Đại kim tự tháp có lối đi bí mật?

Thứ Tư, 18/11/2015, 15:35
Sau nhiều vết tích về những căn phòng phía sau các bức tường của lăng mộ Toutankhamon, lần này đến kim tự tháp Kheops được ghi nhận có một "dị thường nhiệt" quan trọng theo kết quả của dự án khảo sát ScanPyramids.

Các đền đài Ai Cập dường như muốn dành cho chúng ta những bất ngờ lớn lao trong năm nay. Sau khi nhà khảo cổ Anh Nicholas Reeves thông báo rằng đã phát hiện ra vết tích của một gian phòng bí mật, Bộ Cổ vật Ai Cập đã chấp thuận cho khảo sát kỹ hơn lăng mộ Toutankhamon. Một cuộc khảo sát triển khai trên phạm vi rộng lớn hơn bao gồm nhiều kim tự tháp mang tên  ScanPyramids. Mục tiêu của dự án này là các đền đài nổi tiếng nhất trên thế giới. Ngoài kim tự tháp Toutankhamon, còn có:

Đại Kim tự tháp Kheops: Đó là kim tự tháp còn nguyên vẹn trong số 7 kỳ quan của thế giới cổ đại, do vị pharaon Kheops xây dựng cách đây hơn 4.500 năm. Về triều đại Kheops, người ta không biết gì nhiều, ngoại trừ việc ông không sử dụng nô lệ. Di sản của ông vẫn còn đó: một kim tự tháp cao 147m, được xây với hơn 2,3 triệu khối đá nặng từ 2,5 đến 15 tấn.

Kim tự tháp Kephren: Đây là kim tự tháp thứ nhì so về kích thước trên cao nguyên Gizeh. Người ta cho rằng Kephren là con của Kheops và đã lên ngôi sau người anh cả Djedefre (kim tự tháp của ông này cách Gizeh 8km về phía bắc). Kim tự tháp Kephren cao 144m.

Kim tự tháp hình thang: Được xây cho vị pharaon Snéfrou, cha của Kheops, mà theo nhiều cứ liệu lịch sử thì ông đã cho xây từ 2 đến 4 cái. Kim tự tháp này có dạng khác với các kim tự tháp kia. Đây là cố gắng đầu tiên để xây kim tự tháp mặt láng. Nó cao 105m, nằm tại Dachour cách Cairô 40km về phía nam.

Kim tự tháp đỏ: Đây là kim tự tháp cuối cùng của Snéfrou và có mặt láng. Nó lớn hơn kim tự tháp Mykerinos (thứ 3) ở Gizeh. Kim tự tháp đỏ cũng nằm tại Dachour.

Tuy đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay nhưng các kim tự tháp vẫn chưa để lộ ra hết mọi bí ẩn, và những truyền thuyết hay giả thuyết về "các gian phòng bí mật" tha hồ được đồn thổi, nhất là đối với Đại Kim tự tháp. Bộ Cổ vật Ai Cập đã chấp thuận dự án ScanPyramids do Phân khoa Kỹ sư của Đại học Cairô và Viện Bảo quản Trùng tu di sản thực hiện. Họ sẽ khảo sát các kim tự tháp với những "phương pháp không xâm phạm", tức là không dùng đến cuốc xẻng hay thậm chí bàn chải của nhà khảo cổ.

Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng nhiệt độ hồng ngoại để "chụp ảnh hơi nóng" do một vật tỏa ra. Phương pháp này giúp phát hiện ra sự sai biệt của các vật liệu xây dựng vốn không tích tụ nhiệt giống như nhau, và cả sự hiện diện của những hốc, ngách hay phòng bí mật. Một kỹ thuật khác là "chụp ảnh bằng muon" sử dụng bức xạ vũ trụ. Các hạt cơ bản "muon" có mặt trong bức xạ và có thể đi qua khí quyển để đến mặt đất. "Chụp ảnh bằng muon" sử dụng đặc tính của các hạt cơ bản đó để tìm ra những khoảng trống bên trong cấu trúc. Nó đã được sử dụng ở Nhật để "xem" cấu trúc bên trong các núi lửa và mới đây là chẩn đoán bên trong lò hạt nhân Fukushima. Cuối cùng, ScanPyramids sẽ có giai đoạn vẽ bản đồ các kim tự tháp Gizeh và Dachour. Những máy bay không người lái trang bị laser sẽ đo đạc để vẽ ra bản đồ 3D với độ chính xác đến từng centimét. Những mô hình có được sẽ phục vụ cho cộng đồng khoa học quốc tế và công chúng.

Giai đoạn đầu của dự án là thu thập các số liệu nhiệt trên những kim tự tháp, và nó đã kết thúc vào ngày 8/11 vừa qua. Các dụng cụ đã đo đạc kim tự tháp lúc bình minh, trong khi nóng lên, rồi đến cuối ngày lúc lạnh đi. Chính trong các điều kiện đó sẽ xảy ra sự trao đổi nhiệt mà theo lý thuyết sẽ không mấy sai biệt nếu được xây dựng với cùng một vật liệu. Nhưng nếu có nhiều vật liệu khác nhau, nếu có luồng không khí bên trong hay có những dạng hình khác nhau (như những cái hốc), một vài phần sẽ nóng lên hay nguội đi nhanh hơn.

Và ở đây mọi việc trở nên thú vị: giống như với kim tự tháp Toutankhamon mà những máy scanner hồng ngoại dường như xác nhận có một gian phòng bí mật, các nhóm đo đạc đã "ghi nhận được nhiều dị thường nhiệt trên tất cả những kim tự tháp". Có một dị thường được cho là "đặc biệt đáng kể" nằm ở mặt phía đông của Đại Kim tự tháp ở mặt đất. Tuy sự sai biệt về nhiệt độ giữa 2 khối đá vôi chất lượng khác nhau thường chỉ từ 0,1 đến 0,5 độ, tại vị trí đó độ sai biệt đến 6 độ so với những khối đá bên cạnh. Bộ trưởng Cổ vật Mamdouh El-Damaty nói đến "một sự khác biệt về dạng hình" tại vị trí đó, giống như "một hành lang bí mật ở mặt đất, dẫn xuống phía dưới để đến một khu vực có nhiệt độ khác. Vật thì có gì đó ở phía sau?".

Tất nhiên vẫn còn quá sớm để kết luận và có thể còn nhiều cách giải thích khác cho hiện tượng này, nhưng người ta không thể không nghĩ đến một hành lang bí mật hay một gian phòng còn chưa được biết đến - mơ ước của tất cả những người đam mê nghiên cứu về lịch sử Ai Cập cổ đại. Các dữ liệu sẽ được xử lý và phân tích, những mô hình 3D sẽ được thiết kế. Hơn nữa, đây chỉ là các đo đạc nhiệt đầu tiên, còn nhiều lần nữa và kỹ thuật "chụp ảnh bằng muon" cũng sẽ mang lại lời giải đáp.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.