồ còn giết nhiều người cùng lúc.

Yêu cầu cấp thiết

Hậu quả của việc sử dụng ma túy tổng hợp là vô cùng khủng khiếp, gây tang thương, tan nát nhiều gia đình. Nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu rất lớn khi tình trạng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phức tạp với khoảng hơn 200 loại. Loại ma túy tổng hợp được sử dụng phổ biến là Methamphetamin, Estasy, Ketamine với các tên lóng như: đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên, yaba. Những năm trước, Việt Nam cũng như thế giới chưa có thuốc đặc trị. Phác đồ điều trị ma túy thay thế là Methadone lại không có tác dụng với ma túy tổng hợp.

Tại hội thảo về can thiệp trong lĩnh vực y tế cho người sử dụng ma túy, Bộ Y tế cho biết, trong số những người nghiện ma túy ở Việt Nam, chiếm 55% người nghiện sử dụng heroin, 40% sử dụng ma túy tổng hợp và 5% sử dụng cần sa, cocaine, cỏ Mỹ... Đáng báo động, qua thống kê từ 21 tỉnh, thành phố khắp cả nước, số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp đang tăng mạnh (chiếm 46%). Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp lên đến 80%...

Mỗi năm, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nặng do dùng ma túy đá phải nhập viện. Theo các bác sĩ của Viện sức khỏe tâm thần, chứng loạn thần ở người sử dụng ATS chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng ATS. Những người trầm cảm thường có hành vi tự sát gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở cai nghiện.

Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cũng tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp. Theo lãnh đạo Bệnh viện này, trước đây, những trường hợp nhập viện thường để giải độc, cắt cơn và chống tái nghiện heroin, còn hiện nay lại gia tăng những ca nhập viện để điều trị các bệnh tâm thần như trầm cảm, mất ngủ, lo âu, ảo giác... do sử dụng ma túy tổng hợp. Hầu hết là thanh niên, cả nam lẫn nữ đều ở tuổi thanh niên.

Trong năm 2018, riêng Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận và điều trị cho gần 70 bệnh nhân sử dụng may túy tổng hợp - đều là nam giới và đều nhập viện trong tình trạng nặng. Theo bác sĩ Ngô Lê Phong (Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hải Dương) thì những người sử dụng ma túy tổng hợp thường gặp các rối loạn tâm thần. Khi sử dụng ma túy tổng hợp, bệnh nhân thường bị hoang tưởng ảo giác như ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị hại, bị giết, nhìn thấy quái vật… khiến người "ngáo đá" có thể giết người hoặc tự sát. Một trường hợp đã được điều trị tại đây là anh Trần Văn D. bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp. Sau một thời gian dài dùng ma túy, gần đây D. luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi như thấy trong nhà có rắn rết, ma quỷ, rồi còn nghe thấy tiếng nói trong đầu khiến D. luôn hoảng sợ…

Theo bác sĩ Phong, các bệnh tâm thần do nghiện ATS rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể  gây ra những hành vi gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh và cho chính họ.

Lối thoát cho người nghiện ATS?

Nếu như trước đây, các giải pháp đối với những người sử dụng ma túy nặng về hình phạt thì hiện nay, quan điểm này đã thay đổi nhằm giúp họ hòa nhập xã hội. Do đó, Chính phủ giao cho Bộ Y tế xây dựng các nhóm giải pháp để can thiệp đối với người sử dụng ma túy tổng hợp.

TS. Nguyễn Doãn Phương tư vấn cho một bệnh nhân bị ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), những năm qua, Việt Nam đã cố gắng phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức của Liên Hợp Quốc để củng cố sự hợp tác, nâng cao hiệu quả giải quyết vấn nạn ma túy tổng hợp. Tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp và chiều hướng số người sử dụng vẫn tiếp tục gia tăng.

Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS mà cần một giải pháp tổng thể, bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội và các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng. Trong bối cảnh số người sử dụng ATS trong cộng đồng đang gia tăng thì rất cần thiết phải có thông tin và hướng dẫn can thiệp về lạm dụng ATS.

Nhằm giúp các cán bộ y tế và nhân viên xã hội có các kiến thức và hiểu biết về can thiệp cho những người lạm dụng ATS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối phối hợp với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học và chuyên gia quốc tế để xây dựng Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy dạng Amphetamine.

Theo TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), ATS mới thâm nhập vào Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây. Trước kia các bác sĩ cũng chỉ biết bệnh này qua sách vở. Trước tình hình người nghiện ma túy sử dụng ATS tăng cao, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, Bộ Y tế đã giao cho Viện châm cứu, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2  và Viện Sức khỏe tâm thần nghiên cứu điều trị. Tuy nhiên, chỉ Viện Sức khỏe tâm thần mới nghiên cứu thành công.

"Ban đầu, chúng tôi cũng bỡ ngỡ với sự chuyển đổi bệnh lý mới này. Nhưng rồi, chúng tôi đã mời các chuyên gia Australia, Pháp và nhiều nước đến trao đổi kinh nghiệm và giảng bài. Trên cơ sở các kiến thức, phương pháp điều trị được cập nhật, Viện Sức khỏe tâm thần đã thành lập Phòng điều trị nghiện chất từ tháng 5-2010 để đón nhận bệnh nhân bị sức khỏe tâm thần do dùng ma túy tổng hợp và áp dụng phác đồ điều trị của thế giới. Từ khi đó, các bệnh nhân đã được hưởng ngay thành quả khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Đã có hàng ngàn lượt bệnh nhân được điều trị nội trú và hàng chục ngàn lượt bệnh nhân được điều trị ngoại trú thành công. Với việc thu nhận bệnh nhân và điều trị chuẩn, tạo được uy tín nên Viện Sức khỏe tâm thần đã đủ điều kiện về số liệu và viết thành phác đồ để Bộ Y tế tuyên bố có phác đồ điều trị cho bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp ở Việt Nam" - TS. Nguyễn Doãn Phương chia sẻ.

Với phác đồ lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế muốn gửi đi thông điệp đến tất cả những người nghiện ma túy tổng hợp và gia đình họ: "Rối loạn sử dụng chất là một bệnh lý phức tạp nhưng có thể điều trị được. Quan trọng là cần tuân thủ nguyên tắc điều trị".

Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Doãn Phương, những trường hợp điều trị theo phác đồ của Viện Sức khỏe tâm thần, thời gian cắt cơn của bệnh nhân chỉ sau 7-14 ngày, rồi được điều trị phòng tái phát và tiếp tục duy trì thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ ít nhất 18 tháng. "Nếu bệnh nhân tuân thủ chỉ định của bác sĩ, sẽ khỏi 100%" - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về "những điểm đặc biệt của phác đồ này là gì?", TS. Nguyễn Doãn Phương cho biết: Đó là phân biệt rõ sử dụng các chất dạng Amphethamin (ATS) với nghiện ATS; phù hợp với tình hình các dạng ATS xâm nhập vào Việt Nam khác với thế giới. Phác đồ này sử dụng tất cả các liệu pháp để chữa bệnh: Liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi, liệu pháp kích thích từ xuyên sọ (TMS)... để người bệnh có kết quả tốt nhất nhằm tái hòa nhập cộng đồng. Phác đồ này cũng sử dụng các sản phẩm là dược phẩm chuẩn quốc tế điều trị hóa dược như các nước tiên tiến: Mỹ, Canada, Pháp, Hàn Quốc...

Điều đáng chú ý là với phác đồ này có thể áp dụng ở cả tuyến huyện nếu là bác sĩ đa khoa chứ không phải bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, để áp dụng cấp cứu cho bệnh nhân khi chưa được đưa đến Bệnh viện chuyên khoa nếu được tập huấn. Như vậy, bệnh nhân ở các địa phương đều có cơ hội được điều trị như ở các bệnh viện tuyến Trung ương.

Với phác đồ này, ngành y tế sẽ góp phần thiết thực vào việc ngăn chặn hậu họa do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, phác đồ này sẽ giúp các cán bộ y tế và nhân viên xã hội có kiến thức và hiểu biết về can thiệp cho những người sử dụng ma túy tổng hợp.

Trước nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức tâm thần của nhân dân, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ người trưởng thành hiểu biết về sức khỏe tâm thần đạt 70%; tỷ lệ người có rối loạn tâm thần nhận thức được quyền của người có rối loạn tâm thần đạt 50%; giảm 20% tỷ lệ tự tử đến năm 2025. Số lượt người có rối loạn tâm thần được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần tăng thêm 50% đến năm 2025…

Đến năm 2035, sức khỏe tâm thần được tăng cường và bảo vệ, các rối loạn tâm thần được phòng ngừa hiệu quả.

Thanh Hằng
.
.