Virus Corona: Cẩn trọng nhưng không hoang mang

Thứ Ba, 04/02/2020, 18:05
Tốc độ lây lan của virus Corona được đánh giá là nghiêm trọng hơn đại dịch SARS năm 2003 khi mới hơn 1 tháng đã khiến 9.692 người mắc trên toàn thế giới (đến 6h ngày 31-1), trong đó tại đại lục Trung Quốc là 9.807 trường hợp, gây tử vong cho 213 người.

Vào 3h sáng 31-1 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch virus Corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Việt Nam đã phát hiện 5 trường hợp dương tính với virus corona, trong đó có 3 ca là người Việt Nam. Việt Nam đã hoàn thiện 4 kịch bản để chống dịch, trong đó đặt mức cao nhất (mức 4) là có hàng nghìn người nhiễm bệnh, sẵn sàng hi sinh một số lợi ích kinh tế để dốc toàn lực cho công tác phòng chống, hạn chế tối đa mức lây lan mạnh ra cộng đồng.

Các bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Quyết liệt phòng chống virus Corona

Vào ngày 13-1, ông Li Ding (66 tuổi) từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cùng vợ đến Hà Nội bằng máy bay. Ngày 17-1 vợ chồng ông vào Nha Trang (Khánh Hòa) cũng bằng máy bay và ở đây 4 ngày. Cùng ngày 17-1, con trai ông là Li Zichao (28 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại Long An đã ra Nha Trang để gặp cha mẹ và ở cùng nhau 3 ngày. Sau đó cả gia đình vào TP Hồ Chí Minh bằng tàu hỏa.

Ngày 17-1, ông Li Ding thấy trong người biểu hiện mệt mỏi, phát sốt, đến ngày 20-1 người con trai của ông cũng bị sốt. Ngày 20-1, cả gia đình ông đi taxi từ TP Hồ Chí Minh về Long An - nơi con ông làm việc. Do ông bị sốt nên ngày 22-1, con trai ông đưa ông đến khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh và được bác sĩ tư vấn đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán cả hai người có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp chủng virus Corona nên lập tức cách ly nghiêm ngặt tại Khoa Bệnh nhiệt đới và điều trị theo đúng phác đồ Bộ Y tế ban hành. Bệnh viện lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur. Sau 6 giờ đã có kết quả xét nghiệm khẳng định hai cha con bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Đến ngày 28-1, kết quả xét nghiệm lần 3 tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã xác định bệnh nhân Li Zichao (con ông Li Ding) âm tính (hết nhiễm) virus corona. Bệnh nhân tỉnh táo, tự thở, ăn uống sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau 6 ngày cách ly điều trị và sau 3 lần phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm, bệnh nhân Li Zichao đã hoàn toàn khỏi bệnh, tuy nhiên bệnh viện vẫn đang theo dõi thêm. Còn ông Li Ding vẫn dương tính với virus corona nên bệnh viện tiếp tục cách ly điều trị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tặng bằng khen cho Bệnh viện Chợ Rẫy và biểu dương lãnh đạo cũng đội ngũ y bác sĩ đã nỗ lực những ngày qua. Thủ tướng cũng yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy và Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện phác đồ điều trị quy trình và hướng dẫn các bệnh viện khác sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong.

Bệnh nhân Li Ding cảm ơn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị bệnh cho ông.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, để chữa trị thành công cho bệnh nhân nhiễm virus corona là do bệnh viện đã chủ động phòng chống bệnh rất tốt. Từ ngày 12-12-2019, khi dịch bệnh được phát hiện, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo khẩn cấp rất kịp thời, quyết liệt cho các bệnh viện. Bệnh viện đã thành lập những đội phản ứng nhanh. Rút kinh nghiệm các đợt chống các dịch SARS, H5N1... nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống, chủ động phòng ngừa.

Viện Pasteur cũng đã thành lập 6 đội cơ động sẵn sàng hỗ trợ 20 tỉnh, thành phía Nam trong công tác giám sát, theo dõi chặt các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân, cũng như hỗ trợ cơ sở y tế quận, huyện về mặt kỹ thuật, làm các xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết Sở đã phối hợp chặt chẽ với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong việc giám sát các hành khách bay đến từ vùng dịch. Các bệnh viện và trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố đã được hướng dẫn, chỉ đạo sẵn sàng cho công tác tiếp nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu gửi xét nghiệm, cách ly theo dõi điều trị những trường hợp bị viêm phổi do virus corona.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh này. Đặc biệt, công tác kiểm soát việc khai báo y tế đối với khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Tây Ninh qua hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát được thắt chặt. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chính quyền địa phương cũng quyết liệt chỉ đạo chủ động ứng phó phòng, chống dịch bệnh. Trong đó đặc biệt chú ý hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Đây là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Đông Nam Bộ, trung bình mỗi ngày có từ 200 đến 300 lượt tàu thuyền ra vào các cảng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó hơn 15% là các tàu đến từ Trung Quốc.

Tỉnh Kiên Giang đặc biệt chú ý kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, đặc biệt là cảng hàng không Phú Quốc. Tại cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã bố trí máy kiểm soát thân nhiệt các hành khách quốc tế khi đến Cần Thơ, nhất là những hành khách đến hoặc có quá cảnh qua các khu vực  đang xảy ra dịch.

Bệnh viện nhiệt đới Trung ương sẵn sàng điều trị bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona.

Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Vào 3h sáng 31-1 theo giờ Việt Nam, WHO đã chính thức tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Việt Nam có đường biên giới giáp với Trung Quốc, có nhiều hoạt động giao lưu thương mại, du lịch, học tập với Trung Quốc nên nguy cơ lây bệnh là rất cao.

Ngay từ khi dịch mới bùng phát, WHO cảnh báo bệnh lây truyền ở mức hạn chế nhưng tại cuộc họp khẩn vào trưa 30 Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, chúng ta luôn đặt mức cảnh báo phải cao hơn thực tế. Và tại cuộc họp khẩn chiều mùng 4 tết, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế ngay trong đêm phải hoàn thiện 4 kịch bản đối phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới.

Theo đó, kịch bản 1 là có người về từ vùng dịch; kịch bản 2 là có 2 người mắc; kịch bản 3 là có 20 người mắc và kịch bản 4 là có hàng nghìn người bị nhiễm. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, chúng ta phải có phương án sẵn sàng đối phó với cấp độ 3 theo quy chuẩn của ASEAN là có trên 20 người bị bệnh nhưng phải xây dựng kịch bản xấu hơn là có tới hàng nghìn người bị nhiễm, bởi vì chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Chiều 30-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin có thêm 3 người là công dân Việt Nam dương tính với virus corona, gồm 2 người ở Vĩnh Phúc, 1 ở Thanh Hóa, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus corona tại Việt Nam lên 5 người. Cả 3 bệnh nhân người Việt Nam đều có chung tiền sử dịch tễ là cùng 5 người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cách đây 2 tháng và cùng trở về Việt Nam ngày 17-1 trên cùng chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China Airlines.

Theo đại diện Bộ Y tế, 3 người được xét nghiệm bằng 3 kỹ thuật tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) bao gồm: Giải trình tự gene thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) và Realtime RT - PCR đều cho kết quả dương tính.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Tr. (25 tuổi, công nhân, ở tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) khởi phát bệnh ngày 24-1, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu ngày 24-1, chuyển đến Viện VSDTTƯ cùng ngày. Trước đó, ngày 17-1, bệnh nhân về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, sau đó được công ty đón bằng xe công ty di chuyển về trụ sở tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bệnh viện Thanh Nhàn đã sẵn sàng khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Corona.

Ngày 23-1, bệnh nhân bắt xe ra bến xe Giáp Bát và di chuyển bằng xe khách về Yên Định lúc 18h cùng ngày, đến khoảng 22h bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho. Đến 13h ngày 24-1, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định khám và đươc chuyển xuống điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng tỉnh táo, sốt, ho. Hiện tại, bệnh nhân đang được được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong tình trạng ổn định.

Bệnh nhân thứ hai là Phạm Văn Ch (29 tuổi, ở Tam Dương, Vĩnh Phúc). Bệnh nhân khởi phát ngày 21-1, được Viện VSDTTƯ lấy mẫu ngày 26-1. Bệnh nhân khi có triệu chứng khởi phát ngày 21-1 đã đi khám bệnh tại phòng khám tư tại huyện Tam Dương, sau đó đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ngày 23-1. Bệnh nhân điều trị không khỏi nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng ngày 26-1. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng.

Bệnh nhân thứ 3 là Nguyễn Thị D (23 tuổi, ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), khởi phát ngày 25-1 tại nhà, được Viện VSDTTƯ lấy mẫu ngày 27-1. Ngày 25-1, bệnh nhân đi taxi cùng bố đẻ đến nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Kể từ khi nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17-1 đến khi nhập viện, bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người thân, họ hàng. Hiện, những người từng tiếp xúc với 3 ca bệnh này đều đã được theo dõi và cách ly.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chiều 30-1, Bộ Y tế đã thành lập 45 đội phản ứng nhanh và khởi động kết nối 21 bệnh viện, sử dụng 4 bệnh viện Trung ương khi các cơ sở điều trị quá khả năng cho phép. Các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do corona tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch. Các đội phản ứng nhanh thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch corona.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, mặc dù Việt Nam đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh dịch SARS và các dịch bệnh khác như Mer Cov; cúm A H1, N1... tuy nhiên, các cán bộ y tế không được chủ quan, cần thận trọng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm và nghi nhiễm dịch Corona.

Người dân phải có ý thức khai báo

Ths.BS chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Mấu chốt quan trọng trong công tác phòng chống dịch là người dân phải có ý thức khai báo yếu tố dịch tễ để bảo vệ cộng đồng. Chúng ta không có tiềm lực để xét nghiệm toàn bộ các ca nhiễm trùng đường hô hấp vì xét nghiệm virus corona rất đắt.

Những người đến từ vùng dịch và những người tiếp xúc với người đến từ vùng dịch nếu có sốt phải đến cơ sở y tế khai báo, vừa phòng bệnh cho mình và ngăn ngừa dịch cho cộng đồng. Bởi đo thân nhiệt tại cửa khẩu, sân bay chỉ là bước đầu phát hiện ca bị bệnh vào. Những người đến từ vùng dịch nhưng vào nội địa chưa có biểu hiện lâm sàng thì vẫn có thể đã nhiễm bệnh. Những ca đó y tế phải tăng cường cảnh giác phát hiện, quan trọng là khi người sốt phải có ý thức khai báo ngay”.

Trần Hằng - Nguyễn Cảnh
.
.