Dùng máy bay không người lái chống săn bắt động vật hoang dã
Giấc mơ chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống săn giết lậu động vật hoang dã ở châu phi đang tiến gần đến hiện thực nhờ vào sự tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ máy bay không người lái (UAV) hay drone. Ol Pejeta Conservancy - khu bảo tồn đời sống hoang dã của Kenya bảo vệ các loài tê giác trắng và đen - đang hợp tác với Công ty công nghệ Airware (Mỹ), chuyên thiết kế sản xuất các hệ thống lái tự động cho drone để phục vụ công việc bảo vệ khoa bảo tồn.
Nhân viên kiểm lâm điều khiển máy bay không người lái (drone) bằng 2 laptop - một, hiển thị bản đồ đường bay của drone trên không trung và laptop thứ 2 thể hiện góc quan sát của drone qua camera độ phân giải cao. Với sải cánh chưa đến 1 mét, drone bay được ở độ cao hơn 150 mét. Các camera ghi hình nhiệt giúp drone có thể bay trong đêm tối và cho phép nhân viên điều khiển phân biệt rõ ràng hình dáng của những con vật. Họ thậm chí có thể nhìn thấy thân mình đồ sộ của con voi thay đổi nhiệt độ khi nó dùng vòi hút nước.
Robert Breare, lãnh đạo chiến lược và đổi mới của Kenya Wildlife Service, cho biết những chiếc drone chỉ nhằm hỗ trợ - hơn là thay thế - chó nghiệp vụ và các đội kiểm lâm vũ trang sử dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS.
Săn giết voi để lấy ngà và tê giác để lấy sừng là hoạt động kinh doanh tội phạm trị giá hàng triệu USD, với nhu cầu đặc biệt cao ở châu Á. Hoạt động phi pháp này đang đe dọa ngành du lịch của các nước châu Phi.
Crawford Allan, người phát ngôn cho Dự án công nghệ chống tội phạm của Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF), báo cáo: "Công viên Quốc gia Kruger Nam Phi là vùng đất của bọn săn giết lậu. Trong khu vực luôn có mặt 12 băng nhóm tội phạm hoạt động. Nó giống như một vùng chiến sự".
Còn Breare cho biết: "Với 1kg sừng tê giác, bọn tội phạm bán được khoảng 60.000 USD, trong khi một mẫu hoàn hảo có thể có giá đến 250.000 USD. An ninh là phần ưu tiên hàng đầu trong ngân sách hoạt động của chúng tôi. Tuy nhiên, phần đông các chuyên gia nhận định, công nghệ drone chưa phải là giải pháp hoàn hảo nhất. Bởi vì, như Breare giải thích: "Drone không được vũ trang. Hơn nữa, việc phát hiện bóng dáng của một tên săn lậu trong công viên rộng lớn là điều hết sức khó khăn, cho dù có sử dụng camera ghi hình vào ban đêm".
![]() |
Vận hành drone với 2 chiếc máy tính. |
Jonathan Downey, Giám đốc điều hành Airware, cũng thừa nhận việc phát triển một thân máy bay vừa nhẹ vừa đủ mạnh mẽ phù hợp với môi trường châu Phi vẫn còn là thách thức phía trước, nhất là khi giá thành là cả một vấn đề cho nhiều khu bảo tồn. Trong khi "bộ não" của drone nặng chỉ 100g, bộ năng lượng để vận hành trong các sứ mạng giám sát kéo dài đòi hỏi nặng nề hơn, nghĩa là thân máy bay phải to hơn và do đó giá thành cũng đắt hơn nhiều. Những chiếc drone nhỏ, rẻ tiền hơn với bộ năng lượng sử dụng được trong 30 đến 90 phút, trong khi đó các khu bảo tồn "thực sự cần những chiếc drone có khả năng bay liên tục trong 6 đến 8 giờ", Breare cho biết.
Aerial Information Platform (bao gồm các hệ thống phân tích dữ liệu trên nền đám mây và lái tự động) của Aieware có giá từ 50.000 đến 70.000 USD khi xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2014 - theo quảng cáo của Jonathan Downey.
Những chiếc drone tầm xa kỹ thuật cao có thể có giá hơn 250.000 USD. Ngoài ra, còn cần phải phát triển phần mềm tự động dò các loài động vật khác nhau và đếm số lượng. Trên khu vực đồng bằng ở châu Phi vào giữa đêm đen, bọn săn trộm sẽ trở nên vô hình ở khoảng cách 100 mét. Do đó, những chiếc drone phóng bằng tay được trang bị hệ thống nhìn ban đêm sẽ trở nên hữu dụng - theo Scott Williams, người sáng lập và là Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Khu bảo tồn (RPA), công ty tư vấn công nghệ phi lợi nhuận. Nhưng khi bọn săn trộm được định vị, các nhân viên kiểm lâm cũng sẽ gặp nguy hiểm trong việc bắt giữ vì chúng được trang bị vũ khí đầy đủ. Khoảng 1.000 nhân viên kiểm lâm bị giết chết trong 10 năm qua khi cố gắng bảo vệ đời sống hoang dã. Do đó, RPA đang thử nghiệm tích hợp hàng loạt các công nghệ cho Khu bảo tồn Amakhala ở tỉnh Eastern Cape, Nam Phi.
Scott Williams cho biết: “Chúng tôi đã phát triển loại thẻ theo dõi tích hợp công nghệ xác định tần số vô tuyến (RFID) và gắn trên thân những con thú, nhân viên kiểm lâm, xe cộ, vũ khí và cây cối. Chúng tôi cho lập 3 tháp lớn để thu nhận tín hiệu từ các thẻ theo dõi và tạo ra một loại không gian mạng. Drone chỉ là một lớp của củ hành mà chưa phải là giải pháp toàn bộ".
Dự án công nghệ chống tội phạm của WWF cũng đang cố gắng sử dụng giải pháp công nghệ cho các khu bảo tồn đời sống hoang dã sau khi nhận được khoản tiền tài trợ 5 triệu USD từ người khổng lồ Google. Crawford Allan, quan chức WWF, nói rõ: "Điều đầu tiên cần thiết trên mặt đất là đội ngũ nhân viên kiểm lâm được huấn luyện có bài bản, được trang bị tốt để phản ứng nhanh đối với dữ liệu thu được. Các hệ thống khác - như là gắn thẻ theo dõi động vật - được sử dụng kết hợp với công nghệ drone".
WWF, cũng như RPA, tin rằng sự liên kết mọi thiết bị cảm biến và camera trên không và trên mặt đất với mạng radio an toàn là yếu tố mấu chốt trong cuộc chiến chống tội phạm săn giết lậu động vật hoang dã. Cũng như việc phát hiện, săn lùng và răn đe những kẻ săn bắt lậu, những chiếc drone cũng đóng góp một vai trò bảo tồn quan trọng. Scott Williams tin rằng những chiếc drone tầm xa được trang bị nhiều hệ thống cảm biến và camera sẽ có ích trong công tác giám sát, thu thập dữ liệu và kiểm soát các khu bảo tồn động và thực vật hoang dã