Những chế phẩm từ nhau thai được săn lùng ở Anh

Thứ Năm, 02/04/2015, 18:20
Một số người xay nhau thai sau khi sinh để uống như một loại sinh tố cực bổ, trong khi số khác sấy khô nhau thai rồi nghiền thành bột mịn để "thưởng thức" dưới dạng viên nang hay bánh quy. Sự tiêu thụ nhau thai người mẹ sau khi sinh này phổ biến đến mức có tên gọi riêng là "Placentophagy". Hành vi ăn nhau thai sau khi sinh đang là chủ đề bàn cãi sôi nổi tại nước Anh.

Mới đây, người phụ nữ 41 tuổi - Kathryn Beale - ở thị trấn Swindon nước Anh đã gây ồn ào dư luận khi kinh doanh nhau thai của phụ nữ mới sinh dưới dạng thực phẩm mà giới chức y tế nước này cho là "gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe" và muốn truy tố vụ việc nhưng không thành công vì tòa án nhận định hành vi chưa đủ yếu tố nguy hiểm để cấu thành tội phạm.

Kathryn Beale và món sinh tố nhau thai cung cấp cho khách hàng.

Beale tuyên bố chỉ cho phép những người mẹ tiêu thụ chính nhau thai của mình và không chế biến sinh tố nhau thai cho bất cứ ai khác. Beale cũng khẳng định, mọi thiết bị chế biến đều được tiệt trùng cẩn thận và một số nhân vật nổi tiếng cũng thích tiêu thụ nhau thai.

Vụ việc xảy ra nhiều tháng sau khi Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) ra quy định các sản phẩm chế biến từ nhau thai là "thực phẩm mới" - nghĩa là được bán hợp pháp trong Liên minh châu Âu (EU) với điều kiện tuân thủ nguyên tắc sản xuất hợp vệ sinh và có nhãn mác đầy đủ. Tuy nhiên, các quốc gia trong EU có thể không tuân theo quy định này và những người ủng hộ sản phẩm nhau thai ở Anh đang yêu cầu chính quyền làm điều đó. Nhưng hiện nay Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) vẫn đang lúng túng về quy định sử dụng nhau thai làm thực phẩm.

Nhau thai còn tươi chưa qua chế biến.

Nhau thai thật ra là cơ quan kết nối thai với tử cung của người mẹ. Trước kia, nhau thai được coi là phần nhầy thừa thãi sau khi sinh nên phải được thiêu hủy trong bệnh viện. Nhưng vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thế kỷ XX, nhau thai bắt đầu được cổ xúy sử dụng làm thực phẩm ở Mỹ với công dụng được cho là chữa chứng trầm uất hậu sản, bổ sung chất sắt cũng như bồi bổ cơ thể cho người mẹ mới sinh con.

Và thế là trên mạng xã hội Pinterest bắt đầu xuất hiện hình ảnh về nhau thai với đủ mọi công thức chế biến. Nhau thai cũng được Pinterest hướng dẫn xay với vài loại trái cây để cho ra ly sinh tố hết sức "đậm đà"! Nhau thai cũng được nghiền thành bột mịn cho vào viên nang để uống như một loại thực phẩm chức năng! Một nhau thai có trọng lượng khoảng 500g có thể sản xuất ra 90 đến 300 viên nang, tùy theo kích cỡ và cách chế biến. Một số bà mẹ còn tiêu thụ nhau thai chưa qua chế biến ngay sau khi sinh con.

Nhau thai sấy khô đóng gói ở Trung Quốc.

Năm 2014, nữ chuyên gia châm cứu Tara Rivero Zea 42 tuổi ở London bắt đầu quan tâm đến nhau thai sau khi sinh đứa con thứ 3. Bà uống sinh tố làm từ nhau thai xay với sữa và trái cây. Hiện nay, Tara Zea chính thức kinh doanh nhau thai làm thực phẩm để phục vụ khách hàng có nhu cầu. Với giá 150 bảng Anh (khoảng 224 USD), Tara Zea thu thập nhau thai ngay tại bệnh viện để ướp lạnh và sau đó hấp, sấy khô hoặc nghiền thành bột theo yêu cầu từ khách hàng. Với 20 bảng Anh (30 USD) trả thêm, Tara Zea sẽ chuẩn bị mọi thành phần trái cây để chế biến món sinh tố nhau thai.

Mạng Nang hóa Nhau thai Độc lập (IPEN), tổ chức chỉ dẫn chế biến nhau thai ở Anh, cho biết: "Nhiều người mẹ mô tả những viên nang nhau thai có mùi như mùi đất. Nhưng nếu nuốt viên nang nhanh thì sẽ không cảm thấy bất cứ mùi vị gì cả".

x
Viên nang nhau thai.

Theo các cuộc điều tra, đa số các bà mẹ đã sử dụng nhau thai đều công nhận nó có hiệu quả tích cực đối với sức khỏe. Nhau thai chứa vitamin B6 và oxytoxin giúp phục hồi sức khỏe hậu sản. Cũng giống như dây rốn (mô mềm hình ống nối nhau thai với rốn bào thai để truyền dưỡng chất), nhau thai là nơi tập trung nhiều tế bào gốc rất có ích cho nghiên cứu y khoa chữa bệnh. Hiện tượng tiêu thụ nhau thai đang bùng nổ mạnh mẽ, nhưng bằng chứng khoa học thì vẫn còn rất mong manh! Cho đến nay vẫn chưa một cuộc thí nghiệm có kiểm soát nào thực hiện đối với "placentophagy".

Trong khi đó tại Trung Quốc, nhau thai sấy khô được sử dụng làm thuốc và phụ nữ ăn nhau thai của chính mình sau khi sinh được cho là giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Người phát ngôn của Đại học Hoàng gia Khoa Sản và Phụ khoa Anh (RECOG) phát biểu: "Hiện nay, không có bằng chứng khoa học nào làm cơ sở cho những lợi ích của nhau thai. Các bác sĩ của chúng tôi cũng cho rằng cần có công trình nghiên cứu để chứng minh". Các cơ quan an toàn thực phẩm ở châu Âu cũng tán đồng điều này.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa phê chuẩn lưu hành viên nang nhau thai do đó việc bán loại sản phẩm này không vượt khỏi ranh giới bang.

Lynnea Shrief, 31 tuổi - người thành lập IPEN, gốc ở thành phố Detroit và nay là công dân Anh sống ở Tây Ban Nha - cho rằng, Mỹ có những quy định về thực phẩm kém chặt chẽ hơn châu Âu. Ở Anh, phần lớn những người cung cấp nhau thai đều được IPEN huấn luyện. Theo mạng IPEN, từ năm 2009 có hơn 4.000 phụ nữ tiêu thụ nhau thai được huấn luyện bởi 72 thành viên của IPEN.

An An (tổng hợp)
.
.