Dịch họa đi liền nhân họa

Thứ Hai, 22/12/2014, 07:45
Mối an nguy của nhân loại từ ngàn xưa đến nay luôn bị đặt trong vòng chế ngự của chiến tranh, thiên tai và dịch họa. Cùng với chảo lửa Trung Đông chưa một ngày nguội tắt thì Ebola - đại dịch gần đây nhất và nghiêm trọng nhất thời hiện đại đang công nhiên thách thức con người thế kỷ XXI.

Để cho dịch họa lần này lan nhanh, lan rộng, và nói như người đứng đầu Ủy ban Phản ứng dịch bệnh Ebola của Liên Hiệp Quốc (LHQ) Anthony Banbury "dịch bệnh đang tiến nhanh hơn chúng ta, nó đang dần chiến thắng chúng ta" thì lỗi trước hết là ở sự khinh suất của con người.

Virus Ebola Zaire, được phát hiện từ năm 1976  tại một ngôi làng  bên sông Ebola của Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo). Ở lục địa hoang sơ còn tồn tại đầy rẫy những hủ tục và phương cách sinh tồn dựa theo bản năng thiên nhiên, những bệnh nhân đầu tiên tử vong vì nhiễm virus này có thể đã bị đồng loại đơn giản xem cùng là những kẻ xấu số khác.

Gần 40 năm sau, dịch bệnh Ebola bắt đầu tái xuất tại Guinea vào tháng 12/2013 nhưng một lần nữa, truyền thông thế giới chỉ lướt qua vài dòng thông tin cho đến tháng 3/2014, nó đã chứng tỏ sức mạnh hủy diệt ở 3 quốc gia Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Đến ngày 8/8, dịch bệnh Ebola mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức ban bố là "trường hợp y tế công cộng khẩn cấp cần được quốc tế quan tâm". Đây là một định chế để 194 quốc gia ký kết thỏa thuận sẽ đồng loạt có các biện pháp thúc đẩy phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và đưa ra liệu trình chữa trị.

Các tổ chức viện trợ và các tổ chức quốc tế, trong đó có Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC), Ủy ban châu Âu đã đóng góp kinh phí và huy động nhân viên để giúp đối phó với sự bùng phát dịch bệnh; các tổ chức xã hội trong đó có Tổ chức Bác sĩ không biên giới, Hội Chữ thập đỏ, Tổ chức Tương tế Samari (Samaritan Purse), Tổ chức Phi chính phủ Avaaz cũng đang có mặt tại khu vực dịch bệnh hoành hành.

Dịch họa Ebola đang vượt xa hơn một cuộc khủng hoảng y tế khi nó tác động đến mọi tầng lớp xã hội ở các quốc gia bị ảnh hưởng, đầu tiên là Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria, cho đến nay đã cướp đi mạng sống của hơn 4.000 người, cùng lúc phá hủy các hệ thống y tế cũng như kinh tế - xã hội các nước Tây Phi.

Không phải bệnh nhân nhiễm Ebola nào cũng được “săn sóc” đặc biệt như thế này.

Ông Banbury nói: “Đây thực sự là cuộc khủng hoảng. Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng không chỉ gói gọn trong lĩnh vực y tế”. Lời tuyên bố mang đầy âm sắc ảm đạm này ngay lập tức được chứng thực. Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Tây Phi vừa khẩn thiết kêu gọi tăng cường nỗ lực hợp tác toàn cầu, đặc biệt là hỗ trợ tài chính nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế ở Tây Phi sẽ kéo theo khủng hoảng lương thực.

Tại Sierra Leone, 60% nông dân nước này đã từ bỏ ruộng vườn. Các đồng ruộng trên khắp Sierra Leone không ai canh tác hay thu hoạch. Khu vực trồng cà phê và hạt cacao của Sierra Leone chiếm khoảng 90% sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp của nước này đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Ebola. Lượng người chết tăng gấp đôi sau khi mỗi tháng qua đi, trong khi các vắc xin chữa bệnh vẫn chưa được chính thức sử dụng. Tất cả những điều đó vẫn chưa kinh hoàng bằng một cuộc khủng hoảng mới: nạn đói.

Vào đầu tháng 10 này, các nhân viên cứu trợ đã đến thăm một số trẻ trong hàng ngàn đứa trẻ mồ côi do gia đình, người thân đã thiệt mạng vì virus Ebola. Họ ngỡ ngàng khi biết, những đứa trẻ này đã chết vì đói chứ không phải vì dịch bệnh.

Bộ trưởng Nông nghiệp Sierra Leone Joseph Sam Sesay cho biết: "Các nông trại thật sự tiêu điều. Nhiều hộ gia đình, nhiều ngôi làng đã bị xóa sổ. Phải hiểu rằng nông nghiệp là chỗ dựa chính cho nền kinh tế của chúng tôi. Nếu nông nghiệp sụp đổ thì nền kinh tế của chúng tôi sẽ sụp đổ".

Về phần mình, Bộ trưởng Nông nghiệp Liberia Florence Chenoweth cho biết, hàng tỉ đôla Mỹ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp đã hoàn toàn bốc hơi khi mà ngành nông nghiệp nước này đang vật vã cùng dịch bệnh. Quốc gia này đã thu hút 17,6 tỉ đôla Mỹ đầu tư nước ngoài từ nửa cuối năm 2013, bao gồm 7 tỉ đôla cho phát triển nông nghiệp, nhưng hiện các nhà đầu tư này đã “bỏ của chạy lấy người”.

Các chuyên gia vào đầu năm nay đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Liberia là 9% nhưng hiện giảm xuống chỉ còn khoảng 2%, nếu xét ở cái nhìn lạc quan nhất. Sau nhiều tháng bị Ebola hoành hành, Liberia tuyên bố đang thiếu 4.900 túi đựng thi thể. Và sẽ cần thêm… 85.000 túi đựng thi thể trong 6 tháng tới, chưa kể các vật dụng phục vụ phòng chống dịch như đồ bảo hộ, mặt nạ, găng tay.

Ngày 13/10, Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp của LHQ nêu kết quả khảo sát sơ bộ rằng, tình trạng thiếu lương thực bắt đầu xảy ra ở Senegal và các nước Tây Phi khác bởi hoạt động thương mại trong khu vực gần như rơi vào trạng thái tê liệt. Rất nhiều người ở đây đang phải sử dụng đến những đồ ăn tạp chất, đồ thừa vứt bỏ để chống đói. Ngoài ra, nơi đây còn bị bao vây bởi vấn nạn vệ sinh phòng dịch , ước tính các nước này đang cần đến 100.000kg bột Clo để khử trùng.

Tại Nzerekore, thành phố lớn thứ 2 của Guinea, vào ngày 28/9 đã xảy ra một cuộc bạo động sau khi có tin đồn các nhân viên y tế đã lây truyền virus Ebola cho người dân địa phương.

Theo mô tả của Youssouf Traore, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Guinea, nhiều nhóm người đã xông đến đập phá trạm y tế và hành hung các nhân viên, lực lượng an ninh phải đến để lập lại trật tự. Ca lây nhiễm virus Ebola đầu tiên trong năm nay được ghi nhận tại đông nam Guinea vào hồi tháng 3, đến nay dịch bệnh đã giết chết hơn 1.500 người  mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh tại đây thấp hơn so với hai nước láng giềng Liberia và Sierra Leone.

Vụ bùng phát bạo lực này cho thấy một trong những khía cạnh đáng sợ khác của dịch bệnh Ebola là ở những ổ dịch nguy cấp nhất thì nhân viên y tế lại thiếu phương tiện nghiêm trọng.

Một tuần sau khi bệnh nhân Ebola đầu tiên ở Mỹ tử vong, tiếp sau đó là thông tin hai nữ y tá từng tham gia chữa trị cho bệnh nhân trên cũng lây nhiễm, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ cộng đồng của Mỹ, bà Sylvia Burwell thừa nhận rằng, chưa bao giờ dân Mỹ lại thấy hoang mang lo ngại như lúc này về nguy cơ bùng nổ dịch bệnh Ebola ngay trên đất nước vốn tự hào với nền khoa học- y tế tân tiến hàng đầu thế giới.

Báo The Washington Post và hãng ABC News nhanh chóng đưa ra kết quả thăm dò dư luận: hơn 60% người dân Mỹ không nghi ngờ gì về viễn cảnh Ebola sẽ bùng phát trên diện rộng. Điều khiến người dân Mỹ hoang mang hơn cả là với những thiết bị y tế hiện đại hàng đầu thế giới, đội ngũ các nhà khoa học bậc thầy nhưng virus Ebola vẫn có thể lây nhiễm dễ dàng từ người này qua người khác. Đang bị “thù trong giặc ngoài” (ngay trong nội bộ đảng Dân chủ và lực lượng đối nghịch là đảng Cộng hòa) công kích tơi tả trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông chủ Nhà Trắng buộc phải cùng các thành viên nội các tập trung bàn phương kế đối phó đại dịch Ebola.

Để minh họa cho lời nhận định rằng, nguy cơ bùng phát dịch Ebola ở Mỹ là “cực kỳ thấp”, Tổng thống Obama mạnh mồm cho biết ông đã gặp và thậm chí còn... ôm hôn những nhân viên y tế từng điều trị bệnh nhân Ebola.

Tại sao một cường quốc nắm giữ những công nghệ khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới vẫn để lọt lưới cho virus Ebola lây nhiễm? Tiến sĩ Craig Smith, Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Đại học Augusta, bang Georgia thừa nhận: “Hệ thống y tế của chúng ta đã không xử lý tốt trường hợp nhiễm bệnh Ebola đầu tiên ở nước Mỹ”.

Một nhân viên CDC giương biểu ngữ trước Nhà Trắng kêu gọi ngưng các chuyến bay đi và đến từ Tây Phi.

Theo các chuyên gia, các sai lầm của các nhân viên y tế với trường hợp của bệnh nhân Thomas Eric Duncan( trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tử vong tại Mỹ) gồm: trì hoãn việc xét nghiệm và điều trị đến 2 ngày, tạo điều kiện cho virus phát tán, sự thờ ơ của nhân viên y tế với một trường hợp nghi nhiễm nguy hiểm. Trung tâm Y tế thuộc Đại học Vanderbilt gần đây đã tiến hành một cuộc kiểm tra: Họ cho một người giả dạng bệnh nhân Ebola đến xét nghiệm. Trong quá trình xét nghiệm, một số y tá và bác sĩ đã tháo bỏ mặt nạ và các trang thiết bị bảo vệ khác.

Phát biểu tại Trung tâm Quốc tế Wilson, Tiến sĩ William Schaffner - Cục trưởng của Cục Y tế dự phòng Mỹ cho biết: “Nhiều nhân viên lơ là chuyện đeo khẩu trang và đồ bảo hộ để làm việc. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế khi họ tiếp xúc hay bị dây dính các chất dịch nhiễm virus”.

Trong một cuộc điều tra lớn được thực hiện mới đây tại Mỹ, 76% y tá cho biết họ đã không nhận được một chút thông tin nào về chính sách của nhà nước liên quan đến khả năng các bệnh nhân Ebola đến Mỹ. 85% các y tá nói là họ chưa từng nhận được một buổi tập huấn nào về việc phòng chống Ebola. Hơn 1/3 số bệnh viện phàn nàn rằng, họ không có đủ mặt nạ và đồ bảo hộ cần thiết. Từ đó, giới chức y tế Mỹ mới chịu để mắt tới và giật mình phát hiện ngân sách của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ cho tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp đã giảm từ 1,1 tỉ USD năm 2006 xuống còn 698 triệu USD trong năm 2010 và chỉ còn 585 triệu USD vào năm 2013. Rồi từ năm 2008 đến năm 2013, các sở y tế địa phương đã phải cắt giảm 48.300 nhân viên y tế, chiếm khoảng 15% tổng số nhân viên y tế trên toàn nước Mỹ.

Hiện hầu hết các nước trên thế giới, từ Âu sang Á đến Mỹ Latinh đều đang tiến hành cách ly, theo dõi những người có dấu hiệu sốt hoặc trở về từ các nước có dịch Ebola. Trong nước Mỹ, mặc dù chính quyền Washington đã gia tăng các biện pháp phòng ngừa và Tổng thống không ngừng kêu gọi công dân Mỹ hãy tin tưởng vào “sự can thiệp kịp thời” của giới hữu trách nhưng một số nghị sĩ Mỹ vẫn đề nghị đóng cửa khẩu đối với các du khách đến từ các nước Tây Phi. Hàng trăm nhân viên quét dọn trên các máy bay chở khách đã xin nghỉ việc vì lo ngại sẽ vô tình trở thành nạn nhân của “loại virus kinh khủng”. Phản ứng này gợi nhớ đến “Cái chết đen” từng lôi cả cộng đồng người Do Thái châu Âu vào vòng xoáy giết chóc.

Đại dịch "Cái chết đen" xảy ra chủ yếu ở châu Âu trong thế kỷ XIV, từ năm 1348 đến năm 1350. Thảm họa này đã cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người, giết chết từ 30 tới 60% dân số của châu Âu. Đại dịch bắt đầu xuất hiện ở châu Âu vào tháng 10/1347, một chiếc tàu buôn lớn trở về từ chuyến giao thương với Trung Hoa ngay sau khi cập cảng Messina (Sicily, Italia) thì tất cả các thuyền viên trên tàu đều lăn ra chết không rõ nguyên do. Thảm kịch bí ẩn này đã dấy lên mối nghi ngờ về một loại dịch bệnh khủng khiếp được đưa đến từ xứ sở của con đường tơ lụa. Những con chuột mang mầm bệnh từ con tàu đã kịp truyền đi mầm bệnh.

Năm 1348, dịch bệnh lan từ Bristol tới Oxford và London. Như một cơn đại địa chấn, chưa đầy 5 năm sau đó, hơn 25 triệu người dân châu Âu đã hiến mạng cho "cái chết đen", trong đó là khoảng một nửa dân số kinh thành Paris, tức 100.000 người. Sau khi đại dịch đi qua, nhiều người cho  rằng, một thế lực siêu nhiên đã trừng phạt con người vì dám chống lại sức mạnh của tạo hóa. Nhiều kẻ cực đoan đổ vấy người Do Thái đã đầu độc nguồn nước. Hậu quả là, theo ước tính, cho tới năm 1351 đã có 60 cộng đồng lớn và 150 cộng đồng nhỏ của người Do Thái trên khắp châu Âu đã gần như diệt vong sau nhiều cuộc tấn công bạo lực …

Từ “Cái chết đen” của thế kỷ XIV đến dịch họa Ebola của thế kỷ XXI, chính sự khinh suất và suy nghĩ mông muội của con người là một trong những tác nhân thổi bùng thảm họa.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.