Vụ thí nghiệm trên răng người tâm thần ở Thụy Điển

Thứ Năm, 14/11/2019, 08:58
Cuối những năm 1940 ở Thụy Điển, trẻ em và người lớn mắc bệnh tâm thần đã bị bắt ăn nhiều kẹo để các bác sĩ xem chuyện gì xảy ra với răng của họ. Câu chuyện này thực sự đã diễn ra mặc dù ngày nay nghe như chuyện dọa trẻ em để chúng tránh ăn quá nhiều kẹo.

Nhà báo Thụy Điển Thomas Kanger cho biết: "Tôi đã xem hồ sơ nha khoa vụ việc này. Cái răng nào cũng đều đen sì, bị hư hỏng và kéo dài hàng năm".

Ở Thụy Điển những năm 1930, nghiên cứu phát hiện ra cả trẻ em 3 tuổi cũng bị sâu 83% hàm răng. Tình trạng sâu răng trên diện rộng như vậy không phải là điều bất thường. Ở đa số quốc gia, người dân chăm sóc răng lợi rất kém.

Thời đó, hầu như không có điều trị sâu răng, răng sâu và hỏng thường bị nhổ bỏ. Người mất răng ở Mỹ nhiều tới mức quân đội chỉ tuyển ai còn đủ 6 cặp răng ở hàm trên và dưới tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai.

Bệnh nhân tâm thần đã từng được thí nghiệm về sâu răng.

Đầu thế kỷ 20, nha sĩ bị chia rẽ vì nguyên nhân sâu răng. Họ tranh cãi xem sâu răng có phải là bệnh không, hay do chế độ ăn hay chỉ do ăn nhiều kẹo. Nhiều dấu hiệu cho thấy sâu răng có liên quan tới kẹo. Trẻ sống trong các trại mồ côi nghèo không có tiền mua kẹo ít bị sâu răng hơn những người khác. Tình trạng sâu răng ở lính nghĩa vụ giảm khi áp dụng chế độ phân phối đường trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Khi cả nước đối diện với đại dịch sâu răng, Chính phủ Thụy Điển bắt đầu tập trung vào phòng ngừa sâu răng trong bối cảnh chi phí chữa răng rất tốn kém. Chính phủ đặt hàng một nghiên cứu về vai trò của chế độ ăn và kẹo. Nghiên cứu do ngành sản xuất kẹo tài trợ.

Nơi hoàn hảo để thực hiện nghiên cứu này là Viện Tâm thần Vipeholm, một cơ sở lớn ở ngoài thành phố Lund. Năm 1935, Viện Tâm thần Vipeholm được chuyển thành nhà ở cho người bị thiểu năng trí tuệ và chậm phát triển.

Theo nhà báo Kanger, thời đó, y khoa gọi những người tâm thần là "ngu ngốc". Họ bị đưa về đây từ khắp Thụy Điển. Lúc đầu, chỉ có 650 người, sau này tăng lên trên 1.000. Theo thuật ngữ y khoa lúc đó, người "ngu ngốc" là người có chỉ số IQ dưới 25, trí thông minh chỉ bằng một đứa trẻ vài tuổi bình thường. Còn người "đần" có chỉ số IQ từ 26 đến 50, bằng trí tuệ một đứa trẻ 7 tuổi. Người bị xếp vào loại "khờ dại" có trí thông minh bằng trẻ 12 tuổi. Người sống trong Viện Tâm thần Vipeholm có độ tuổi từ 15 đến 70. Tuổi thọ trung bình ở đây rất thấp.

Viện tâm thần này chỉ có các sảnh rộng để mọi người chạy xung quanh, hầu như không có hoạt động gì cả. Họ bị bắt tắm nước lạnh nếu gây quá nhiều rắc rối. Một số người lúc nào cũng nằm trên giường. Lúc đầu, viện này là một nơi rất kinh khủng nhưng dần được cải thiện và có nhiều liệu pháp chữa trị hơn.

Ông Hugo Froderberg là bác sĩ duy nhất trong viện tới năm 1942. Ông lưu giữ rất nhiều ghi chép về từng bệnh nhân và ông có thang xếp loại từ 0 đến 6 dành cho các loại tâm thần. Nhóm 0 là nhóm thấp nhất, không khác gì thực vật. Các nhóm từ 1 đến 3 có thể có đời sống tinh thần nhưng thuộc loại không thể tưởng tượng nổi.

Hai phần ba bệnh nhân Vipeholm thời Chiến tranh Thế giới thứ hai bị xếp vào 4 nhóm thấp nhất. Những người có trí tuệ ngang trẻ cấp 1 hoặc trẻ dưới 13 tuổi được giao làm những việc mà không người bình thường nào muốn làm như giặt là, lau chùi và làm vườn.

Những bệnh nhân có thể nhai và tự ăn thường được chọn để làm nghiên cứu nha khoa. Còn nhóm chậm phát triển chỉ biết nuốt chửng thức ăn thì không bị lấy ra làm thí nghiệm sâu răng. Đơn giản là vì ai tham gia thí nghiệm đều phải nhai kẹo bơ cứng.

Ở giai đoạn đầu nghiên cứu, răng trẻ em được kiểm tra kỹ lưỡng. Trong hai năm đầu thí nghiệm, trẻ em ăn ít tinh bột và một nửa lượng đường thường có trong bữa ăn điển hình ở Thụy Điển. Các em được phát vitamin A, C và D và viên florit. Giữa các bữa ăn, các em không được ăn thêm gì. Cuối giai đoạn này, 78% trẻ em không bị vết sâu răng mới.

Trong hai năm tiếp theo, trẻ được cho ăn gấp đôi lượng đường bình thường theo nhiều cách. Một nhóm ăn thêm kẹo, bánh mỳ ướt nhiều đường trong bữa ăn. Một nhóm khác uống đồ uống pha với nửa chén đường trong bữa ăn. Nhóm thứ ba ăn sô cô la, caramel hoặc kẹo dẻo giữa các bữa ăn.

Nhóm ăn kẹo dẻo được chia thành hai nhóm nhỏ hơn: trẻ ăn 8 chiếc và trẻ ăn 24 chiếc giữa các bữa ăn. Kẹo dẻo này rất dính răng khi ăn. Kết quả nghiên cứu là các nhóm ăn nhiều kẹo dẻo bị sâu răng nhiều hơn. Các nhóm ăn bánh mỳ, đường sucrose và nhóm được kiểm soát ít bị sâu răng.

Trong cả nhóm ăn kẹo cứng và caramel, tình trạng sâu răng gia tăng ngay lập tức sau khi trẻ bắt đầu ăn. Kẹo và caramel mắc trong kẽ răng khiến răng bị hỏng. Sau khi răng bị hỏng, những trẻ này chịu cơn đau răng khủng khiếp.

Các nhà nghiên cứu đã không chữa răng cho những ai không thể hợp tác trong quy trình chữa răng, ví dụ những trẻ sợ bị khoan răng. Họ cũng không chữa răng cho nhiều bệnh nhân thuộc nhóm trí tuệ thấp, mà chỉ chữa cho bệnh nhân nhóm cao hơn. Trong nhiều trường hợp, họ nhổ hẳn răng thay vì chữa.

Nghiên cứu này được thực hiện trước khi có Tuyên bố Helsinki

Trong bài viết 50 năm sau nghiên cứu trên, một tác giả đã bảo vệ nghiên cứu này: "Bác sĩ nha khoa chúng tôi không thấy nghiên cứu có vấn đề gì về đạo đức. Nhiều trường hợp có các vết sâu răng mới xuất hiện trong giai đoạn ăn tinh bột chỉ là tổn thương men răng ban đầu mà ngày nay thường được tái khoáng hóa bằng cách dùng fluoride cục bộ".

Với những kết quả tìm hiểu trên thí nghiệm những bệnh nhân này, người ta bắt đầu nghiên cứu về các chất thay thế đường, trong đó có chất làm ngọt nhân tạo. Nghiên cứu đã được sử dụng để ngăn ngừa sâu răng ở nhiều học sinh và đã được trích dẫn vô số lần.

Ở Thụy Điển, nghiên cứu cũng khiến chính phủ phát động ngay lập tức một chiến dịch toàn quốc để giảm lượng kẹo mà trẻ em ăn. Chẳng bao lâu, người Thụy Điển chỉ khuyến khích trẻ em ăn kẹo ở nhà vào các tối thứ 7. Khuyến nghị "Chỉ ăn mọi kẹo bạn thích một lần một tuần" cũng được lan truyền ra nhiều nước khác.

Nhật Minh
.
.