Virus biến đổi gene chống ung thư

Thứ Hai, 08/06/2015, 17:55
Các nhà khoa học Bệnh viện Hoàng gia Marsden và Viện Nghiên cứu Ung thư Anh (ICR) lần đầu tiên khẳng định: Một số bệnh nhân ung thư da hắc tố (melanoma) được chữa trị thành công với loại thuốc có tên gọi là T-VEC dựa trên herpes virus (virus gây bệnh mụn giộp) biến đổi gene. Liệu pháp virus giúp các bệnh nhân bị khối u hắc tố ác tính kéo dài sự sống đến 41 tháng - lâu hơn những bệnh nhân được chữa trị bằng phương pháp truyền thống khác.

Mặc dù kết quả còn khiêm tốn, song nghiên cứu - được công bố trên Tạp chí khoa học Journal of Clinical Oncology - đã chứng minh virus biến đổi gene tấn công tế bào ung thư một cách hiệu quả, mở đường cho "làn sóng" những cách điều trị mới trong thập niên sắp tới. Các công ty dược phẩm đang theo dõi sát sao cuộc nghiên cứu và chẳng bao lâu nữa sẽ có quyết định cuối cùng về T-VEC.

Herpes virus nhìn qua kính hiển vi.

Phương pháp mới có thể hiểu là liệu pháp miễn dịch virus tấn công các tế bào ung thư từ 2 hướng. Virus biến đổi gene để nó không thể sao chép trong các tế bào mạnh khỏe mà tăng sinh bên trong các tế bào ung thư để tiêu diệt chúng. Nói khác đi, virus biến đổi gene hoạt động mô phỏng phản ứng miễn dịch của chính cơ thể để tấn công và tiêu diệt các khối u ác tính.

Trước đây, các loại liệu pháp miễn dịch khác sử dụng kháng thể (hơn là virus) và được phát triển thành các loại thuốc chống ung thư thành công. Nhưng hiện nay các nhà khoa học hy vọng loại thuốc T-VEC (Talimogene Laherparepvec) - do Công ty dược phẩm Mỹ Amgen bào chế - có thể được sử dụng kết hợp với những liệu pháp này để chữa trị ung thư da. Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch virus cũng đang được nghiên cứu để chữa trị các loại ung thư cổ, bàng quang và gan.

Kevin Harrington - giáo sư khoa liệu pháp ung thư sinh học ICR.

Kevin Harrington - giáo sư Khoa Liệu pháp ung thư sinh học ICR và là cố vấn Bệnh viện Marsden - hy vọng phương pháp điều trị mới dựa vào virus biến đổi gene sẽ được sử dụng trong vòng 1 năm nữa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông bày tỏ sự lạc quan: "Đây là hứa hẹn lớn cho phương pháp điều trị. Lần đầu tiên liệu pháp virus được chứng minh thành công trong cuộc thử nghiệm giai đoạn 3".

Theo giáo sư Paul Workman, Giám  đốc ICR: "Bình thường, chúng ta tưởng rằng virus là kẻ thù của con người, nhưng khả năng lây nhiễm và giết chết tế bào ung thư của chúng đã khiến chúng trở nên hữu ích trong điều trị ung thư. Do liệu pháp virus tấn công trực tiếp tế bào ung thư cho nên nó gây hiệu quả phụ không mong muốn ít hơn phương pháp điều trị truyền thống hay các liệu pháp miễn dịch mới khác".

Nghiên cứu hướng đến 436 bệnh nhân ung thư da hắc tố thể nặng khó chữa - đến từ 64 bệnh viện ở Mỹ, Anh, Canada và Nam Phi - và hơn 16% người đáp ứng tốt với T-VEC sau 6 tháng điều trị thử nghiệm. Thậm chí một số bệnh nhân hứa hẹn tiếp tục đáp ứng tốt sau 3 năm nữa. Một điều đáng chú ý là T-VEC có thể chống được ung thư da hắc tố khi căn bệnh đã lan rộng đến các cơ quan khác trong cơ thể - niềm hy vọng trong tương lai cho những bệnh nhân bị chẩn đoán bi quan nhất.

Dấu hiệu của ung thư da hắc tố.

Trong thử nghiệm T-VEC, hệ miễn dịch sau khi được kích thích sẽ tăng cường khả năng dò tìm và tiêu diệt tế bào ung thư hắc tố khắp cơ thể. Các bệnh nhân ung thư da hắc tố ở giai đoạn 3 và đầu giai đoạn 4 được điều trị với T-VEC sống được thêm trung bình 41 tháng - so với 21,5 tháng sống thêm khi được điều trị bằng liệu pháp truyền thống kiểm soát khối u ung thư. T-VEC hiện đã đệ trình lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Nếu được phê chuẩn, T-VEC sẽ được sử dụng cho bệnh nhân ở Mỹ vào năm sau và tiếp đến là bệnh nhân ở châu Âu.

Hơn 13.000 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư da hắc tố ở Anh vào đầu năm 2015, và khoảng 88% trong số đó còn khả năng sống đến hơn 5 năm nữa. Ung thư da hắc tố là bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 6 ở Anh và giết chết hơn 2.000 người dân nước này mỗi năm. Tổn hại da nghiêm trọng do tia UV có hại làm tăng nguy cơ phát triển loại ung thư nguy hiểm này. Nguy cơ mắc bệnh này có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây do giới trẻ chuộng phơi nắng để có làn da sạm.

Alan Melcher - giáo sư Khoa Ung thư học lâm sàng và liệu pháp sinh học Đại học Leeds của Anh đồng thời là chuyên gia về virus tiêu diệt ung thư - cho biết, lĩnh vực nghiên cứu loại virus này phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng "đây là lần đầu tiên virus được biến đổi gene để tiêu diệt các tế bào ung thư mà không gây hại cho tế bào khỏe mạnh. Đây là bước tiến quan trọng giúp kích thích hệ miễn dịch chống ung thư hiệu quả hơn".

Alan Melcher cũng đánh giá liệu pháp miễn dịch nhiều hứa hẹn và các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới ngày càng quan tâm tham gia vào các cuộc nghiên cứu theo hướng này.

Bà Hayley Frend, Giám đốc thông tin khoa học Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh (CRUK), phát biểu: "Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy T-VEC giúp tăng cơ hội kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư da hắc tố. Bước tiếp theo là tìm hiểu xem tại sao chỉ có một số bệnh nhân đáp ứng với T-VEC để giúp xác định rõ ràng hơn nhóm bệnh nhân nào được hưởng lợi từ liệu pháp mới".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.