Khi bệnh viện bắt tay với công ty môi giới y khoa

Thứ Tư, 02/12/2015, 13:05
Các bệnh viện ở nước Đức kiếm được 1 tỉ euro/năm (khoảng 1,35 tỉ USD) từ các bệnh nhân người nước ngoài sang chữa bệnh. Ở châu Âu, Đức nổi tiếng với đội ngũ bác sĩ giỏi sử dụng các công nghệ y khoa tiên tiến nhất trong các khoa bệnh sạch sẽ tuyệt đối. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh chữa bệnh này vẫn có không ít bác sĩ dối trá, lừa gạt bệnh nhân với những xét nghiệm không cần thiết hay chữa trị qua loa chỉ vì tham lợi nhuận.

Rầm rộ dịch vụ y tế du lịch

Câu chuyện của Sarkis Sargsyan là một trong những câu chuyện về nghịch cảnh, những hứa hẹn hão huyền, những món lợi nhuận khủng và sự lừa dối. Sarkis Sargsyan, 46 tuổi, là bệnh nhân người Nga bị ung thư đã di căn đến gan, phổi và não. Tất cả bắt đầu vào tháng 9-2012, Sargsyan phát hiện trong phân có lẫn máu. Sau khi được nội soi tại một bệnh viện ở Moscow, Sargsyan được bác sĩ cho biết có khối u trong ruột và được khuyên đến Đức để chữa trị nhưng cũng cảnh báo "nên cẩn thận với các bệnh viện ở Đức".

Sau khi tìm kiếm trên Internet, Sargsyan chọn Trung tâm Y tế cải tiến, viết tắt là IMZ GmbH, ở thành phố Munich nước Đức. Sargsyan không biết rằng một giai đoạn tồi tệ nhất trong đời ông sắp sửa bắt đầu với IMZ.

Bệnh viện Đại học Klinikum Rechts der Isar.

Ngày 16-9-2012,  ông Sargsyan cùng với vợ là Nelly và anh trai Derenik bay đến Munich, sau khi đã chuyển khoản cho IMZ số tiền ứng trước 3.500 euro cho tiến trình điều trị và lo liệu visa. Ngay khi vừa đến nước Đức, cả 3 người nhanh chóng tìm đến văn phòng của IMZ ở khách sạn Sheraton Munchen Arabellapark. Một người đàn ông tên là Arsen B. chìa ra danh thiếp giới thiệu là giáo sư tiến sĩ y khoa và hứa hẹn sẽ giúp Sargsyan chữa bệnh. Đầu tiên, Sargsyan được giới thiệu đến Bệnh viện đa khoa Arabella để tiến hành nội soi. Bác sĩ cho biết bệnh ung thư của Sargsyan đã di căn đến gan và phổi, cần được hóa trị và xạ trị và đưa ra chi phí là 10.000 euro.

Sau đó, Sargsyan phải tiếp tục đóng thêm 20.000 euro nữa. Cuối cùng, gia đình Sargsyan quyết định bỏ nửa chừng và quay về Moscow. Sau 2 tuần trở về quê nhà, bệnh tình của  Sargsyan trở nặng. Bác sĩ chẩn đoán là khối u ung thư đã di căn đến não. Lần thứ hai bay sang Đức, Sargsyan được chữa trị tại Bệnh viện Đại học Klinikum Rechts der Isar, thành phố Munich.

Jens Juszczak, giáo sư Đại học Khoa học ứng dụng Bonn-Rhain-Sieg và là chuyên gia hàng đầu về du lịch chữa bệnh của Đức,  có vài trăm công ty môi giới y tế cung cấp dịch vụ chữa bệnh cho người nước ngoài nhưng chỉ có vài cơ sở là thật sự có uy tín. Phần lớn các công ty này không đăng ký hoạt động với chính quyền; thậm chí nhiều cơ sở chỉ có một người, một điện thoại di động và một trang web!

Ví dụ, Baden-Tour quảng cáo trên trang web tiếng Nga rằng, công ty này có mối quan hệ với 256 bệnh viện đối tác nhưng phần lớn các bệnh viện này khẳng định họ hoàn toàn không biết gì về Baden-Tour. Trong khi đó, các trang web không nêu rõ chi tiết về giá cả chữa trị và mức thu phí môi giới sẽ là bao nhiêu. Theo Juszczak, một số bệnh viện mới thành lập ở Đức cũng lợi dụng các công ty môi giới y tế này để kiếm chác từ những bệnh nhân.

Du lịch chữa bệnh được coi là nguồn thu nhập béo bở vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Đối với các giám đốc bệnh viện, lợi nhuận thu được từ các bệnh nhân nước ngoài giúp bổ sung cho ngân sách bệnh viện để chi trả cho các kế hoạch mua sắm thiết bị y tế mới. Thậm chí, chính quyền Đức cũng cổ vũ cho loại hình kinh doanh dịch vụ y tế du lịch này. Ví dụ, chính quyền bang Bavaria của Đức đầu tư 5 triệu euro cho dự án "Bavaria - bang chăm sóc y tế tốt nhất", với mục tiêu là thu hút du khách đến chữa bệnh tại đây. Các nhà đầu tư ở Bavaria còn tuyên bố bang này là "Thung lũng Y tế" của châu Âu! Cơ quan trung ương quảng bá du lịch Đức (DZT) cũng quảng cáo hệ thống y tế Đức trong một tập sách nhỏ tựa đề "Những chuyến du lịch chữa bệnh", phát hành đến 50.000 bản với 4 thứ tiếng Đức, Anh, Nga và Arập.

Cơ quan du lịch của thành phố Hamburg cũng xuất bản phụ trương 60 trang trên tờ báo tiếng Đức Moskauer Deutsche Zeitung ở Moscow, trong đó quảng cáo Hamburg là "thành phố chăm sóc y tế lý tưởng". Cả chính quyền liên bang và Nghị viện Đức đều đóng dấu phê chuẩn cho tài liệu quảng cáo này. Các bệnh viện lớn cũng thành lập riêng một "phòng ban quốc tế" phụ trách công tác tổ chức người phiên dịch, lo liệu visa và mọi thứ tiện nghi cần thiết cho bệnh nhân nước ngoài và gia đình họ khi đến Đức chữa bệnh. Còn các bệnh viện nhỏ hơn và tư nhân thì cố gắng liên kết với các công ty môi giới y tế để chào mời dịch vụ của họ với các du khách vừa mới bước xuống sân bay.

Khi bước vào Nhà đón khách 1 ở sân bay Munich, du khách đến từ Nga và Ukraine sẽ bắt gặp tấm biển to đùng với những dòng chữ đập ngay vào mắt: "Kiểm tra nhanh 5 giờ, kiểm tra tim 8 giờ, kiểm tra ung thư 2 ngày". Thông tin trên tấm biển này là "sự hợp tác" của 12 bệnh viện và phòng khám tư nhân với Công ty môi giới Doktor Mjuncen. Bên dưới hình ảnh 2 bác sĩ đang tươi cười là địa chỉ trang web của Doktor Munhen - www. Doktor Munhen.ru.

Vô tư "chặt chém"!

Hai luật sư Maksims Slosbergs và Evgenij Steinberg - ở thành phố Dortmund của Đức đã quá quen với những sự bất bình từ phía du khách đến Đức chữa bệnh, như trường hợp của Sarkis Sargsyan. Hai người từng xử lý vài vụ kiện cáo của bệnh nhân người Nga vì bị lừa đảo tại Đức. Luật sư Slosbergs cho biết, truyền hình Nga cũng đưa tin về những nạn nhân của loại hình kinh doanh du lịch chữa bệnh, và một số nạn nhân đã thẳng thắn tố cáo tình cảnh bị các công ty môi giới lừa tiền của mình trên Internet.

Sarkis Sargsyan (phía sau) cùng với vợ và anh trai.

Luật sư Slosbergs kể về trường hợp của một nữ bệnh nhân du lịch tên là Maria V, 37 tuổi, được công ty môi giới giới thiệu phẫu thuật khớp háng ở vùng Ruhr nước Đức. Ca phẫu thuật không thành công và Maria V. phải tiếp tục được can thiệp ngoại khoa lần nữa. Bất chấp trình độ chuyên môn còn yếu kém, bác sĩ phẫu thuật vẫn dửng dưng chìa ra hóa đơn ghi rõ mức phí thu thêm cho ca can thiệp lần hai lên đến 6.000 euro.

Một trường hợp tương tự đã xảy đến cho bệnh nhi người Nga Ruslana Fadeyeva - 8 tuổi đến Đức. Ruslana Fadeyeva bị ung thư bạch cầu Burkitt (đặt tên theo bác sĩ người Anh Denis Burkitt, người lập bản đồ những vùng ở châu Phi bị căn bệnh hoành hành). Cũng giống như trường hợp gia đình bệnh nhân Sarkis Sargsyan, cha mẹ của Ruslana Fadeyeva không tin tưởng vào hệ thống y tế của Nga nên ra sức tra cứu trên Internet và cuối cùng tìm thấy một công ty môi giới có tên là Medical Travel ở thành phố Ludenscheid.

Trong trường hợp của Fadeyeva, Medical Travel đề nghị chữa trị tại thành phố Munster lân cận. Nhưng gia đình của Fadeyeva không đủ khả năng đáp ứng số tiền trả trước cho Medical Travel lên đến 183.600 euro. Mặc dù cha của cô bé, ông Roman, kinh doanh vài cửa hiệu quần áo nhưng gia đình chỉ dành dụm được 20.000 euro và họ cũng chỉ vay ngân hàng được thêm 80.000 euro. Cuộc thương lượng hai bên bắt đầu như bao trường hợp khác.

Khi bước vào Nhà đón khách 1 ở sân bay Munich, du khách đến từ Nga và Ukraine sẽ bắt gặp tấm biển in rõ địa chỉ trang web của Doktor Munhen.

Sau đó, ông Roman Fadeyev nhận được "bảng giá mới" từ Medical Travel để "tiến hành xét nghiệm và chữa trị tại Trung tâm Ung thư nhi Bệnh viện Đại học Dusseldorf". Lần này, số tiền ứng trước vừa với khả năng của gia đình Roman Fadeyev - 100.000 euro! Tháng 7-2008, Ruslana Fadeyeva cùng với gia đình bay đến thành phố Dusseldorf. Bệnh của cô bé Fadeyeva được chữa khỏi. Gia đình mừng khôn xiết, song họ vẫn cảm thấy chi phí chữa bệnh cao một cách bất thường.

Cuối cùng, ông Roman Fadeyev yêu cầu Bệnh viện Đại học Dusseldorf cung cấp hóa đơn chi tiết nhưng nơi này cho biết họ không còn giữ thông tin và đã gửi hóa đơn đến cho Medical Travel. Còn Công ty Medical Travel thì không đồng ý cung cấp giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của gia đình bệnh nhi. Luật sư Slodbergs vào cuộc điều tra và 2 năm sau Tòa án khu vực Hagen của Đức tuyên bố gia đình Roman Fadeyev thắng kiện. Gia đình Fadeyev vô cùng choáng váng khi nhận được hóa đơn cho thấy chi phí chữa trị cho con gái họ chỉ có 39.715 euro, bao gồm cả khoản trả cho bác sĩ trưởng. Rõ ràng là Công ty Medical Travel đã bỏ túi số tiền còn lại!

Giáo sư Juszczak cho biết, các bệnh viện ở Đức đôi khi phải trả một khoản tiền nào đó cho các công ty môi giới để tìm kiếm bệnh nhân cho họ, cho dù vào năm 2011 Tòa án khu vực Kiel ở miền Bắc nước này mô tả những thỏa thuận như thế là trái với đạo đức ngành y. Các thẩm phán cho rằng tình trạng "thương mại hóa" ngành y tế đang làm xói mòn lòng tin của bệnh nhân đối với một nền y khoa tiên tiến như nước Đức.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.