Diệt tế bào ung thư bằng ký sinh trùng sốt rét?

Thứ Ba, 03/11/2015, 21:00
Mới đây, một công trình nghiên cứu đã được các nhà khoa học thuộc hai trường đại học là Đại học Copenhagen, Đan Mạch và Đại học British Columbia, Canada công bố trên tạp chí Cancer Cell - là tờ báo uy tín hàng đầu thế giới về bệnh ung thư - cho thấy 90% các bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi do một protein có trong ký sinh trùng sốt rét…

Từ một phát hiện tình cờ…

Theo Tiến sĩ Ali Salanti, Trường đại học Copenhagen, Đan Mạch thì trong quá trình nghiên cứu nhằm bảo vệ những phụ nữ có thai nhưng chẳng may nhiễm bệnh sốt rét, các nhà khoa học thuộc Đại học Copenhagen đã bất ngờ nhận ra rằng một protein có trong ký sinh trùng sốt rét vừa tấn công bánh nhau của thai phụ, lại vừa tấn công tế bào ung thư rồi tiêu diệt tế bào này.

Sự "tình cờ" được ghi nhận ở một phụ nữ tên Christie, 28 tuổi, nhiễm ký sinh trùng sốt rét khi đi du lịch ở Kenya. Lúc bị rốt rét, Christie đang mang thai 19 tuần tuổi. Bác sĩ Olsen, một thành viên trong nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen cho biết: "Tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm, ngoài bệnh sốt rét, chúng tôi còn phát hiện Christie có một khối u ác tính trong dạ dày, đường kính 7,6mm".

Thế nhưng, trong quá trình theo dõi diễn tiến bệnh, bác sĩ Olsen và các đồng sự rất ngạc nhiên khi thấy khối u dạ dày của Christie cũng đồng thời co nhỏ lại. Tiến hành khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng loại protein mà ký sinh trùng sốt rét dùng để "chui" vào tế bào máu người rồi phá vỡ hồng cầu thì nó cũng "chui" cả vào tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Bác sĩ Olsen nói: "Tuy nhiên không thể chữa ung thư bằng cách làm cho người bệnh nhiễm ký sinh trùng sốt rét bởi lẽ nếu sốt rét chuyển sang dạng ác tính - nhất là ác tính thể não thì người bệnh sẽ chết vì sốt rét trước khi chết vì bệnh ung thư, mà chúng tôi chỉ áp dụng phát hiện này để đưa protein của ký sinh trùng sốt rét vào tế bào ung thư".

Dựa trên cơ chế sinh học, người ta nhận thấy trong giai đoạn mang thai, sức đề kháng của thai phụ thường suy giảm. Vì vậy, những phụ nữ mang thai vào 3 tháng đầu của thai kỳ có tỷ lệ bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét cao hơn các phụ nữ khác cùng sống tại những vùng có lưu hành bệnh sốt rét. Khi thai phụ mắc bệnh sốt rét,  bệnh cảnh lâm sàng thường diễn biến nặng do thiếu máu, hạ đường huyết, phù phổi cấp. Nguy hiểm hơn, ký sinh trùng sốt rét theo bánh nhau, dây rốn xâm nhập bào thai làm tăng nguy cơ gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, tử vong sơ sinh…
Ảnh chụp dưới kính hiển vi cho thấy protein của ký sinh trùng sốt rét đang tự gắn với tế bào ung thư rồi tiêu diệt nó.

Bên cạnh đó, qua theo dõi thực tế, các chuyên gia dịch tễ học, bệnh học nhận thấy tỷ lệ chuyển đổi từ sốt rét cơn, sốt rét cách nhật sang sốt rét ác tính ở phụ nữ mang thai thường cao hơn so với những phụ nữ bị sốt rét nhưng không mang thai, đồng thời phần lớn phụ nữ mang thai bị sốt rét ác tính thường tử vong nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời.

Theo Tiến sĩ Ali Salanti, nguồn năng lượng chính nuôi dưỡng cơ thể con người là carbohydrate, bao gồm đường, tinh bột, rau, đậu, trái cây, sữa và chất xơ. Ở thai phụ, carbohydrate đảm bảo cho bánh nhau phát triển nhanh, từ một vài tế bào trở thành một bộ phận nặng xấp xỉ 1kg. Nó cung cấp cho phôi thai ôxy và các chất dinh dưỡng theo nguyên lý protein trong carbohydrate tự gắn vào bánh nhau rồi theo dây rốn đến thai nhi, giống y như protein của ký sinh trùng sốt rét tự gắn vào tế bào ung thư. Chính sự tương đồng này đã mở ra một hướng điều trị ung thư mà không cần phải sử dụng những phương pháp khác.

Tiến hành các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã cấy ghép tế bào của 3 loại bệnh ung thư thường thấy xuất hiện ở người là ung thư hạch, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư xương vào chuột nhắt. Sau đó, họ đưa protein của ký sinh trùng sốt rét vào khối u. Kết quả kích thước của khối u hạch giảm xuống chỉ còn 1/4, ung thư tiền liệt tuyến bị tiêu diệt hoàn toàn còn những con chuột bị ung thư xương di căn vẫn sống sau 3 tháng so với nhóm đối chứng đều chết hết.

Tiến sĩ Ali Salanti nói: "Câu hỏi lớn nhất là cơ chế này có tác dụng trên cơ thể người hay không, và liệu cơ thể con người có thể dung nạp được liều lượng cần thiết cho việc chữa trị mà không bị tác dụng phụ hay không? Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lạc quan vì qua các thí nghiệm, protein của ký sinh trùng sốt rét có vẻ chỉ tự gắn với một carbohydrat duy nhất có ở bánh nhau và ở tế bào ung thư người".

Cũng tương tự như vậy, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học British Columbia, Canada tách riêng protein sốt rét có khả năng tự gắn vào carbohydrate nhưng có thêm một độc tố. Tiến sĩ Mads Daugaard, thành viên của nhóm nghiên cứu nói: "Bằng cách thí nghiệm trên chuột, chúng tôi đã thực hiện với hàng nghìn mẫu,  từ u não cho đến ung thư máu. Kết quả chứng minh rằng hợp chất protein - độc tố này tiêu diệt được hơn 90% các loại tế bào ung thư".

Từ trước đến nay, các phương pháp chữa ung thư truyền thống vẫn là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và "dùng thuốc trúng đích". Những phác đồ điều trị theo cách này đã trở thành kinh điển trong các bệnh viện chuyên về ung thư. Thế nên ngay sau khi phát hiện về protein của ký sinh trùng sốt rét được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì không chỉ giới y khoa vui mừng, mà còn là hàng triệu bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới bởi lẽ chẳng riêng gì họ, mà ung thư đến nay vẫn còn là cơn ác mộng với cả loài người.

Các thầy thuốc Việt Nam nói gì?

Theo thống kê của ngành y tế, cứ mỗi năm Việt Nam lại có thêm chừng 110.000 người được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư, khoảng 75.000 người trong số đó chết vì căn bệnh này mà hầu hết đều do không phát hiện sớm. Người bệnh chỉ đi khám khi những dấu hiệu ung thư đã xuất hiện rõ ràng nên chả trách khi vào viện, 2/3 bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn đến nhiều nơi trong cơ thể. Vẫn theo các thống kê, tỉ lệ mắc bệnh ung thư có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,  TP HCM, Cần Thơ…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư hiện là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ 2 (hằng năm làm chết 8 triệu người), chỉ sau bệnh tim mạch. Nếu như năm 2000, số người mới phát hiện mắc bệnh ung thư là khoảng 6,8 triệu thì năm 2014, con số này là 12,7 triệu.

Trước thông tin về việc tìm ra phương pháp điều trị ung thư bằng cách gắn protein của ký sinh trùng sốt rét vào khối u, bác sĩ Uyển, nguyên bác sĩ thuộc Khoa Huyết học, Bệnh viện Ung bướu TP HCM nói: "Theo nguyên tắc, bất kỳ một cách chữa bệnh nào, trước khi đưa vào áp dụng thực tế lâm sàng cũng đều phải trải qua ba giai đoạn. Đó là nghiên cứu, thí nghiệm trên động vật để đánh giá sự thành công rồi mới thí nghiệm trên những người tình nguyện nhằm đo lường sự đáp ứng cũng như các tác dụng phụ. Thế nên có nhiều loại thuốc từ lúc nghiên cứu, thí nghiệm đến khi đưa ra thị trường phải mất 3 đến 5 năm…".

Trường hợp điều trị ung thư bằng protein của ký sinh trùng sốt rét cũng vậy, nó mới chỉ được nghiên cứu trên chuột nhắt chứ chưa thực nghiệm trên cơ thể người nên chưa thể đánh giá được nó có khả thi hay không. Bác sĩ Uyển nói tiếp: "Tuy nhiên, đại đa số những thí nghiệm y học được tiến hành trên loài chuột đều có tác dụng giống như trên người mà điển hình là các thuốc chữa bệnh lao, phong cùi, thuốc chữa các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus… Vì vậy, dù phải chờ thêm 5 năm nữa nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng".

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Khoa Viêm gan Bệnh viện Chợ Rẫy thì ung thư là một trong những vấn đề nan giải của y học: "Những năm gần đây, con số bệnh nhân ung thư gan nhưng được chẩn đoán sớm rồi sau điều trị, họ sống trên 5 năm đã đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nếu so với những bệnh nhân tử vong vì không phát hiện kịp thời thì vẫn là rất ít".

Theo Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM: "Theo quan điểm của tôi, có thể phương pháp gắn protein ký sinh trùng sốt rét vào tế bào ung thư sẽ thành công nhưng có lẽ nó chỉ thành công với người mắc bệnh ở giai đoạn đầu vì rằng khi tế bào ung thư đã di căn đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể, phá hủy chức năng của những bộ phận ấy thì dù có tiêu diệt được khối u chăng nữa, nhưng liệu những bộ phận ấy có phục hồi và hoạt động được như bình thường hay không?".

Thế nên, theo bác sĩ Nguyễn, giảng viên Bộ môn Ngoại Tổng quát, Đại học Y Dược TP HCM, người đã từng mổ hàng trăm ca ung thư thực quản, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày… thì điều quan trọng là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nên đi khám ngay khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường như chán ăn, sụt cân, ho kéo dài, khạc hoặc đại tiện ra máu, khó tiểu, ra khí hư hoặc thường xuyên rong kinh, có sự thay đổi ở các nốt ruồi trên da… Bác sĩ Nguyễn cho rằng: "Việc chẩn đoán sớm không chỉ tạo thuận lợi cho bác sĩ điều trị, mà người bệnh còn có cơ may kéo dài cuộc sống…".

Cao Trí
.
.