Xe hơi cũ được xử lý và tái chế như thế nào?

Thứ Ba, 09/01/2018, 18:20
Xử lý và tái chế xe hơi cũ đang là ngành phát triển tại châu Âu, một phần do quy định bắt buộc các nước phải tái chế được 95% xác xe hơi. Mặt khác, do quy định khí thải ngặt nghèo hơn đã làm cho nhiều xe hơi đời cũ không còn đủ điều kiện lưu hành nên chỉ còn cách vứt bỏ.

Mỗi năm tại châu Âu có khoảng 20 triệu xe hơi kết thúc vòng đời tại bãi rác. Theo một quy định của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ hơn 2 năm trở lại đây, các nước châu Âu phải tái chế được 95% xác xe hơi, do vậy, đây là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh.

Theo tờ Les Echos, mỗi năm tại Pháp có tới 1,5 triệu chiếc xe hơi bị đưa ra bãi rác. Cả nước Pháp hiện có 4 nhà máy, tại đó xe cũ được gỡ rời từng mảnh, các chi tiết kim loại, thủy tinh, cao su hay nhựa được phân loại rồi nghiền nhỏ, biến thành nguyên liệu. Lốp xe, các linh kiện cao su và mút, vải từ ghế xe sẽ biến thành chất đốt cho các nhà máy xi măng.

Ở một máy tái chế thuộc hãng xe hơi BMW ở Lohhof, Đức, BMW đã tận dụng tối đa từng loại phụ tùng và vật liệu của mỗi chiếc xe, chất độc hại và rác không thể tái sử dụng được giảm thiểu triệt để. Quá trình tái chế bắt đầu bằng việc đảm bảo an toàn cho xe trước khi bóc tách các bộ phận và linh kiện của chúng. Phần ấn tượng nhất của giai đoạn này là cách BMW kéo chiếc xe bằng một dây cáp để đồng loạt kích hoạt toàn bộ các túi khí đang có trong xe.

Tháo các linh kiện một chiếc xe trong nhà máy của BMW.

Qua đây người ta có thể thấy các túi khí này hoạt động nhanh và nhạy như thế nào khi xảy ra va chạm và độ tin cậy của chúng mặc dù đã được lắp lên xe từ khá lâu. Sau đó, công nhân bắt đầu rút toàn bộ chất lỏng bên trong xe như chất làm mát, dầu bôi trơn và thậm chí cả nước rửa kính chắn gió.

Khi kết thúc công đoạn “dọn dẹp” những thứ linh tinh là đến lúc bắt đầu tháo rời các bộ phận của chiếc xe. Công nhân sẽ tháo các bộ xúc tác của hệ thống ống xả và đưa vào khu vực phân loại. Động cơ và hộp số được tháo ra khỏi xe và đặt lên giá. Kỹ thuật viên cũng sẽ tháo cả kính, nhựa và các loại vật liệu khác để sử dụng sau này.

Thậm chí BMW có cả quy trình hóa lỏng lốp thành cao su lỏng. Những linh kiện nào còn tốt sẽ được giữ lại, lưu kho và đánh dấu. Khung xe sau đó được đưa tới máy ép để ép thành một khối kim loại. Phần rác thải sẽ được thu gom và đưa tới khu vực tập kết riêng.

Do các hãng sản xuất xe buộc phải tăng tỷ lệ vật liệu dễ tái chế nên hiện có những linh kiện đạt mức tái chế 100% như ắc quy. Ngay cả dầu bẩn trong máy xe cũng đạt mức tái chế tuyệt đối ấy. Ngoài tôn và sắt từ thân xe là thứ dễ bán, các nhà máy xử lý xác xe hơi còn tách được cả kim loại đắt tiền trong một số linh kiện của xe. Vấn đề là phải tốn 40 EUR để xử lý xác một chiếc xe hơi mà tiền thu về từ bán phế liệu do chiếc xe đó mang lại cũng chỉ khoảng 40 EUR.

Theo tờ Ouest France, một nhà máy xử lý xác xe hơi được đầu tư hàng chục triệu EUR không thể chỉ trông chờ nguồn thu từ tôn, thép, thủy tinh, cao su phế liệu... Một vấn đề nữa là, cho dù tỷ lệ tái chế đã rất cao, vẫn có gần 4% rác không thể tái chế được. Vì thế, nhiều nước châu Âu tiếp tục áp dụng cách làm từ hàng chục năm trước đây là xuất sang các nước có nhu cầu tiêu thụ linh kiện.

“Nghĩa trang” lốp xe cũ ở Kuwait.

Theo thống kê của tờ Salzburger (Áo), có tới 80% tổng số xe hơi sắp “ra nghĩa địa” tại nước này đã tìm được đường bán sang các nước Đông Âu và châu Phi. Các nhà máy tái chế này cũng lọc ra những bộ phận còn tốt của chiếc xe như cánh cửa, động cơ, hộp số... trước khi đem xác xe đi nghiền. Đó cũng là những thứ xuất khẩu được. Các nước đã nhập xe hơi cũ cũng sẽ đến lúc phải mua linh kiện xe hơi đời cũ để thay thế. Do đó, tái chế theo cách này, lợi nhuận sẽ cao hơn mà không phải lo chôn hay đốt rác.

Kể từ năm 2006, Liên minh châu Âu đã thông qua đạo luật cấm vứt lốp xe cũ ra bãi rác. Như trên đã đề cập, việc tận dụng lốp xe cũ thành chất đốt cho các nhà máy chỉ giúp tiêu thụ một phần nhỏ trong số hàng chục tấn lốp xe thải loại vì đã quá “tuổi đời” phục vụ. Vậy thì số lốp xe này đi đâu?

Chúng đến Kuwait - xứ sở được biết đến là một trong những nhà phân phối hàng đầu về dầu và khí tự nhiên và cũng nổi tiếng với những “nghĩa trang” là nơi tập trung của hàng triệu chiếc lốp xe hơi cũ. Vùng Sulaibiya của Kuwait có “núi” lốp xe cũ và diện tích khu vực này không ngừng tăng lên, lớn đến mức nó có thể được nhìn thấy từ không gian. Tính đến nay đã có hơn 7 triệu chiếc lốp được đem vứt bỏ ở nơi này.

Hầu hết các nhà tư vấn tiêu dùng thường khuyên người tiêu dùng không nên ham rẻ mà dùng lốp xe cũ do nó có thể không chịu được áp suất khi bơm và dễ nổ khi đang di chuyển. Song nếu biết tái chế đúng cách thì những chiếc lốp tưởng như bỏ đi này vẫn có thể vô cùng hữu ích. Một trong những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được phát minh là lốp xe có thể được sử dụng để làm đường sau khi một thử nghiệm cho thấy chúng sẽ giúp mặt đường yên tĩnh hơn.

Một trong những con đường đông đúc nhất tại tại Scotland đã được làm bằng nhựa đường từ cao su vụn và lốp xe cũ. Các chuyên gia cho biết loại đường này không yêu cầu nhiều công tác bảo dưỡng mà vẫn đảm bảo thoát nước. Không những vậy, những nhà tái chế lốp xe cũng khẳng định kỹ thuật sẽ giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.