Vũ khí công nghệ cao trong cuộc chiến giành lượt "view"

Thứ Tư, 11/04/2018, 20:06
Khi nhấp chuột vào một mục nào đó trên Internet, lúc đó chúng ta đang bị tác động bởi thuật toán thông minh của những hệ thống phần mềm máy tính đầy tinh vi.

Những thuật toán tinh vi này sẽ "dàn xếp" đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để khiến chúng ta phải chủ động bấm vào xem một nội dung cụ thể trong hàng loạt những sự lựa chọn đang bày ra trước mắt.

Cuộc chiến thu hút lượt người xem trên Internet đang dần trở nên khốc liệt hơn với sự can thiệp của công nghệ hiện đại. Theo thống kê, mỗi ngày sẽ có khoảng 500 triệu dòng tweet được đăng trên Twitter, 300 giờ video được truyền tải trên YouTube và hơn 80 triệu hình ảnh được lan truyền trên Instagram. Như vậy, chỉ riêng việc theo dõi trọn vẹn những hoạt động của bạn bè trên các mạng xã hội như Facebook và Twitter cũng đã chiếm hết toàn bộ thời gian trong ngày của chúng ta.

Chính vì thế, các nhà xuất bản thường cố gắng thu hút ánh nhìn của người dùng để đọc và xem nội dung họ đăng lên bằng các phương pháp phân tích dữ liệu và thậm chí sử dụng cả trí tuệ nhân tạo (AI). Echobox, một start-up gần đây, đã phát triển một hệ thống có khả năng phỏng đoán hành vi của con người.

Bằng cách phân tích một lượng lớn dữ liệu, Echobox nắm bắt hành vi của một bộ phận người dùng nhất định đối với những mẩu tin xuất hiện trong những khoảng thời gian khác nhau trong một ngày.

Từ đó, hệ thống này sẽ chọn ra những câu chuyện phù hợp nhất để đăng tải trong thời điểm tốt nhất. Echobox khẳng định hệ thống của mình giúp tăng sự lan truyền lên đến 71% đối với Facebook và 142% đối với Twitter.

Đến nay, phần mềm này đã được các tờ báo nổi tiếng như Vogue, Le Figaro và Telegraph Media Group sử dụng. Atoine Amann, nhà sáng lập Echobox, chia sẻ: "Hãy đơn giản tưởng tượng một biên tập viên siêu việt với khả năng bắt nhịp mọi suy nghĩ của độc giả, nhưng với tốc độ nhanh hơn 100 lần. Chúng tôi sử dụng kết hợp cả những manh mối từ quá khứ và hiện tại. Chẳng hạn như, bằng cách phân tích lịch sử người xem, hệ thống của chúng tôi hiểu rõ thời điểm đăng tải tốt nhất kèm theo đó là phân tích để tìm ra thị hiếu của người xem trong thời điểm hiện tại."

Anne Pican, người phụ trách báo điện tử tại tờ nhật báo Le Figaro, cho biết phần mềm Echobox đã tạo nên những tác động tích cực cho tòa soạn này. Pican chia sẻ: "Mục tiêu tối ưu hóa truyền thông trên mạng xã hội đang ngày càng khiến người ta phải đau đầu. Không chỉ do tính phức tạp của nó mà do chúng còn đòi hỏi nhiều sự phỏng đoán và cần có cách tiếp cận khoa học. Từ khi sử dụng Echobox, chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi tích cực và tiết kiệm được quỹ thời gian".

Những tòa báo truyền thống đang phải đối mặt với sự co rút quy mô của loại hình báo in phải bắt đầu nhanh chóng chuyển hướng sang loại hình báo điện tử để thu hút độc giả. Điển hình là tờ báo New York Times đã phát triển Blossom, một robot thông minh được tích hợp bên trong ứng dụng nhắn tin Slack. Hệ thống này sẽ ghi nhận để dự đoán mức độ quan tâm của những mẩu tin tức trên mạng xã hội. Với cách hoạt động như thế này, hệ thống còn có thể giúp biên tập viên lựa chọn thông tin để đăng tải.

Nếu một phóng viên gửi một tin nhắn đến Blossom, chẳng hạn như "Blossom Facebook?", robot này sẽ tự động phản hồi với hàng loạt đường dẫn đến những mẩu chuyện mà nó tin rằng sẽ tạo được hiệu ứng tốt trên mạng xã hội vào thời điểm đó.

Như vậy, việc phân tích các nguồn dữ liệu để nắm bắt hành vi người xem từ đó đưa ra những chiến lược xuất bản liệu có thể được xem như một loại AI? Tờ New York Times vẫn giữ kín thông tin về mức độ chính xác của robot biên tập Blossom của mình, viện dẫn lý do bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, Colin Russel - một nhà khoa học dữ liệu tại tòa báo và là người có đóng góp quan trọng trong việc thiết kế ra Blossom - tiết lộ: "Chúng tôi tạo ra nó với các đặc điểm như một AI. Chúng tôi mô phỏng toàn bộ những gì mà một biên tập viên sẽ làm nếu họ có đủ thời gian và với một chiếc bảng trắng đủ lớn để quan sát và liệt kê tất cả các câu chuyện, với toàn bộ chi tiết về thời điểm và nơi mà chúng đã được đăng. Đây thật sự là một loại AI".

Thậm chí, Echobox còn miêu tả hệ thống này như là sự hợp nhất giữa AI với xu hướng xuất bản trực tuyến. Song, Tom Cheesewright, trưởng văn phòng tư vấn Book of the Future, lại nhận định loại công nghệ này giống như một thứ công cụ hơn là AI.

Cheesewright chia sẻ: "Tôi sẽ tranh luận để mọi người thấy rằng công nghệ này dường như không giống với những thứ được dán nhãn AI. Ở đây, sử dụng một thuật ngữ giản dị hơn như máy học (machine learning) hay phân tích dự báo có lẽ sẽ phù hợp hơn rất nhiều". Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề sử dụng thuật ngữ, Richard Reeves, giám đốc điều hành của Hiệp hội Các nhà xuất bản trực tuyến tin rằng công nghệ này sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đáng kể cho ngành.

Reeves nhận định: "Các tòa soạn đang phải cùng lúc tranh giành sự quan tâm của người dùng và đối phó với sự thu hẹp của nguồn thông tin. Nhờ vào sự phát triển của AI, các chủ bút có thể bắt đầu lấy lại sự cân bằng".

Tương tự, ở vị trí độc giả, nếu như cảm thấy bối rối trước quá nhiều sự lựa chọn, chúng ta có thể phó thác việc này cho công nghệ mới. Điển hình, tập đoàn truyền thông Đức - Axel Springer - và ông lớn trong ngành công nghệ - Samsung - đã có sự hợp tác để phát triển một ứng dụng di động mới mang tên Upday. Với sản phẩm này, người dùng có thể xác định những chủ đề mà mình quan tâm, từ đó một nhóm các biên tập viên, dưới sự hỗ trợ của các thuật toán máy tính sẽ sàng lọc nội dung trong 1,200 nguồn khác nhau, bao gồm cả các tờ Le Figaro, Der Spiegel và The Economist.

Như vậy, công nghệ hiện đại đang dần nắm bắt tường tận từng suy nghĩ và thói quen của chúng ta, thậm chí còn hơn cả những gì chúng ta hiểu về bản thân mình. Có thể nói, việc chúng ta lựa chọn đọc gì và xem gì vào ngày hôm nay dường như đã không còn nằm trong sự kiểm soát của riêng não bộ.

Di An (tổng hợp)
.
.