AfricaCERT, lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm mạng ở châu Phi

Thứ Năm, 12/03/2015, 16:05
Trước làn sóng tội phạm mạng đang tăng nhanh, một số chính quyền châu Phi - như Nam Phi, Kenya, Morocco, Bờ Biển Ngà và Tunisia - đã cho thành lập lực lượng đặc biệt gọi là Đội Phản ứng nhanh máy tính châu Phi (AfricaCERT) với sự trợ giúp của các chuyên gia an ninh mạng từ Trung tâm Thông tin Mạng châu Phi (AfriNIC).

AfriNIC thường xuyên tổ chức những cuộc họp với các cơ quan chính quyền châu Phi để cung cấp thông tin giúp giải quyết những vụ án liên quan đến tội phạm mạng, và hiện nay AfricaCERT đang thu thập dữ liệu về loại tội phạm này.

Trong một tiệm cà phê Internet ở quận Riviera thành phố Abidjan của Bờ Biển Ngà, một người đàn ông đang mê mẩn trước màn hình máy tính. Và, với giá chưa đến 1USD cho 4 giờ online, một tên tội phạm có thể biến nó thành hàng ngàn USD. Chính quyền Bờ Biển Ngà đã nhận được số đơn kiện về tình trạng tội phạm mạng trong nửa đầu năm 2013 cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên lục địa và biến nước này thành "thủ đô" của tội phạm mạng.

Nhưng, hiện nay cộng đồng online đang phát triển mạnh của Abidjan đang có những nỗ lực chống lại đội quân tội phạm mạng và năm 2013 họ bầu Emmanuel Assouan, 22 tuổi, làm "Thị trưởng Web" đầu tiên của thành phố do thành tích chống tội phạm mạng.

Trung bình độ tuổi của một tên tội phạm mạng ở Bờ Biển Ngà là 16 và 17; và mỗi đối tượng kiếm được khoảng 13.000 euro/tháng từ những hành vi phi pháp. Tuổi thiếu niên được coi là cư dân chủ yếu của mạng Internet nhanh và rẻ của Bờ Biển Ngà.

Một cựu tội phạm mạng giấu tên ở Abidjan cho biết hắn ta bắt đầu lừa đảo kiếm tiền online từ năm 16 tuổi và giải thích chiêu trò kiếm tiền béo bở nhất là "lừa tình": "Anh có thể dễ dàng tìm thấy một người đàn ông hay một phụ nữ đang online để tìm kiếm tình yêu. Sau đó, anh bắt đầu chat và trao đổi hình ảnh. Bước kế tiếp là than thở đang mắc nợ cho nên cần một số tiền ví dụ như 5.000 euro. Sau khi được người tình online chuyển tiền, anh sẽ nhanh chóng biến mất với số tiền trong tay. Trong một tháng may mắn, tùy theo số cuộc tiếp xúc, tôi có thể kiếm được từ 5.000 - 12.000 euro, đôi khi đến 15.000 euro".

Trang bị chu đáo với máy tính bảng và smartphone, "Thị trưởng Web" Emmanuel Assouan dạy cho những người trẻ tuổi các phương pháp kiếm tiền online hợp pháp - ví dụ thông qua blog hay thiết kế web. Assouan tâm sự: "Chúng tôi gặp nhau tại những nơi làm việc, song thường là trong các quán cà phê Internet. Chúng tôi kêu gọi họ rời khỏi bóng tối đang hủy hoại hình ảnh đất nước". Nhưng, đó là một cuộc chiến cam go.

Theo Cảnh sát Bờ Biển Ngà, tội phạm mạng nước này đã lừa hơn 10 triệu euro từ nhiều người trên khắp thế giới. Thám tử Stephan Konan nhận định: "Sử dụng máy tính để phạm tội ít nguy cơ hơn phạm tội trong đời thực mà chúng ta đã nhìn thấy ở Bờ Biển Ngà trong những năm 1990 và 2000, với nhiều vụ cướp ngân hàng do giới trẻ gây ra. Chúng ta không còn thấy xuất hiện loại tội phạm cổ điển như thế nữa. Lúc này, bọn lừa đảo không sử dụng súng và ôtô để phạm tội mà quay sang sử dụng máy tính".

Giới trẻ Bờ Biển Ngà dễ dàng tiếp cận internet do giá dịch vụ khá rẻ.

Bờ Biển Ngà đang nhanh chóng trở thành trung tâm của loại tội phạm công nghệ cao và chính quyền nước này cũng đau đầu tìm cách đối phó.

Cách đây 3 năm, chính quyền Bờ Biển Ngà có sáng kiến thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm công nghệ cao với tên gọi "Cương lĩnh trong cuộc chiến chống tội phạm mạng" (PLCC) - tổ chức đầu tiên thuộc loại này ở Bờ Biển Ngà, với đội ngũ bao gồm các chuyên gia ngành luật và sĩ quan an ninh. Nhiệm vụ chính của PLCC là tìm kiếm và cung cấp bằng chứng số.

Stephan Konan, lãnh đạo PLCC, giải thích: "Cách đây 2 năm, chúng tôi không có khả năng này. Đầu tiên, chúng tôi cố gắng xác định danh tính của kẻ nấp đằng sau màn hình đang lừa đảo nạn nhân. Kế đến, chúng tôi tìm bằng chứng số để buộc tội nghi can".

Chỉ riêng năm 2013, PLCC đã giúp cảnh sát thực hiện gần 100 vụ bắt giữ tội phạm mạng, công bố tên tuổi chúng trên trang web của chính quyền. Tháng 5/2013, Bờ Biển Ngà đã thông qua luật về tội phạm mạng và quy định mức án tù lên đến 20 năm. Giới chức PLCC cho biết, chiêu trò phổ biến nhất của bọn tội phạm online là "lừa tình" và hơn một nửa số nạn nhân là người Pháp, Bỉ và Canada.

Trong 2 năm qua, tội phạm mạng đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế của các quốc gia châu Phi, trong khi bọn chúng không bị trừng phạt thích đáng do thiếu những quy định luật pháp chặt chẽ. Theo điều tra của Công ty An ninh mạng Team Cymru, 60% các ngân hàng Đông Phi dễ bị tội phạm mạng tấn công do thiếu đầu tư vào các chương trình bảo mật hệ thống dữ liệu.

Ngân hàng Trung ương Kenya (CBK) đánh giá các ngân hàng địa phương bị mất gần 2 triệu euro mỗi năm do tội phạm mạng. Do đó, AfricaCERT đang có kế hoạch hợp tác, huấn luyện và xây dựng đội ngũ chuyên gia an ninh mạng phù hợp cho khu vực.

Ở Nam Phi, người dân sử dụng Internet ngày càng nhiều để mua hàng hóa và dịch vụ cũng như thực hiện những giao dịch tài chính, do đó bọn tội phạm mạng có nhiều cơ hội để lừa đảo. Theo nghiên cứu điều tra của First National Bank và Rand Merchant Bank, ngày càng có nhiều người Nam Phi mua hàng online để làm quà tặng vào các dịp lễ hội và đây cũng là vấn đề gây đau đầu cho chính quyền Nam Phi.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) coi Nam Phi là quốc gia có hoạt động tội phạm mạng mạnh hàng thứ 6 trên thế giới. Tại một diễn đàn an ninh mạng diễn ra năm 2013, cố vấn an ninh máy tính, bà Beza Belayneh nhận định chính quyền Nam Phi đang phải đối đầu với tội phạm mạng như với HIV và AIDS.

Di An (tổng hợp)
.
.