Cảnh giác nhưng đừng hoảng sợ với virus Zika

Thứ Năm, 15/09/2016, 08:25
Từ ngày 13-5-2016, khi phát hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên, đến ngày 9-9-2016, Bộ Y tế và Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) Singapore xác nhận phát hiện thêm 12 ca và ngày 10-9 là 14 ca nhiễm virus Zika tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm virus này lên 318.

Bệnh nhân Singapore đầu tiên là một nam giới, 48 tuổi, tới Sao Paulo, Brazil, từ ngày 27-3 đến 7-5-2016. Về nước, ngày 10-5, ông này sốt, sau đó phát ban nên tới BV Mount Elizabeth Novena..., kết quả kiểm tra dương tính với Zika. Bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh truyền nhiễm, BV Tan Tock Seng điều trị và cách ly để không lây lan...

Muỗi vằn là vật chủ trung gian của virus Zika.

Tuy nhiên, sau đó Singapore phát hiện nhiều ca nhiễm Zika, nhưng người nhiễm không đi đến Nam Mỹ, nơi virus này đang lưu hành mạnh. Ngày 8-9-2016, Bộ Y tế và Cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ nước này, sau khi nghiên cứu gene (ARN) của virus Zika phân lập được từ những người nhiễm hiện tại đã công bố virus này tiến hóa từ một chủng đã phân lập được ở Singapore năm 1960 và hiện chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chủng này nguy hiểm như loại Zika phát hiện ở Nam Mỹ.

Hiện nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ,  Hàn Quốc, Campuchia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan... đã phát hiện người nhiễm Zika. Ngày 11-9, Bộ Giáo dục Malaysia cấm học sinh, nhân viên tham quan Singapore và Philippines để ngăn chặn lây nhiễm, vì đã có một người nước này phát hiện nhiễm Zika khi trở về từ Đảo quốc Sư tử.

Ở Việt Nam, ngoài hai ca phát hiện nhiễm Zika ở Khánh Hòa và TP. HCM trong tháng 3 và 4, thì ngày 3-8, Cục Y tế dự phòng xác nhận có thêm một ca nhiễm Zika. Bệnh nhân là D.Đ.T., 27 tuổi, ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, từ ngày 27-6 có triệu chứng sốt; đau cơ, khớp; phát ban đỏ dạng chấm toàn thân. BV huyện Sơn Hòa làm xét nghiệm máu với nghi ngờ bệnh nhân này mắc sốt xuất huyết, nhưng kết quả âm tính với virus này.

Ngày 28-7, Viện Pasteur Nha Trang kết luận mẫu máu bệnh nhân dương tính với virus Zika. Điều đáng chú ý là bệnh nhân này trước nay chưa lần nào ra khỏi Việt Nam, nghĩa là nhiễm Zika trong nước. Hai trường hợp ở Khánh Hòa và TP. HCM, Chuyên đề ANTG đăng tải trên một số báo trước cũng chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, các viện vệ sinh dịch tễ cả nước đã lấy 2.405 mẫu để xét nghiệm Zika, trong đó 6 mẫu lấy từ người về từ vùng dịch, 14 mẫu lấy từ phụ nữ mang thai nghi nhiễm Zika. Trong 2.380 mẫu đã xét nghiệm có 3 mẫu dương tính với  Zika, 25 mẫu khác đang xét nghiệm...

Do số ca nhiễm Zika tăng nhanh ở Singapore và thiếu thông tin về bệnh nên dư luận có phần lo lắng. Tuy nhiên, virus Zika chỉ gây các triệu chứng lâm sàng nhẹ, tương tự như dạng nhẹ nhất (sốt Dengue) của bệnh sốt xuất huyết, hầu như không có tử vong.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo, cuối tháng 2-2016, một người đàn ông Mỹ 70 tuổi qua đời với triệu chứng suy giảm nghiêm trọng tiểu cầu. Tuy kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này dương tính với Zika, nhưng giảm tiểu cầu lại là triệu chứng đặc trưng của sốt xuất huyết và hiện thời chưa có bất kỳ tài liệu hay nghiên cứu nào nói đến Zika làm giảm tiểu cầu?

Ngày 4-9, Bộ Y tế Malaysia, thông báo người đàn ông nước này 61 tuổi, nhiễm virus Zika tử vong ngày 3-9 do biến chứng bệnh tim, không phải do Zika. Bệnh nhân này tình trạng sức khỏe yếu do các bệnh tim mạch, huyết áp cao, bệnh thận… trước khi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau cơ và tiêu chảy. Người này cũng chưa ra ngoài Malaysia.

Thứ hai, khi Zika nhiễm ở người lớn có thể gây ra hội chứng Guillain-Barré. Triệu chứng khởi phát (5 - 6 tuần) là yếu hai chân nên khó đi, khó leo cầu thang.

Giai đoạn toàn phát (khoảng 10 - 12 ngày, vài tuần): Liệt từ chân lên, nhưng có thể liệt tứ chi ngay và liệt gốc chi nhiều hơn ngọn chi; liệt hô hấp trong vòng 48 giờ; liệt mặt 2 bên; liệt màn hầu, nuốt sặc; không thè được lưỡi; loạn cảm, dị cảm (cảm giác bất thường như kim châm, kiến bò...) đầu chi; mạch chậm, dễ ngừng tim; huyết áp có thể tăng vọt; vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi; giãn dạ dày, liệt ruột; táo bón hoặc bí đại tiện; bí tiểu tiện.

Giai đoạn hồi phục (20 - 40 ngày, vài tháng): Các triệu chứng liệt vận động, đặc biệt là liệt hô hấp; rối loạn cảm giác; rối loạn tim mạch huyết áp; vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi; giãn dạ dày, liệt ruột; táo bón hoặc bí đại tiện; bí tiểu tiện giảm dần.

Zika gây hội chứng trẻ đầu nhỏ.

Tuy nhiên hội chứng này chỉ mắc khoảng 1-3/100.000 người/năm, nhưng được cho hàng đầu (60%) là do nhiễm vi khuẩn Campylobacter gây viêm dạ dày, có trong 80% mẫu thịt gà tươi (được xét nghiệm) bán ở Mỹ, vi khuẩn Mycoplasma (gây viêm phổi, viêm niệu đạo, áp xe tuyến Bartholin (một bộ phận sinh dục nữ), viêm vòi trứng, viêm khung chậu ở phụ nữ có thai, có thể gây sảy thai.

Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não... do mẹ bị nhiễm vi khuẩn này ở đường sinh dục) và một số loại virus (Cytomegalo virus; Epstein Barr virus...); 10% xuất hiện sau can thiệp ngoại khoa, tiêm vacxin (cúm, sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván), tiêm huyết thanh...; nghĩa là chưa thể khẳng định chỉ do Zika.

Tiến sĩ Maria Lucia Brito phát hiện trong 151 bệnh nhân dương tính với Zika từ tháng 12-2014 đến 6-2015, điều trị tại BV Recife, Brazil có 4 người bị Guillain-Barre. Hiện nay, 85% người mắc Guillain-Barre khỏi hoàn toàn sau vài tháng đến một năm nếu điều trị bằng Globulin miễn dịch (intravenous immunoglobulin - IVIG) hoặc lọc huyết tương, có điều giá thành điều trị rất cao.

Thứ ba, các bác sĩ Brazil cho rằng Zika có thể gây viêm não - tủy cấp lan tỏa, phá hủy myelin (chất cấu trúc thần kinh), gọi là bệnh ADEM (Acute Disseminated Encephalomyelitis) làm bệnh nhân yếu ớt, tê liệt, mất thăng bằng, giảm thị lực... Trong số 151 bệnh nhân nói trên chỉ có 2 người bị ADEM. Tiến sĩ James Sejvar ở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho rằng các trường hợp ADEM do Zika không thể nhiều như Guillain-Barre.

Thứ tư, Zika gây hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi đã rõ, nhưng hoàn toàn có thể tránh được hậu quả này nếu theo dõi thai kỳ chặt chẽ và xử trí đúng. Bởi chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ bằng siêu âm không khó. Người có thai nghi ngờ hoặc xác định nhiễm virus Zika cần siêu âm thai 3 - 4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Khi phát hiện thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ có thể dừng thai kỳ. Nếu phát hiện trước 22 tuần, việc ngừng thai kỳ không khó, sau hơn 32 tuần việc đình thai khó khăn, nhiều nguy cơ cho mẹ.  Người phụ nữ mang thai ở TP. HCM bị nhiễm Zika mà Chuyên đề ANTG đề cập trong số báo trước đã quyết định chấm dứt thai kỳ do phát hiện không có tim thai. Zika có gây thai lưu trong trường hợp này hay không chưa thể khẳng định, nhưng cũng chưa có tài liệu nào quy "trách nhiệm" này cho Zika.

Mới đây, các chuyên gia ĐH Yale, Mỹ phát hiện được Zika ngăn cản quá trình hình thành một protein (gọi là TBK1) có tác dụng kích thích phân chia tế bào trong quá trình phát triển não thai nhi. Đồng thời tìm ra 2 chất là 2'-C-methyladenosin và Sofosbuvir có khả năng ngăn chặn sự nhân lên của Zika.

Còn phải tiến hành nhiều thử nghiệm nữa để 2 chất này được phép sử dụng trên sản phụ, nhưng phát hiện này là hy vọng lớn cho cuộc chiến chống Zika. Trường ĐH Y Harvard, Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess, Boston, Mỹ và Viện nghiên cứu quân sự Walter Reed (thuộc quân đội Mỹ) hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm trên khỉ ba loại vacxin chống Zika và đã bảo vệ được khỉ không lây nhiễm Zika từ sau tiêm 1 tháng, hiện đang tiếp tục thử nghiệm xem thời gian miễn nhiễm kéo dài được bao lâu.

Tiến sĩ Dan Barouch, ĐH Y Harvard, Mỹ, trưởng nhóm nghiên cứu nói rằng ba loại vacxin này hình thành một lớp bảo vệ hoàn chỉnh chống lại virus Zika ở loài linh trưởng. Bước tiến này làm tăng thêm hi vọng về thành công của một loại vacxin hiệu quả và an toàn cho con người. Hiện đang tiến hành thử nghiệm các loại vacxin này trên người.

Tuy đã có hai ca lây nhiễm Zika qua đường tình dục ở Mỹ và hai ca lây nhiễm theo đường máu ở Brzil, nhưng tỉ lệ lây nhiễm qua hai đường này như vậy là rất thấp... Cảnh giác và không để Zika lây nhiễm lan rộng bằng cách đơn giản nhất nhưng hiệu quả cao là diệt muỗi, nằm màn. Vì vật chủ trung gian truyền virus Zika là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn truyền virus Sốt xuất huyết, hoạt động ban ngày) và là nguồn truyền bệnh chủ yếu, ngoài ra một số loài Aedes khác cũng truyền loại virus này sang người. 

Muỗi nhiễm virus Zika có thể truyền lại cho các thế hệ con, cháu. Gần đây phát hiện một số loài linh trưởng và gặm nhấm là ổ chứa virus Zika tự nhiên... Cảnh giác và không nên quá hoang mang mà cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm ở mỗi cá nhân và gia đình cũng như cộng đồng.

Bs. Trần Kiên
.
.