Dựng đê ngăn biển – kỳ tích phi thường của người Hà Lan

Thứ Ba, 08/03/2016, 22:00
Kể từ thế kỷ XIII trở lại đây, đại dương đã lấy mất của người Hà Lan 6000km² đất liền, có nghĩa là ngang với 1/5 diện tích đất nước; và cũng ngang bằng với tổng diện tích mà người Hà Lan đã dày công “lấn biển”.

Nhưng số đất mới khai phá này luôn bị đe dọa, bởi một nửa Vương quốc Hà Lan đang nằm dưới mực nước biển. Khi có triều cường, nước từ đại dương tràn vào nội địa qua các con sông Ems, Maas, Rein và Selda-Shelde và nếu như hệ thống đê không trụ giữ nổi, mức tàn phá thật khủng khiếp.

Công trình đập đóng - mở bổ sung kề hải cảng Rotterdam hoàn tất giữa năm 1997.

Ngày 16-1-1219 có trận lụt Marsel tràn vào giết chết 36.000 người chết. Nhưng kinh khủng nhất là trận lụt Marsel xảy ra hôm 16-1-1362 khiến hàng trăm nghìn người chết đuối, mặt nước bao phủ từ hồ Ziuderzee tới tận Bắc Frizi… Cứ sau mỗi thảm họa, đê điều lại được tôn cao lên, nhưng chẳng bao giờ đủ vững cả. Cơn lũ Ignati hôm 1-2-1953 tại tỉnh Zeelandi đã làm đê biển vỡ tới… 589 chỗ, cướp đi sinh mạng của 1.836 người, hàng chục ngàn gia súc chết đuối, hàng chục nghìn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi…

Tới đầu năm 1957, một kế hoạch đồ sộ đã được Chính phủ Hà Lan thông qua: xây những con đê lớn dọc các triền sông nhằm chặn đứng nạn lụt lội. Qua kế hoạch ngăn biển của thế kỷ, người Hà Lan muốn đạt cùng một lúc 4 mục đích: phòng hộ chắc chắn khỏi lũ lụt; tạo dựng đường giao thông trên mặt đê mới nối trực tiếp với các hòn đảo còn lại ở phía tây đất nước; tăng lượng nước ngọt dự phòng; bảo hộ các tuyến đường thủy quốc nội phần phía đông, tuyến thông thương chủ yếu chở hàng quá cảnh từ Rotterdam (hải cảng có lượng hàng trung chuyển lớn nhất thế giới) tới các quốc gia nằm xa biển ở Trung và Tây  Âu.

Và như vậy, người Hà Lan đã bắt tay vào công cuộc lấn biển vĩ đại nhất trong lịch sử của mình. Tại ba cửa sông chính, người ta lắp những tấm ngăn bằng thép giữa các cột bê tông khổng lồ, có thể mở ra cho tàu bè thông thương và đóng lại - trong vòng tối đa là 60 phút - khi cần khống chế triều cường.

Trên đảo Neeltie Ians là công trường xây dựng 66 cột bê tông cốt thép cực lớn, cao từ 35-45m và nặng tới 17.500 tấn mỗi cột. Chúng được dựng trên 4 “bàn tọa”, mỗi cái rộng 25m và dày 50m - ngang một tòa cao ốc 20 tầng. Rồi các cột được con tàu chuyên dụng Ostrea (được đặt đóng riêng cho công tác lấn biển) với 2 cần cẩu đặc chủng đưa ra 4 vũng biển cần lấp; các bàn tọa cũng vậy.

Công việc này được hoàn tất vào giữa năm 1984. Nhưng trước khi đặt các “đế bàn tọa” và dựng cột hòng tạo khung cho hệ thống đê điều mới, người ta phải tiến hành dọn sạch đáy biển qua thiết bị nạo vét đặc chủng có tên Macoma, với hệ ống hút siêu hiện đại, sao cho bề mặt đáy không được “khấp khểnh” quá 10cm. Rồi tàu chuyên dụng với cái “dầm” đặc chủng dài 400m đi đi lại lại nén cát đáy biển cho đủ cứng, sao cho không bị xê dịch khi thả các “bàn tọa” và chân cột xuống.

Để tăng thêm độ nén lòng đê, người ta dựng đường giao thông chạy trên mặt bởi xe cộ qua lại sẽ giúp “ép” đê đủ cứng với thời gian. Thân đê - khoảng trống liên kết giữa 4 “bàn tọa” và 66 cột bê tông cốt thép - cấu thành bởi hàng triệu viên đá hộc nặng từ 5kg tới 10 tấn, được phủ bên ngoài bằng 5 triệu m2 tấm bê tông cốt thép đan sẵn…

Tuyến đê hoàn hảo mới dài 700km cùng tổng trị giá gần 7 tỉ USD), đã góp phần hữu hiệu ngăn ngừa những cơn cuồng nộ của đại dương, giảm đáng kể mức thiệt hại về sinh mạng, tài sản cũng như hoa màu do lũ lụt gây ra trong 3 thập niên qua tại Vương quốc Hà Lan - xứ sở của hoa tulip và những đàn bò sữa nhởn nhơ gặm cỏ.

Trần Hồng (theo Noi Zurich)
.
.