Ở trong đám cháy, cách xử trí để sống sót

Thứ Ba, 07/10/2014, 14:15

Vừa qua, vụ cháy xảy ra tại tiệm làm tóc Lan Anh trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM đã để lại hậu quả đau lòng với 7 người chết. Nhưng không chỉ riêng tiệm tóc này mà với nhiều vụ cháy khác, thảm họa có thể phần nào hạn chế nếu những người trong nhà được trang bị những kiến thức và kỹ năng tối thiểu để xử trí khi hỏa hoạn xảy ra…

1. "Ngay khi dọn về một căn nhà mới - nhất là những căn nhà chỉ có một cửa ra vào duy nhất còn hai bên là vách tường nhà hàng xóm thì nếu cần phải thoát thân trong trường hợp nhà cháy, cửa bị khóa kín, bạn sẽ ra bằng đường nào?", anh Vĩnh, một cựu cán bộ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có hơn 30 năm tuổi nghề khi trao đổi với chúng tôi đã đặt câu hỏi. Theo anh Vĩnh, phần lớn người ta thường không để ý đến tình huống này mà cứ cho rằng nếu có sự cố thì chỉ việc mở cửa chạy ra là xong!

Vì thế, mới xảy ra những trường hợp chết cháy, chết vì ngạt thở, chết do ngộ độc khí, chết do giẫm đạp lên nhau mà nguyên nhân chính vẫn là không có đường thoát hoặc không am hiểu cấu trúc ngôi nhà, dẫn đến việc đi vào đường cụt, hoặc do hoảng loạn mạnh ai nấy chạy. Theo nguyên lý, khi cháy lửa và khói có khuynh hướng bốc lên cao. Lúc đó sẽ xuất hiện hiện tượng thiếu ôxy - nhất là trong những phòng kín vì lửa đã lấy ôxy để phục vụ cho việc đốt cháy còn khói thì chứa rất nhiều chất độc sản sinh ra từ những đồ vật trong nhà như ghế nệm da, cao su, xô, chậu nhựa, các vật dụng bằng gỗ, quần áo, vải vóc…

Với những căn nhà có chứa vật liệu kinh doanh, sản xuất như thuốc sơn móng tay, aceton để chùi rửa móng tay, keo xịt tóc, dầu bóng, sơn, hạt nhựa, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, dây điện, hóa chất… thì chất độc có trong khói lại càng nguy hiểm hơn nhiều. Thực tế cho thấy hầu hết các đám cháy, số người chết vì ngạt thở do hít phải khói nhiều hơn số người chết vì lửa!

Khi xảy ra cháy - nhất là vào ban đêm, phần lớn người ta đều hoảng loạn, không còn giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo. Lúc ấy, thay vì phải tìm lối thoát gần nhất, nhanh nhất thì không ít người lại lo thu gom tài sản - thường là những thứ quý giá như vàng bạc, ngoại tệ, kim cương, các giấy tờ quan trọng hoặc quần áo, đồ vật trong nhà như xe máy, tivi, tủ lạnh, thậm chí có người còn lo tìm cả con chó, con mèo nên vô hình trung đã bỏ qua "thời gian vàng" - là khoảng thời gian hoàn toàn có thể thoát thân.

Anh Vĩnh nói: "Có đám cháy sau khi được dập tắt, nạn nhân nằm chết trong tư thế một tay ôm chặt chiếc tủ sắt, tay kia bám vào núm vặn khóa số! Cũng có những đám cháy khi mới bắt đầu xảy ra, những người trong gia đình chẳng ai biết chìa khóa cửa để ở chỗ nào. Tới lúc tìm được thì lửa, khói đã mù mịt, chưa ra đến nơi đã ngã quị vì ngạt thở".

Tòa nhà ITC lúc đang bốc cháy.

2. Để có thể thoát hiểm khi xảy ra cháy thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải thông thuộc đường đi lối lại trong nhà, nhớ rõ những đồ vật nằm gần các lối đi, chân cầu thang, trong các chung cư, cao ốc, trụ sở nơi làm việc, nhất là những ngôi nhà diện tích rộng, có nhiều tầng, nhiều phòng.

Ông Phong, người cùng gia đình may mắn thoát chết trong vụ cháy căn nhà của ông ở quận 12 kể lại: "Khi đó, khói bốc mù mịt, mắt mũi cay xè, lại thêm ngọn lửa rất nóng, thở không nổi nên dễ mất định hướng. Lúc đầu, tôi kéo vợ tôi cùng 2 đứa con chạy qua bên phải hành lang nhưng mới bước vài bước, tôi sực nhớ ra rằng cửa sau thông ra con hẻm nằm phía bên trái. Vì vậy, tôi kêu cả nhà quay lại nên nhờ vậy, chỉ một đứa con tôi bị phỏng nhẹ".

Một chi tiết nữa cũng cần phải chú ý. Theo anh Vĩnh, để đề phòng trộm cắp, rất nhiều chủ nhà ngoài việc khóa 2, 3 lớp cửa, họ còn làm hàng rào, hoặc hàn những khung sắt bít kín những khoảng trống trước sân, ngoài " ban công" - nơi mà họ nghĩ rằng bọn đạo tặc có thể theo đó để xâm nhập nên đã vô tình làm mất đi những lối thoát hiểm khi cần thiết, còn chìa khóa thì nay họ để chỗ này, mai họ để chỗ khác, chưa kể có người còn mua 4, 5 ổ khóa giống nhau, do đó chìa khóa cũng na ná nhau nên khi xảy ra cháy, việc tìm kiếm mất khá nhiều thời gian, còn nếu tìm được thì do hoảng loạn, họ cũng dễ lẫn lộn chìa này với chìa khác.

Anh Vĩnh nói: "Tốt nhất là nên để chìa khóa ở một nơi cố định, nơi mà mọi người trong nhà đều biết và đều có thể lấy được. Bên cạnh đó, nếu nhà có nhiều khóa thì nên dùng sơn hoặc băng dính để đánh dấu chìa khóa, thí dụ khóa cửa ra vào đánh dấu màu đỏ, khóa cổng trước đánh dấu xanh, khóa cổng sau dấu vàng…".

Tuy nhiên trường hợp, khi xảy ra cháy, thay vì lo cho tính mạng mình cùng những người trong nhà, họ lại lo… cứu tài sản! Mà để mở một ổ khóa số của két sắt, lúc bình thường cũng phải mất cả phút chứ huống gì bốn bề lửa khói vây quanh, mở ra được rồi lắm khi không còn đường chạy. Anh Vĩnh cho biết: "Tài sản để trong két sắt - ngoại trừ tiền hoặc giấy tờ quan trọng có thể bị thiêu hủy vì sức nóng, còn nếu là vàng bạc thì dù có chảy ra, nó vẫn nằm đó chứ mất đi đâu".

Một nguyên tắc thoát hiểm nữa cũng không kém phần quan trọng khi xảy ra đám cháy có nhiều khói là phải hết sức bình tĩnh, nhận định hướng lửa, hướng khói để tìm đường thoát cho phù hợp. Khi ấy, dùng khăn vải dày thấm ướt nước bịt vào mũi, vào miệng để lọc bớt khói rồi khom người thật thấp khi di chuyển, thậm chí có thể bò trên nền nhà vì khói có khuynh hướng luôn bốc lên cao, ôxy vẫn còn ở sát mặt đất. Để vượt qua đám cháy, dùng chăn, mền, áo khoác nhúng nước cuốn vào người, giày cũng nhúng nước, miệng, mũi che kín bằng khăn ướt, tay cầm sẵn chìa khóa rồi nín hơi chạy thật nhanh.

Lúc cửa đã mở và người đầu tiên đã thoát được ra ngoài, những người còn lại lần lượt nối đuôi nhau theo nguyên tắc mỗi người lớn kèm một đứa trẻ con. Với những trẻ còn nhỏ, chưa thể tự đi được thì ẵm nó và che phủ nó bằng tấm chăn, mền ướt. Với những nhà cao tầng, tuyệt đối không dùng thang máy để thoát thân vì khi xảy ra cháy, thang máy có thể tự ngừng hoạt động hoặc do ngành điện cúp điện để đề phòng sự cố, mà nên chọn cầu thang bộ. Cố gắng giữ bình tĩnh và kêu gọi mọi người xung quanh bình tĩnh vì thực tế cho thấy trong một số đám cháy, số người chết vì hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau lắm khi nhiều hơn số người chết vì lửa, vì khói.

Trường hợp lửa không cháy ở trong phòng, mà cháy đâu đó bên ngoài thì khi ra đến cửa - nếu cửa vẫn đóng kín thì trước khi mở, nên dùng mu bàn tay chạm vào tay nắm - hầu hết đều làm bằng kim loại để thăm dò nhiệt độ vì lớp da trên mu bàn tay nhạy cảm với sức nóng hơn là da lòng bàn tay. Trường hợp cửa và tay nắm đều bằng gỗ hoặc bằng nhựa tổng hợp, dùng mu bàn tay đặt lên lớp gỗ hoặc quan sát xem nhựa có bị biến dạng như phình lên, nổi bọt hay không. Nếu thấy nóng hoặc rất nóng, hoặc thấy khói bốc lên từ dưới khe cửa thì có nghĩa là bên ngoài đang cháy. Khi ấy, tuyệt đối đừng mở cửa mà hãy tìm đường khác còn nếu đã lỡ mở thì phải đóng ngay lại.

Nếu bị lửa bắt vào quần áo, đừng chạy vì chuyển động chạy sẽ làm cho lửa cháy lớn hơn do được cung cấp thêm ôxy. Hãy che kín mặt rồi nằm xuống, lăn qua lăn lại cho đến khi lửa tắt. Nếu thấy người khác bị cháy, tìm cách làm cho họ nằm xuống rồi dùng chăn, mền, áo khoác phủ thật nhanh, thật kín vào chỗ cháy. Khi lửa đã tắt, không nên tự cởi quần áo ra vì sẽ làm lột da. Cũng đừng nhảy vào thùng chứa nước, bể nước nằm trong đám cháy vì rất có thể sẽ bị luộc chín!

3. Để phòng ngừa cháy, theo anh Vĩnh thì mỗi gia đình nên tự trang bị 1 - 2 bình chữa cháy loại nhỏ, giá chỉ vài trăm nghìn đồng, đặt ở những nơi dễ lấy nhất và tất cả những người lớn trong nhà đều phải được huấn luyện cách sử dụng thành thạo bình chữa cháy. Trong nhà, nên sắp xếp đồ vật gọn gàng, ngăn nắp, nhất là những đồ vật dễ bắt lửa như xăng dầu, vải vóc, giấy, vải thì không nên để gần nguồn nhiệt cao như bếp ăn, cục nóng của máy điều hòa không khí.

Với những nhà có vật liệu sản xuất là những chất dễ cháy, nên để tập trung ở một nơi riêng biệt và đặt bình chữa cháy ngay gần đó. Nếu cháy các vật dụng bằng gỗ, vải, nhựa, có thể dùng nước để dập tắt nhưng nếu cháy bếp gaz, chập điện hoặc xăng dầu, tuyệt đối không chữa bằng cách tạt nước vì xăng dầu nhẹ hơn nước, sẽ theo nước chảy ra gây cháy lan.

Khi phát hiện cháy, phải đảm bảo rằng tất cả mọi người trong nhà đều biết nhà đang xảy ra cháy. Dù sợ hãi, cũng không bao giờ được chui vào gầm giường, gầm bàn hay tủ quần áo. Đóng kín tất cả những cửa đang mở để ngăn cháy lan rồi báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc Công an phường. Khi gọi, cần nói rõ địa chỉ nơi đang xảy ra cháy, cháy cái gì (nhà hay xe, hay kho bãi, cháy ở tầng thứ mấy nếu là nhà cao tầng) đồng thời thông báo cho Cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc đội cứu hộ biết còn bao nhiêu người mắc kẹt trong nhà, họ ở phòng nào, nằm tại vị trí nào

Cao Trí
.
.