Em bé đầu tiên chào đời từ mô buồng trứng đông lạnh của mẹ

Thứ Sáu, 26/06/2015, 07:00
Một phụ nữ 27 tuổi (danh tính không được tiết lộ) trở thành người mẹ đầu tiên trên thế giới sinh hạ một bé trai khỏe mạnh vào tháng 11/2014 nhờ mô buồng trứng đông lạnh của chính mình. Các nhà khoa học đánh giá ca sinh nở này mang tính "đột phá" quan trọng và là niềm hy vọng cho hàng triệu nữ bệnh nhân ung thư trước tuổi dậy thì có thể sinh con khi trưởng thành.

Trên thế giới đã có nhiều trường hợp thụ thai thành công sau khi cấy ghép mô buồng trứng của người mẹ trưởng thành được tách và trữ đông từ trước đó. Nhưng, đây là trường hợp đầu tiên mô buồng trứng được tách và trữ đông từ khi người mẹ còn chưa đến tuổi dậy thì.

Sự kiện đã được công bố trên Tạp chí Human Reproduction. Sau thành công bất ngờ này, các chuyên gia đang dự kiến nghiên cứu về khả năng sử dụng của mô buồng trứng chưa chín muồi để phát triển trứng trưởng thành.

Nữ bệnh nhân - người gốc Cộng hòa Congo - được chẩn đoán mắc phải chứng thiếu máu do hồng cầu hình liềm (hay chứng thiếu máu kinh niên ở người da đen) khi mới lên 5 tuổi. Khi nhập cư vào Bỉ lúc 11 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán bệnh của cô đã trở nặng đến mức cần phải được ghép tủy. Nhưng trước khi ca phẫu thuật tiến hành, bệnh nhân phải trải qua đợt hóa trị để ngăn cản hệ miễn dịch loại thải tủy ghép từ người hiến tặng.

Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh là tiến trình hóa trị liệu có thể phá hủy vĩnh viễn chức năng hoạt động của hai buồng trứng. Do đó, các bác sĩ quyết định tách bóc phần mô buồng trứng bên phải lúc bệnh nhân mới được 14 tuổi để đem trữ đông. Mặc dù đã có dấu hiệu dậy thì với bộ ngực đã phát triển nhưng cô gái vẫn chưa có kinh nguyệt. Ca cấy ghép tủy thành công (bất chấp xuất hiện hiện tượng tế bào mô ghép tấn công vật chủ) và bệnh nhân phải uống thuốc ức chế miễn dịch trong suốt 18 tháng sau phẫu thuật.

Mô buồng trứng bảo quản đông lạnh của phụ nữ 27 tuổi được lấy ra để rã đông.

Do buồng trứng bên trái đã bị hỏng khi bệnh nhân lên 15 tuổi cho nên các bác sĩ chỉ định liệu pháp hormone thay thế để phát triển kinh nguyệt. 10 năm sau, bệnh nhân này quyết định mang thai nên nhờ tư vấn của bác sĩ. Để phục hồi khả năng sinh sản cho cô, nhóm bác sĩ Bệnh viện Erasme Đại học Libre de Bruxelles (Bỉ) do Isabelle Demeestere lãnh đạo chỉ định ngừng liệu pháp hormone thay thế.

Một số mô buồng trứng đông lạnh của bệnh nhân được rã đông và tiến hành ghép 4 mô vào phần buồng trứng bên trái còn lại, trong khi 11 mô khác vào phần bên kia cơ thể. Mô ghép bắt đầu đáp ứng với các hormone của bệnh nhân và phát triển các nang chứa trứng trưởng thành. Hơn 2 năm sau cấy ghép mô buồng trứng, cô gái bắt đầu mang thai và sinh hạ bé trai.

Bác sĩ Isabelle Demeestere, Bệnh viện Erasme, nói: "Đây là bước đột phá quan trọng. Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc những căn bệnh đòi hỏi phương pháp điều trị có thể phá hủy chức năng buồng trứng, thì đông lạnh mô buồng trứng là lựa chọn khả thi để bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân về sau này".

Tuy nhiên, một số vấn đề còn đang trong vòng tranh cãi cho nên bác sĩ Demeestere cho rằng: "Hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng mô buồng trứng bảo quản đông lạnh nên chỉ được sử dụng cho mục đích phục hồi khả năng sinh sản nơi các bệnh nhân có nguy cơ cao hỏng buồng trứng, chớ không dành cho kích thích dậy thì hay để phục hồi chu kỳ kinh nguyệt nơi người trưởng thành". Bác sĩ Demeestere cho biết buồng trứng của cô gái 27 tuổi vẫn tiếp tục hoạt động bình thường và bà tin tưởng không có lý do gì mà người mẹ này không thể sinh thêm con nếu muốn.

Bé trai đầu tiên chào đời nhờ mô buồng trứng đông lạnh.

Bác sĩ Demeestere giải thích: "Người mẹ có thể trải qua ca phẫu thuật cấy ghép thứ 2 với phần mô đông lạnh còn lại nếu xảy ra trường hợp mô ghép ngưng hoạt động bởi vì trong lần ghép đầu tiên chúng tôi không sử dụng toàn bộ mô buồng trứng bảo quản đông. Chúng tôi cũng có một nữ bệnh nhân khác bắt đầu mang thai sau cấy ghép buồng trứng và người này đã sinh đôi sau 2 lần cấy ghép mô".

Giáo sư Adam Balen ở Trung tâm Y khoa sinh sản Leeds (Anh) đánh giá trường hợp thành công ngoạn mục của cô gái 27 tuổi sẽ đi vào lịch sử y khoa thế giới.

Giáo sư cho rằng: "Hóa trị liệu có thể tác động đến hai buồng trứng và dẫn đến mãn kinh sớm nhưng đó không rơi vào trường hợp của cô gái. Hóa trị liệu được sử dụng để chữa trị ung thư cho nên lựa chọn đông lạnh mô buồng trứng mở ra cơ hội bảo tồn khả năng sinh sản về sau này cho bệnh nhân. Hiện nay, thủ thuật này đã được tiến hành nhiều lần nơi người lớn và có vài trường hợp mang thai thành công được ghi nhận trên thế giới. Hiện nay, chỉ có vài trung tâm được trang bị công nghệ tiến hành thủ thuật, tôi hy vọng sắp tới kỹ thuật sẽ trở nên phổ biến rộng rãi".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.