Xung quanh vụ hàng chục cháu bé bị sùi mào gà ở Khoái Châu, Hưng Yên
- Gia đình các bé bị sùi mào gà gửi đơn lên Chính phủ kêu cứu
- Chưa có kết luận vụ sùi mào gà ở trẻ tại huyện Khoái Châu
- Diễn biến mới nhất về vụ trẻ em bị bệnh sùi mào gà khi cắt bao qui đầu
Dư luận bị sốc là bởi, các bé bị bệnh có thể do bị lây nhiễm trong quá trình cắt bao quy đầu tại phòng khám tư của bà Hoàng Thị Hiền ở thôn 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, một y sĩ của Trạm y tế xã Mễ Sở. Dư luận càng sốc khi biết cơ sở này không phép nhưng đã hoạt động công khai nhiều năm...
Phòng khám không phép chữa mọi bệnh
Tôi gặp bà Đỗ Thị Mây ở xã Đông Kết, huyện Khoái Châu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương khi bà đi chăm cháu ngoại là bé Đỗ Văn Đ. 4 tuổi, bị bệnh nặng nhất trong số các cháu mắc sùi mào gà được điều trị ở đây. Bé Đ. được chuyển lên Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng sưng nặng đầu dương vật và được chẩn đoán bị bệnh sùi mào gà và phải phẫu thuật. Cháu đã nằm viện 11 ngày, mà bác sĩ cho biết có thể còn phải điều trị nhiều tuần nữa.
Theo bà Mây, gia đình bà không có ai mắc căn bệnh này. Chỉ là sau khi mẹ cháu Đ. đưa cháu đến phòng khám tư của bà Hoàng Thị Hiền để cắt bao quy đầu vào tháng 6-2017 được ít ngày, thì cháu bị nổi những nốt trắng như bã đậu ở đầu dương vật. Mới đầu sưng ít, gia đình mang cháu quay lại để bà Hiền chữa thì bà Hiền lấy kéo bấm sống, khiến máu chảy toe toét, nhưng rồi vẫn không khỏi, gia đình mới đưa cháu đến Bệnh viện Da liễu Trung ương.
“Mà chả riêng nhà tôi, xóm tôi đầy người có con bị sùi mào gà phải lên đây điều trị rồi”- Bà Mây chia sẻ với nỗi ấm ức.
Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên của mình về việc có nhiều trẻ ở Khoái Châu phải cắt, hoặc nong bao quy đầu thế, thì bà Mây cho biết: “Trẻ cứ đến khám là bà Hiền đều vạch bộ phận sinh dục ra xem, rồi bảo bị hẹp bao quy đầu, phải nong hoặc cắt, nếu không lớn lên sẽ bị u xơ tiền liệt tuyến, không có con. Nghe thế, bố mẹ nào cũng lo sợ, nên đều mang con đến để bà Hiền cắt bao quy đầu cho. Đó là lý do khiến số trẻ ở Khoái Châu phải cắt, nong bao quy đầu nhiều đến bất thường. Không riêng đứa cháu ngoại đang nằm viện, bà Mây cho biết, 2 năm trước, cháu nội của bà cũng từng được bà Hiền cắt bao quy đầu”.
Lại nữa, bà Mây tố: “Bà Hiền cắt bao quy đầu cho cháu tôi mất 1,2 triệu. Khi cháu bị nổi mụn ở bộ phận sinh dục, đưa đến để bà ta chữa thì bà ta tiếp tục thu 1,6 triệu đồng, thế mà khi làm việc với cơ quan chức năng, bà Hiền khai chỉ thu từ 300-500.000 đồng mỗi cháu là không đúng sự thật”.
Chăm sóc một cháu bé ở Khoái Châu bị sùi mào gà. |
Anh Đỗ Văn N. (xã Đông Kết, huyện Khoái Châu) cũng có con trai 7 tuổi bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại phòng khám của bà Hiền cho biết, mấy hôm nay, ngày nào cũng gặp người cùng quê đưa con lên Hà Nội chữa bệnh. Các gia đình có con bị bệnh đều rất vất vả trong việc chăm sóc các cháu, vì các bé quấy khóc suốt ngày do bị đau và ngứa.
Cả 2 vợ chồng anh N. đều phải bỏ việc để lên Hà Nội chăm con trong nỗi lo lắng không biết rồi bệnh tình của cháu có khỏi hẳn không, có ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của các cháu hay không. Rồi còn gánh nặng kinh tế do phải bỏ việc và chi phí cho việc ăn ở, đi lại suốt những ngày con nằm viện. Nỗi lo cơm áo dù lớn vẫn chưa thấm bằng nỗi xót xa mỗi khi nhìn đứa con bé bỏng phải chịu đau đớn trên giường bệnh.
Sốc vì nhiều trẻ bị mắc bệnh xã hội
Mặc dù việc có rất nhiều cháu nhỏ trên cùng một địa bàn bị căn bệnh “của người lớn”, nhưng y tế địa phương vẫn hoàn toàn không biết. Mãi đến khi thấy số lượng bệnh nhi bị mắc bệnh sùi mào gà đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong hai tháng 6 và 7-2017 tăng đột biến, ngày 13-7-2017, Bệnh viện phải có công văn khẩn báo cáo Bộ Y tế, thì mọi việc mới bắt đầu “vỡ” ra.
Đặc biệt, với việc các bác sĩ khai thác tiền sử bệnh tật của các bé, các gia đình đều cho biết các cháu từng chít hẹp bao quy đầu từ 4 tháng đến 1 năm về trước tại phòng khám tư của bà Hoàng Thị Hiền ở thôn 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Hầu hết đều dưới 15 tuổi, trong đó, có cháu mới 6 tháng tuổi và nhiều cháu bị bệnh rất nặng phải mổ.
Vì thế, Bệnh viện Da liễu Trung ương bày tỏ quan điểm nghi ngờ bước đầu về nguyên nhân mắc bệnh là do có liên quan đến việc điều trị y tế tại cơ sở tư của bà Hiền, đồng thời, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tiến hành điều tra nguyên nhân nhằm kịp thời ngăn ngừa các trường hợp mới mắc trong cộng đồng.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, riêng trong tháng 7-2017, số trẻ em đến từ huyện Khoái Châu nhập viện là 26 trẻ, trong đó, riêng ngày 19-7 có 11 bệnh nhi. Số lượng các bé bị sùi mào gà nhiều như vậy ở cùng một địa bàn là rất bất thường, chứng tỏ có nguồn lây tại địa phương. Bởi đường lây bệnh sùi mào gà ở người lớn đa phần là do lây truyền qua con đường tình dục, còn trẻ thường mắc bệnh khi lây từ người chăm sóc trực tiếp, nhiều trường hợp được phát hiện lây trực tiếp từ bố mẹ.
Đặc biệt, trẻ có thể mắc sùi mào gà do lây nhiễm từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV, hoặc can thiệp y tế (như nong, phẫu thuật chít hẹp bao quy đầu) không đảm bảo vô trùng.
Trước con số mà Bệnh viện Da liễu Trung ương đưa ra là ngoài số cháu nhỏ bị bệnh, còn có tới 71 người lớn ở Hưng Yên phải nhập viện vì bệnh sùi mào gà, trong đó, có 14 ca người lớn là ở huyện Khoái Châu, chúng tôi đã đặt câu hỏi về việc liệu có khả năng các cháu lây bệnh từ gia đình hay không, thì được biết giữa các bệnh nhi và những người lớn mắc bệnh không có mối liên quan về gia đình.
Đặc biệt, PGS. TS. Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Về nguyên tắc khi điều trị cho trẻ mắc bệnh sùi mào gà, chúng tôi đều yêu cầu bố mẹ các cháu cùng khám để xác định xem có bị bệnh và lây cho trẻ không. Vì thế, Bệnh viện đã khám, làm các xét nghiệm cho cả bố mẹ và người chăm sóc các bệnh nhi để xác định nguồn lây.
Kết quả cho thấy bố mẹ của các bệnh nhi này đều khỏe mạnh. Nhưng các cháu lại có điểm chung là đều có sự can thiệp về y tế trước đó tại cơ sở của bà Hiền. Do đó, chúng tôi nghi ngờ nguồn lây từ sự chăm sóc y tế không đảm bảo điều kiện vệ sinh khiến trẻ nhiễm bệnh”.
Gỡ nút
Vấn đề quan trọng nhất lúc này là ngăn chặn số trẻ mới mắc và điều trị dứt điểm cho các trẻ bị bệnh. Vì thế, PGS. Lê Hữu Doanh cho biết, việc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng tránh nhằm ngăn ngừa các trẻ mắc mới là chuyện cần làm ngay và khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ nên theo dõi, nếu phát hiện những biểu hiện của bệnh cần đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Để giúp đỡ các gia đình có trẻ bị bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã quyết định miễn hoàn toàn chi phí khám và điều trị cho các cháu bị sùi mào gà dưới 15 tuổi của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên kể từ ngày 17-7-2017 cho đến hết ngày 31-12-2017. Đây là một việc làm nhân văn của Bệnh viện, bởi Bệnh viện Da liễu Trung ương là đơn vị tự chủ về kinh tế, không có nguồn ngân sách hỗ trợ, trong khi chi phí khám và điều trị bệnh sùi mào gà là rất lớn.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến dưới trong việc điều trị bệnh sùi mào gà tại Hưng Yên, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã chuyển giao công nghệ Laser trong điều trị các bệnh lây truyền tình dục cho cán bộ y tế Hưng Yên. Bệnh viện cũng đã cung cấp danh sách bệnh nhi bị mắc sùi mào gà trong thời gian gần đây đã và đang điều trị tại Bệnh viện cho Sở Y tế Hưng Yên, để tiếp tục kiểm tra, xác minh về mặt nhân khẩu cũng như mối liên quan giữa các bệnh nhi này với những người lớn mắc sùi mào gà tại Hưng Yên vừa qua.
Ngôi nhà của bà Hiền, nơi đã can thiệp y tế cho nhiều cháu bé trước khi bị sùi mào gà. |
Để điều trị cho các cháu bị bệnh nặng, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phải mời các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương để hội chẩn và gây mê hồi sức, điều trị cho các cháu.
Trước diễn biến rất nghiêm trọng của vụ việc, UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn chính thức đề nghị Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp và hỗ trợ Sở Y tế tỉnh Hưng Yên để làm rõ nguyên nhân hàng loạt cháu bé bị căn bệnh xã hội này, đồng thời, điều trị cho các trường hợp mắc bệnh.
Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cũng đã đề nghị Bệnh viện phối hợp thành lập và tham gia hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân tình trạng các bệnh nhi mắc bệnh sùi mào gà tại Khoái Châu, để họp vào đầu tuần.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết Công an tỉnh Hưng Yên cũng đã có công văn đề nghị Bệnh viện phối hợp làm rõ nguyên nhân, đồng thời, cung cấp hồ sơ bệnh án, số lượng trẻ bị bệnh đến điều trị tại Bệnh viện thời gian qua cho Công an tỉnh.
Nhằm có kết luận khoa học về nguyên nhân vụ việc hy hữu này, tới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ tiến hành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về vụ việc hàng loạt bé trai mắc sùi mào gà tại Khoái Châu, Hưng Yên .
Quản lý y tế tư nhân ở cơ sở lỏng lẻo
Chỉ khi đã gây hậu quả rất nặng nề và báo chí vào cuộc mạnh mẽ, phòng khám tư của bà Hiền mới bị “sờ” tới. Và cũng chỉ lúc này, mọi người mới té ngửa ra là cơ sở y tế của bà Hiền không có phép nhưng đã hoạt động nhiều năm qua.
Tôi không khỏi giật mình khi nghe bà Đỗ Thị Mây kể, lâu nay, ở quê bà, trẻ cứ ốm đau, sốt nóng, sốt lạnh, ho hen, đau bụng đi ngoài, hẹp bao quy đầu vv... tất tật đều mang đến nhà bà Hiền chỉ vì ngại đưa ra bệnh viện sẽ phải chờ đợi mất thời gian. Và dù không biết phòng khám của bà Hiền có được phép hay không, trình độ tay nghề của bà Hiền đến đâu, nhưng người dân cứ rồng rắn dắt nhau đến đây.
Sự thiếu hiểu biết của người dân và nhất là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương đã dẫn đến một nhân viên chỉ có trình độ y sĩ và một phòng khám không được cấp phép mà có thể khám và điều trị đủ mọi bệnh cho trẻ!
Sau khi báo chí phản ánh về vụ việc, chỉ trong ngày 19-7, đã có hơn 100 gia đình đưa con đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám cho trẻ. Trong số này, có 11 cháu đều thuộc huyện Khoái Châu bị sùi mào gà phải nhập viện. Như vậy có thể thấy, số lượng các cháu bị mắc bệnh chưa hẳn đã dừng lại ở con số hiện nay. Nếu vụ việc không vỡ ra thì sẽ còn bao nhiêu cháu bị mắc nữa?
Ở đây, không thể không đặt ra câu hỏi số trẻ bị mắc căn bệnh xã hội nhiều đến bất thường, mà nhân viên y tế các xã, Trung tâm y tế dự phòng của huyện vẫn hoàn toàn không biết cũng thật lạ! Không hiểu các nhân viên y tế theo dõi sức khỏe người dân, nhất là theo dõi dịch bệnh kiểu gì, khi đây là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục và đã lan truyền trong thời gian dài?
Rồi cháu bé nào đến khám cũng bị bà Hiền “chỉ định’ là hẹp bao quy đầu trong suốt thời gian dài, mà y tế cơ sở không nắm được? Có vẻ như hoạt động chuyên môn, công tác quản lý y tế ở cơ sở gần như đã “bỏ quên” phòng khám của bà Hiền?
Chỉ đến khi đã gây hậu quả nghiêm trọng, ngày 17-7-2017, cơ sở này mới tự đóng cửa. Và cũng chỉ đến hôm đó, qua báo chí, Thanh tra y tế địa phương mới biết rằng trên địa bàn có một cơ sở y tế không phép tồn tại và đã gây ra nhiều vi phạm. Bà Hiền có giấy phép hành nghề nhưng phòng khám của bà lại không có giấy phép hoạt động.
Năm 2016, Phòng Y tế huyện Khoái Châu đã từng phát hiện phòng khám này vi phạm và đã yêu cầu dừng hoạt động, nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động mà vẫn không sao. Và lúc này, lần đầu tiên, ngành y tế Hưng Yên mới có quyết định đề nghị xử phạt phòng khám tư của bà Hiền với số tiền 110 triệu đồng, đúng kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”!
Để hàng loạt cháu bé bị mắc căn bệnh xã hội là hậu quả của việc quản lý lỏng lẻo. Suốt thời gian dài, chính quyền cơ sở và ngành y tế “đi đâu” khi phòng khám của bà Hiền hoạt động rất công khai?
Hậu quả của sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương chưa dừng lại ở đấy, mà tới đây, việc tìm mối liên quan giữa cơ sở này với việc hàng loạt cháu bé bị bệnh sẽ không dễ dàng, khi chứng từ sổ sách, dụng cụ y tế đều không còn. Nếu việc kiểm tra, xử lý được làm đúng qui định, chắc chắn, phòng khám của bà Hiền sẽ không thể hoạt động và như thế, sẽ không có hậu quả đau lòng cho hàng loạt gia đình như hôm nay.
Tại cuộc họp do Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Hưng Yên tổ chức vào chiều 24-7, với sự tham gia của các chuyên gia Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các chuyên gia vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến hàng chục trẻ em ở huyện Khoái Châu bị mắc bệnh sùi mào gà.
Cuộc họp bước đầu kết luận: Giao cho Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh Hưng Yên phối hợp TTYT huyện Khoái Châu điều tra dịch tễ học bệnh sùi mào gà tại 25 xã thuộc huyện Khoái Châu. Khi có kết quả, sẽ xác định nguyên nhân, tìm phương hướng xử lý.